Ứng dụng bài Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc để xử lý khủng hoảng lý tưởng sống trong đời sống xã hội hiện nay (SC. Thích Nữ Hạnh Từ)

DẪN NHẬP
Thế giới đang đối diện với nhiều sự khủng hoảng, trong đó có khủng hoảng lý tưởng sống. Cơn sóng khủng hoảng này vốn khởi sinh từ lòng tham của con người, đang lan tràn khắp mọi ngõ ngách cuộc sống. Theo nhãn quan của các triết gia, đây là cuộc khủng hoảng văn hoá bắt nguồn từ các hệ tư tưởng thuộc Tây Nam Á, sau đó lan tràn khắp nơi [1]. Khi giáo đường mỗi ngày mỗi vắng bóng các tín đồ, điều này cũng có nghĩa triết lý sống của các triết thuyết ấy không còn thích hợp với con người hiện nay. Có nhiều nơi gọi đây là “khủng hoảng về đạo đức, luân lý”, khi mục đích sống của con người được đặt trên bàn cân tư duy vật chất hay chủ nghĩa thực dụng. Các nhà tâm lý học cho rằng cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ cái gọi là “malaise, ennui, mal du siecle”, chính là phiền muộn, bực dọc, bệnh thế kỷ. Đây là sự tê liệt hóa cuộc sống, sự máy móc hóa con người, sự cách ly khỏi chính mình, đồng loại và thiên nhiên [2].

 

Theo ngài Thanh Kiểm, trong mỗi chúng ta, ai cũng sẵn có Phật tánh, ai cũng có thể tu tập chứng ngộ giải thoát. “Lý tưởng tăng già thì không phân biệt tại gia hay xuất gia, vì ai nấy đều là Phật tử, đều là Phật giáo đồ, nếu quyết tâm tu hành cũng đều có thể chứng ngộ, giải thoát”.

NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG
Nhiều nhà khoa học, nhà triết gia, nhà tâm lý học đã và đang tìm cách đưa nhân loại thoát ra khỏi cơn đại hồng thủy này. Tuy nhiên, theo cách nhìn của người nghiên cứu Phật học, có lẽ những cách giải quyết đó chỉ làm hạ nhiệt cuộc “khủng hoảng”, giải quyết phần nổi của vấn đề, nhưng khó có thể giải quyết tận nguồn cơn của nó. Trong bài Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, Đức Phật đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng lý tưởng sống và phương pháp giúp chúng ta có một đời sống lý tưởng. Bản chất cuộc khủng hoảng phát sanh từ nguyên nhân chính đó là lòng tham quá độ, thiếu sự thấy biết thực tướng các pháp. Vô thường lại cho là thường, vô ngã chấp là thực ngã, khổ cho là vui, chính nhìn sai lạc như vậy dẫn đến sự xác định sai lầm về lý tưởng sống.

Điểm đặc biệt của Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc đề cập đến bảy nguyên nhân góp phần gây ra khủng hoảng lý tưởng sống đó là nhận thức sai lầm, thiếu sự phòng hộ các giác quan, thọ dụng để thỏa mãn các dục, thiếu kham nhẫn, không biết tránh né những thứ cần tránh né, không đoạn trừ các bất thiện pháp và không tu tập các yếu tố dẫn đến sự giác ngộ [3]. Đứng trước một xã hội đầy biến động, nhiều thứ dụ dẫn khiến tâm chúng ta dễ dàng lung lay, chạy theo những thú vui tạm bợ mà đánh mất lý tưởng sống của mình. Như vậy, lối sống đi ngược lại bảy điều trên sẽ là lối sống có lý tưởng.

Bên cạnh những lối sống tiêu cực, vẫn còn có nhiều người có lý tưởng sống cao đẹp, sống có hoài bảo, sống luôn hướng đến phụng sự. Ví như lý tưởng muốn trở thành một bậc xuất trần thượng sĩ, sống theo hạnh nguyện của Đức Phật và Bồ-tát cứu người giúp đời, đây được xem là lý tưởng sống cao đẹp. Địa Tạng có một hạnh nguyện nếu địa ngục chưa trống không, Ngài thề không thành Phật, chúng sanh độ hết rồi, Ngài mới chứng Bồ-đề [4]. Theo ngài Thanh Kiểm, trong mỗi chúng ta, ai cũng sẵn có Phật tánh, ai cũng có thể tu tập chứng ngộ giải thoát. “Lý tưởng tăng già thì không phân biệt tại gia hay xuất gia, vì ai nấy đều là Phật tử, đều là Phật giáo đồ, nếu quyết tâm tu hành cũng đều có thể chứng ngộ, giải thoát” [5].

GIẢI PHÁP THOÁT KHỎI KHỦNG HOẢNG THEO PHẬT GIÁO
Như vậy, để đạt được lý tưởng thì tinh tấn là một trong bảy chi phần dẫn đến giác ngộ được Đức Phật nhắc đến trong bài Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc. “Đối với các ác, bất thiệp pháp đã sanh, phải khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng” [6]. Như vậy, một người sống có lý tưởng là người luôn luôn nỗ lực tinh tấn để đoạn trừ các bất thiện pháp. Đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm không cho sanh khởi; đối với các pháp ác bất thiện đã sanh, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm khiến chúng đoạn tận [7]. Tất cả mọi cố gắng phải thực hiện bằng hành động tinh tấn mỗi ngày, chứ không phải chỉ ngồi mơ ước, nếu chỉ mơ ước mà không thực hành hướng đến mục đích thì điều này không thể xảy ra. Có nhiều lý tưởng thất bại vì thiếu thực tế “lý tưởng này phải phù hợp với thực tế; nếu không phù hợp sẽ trở thành ảo tưởng, không tưởng” [8]. Dù có mơ mộng, nhưng chúng ta đừng sống trong giấc mộng, phải sống với thực tại, thực tại này đồng tính chất của tương lai.

Lý do chúng ta sống không được an vui hạnh phúc, chính bởi thiếu đi những nhu cầu cần thiết như lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm. Nhiều người cho rằng điều đó nói rất dễ, nhưng vẫn không thể dùng nó làm cơm ăn được. Họ cho rằng có danh dự, có tất cả, có tình yêu, có tiền thì có thể vui vẻ được. Nhưng tại sao có người có danh dự nhưng lại rất phiền não, có tình yêu mà lại rất đau khổ, có tiền tài vẫn còn buồn. Danh dự đó phải phục vụ cho mọi người mới vui vẻ; tình yêu phải cống hiến cho người khác mới có ý nghĩa; tiền bạc phải bố thí cho người nghèo mới có giá trị, cuộc sống như thế mới là cuộc sống vui vẻ thật sự [9].

Trong bài Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, Đức Phật nhấn mạnh tác hại của việc không được thân cận các bậc thánh, bậc thiện tri thức, bậc chơn nhân sẽ dẫn đến cái nhìn sai lạc đối với các pháp. “Có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc chơn nhân, không tu tập pháp các bậc chơn nhân, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Chính vì vậy nên các lậu hoặc chưa sanh nó sẽ sanh khởi, lậu hoặc đã sanh ngày càng tăng trưởng” [10]. Do yếu tố này mà chúng ta xác định sai lối sống và dẫn đến phiền não khổ đau. Một lối sống bế tắc, đầy rẫy những khổ đau cho mình và những người xung quanh làm sao có thể gọi là lý tưởng sống. Do vậy, chúng ta nên thân cận với bậc thánh, sống gần người nào mà các niệm chưa an trú được an trú; tâm không định tĩnh được định tĩnh; các lậu hoặc chưa hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ; vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt.
“Chớ thân với bạn ác
Chớ thân kẻ tiểu nhân
Hãy thân người bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân” [11].

Bản chất cuộc khủng hoảng phát sanh từ nguyên nhân chính đó là lòng tham quá độ, thiếu sự thấy biết thực tướng các pháp. Vô thường lại cho là thường, vô ngã chấp là thực ngã, khổ cho là vui, chính nhìn sai lạc như vậy dẫn đến sự xác định sai lầm về lý tưởng sống.

Chúng ta phải nuôi lý tưởng đó bằng đời sống tỉnh thức, thân cận các bậc thiện hiền có cùng lý tưởng để họ có thể truyền năng lượng tích cực. Nếu sống bên những người chỉ biết hưởng thụ, tranh giành quyền lợi, tiêu diệt lẫn nhau thì một ngày nào đó chúng ta cũng như vậy. Như trong Parabhava Sutta Đức Phật đã dạy: “Thân cận với kẻ hư hèn, không thấy gì tốt nơi người đạo đức, người thật lòng với thói hư tật xấu, đây là nguyên nhân làm cho con người suy đồi” [12]. Khi ở trong một cộng đồng có nhiều lý tưởng tốt đẹp, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng rất nhanh với những lý tưởng tốt đẹp.

Ngược lại, nếu sống trong môi trường ai cũng tranh giành, sống theo sự ích kỷ cá nhân chắc chắn chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Điều này được Đức Phật nhắc đến trong Kinh Khu Rừng: “Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú; tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh; các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ; vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt” [13]. Lúc này chúng ta cần từ bỏ ngôi rừng ấy, không ở lại ban ngày lẫn ban đêm. Cũng vậy, một môi trường xấu, bạn bè xấu chúng ta nên tránh né, từ bỏ để tự tìm cho mình một con đường đúng đắn và lý tưởng hơn. Như vậy, tránh né có vai trò quan trọng trong việc loại trừ các tác nhân gây hại cho bản thân và giữ gìn lý tưởng sống cao đẹp.

Đằng sau lối sống chạy theo dục lạc là xu thế của con người bất hạnh muốn thoát khỏi cái ta hạn hẹp và vị kỷ, thoát khỏi một tâm trạng bất an và ưu tư dai dẳng. Nhưng vì sao lại có tâm trạng bất an và ưu tư thường trực đó? Phải chăng con người tưởng rằng, vì nội tâm đầy ưu tư và buồn chán nên cần hướng ra bên ngoài để tìm lạc thú vật chất? Phải chăng con người tưởng rằng càng chiếm hữu nhiều của cải và tiện nghi vật chất sẽ càng thêm hạnh phúc, mọi ưu tư trong nội tâm sẽ được xóa bỏ. Ấn Độ cổ đại đã từng có triết phái Duy vật chủ trương như thế. Và ở thành phố Athène thời Socrates, có những triết gia thuộc phái ngụy biện cũng từng bênh vực cho lối sống khoái lạc vật chất tối đa như là một lối sống lý tưởng, xứng đáng được con người mơ ước [14]. Đạo Phật gọi đó là ảo tưởng của những người khát nước mà còn uống nước muối và càng uống càng bị khát.

Khi nhắc đến hai chữ lý tưởng, rất nhiều người nghĩ rằng cái gì đó xa vời, thiếu thực tế, và chỉ quan tâm đến tiền tài, danh vọng. Nhưng thật sự lý tưởng không phải là những gì quá xa vời, nó bắt đầu từ việc lãnh đạo chính bản thân và làm chủ những điều hết sức nhỏ nhoi trong cuộc sống hàng ngày. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ trở thành một vị lãnh đạo lý tưởng cho cả bản thân và tha nhân. “Người lãnh đạo lý tưởng, theo Đức Phật, phải như một vị Chuyển luân vương, đủ tài năng, đức độ, trị nước đúng theo chánh pháp, mang lại hạnh phúc cho toàn dân” [15].

Trong Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, Đức Phật đã chỉ bày những phương pháp giúp chúng ta có một đời sống lý tưởng. Việc thọ dụng bốn vật thực theo tinh thần thiểu dục tri túc của Phật giáo cũng là một phần quan trọng giúp chúng ta hướng đến đời sống lý tưởng. Nguyên nhân chính của khổ đau mà nhân loại ngày nay phải gánh chịu chính là lòng khát ái, tham dục của chính mình [16].

Điểm đặc biệt của Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc đề cập đến bảy nguyên nhân góp phần gây ra khủng hoảng lý tưởng sống đó là nhận thức sai lầm, thiếu sự phòng hộ các giác quan, thọ dụng để thỏa mãn các dục, thiếu kham nhẫn, không biết tránh né những thứ cần tránh né, không đoạn trừ các bất thiện pháp và không tu tập các yếu tố dẫn đến sự giác ngộ.

Phần lớn con người thời nay có khuynh hướng nặng về vật chất, hưởng thụ, mất lòng tin vào đời sống tâm linh, tôn giáo, không tin đạo lý nhân quả. Ý tưởng thực dụng đang ăn mòn những giá trị nhân văn, cơn khát thỏa mãn cảm xúc đang đốt cháy những giá trị văn hóa tinh thần. Từ ngàn xưa, Đức Phật đã chỉ ra phương cách thọ dụng như thế nào để những phiền não không khởi sanh, lậu hoặc không làm ảnh hưởng đến đời sống hướng thượng. Phần lớn con người thời nay đang bị đắm chìm trong ý niệm “sở hữu thay vì hiện hữu”. Đó là biểu hiện của cực đoan “hưởng thụ dục lạc”, vốn có nguồn gốc từ triết lý đoạn diệt. Như thế, nguyên nhân của mọi khủng hoảng hiện nay đều có gốc rễ từ lòng tham dục của con người, sống chỉ biết hưởng thụ mà không biết cống hiến. Hậu quả của nó đã đưa nhân loại chìm sâu trong thế giới chiến tranh, nghèo đói, tệ nạn xã hội. Sống chỉ biết vì mình chứ không vì người, chỉ biết vui thích với những thú vui tạm bợ mà đánh mất lý tưởng cao đẹp.

Đức Phật Thích Ca nhờ công phu tu tập bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian, như lời của thi hào Ấn Độ Tagore đã nói về Đức Phật là “con người vĩ đại nhất sinh ra ở đời này” [17]. Bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên tới đỉnh cao của giác ngộ và giải thoát, như chính Đức Phật vậy. Chúng sanh vì vô minh che mờ mà bỏ quên đi chân tâm Phật tánh sẵn có. Để rồi chạy tìm kiếm bên ngoài những thú vui tạm bợ, trôi lăn mãi trong biển sanh tử luân hồi, muôn đời khó thoát. Trong Kinh Tương Ưng, Đức Phật dạy sinh ra làm người đã khó, gặp được Phật pháp lại càng khó hơn, ví như con rùa mù trăm năm mới nổi lên một lần gặp bọng cây để chui vào. Điều này vẫn còn có thể, nhưng người khi đã rơi vào đọa xứ để làm lại được thân người càng khó hơn [18]. Vì vậy, đã được làm thân người rồi chúng ta phải cố gắng sống cho thật ý nghĩa, lý tưởng, giúp người giúp đời.

Bài Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc giúp chúng ta nhận chân được những sai lầm trong thấy biết, đạo Phật gọi là tà kiến, tà tư duy hay phi như lý tác ý dẫn đến sự khủng hoảng trong mọi khía cạnh đời sống. Bài kinh giúp con người tìm lại chính mình, trở về chân tâm Phật tánh, thực hiện lối sống đạo đức trí tuệ.

GIÁ TRỊ GIÁO LÝ PHẬT GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI
Trên 26 thế kỷ tồn tại và phát triển của mình, giáo lý Phật giáo đang trở thành lý tưởng sống tốt đẹp cho con người. Bởi lẽ, chỉ cần đọc qua những lời dạy căn bản của Đức Phật, chúng ta có thể nhận ra đâu là con đường cần hướng đến. Lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất để thỏa mãn cảm xúc mà con người thực nghiệm và từng trải bấy lâu nay dường như chưa bao giờ làm cho họ cảm thấy vừa đủ. Khi lòng dục không được thỏa mãn, khát vọng ấy sẽ thiêu đốt và thúc giục con người lùng sục, tìm kiếm những cảm giác mới. Càng hưởng thụ dục lạc, con người càng cảm thấy thèm khát vì sự thiếu thốn về nó và trở thành nô lệ cho chính khát ái của mình. Đức Phật dạy: “Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải bị cái hại đứt lưỡi” [19]. Trạng thái không thỏa mãn với khát ái, dục vọng của bản thân khiến cuộc sống con người rơi vào khủng hoảng với tâm lý luôn luôn trống trải và thiếu thốn.

Con người ở các nước Âu Mỹ ngày càng bị cuốn hút bởi triết lý sống Phật giáo. Bởi sau khi ứng dụng lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống, họ đã thực sự nhận chân ra giá trị của lối sống đơn giản nhưng đầy hiệu quả. Như lời phát biểu giáo sư Rhys Davids sau đây: “Dầu là Phật tử hay không phải Phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, và trong tất cả, tôi không tìm thấy trong tôn giáo nào có cái gì cao đẹp và toàn vẹn hơn Bát chánh đạo của Đức Phật. Tôi chỉ còn có một việc làm là thu xếp nếp sống của tôi sao cho phù hợp với con đường ấy” [20]. Có thể nói, nghệ thuật sống này sẽ là một trong những chọn lựa khôn ngoan cho những ai đang bối rối trước cơn lốc khủng hoảng, bởi vì hiệu quả mà nó đem lại chuyên chở đầy đủ những chất liệu cần thiết mà hầu hết mọi người đang mong ước và kiếm tìm. Nghệ thuật sống này của Phật giáo còn có khả năng giúp con người tỉnh táo để từng bước giải quyết mọi sự rối ren, khủng hoảng trong hiện tại, đồng thời thiết lập lại giá trị sống cho cả thế giới con người lẫn tự nhiên.

Bài Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc giúp chúng ta nhận chân được những sai lầm trong thấy biết, đạo Phật gọi là tà kiến, tà tư duy hay phi như lý tác ý dẫn đến sự khủng hoảng trong mọi khía cạnh đời sống. Bài kinh giúp con người tìm lại chính mình, trở về chân tâm Phật tánh, thực hiện lối sống đạo đức trí tuệ. Thay vì lao mình vào trong những trò chơi nguy hiểm để tìm kiếm lạc thú, những loại thức ăn, thức uống, thuốc gây ra cảm giác kích thích cao độ, nhiều người lại thích đắm mình trong những không gian yên tĩnh, môi trường sống thiên nhiên để cảm nghiệm sự thanh khiết của trời đất. Nếu như ngày hôm qua, người ta thích đến vũ trường, tụ điểm giải trí, phòng trà, quán nhậu để kiếm tìm cảm giác lấp đầy sự trống trải của nội tâm, thì hôm nay phần lớn lại chọn những nơi nuôi dưỡng tâm hồn như trường thiền, khóa tu, chùa chiền, hay trở về dưới mái ấm gia đình. Nếu trước đây, họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, tìm cách để thỏa mãn mọi cảm xúc riêng tư, thì ngày nay nhân loại đang mở rộng lòng mình để chăm sóc đến hạnh phúc của tha nhân, đây được xem là lý tưởng sống cao đẹp. Giáo lý Phật giáo nói chung và bài Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc nói riêng có giá trị vô cùng to lớn, kịp thời giúp con người nhận chân ra được đâu là lý tưởng sống cao đẹp cần hướng đến của kiếp sống con người.

Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Peccei.A-Daisaku Idkeda (1978), Beore It Is Too Late, Introduction, tr.1, Tokyo – New York – London.
[2] E. Fromm (2013), Psychoanalysis and Zen Buddhism, Nxb. Open Road Media, United States, tr.78-79.
[3] Kinh Trung Bộ, I, Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.25.
[4] Thích Trí Tịnh (2011), Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.9.
[5] Thích Thanh Kiểm (2020), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Lao Động, tr.56.
[6] Kinh Tương Ưng Bộ, II, Thích Minh Châu dịch (2013), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.647.
[7] Kinh Tăng Chi Bộ, II, Thích Minh Châu dịch (1996), Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.302.
[8] Thích Trí Quảng (2011), Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển Quyển III, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.125.
[9] Tống Thiên Thiên, Đàm Phật Thuyết Đạo Ngộ Nhân Sinh, Thoại Trang dịch (2020), Nxb. Dân Trí, tr. 283.
[10] Kinh Trung Bộ, I, Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.26.
[11] Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu dịch (2017), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.43.
[12] Narada Maha Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch(2019), Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.471.
[13] Kinh Trung Bộ, I, Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Khu Rừng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.143.
[14] Thích Minh Châu (2001), Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.144.
[15] Thích Chơn Thiện (2006), Tăng Già Thời Đức Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.308.
[16] Viên Trí (2018), Phật Giáo Qua Lăng Kính Xã Hội, Nxb. Hồng Đức, tr.81-82.
[17] Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn (2009), Đức Phật Thích Ca Đã Xuất Hiện Như Thế, Văn hóa Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh, tr.331.
[18] Kinh Trung Bộ, II, Thích Minh Châu dịch (2012), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.501.
[19] Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đoàn Trung Còn dịch (2004), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.388.
[20] Nàrada Thera, The Buddha and His Teaching.