Tóm tắt: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất sản xuất lương thực lớn nhất của cả nước, là vùng đất nuôi lớn sự sống của hàng triệu con người Việt Nam. Chính dòng nước ngọt hiền hoà của vùng Tây Nam bộ đã dưỡng nuôi những anh hùng dân tộc, những chí sĩ yêu nước như: Thủ Khoa Huân, Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, đặc biệt là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhân vật sinh thời có nhiều công lao trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Tây Nam bộ và là thân sinh bậc kỳ tài thiên hạ – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không những thế, dòng nước ngọt Cửu Long Giang đã dung chứa, nuôi lớn bậc xuất trần Thượng sĩ: Hoà thượng Thích Trí Tịnh, một cao Tăng đắc đạo của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo miền Tây Nam bộ thế kỷ XXI. Bài viết tập trung trình bày: Ngọn đèn Tổ của Phật giáo miền Tây Nam bộ; triết lý tư tưởng niệm Phật của Hoà thượng Thích Trí Tịnh, nhằm nêu cao công đức, tưởng nhớ đến bậc xuất trần Thượng sĩ đã một đời vì đạo pháp và dân tộc.
Từ khoá: Thích Trí Tịnh, ngọn đèn Tổ, Phật giáo Tây Nam bộ, triết lý niệm Phật.
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhuỵ vàng.
Nhuỵ vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn [1].
Hoa sen, biểu tượng “Quốc hoa của Việt Nam” với những đặc điểm thuần khiết, thanh cao, mạnh mẽ, trong sáng là biểu tượng linh hồn, khí phách, kiên cường, mãnh liệt, bất khuất của con người Việt Nam, phản ánh bản sắc anh hùng của dân tộc Việt Nam trong mọi thời đại. Hoa sen sinh ra trong vùng đất hiền hoà Đồng Tháp Mười, vùng sông nước Cửu Long thơ mộng với những đặc tính giản dị, chất phác, hồn nhiên, trong sáng… nhưng ẩn chứa khí phách, kiên cường, anh dũng, vươn lên đỉnh cao của con người miền Tây sông nước. Cũng chính nơi đây, vùng đất “sen hồng” đã sinh ra và dưỡng nuôi những bậc kỳ tài, những anh hùng dân tộc, những bậc chí sĩ yêu quê hương, đất nước. Mặc dù, Đồng Tháp Mười không phải là vùng đất kinh kỳ, nơi tụ hội một nền văn hoá rực rỡ như thời kỳ Lý – Trần; song, Đồng Tháp Mười nói riêng, vùng Tây Nam bộ nói chung, là vùng đất hội tụ các bậc chân sư, những bậc tòng lâm thạch trụ của Phật giáo miền Tây Nam bộ như: tổ Phi Lai, tổ Khánh Hoà, tổ Khánh Anh, Hoà thượng Thích Nhật Thiện… Đặc biệt, chính nơi đây đã sinh ra và nuôi lớn bậc xuất trần Thượng sĩ Hoà thượng Thích Trí Tịnh, một bậc cao Tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Tây Nam bộ của thế kỷ XXI.
1. NGỌN ĐÈN TỔ CỦA PHẬT GIÁO MIỀN TÂY NAM BỘ
Hoà thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) [2], tên thật là Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại xã Mỹ An Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), Hoà thượng sinh trong một gia đình gồm sáu anh chị em, 2 trai, 4 gái. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Cân, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Truyện; một gia đình trung nông, phúc hậu, nhơn từ, có nề nếp đạo đức và có truyền thống kính tin Tam bảo vững chắc. Tuy nhiên, Hoà thượng vốn mồ côi cha mẹ từ lúc lên 7 tuổi, phải sống nhờ vào sự bảo dưỡng của anh chị để học hành, lập chí tiến thân. Cuộc đời của Ngài gắn liền với những điềm huyền bí, báo hiệu một sự xuất hiện của bậc xuất trần vì lợi ích của nhơn sinh. Năm 18 tuổi, Ngài nằm mộng thấy một ông già đến bảo rằng: “Con có căn tu, phải cần tìm thầy học đạo thì sẽ được như trong sách ước” và “khi nào cọp chết, rắn mới về non” [3]. Từ điềm lành báo trước, Ngài đã lập chí xuất trần, quyết theo con đường giác ngộ, như là một sự tái hiện của bậc Thượng sĩ vào đời phục vụ chúng sanh. Năm 1937, Ngài lên núi Cấm, đến chùa Vạn Linh, cầu xin Hòa thượng trụ trì pháp húy Hồng Xứng cầu thế độ xuất gia, được ban pháp húy là Nhựt Bình, hiệu Thiện Chánh tiếp nối dòng pháp Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Mặc dù, là người mới bước vào cửa “không môn” nhưng Hoà thượng trụ trì chùa Vạn Linh đã khuyên đồ chúng chớ khinh thường nhân cách, bản lĩnh của người này: “Bây đừng khinh thường người này. Đời trước nó đã làm Hòa thượng, đời nay nó cũng làm Hoà thượng.” [4].
Sau khi xuất gia nhập đạo, Hoà thượng tiếp tục con đường tầm sư học đạo với các bậc Tôn sư. Năm 1940, Ngài ra Huế học lớp Trung đẳng tại Phật học đường Tây Thiên, học lớp Cao đẳng tại Phật học đường Báo Quốc. Năm 1941, Ngài được thọ Sa di giới và được Đại lão Hoà thượng Trí Độ ban tặng pháp tự là Trí Tịnh. Với tài năng xuất chúng, Ngài đã hoàn thành xuất sắc, tốt nghiệp các lớp Trung đẳng (năm 1942), lớp Cao đẳng Phật học (năm 1945). Năm 1945, sau khoảng thời gian tu học tại Huế, Ngài đã cùng với các vị Hoà thượng Thiện Hoa, Hoà thượng Thiện Hoà, Hoà thượng Trí Quang, Hoà thượng Trí Long… trở về miền Nam để chuẩn bị cho kế hoạch thành lập các trường Phật học ở miền Nam.
Ngày 19 tháng 6 năm 1945, Hòa thượng đăng đàn thọ Tỳ kheo và Bồ tát giới tại chùa Long An, Sa Đéc. Đánh dấu bước ngoặt dấn thân của cuộc đời Ngài trong sự nghiệp hoằng hoá lợi sinh, đặt sứ mệnh giáo dục thế hệ Tăng, Ni Phật giáo làm nhiệm vụ hàng đầu, đó là thành lập các lớp Phật học như: Lưỡng Xuyên Phật học, Phật học đường Phật Quang ở Trà Ôn, Phật học đường Liên Hải vào năm 1948, tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Đông, huyện Long Hưng Thượng, tỉnh Chợ Lớn (nay là quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh)… Sau đó, để mở rộng quy mô và tính chất của Phật học đường, Ngài đã cùng với Hoà thượng Thích Thiện Hòa sáp nhập 3 Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức thành Phật học đường Nam Việt vào năm 1951, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, quận 10, tỉnh Chợ Lớn (nay là quận 10, TP. Hồ Chí Minh) và tham gia vào Ban Giảng huấn, giảng dạy cho lớp Cao đẳng Phật học, các khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội, chùa Tuyền Lâm, chùa Dược Sư… để đào tạo trụ trì và giảng sư cho Giáo hội. Mặc dù, dấn thân vào công việc phụng sự cho giáo dục, nhưng Ngài không quên mạng sống Phật pháp đó là con đường tu tập, là cốt lõi của người tu sĩ. Vì vậy, năm 1954, Ngài khởi công xây dựng chùa Vạn Đức và thành lập Hội Cực lạc Liên hữu vào năm 1955, tại chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho quá trình rèn luyện, tu tập lâu dài, là điểm đến cho hàng Phật tử tu tập hướng về Phật pháp trong tương lai.
Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập ngày 1/1/1964, Ngài đã tham gia, đóng góp công sức phục vụ cho Giáo hội và được suy cử vào cương vị Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự, cũng như nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội như: Chánh Thư ký Viện Tăng thống (năm 1966); Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương (1973); Chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Tam tạng thuộc Viện Tăng thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (1973); Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (1973).
Đặc biệt, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất từ Nam chí Bắc, đó cũng là thời điểm thích hợp cho sự thống nhất của Phật giáo trong một tổ chức hoà hợp, đoàn kết về mọi phương hướng, thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo. Sự kiện trọng đại, thời khắc quan trọng, mang tính lịch sử của Phật giáo nước nhà, đó là sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 7/11/1981, tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Tại thời khắc đó, Hoà thượng được suy tôn ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng thời năm 1982, Hòa thượng được cử làm Trưởng ban BTS Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh.
Năm 1984, Hòa thượng được suy cử Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự và sau đó giữ chức Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ II, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN (năm 1992), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2009) cho đến những năm cuối đời.
Hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, hoá độ con người đã đến lúc viên mãn, Hoà thượng đã thâu thần tịch diệt vào lúc 9 giờ 15 phút, ngày 28/3/2014 (nhằm ngày 28/2 Giáp Ngọ), tại chùa Vạn Đức, trụ thế 98 năm, hạ lạp 69 năm.
Hơn 98 năm trên cuộc đời, Ngài đã làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình trên cương vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội. Ngài đã có những đóng góp, những công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ khối Đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước. Là một nhà giáo dục tài năng, Ngài đã cống hiến phụng sự hết năng lực của mình trong công tác đào tạo, giáo dục thế hệ Tăng, Ni và đảm nhiệm trên nhiều cương vị: Phó Viện trưởng Phật học viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang vào năm 1962; Ban Giảng huấn Phật học viện Huệ Nghiêm và giảng dạy Phật pháp cho lớp Chuyên khoa Phật học, năm 1968; Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn, năm 1970; Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm – Gia Định, năm 1971 đến năm 1991. Trong số những người học trò, đệ tử được Ngài truyền dạy, phải kể đến là người đệ tử xuất sắc, có tài, có đức, có khả năng tiếp nối, kế thừa dòng thiền phái chốn Tổ Phi Lai và sự nghiệp lãnh đạo Giáo hội hiện nay, đó là Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN: Thích Thiện Nhơn – một người lãnh đạo xứng đáng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Là một bậc xuất trần Thượng sĩ, đức độ vẹn toàn, Ngài đã truyền thụ giới pháp cho các thế hệ tương lai của Phật giáo trong các Đại giới đàn của Giáo hội tổ chức như: làm Hoà thượng Đàn đầu, Tuyên Luật sư, Chánh chủ khảo, trong các Đại Giới đàn Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự – Sài Gòn; Đại Giới đàn Thiện Hòa – chùa Ấn Quang; Đại giới đàn Trí Tấn – Bình Dương; Đại giới đàn Thiện Hòa I (1993), Thiện Hòa III (2000), Thiện Hòa IV (2003), Thiện Hòa V (2006), Thiện Hòa VII (2013) – Bà Rịa Vũng Tàu; Đại giới đàn Từ Hiếu – Thừa Thiên – Huế… để truyền trao giới pháp Cụ túc cho chư Tăng.
Ngoài ra, Ngài còn để lại cho Phật giáo Việt Nam một kho tàng vô giá về các tác phẩm biên soạn, dịch thuật hết sức có giá trị như: Kinh Pháp Hoa (1 quyển); Kinh Hoa Nghiêm (4 quyển); Kinh Đại Bát Niết bàn (2 quyển); Kinh Đại Bát nhã (3 quyển); Kinh Đại Bảo Tích + Đại Tập (9 quyển); Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện; Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện; Kinh Tam Bảo; Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới; Kinh Pháp Hoa Cương Yếu; Kinh Pháp Hoa Thông Nghĩa; Đường về Cực lạc; Tứ hoằng thệ nguyện, Kinh A Mi Đà Giảng Giải, Kệ niệm Phật, Sổ niệm Phật công cứ, Ngộ tánh luận… góp phần làm giàu thêm kho tàng kinh điển của Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Có thể nói, Ngài xứng đáng là “ngọn đèn Tổ”, soi sáng cho thế hệ Tăng, Ni, miền Tây Nam bộ trên con đường hướng đến mục tiêu giác ngộ. Đối với Ngài, làm việc Giáo hội chỉ là phương tiện để cân bằng, hoà nhập với xã hội, nó không phải là mục tiêu kỳ vọng mà Ngài theo đuổi. Con đường tu tập, triết lý tư tưởng niệm Phật để hướng về điểm cuối cùng của lộ trình giác ngộ, là mục đích mà Ngài từng dạy cho Tăng, Ni: “Sự nghiệp của người xuất gia là trí huệ, là thiện căn công đức, còn đuổi theo quyền lợi là mê lầm. Người tu được gọi là Tăng tài không phải ở bằng cấp, mà ở nơi giữ giới trang nghiêm, siêng ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh để tâm được thanh tịnh sáng suốt. Đó mới đúng nghĩa Tăng tài” [5]. Đó chính là tư tưởng chủ đạo của Ngài.
2. TRIẾT LÝ TƯ TƯỞNG NIỆM PHẬT CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH
Ngay từ lúc còn là một tu sĩ trẻ với đầy nhiệt huyết cống hiến cho đạo pháp và dân tộc, Ngài đã xác định rất rõ mục tiêu, con đường cần phải hướng đến đó là giác ngộ, giải thoát. Sự nghiệp của đời tu sĩ là làm sao sống với chân tâm của chính mình. Do đó, Ngài đã cho xây dựng chùa Vạn Đức làm cơ sở thành lập Hội Cực lạc Liên hữu, để xiển dương pháp môn Tịnh độ. Chính nơi đây đã trở thành trung tâm niệm Phật của trường phái “Tịnh độ tông” trong tương lai. Tịnh độ tông là một trong mười tông phái của Phật giáo, xiển dương pháp môn niệm Phật. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hành và có thể áp dụng được cho mọi tầng lớp trong xã hội, từ người nghèo cho đến người giàu, từ thứ dân cho đến bậc quan quyền cũng có thể tu và đạt được kết quả như kỳ vọng. Cho nên Ngài đã từng dạy rằng: “Pháp môn niệm Phật rất đơn giản, dễ thực hành, chắc chắn thành công. Một câu A Mi Đà Phật, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể niệm, không trở ngại mọi ngành nghề, ai nấy đều có thể tu được” [6] và Ngài đã lấy pháp môn Niệm Phật làm kim chỉ nam trong suốt đời tu hành của chính mình. Tuy nhiên, mọi thành tựu trong cuộc sống, không phải mang tính ngẫu nhiên, mà nó là cả một quá trình công phu, rèn luyện, tu tập và đáp ứng những điều kiện cần và đủ của nó. Do đó, Ngài đã dạy muốn niệm Phật đạt kết quả tốt cần phải có ba yếu tố “Tín – Nguyện – Hạnh” là nền tảng ban đầu của một lộ trình tu tập. Niềm tin là mẹ đẻ của mọi công đức, phải tin thật sâu, vững chắc vào y báo, chánh báo của thế giới Cực lạc, tin vào pháp môn niệm Phật, mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy; đồng thời trong mọi thời khắc, trong công việc thường ngày, đều phải phát nguyện mãnh liệt, tha thiết, một lòng không thay đổi, nguyện về thế giới Cực lạc, là nơi mọi khổ đau, sinh tử đều không còn tồn tại. Song, nếu chỉ thể hiện hai yếu tố “Tín và Nguyện” là chưa đủ, chưa nói lên được bản chất của vấn đề cốt lõi của nó. Đó là cần phải có “Hạnh” tức là thực hành, tu tập, rèn luyện hằng ngày thì mới mong đạt kết quả như mong đợi. Ngài dạy: “…Huân tập mỗi ngày một mạnh lên nơi hạnh niệm Phật thì những niệm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mỗi ngày một bớt đi, vì trong khoảng thời gian đó không khởi được thì phải giảm bớt… cũng như người tu thiền giữ tâm đừng theo vọng, tức nhiên là làm sao cho nội tâm đừng bị chi phối bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp” [7]. Theo Hoà thượng, phương pháp trì danh niệm Phật thì rất dễ thực hành, mọi người đều có thể tu một cách đơn giản hơn, còn pháp quán tưởng niệm Phật thì trí lực của người rất khó đạt được. Chính vì vậy, sự tu tập không phải là “cưỡi ngựa xem hoa”, mà đó là cả một quá trình đầy khó khăn, gian nan, nhiều trở lực, nhất là chiến đấu với chính nội tâm để thuần hoá “con trâu” của tâm thức, cũng như người ngồi thiền thuần hoá “con trâu” của mình được biểu hiện qua “mười bức tranh chăn trâu”.
Triết lý niệm Phật của Ngài thể hiện rất rõ ràng trong Kệ niệm Phật, nó phản ánh một phương pháp niệm Phật hết sức sâu sắc, ẩn chứa nhiều ý nghĩa quan trọng về cách tu tập, niệm Phật, tuy rất đơn giản, dễ thực hành, nhưng không phải hành giả nào cũng đạt được đến điểm cứu cánh. Trong hạ thủ công phu, cái khó nhất của người niệm Phật đó là “tâm tiếng hiệp khắn nhau” [8]. Hay nói khác hơn đó là nhiếp tâm vào câu niệm Phật một cách vững chắc, không tạp niệm. Niệm Phật tâm phải trụ nơi tiếng, tiếng phải nằm trong tâm, không để cho nó sao nhãng theo một tiếng gì khác. Tâm và tiếng không khi nào rời nhau, thì đó mới gọi là thiết thật niệm Phật. Thật vậy, trong đời sống con người luôn luôn vận động và biến đổi theo quy luật của sự vận động và phát triển, thì làm sao con người “bất biến” trước đời sống đầy “vạn biến”. Khi ngồi niệm Phật thì tâm lúc nào cũng vọng tưởng lăng xăng, suy nghĩ miên man, hết nghĩ đông rồi nghĩ tây, tâm lúc nào cũng tán loạn. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng phải hết sức cố gắng thì khả năng thành công sẽ nở nụ cười trên môi chúng ta. Ngài đã khai mở phương thức cho chúng ta tu tập hết sức cụ thể: “…huynh đệ đừng thấy vậy rồi lo sợ, đừng nghĩ rằng mình tu không thấy tiến bộ. Vọng tưởng có khởi, lúc niệm Phật biết rõ ràng, một lòng nghe lấy tiếng mình niệm thì nó tự tiêu không cần phải đè ép. Bởi vì bản chất của vọng tưởng là hư dối không thật có, khởi lên rồi tự mất, cho nên mình chỉ cần nắm chặt nghe lấy danh hiệu Phật, lâu dần thuần thục, nhờ sức tu niệm mạnh mẽ, vọng tưởng sẽ bớt dần đi” [9]. Tuy nhiên, điều đó chỉ là bước khởi đầu, chưa phải là mục tiêu mà Ngài hướng đến cho chúng ta. Câu chuyện ở đây là vấn đề Ngài muốn chỉ dạy: “Đương niệm tức vô niệm, niệm tánh vốn tự không, tâm làm Phật là Phật, chứng lý pháp thân hiện” [10]. Do đó, vấn đề niệm Phật là để giác ngộ cái tâm, phát triển tuệ giác để thấy thật tánh của các pháp vốn không sinh – diệt, thấy rõ bổn tâm của mình là Phật. Tâm và Phật không phải là hai, tức là pháp thân Phật hiện tiền. Có nghĩa là chúng ta đã thành tựu pháp môn niệm Phật. Đây chính là triết lý niệm Phật của Ngài.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho quá trình tu tập mau thành tựu, Ngài khuyên tất cả con người cần phải sống khoan hồng, tha thứ, biết làm việc thiện giúp ích cho đời, tránh xa điều ác, thương yêu đồng loại, ăn chay, sống hồn nhiên, tránh xa quyền lợi, phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, hướng đến cảnh giới liên hoa cực lạc.
Tóm lại, Hoà thượng Thích Trí Tịnh là một trong những cao Tăng tài, đức vẹn toàn của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo miền Tây Nam bộ nói riêng. Là một vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài đã góp phần cống hiến sức lực và tài năng của mình trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước. Do đó, Ngài được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Là một nhà giáo dục tài năng, Ngài đã cống hiến phụng sự hết năng lực của mình trong công tác đào tạo, giáo dục thế hệ Tăng, Ni, “tiếp nối hậu lai, báo Phật ân đức” và để lại cho hậu thế những tác phẩm văn học Phật giáo hết sức có giá trị về mặt học thuật, dịch thuật, làm giàu thêm kho tàng kinh điển của Phật giáo Việt Nam. Là một bậc xuất trần Thượng sĩ, Ngài đã tu hành đạt đến đỉnh cao của tư tưởng Tịnh độ, đồng thời xiển dương pháp môn niệm Phật sâu rộng trong hàng triệu tín đồ Phật giáo tu theo và đạt kết quả như kỳ vọng. Đúng như C. Mác đã nói: “Các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại mình, của dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học” [11]. Với tài năng, đức độ của một bậc xuất trần Thượng sĩ, Ngài xứng đáng là ngọn đèn Tổ cho các thế hệ Tăng, Ni, Phật giáo miền Tây Nam bộ tiếp thu, kế thừa và tiếp bước trong sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh.
Chú thích:
* TT.TS. Thích Lệ Quang, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình (TP HCM).
[1] Mã Giang Lân (1999), Tục ngữ và ca dao Việt Nam, Nxb. Giáo dục.
[2] Tổ đình chùa Vạn Đức (2014), Tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Nxb. Hồng Đức, tr.10.
[3] Tổ đình chùa Vạn Đức (2014), Tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Nxb. Hồng Đức, tr.11.
[4] Tổ đình chùa Vạn Đức (2014), Tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Nxb. Hồng Đức, tr.12.
[5] Tổ đình chùa Vạn Đức (2014), Tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Nxb. Hồng Đức, tr.16.
[6] Tổ đình chùa Vạn Đức (2014), Tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Nxb. Hồng Đức, tr.20.
[7] HT. Thích Trí Tịnh (2014), Hương sen Vạn Đức, Nxb. Hồng Đức, tr.75.
[8] HT. Thích Trí Tịnh (2014), Hương sen Vạn Đức, Nxb. Hồng Đức, tr.201.
[9] HT. Thích Trí Tịnh (2014), Hương sen Vạn Đức, Nxb. Hồng Đức, tr.152.
[10] HT. Thích Trí Tịnh (2014), Hương sen Vạn Đức, Nxb. Hồng Đức, tr.212.
[11] C. Mác và Ph. Ănghen (2000), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.156.
Tài liệu tham khảo
1. C. Mác và Ph. Ănghhen, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000.
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trí Tịnh toàn tập, tập 20, Nxb. Hồng Đức, năm 2017.
3. Thích Trí Tịnh, Hương sen Vạn Đức, Nxb. Hồng Đức, năm 2014.
4. Tổ đình chùa Vạn Đức, Tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Nxb. Hồng Đức, năm 2014.
5. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.