Trọn vẹn một niềm tin (SC. Thích Nữ Huệ Tĩnh)

“Ở đây, này Hiền giả, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với Đức Phật… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… đầy đủ các học giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến thiền định. Này Hiền giả, do nhân thành tựu bốn pháp này nên các chúng sanh ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ” (S,v,346) [1].

“…Nghiệp, Minh và Chánh pháp, Giới tối thượng sanh mạng Chính nhờ các pháp trên Khiến chúng sanh thanh tịnh, Không phải do giai cấp, Không phải do tài sản, Do vậy bậc Hiền giả, Thấy rõ mục đích mình, Suy tư pháp chơn chánh, Được thanh tịnh ở đây…”

Tóm tắt: Trong hàng đệ tử tại gia và xuất gia, có rất nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu là trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika). Với niềm tin bất hoại đối với Tam bảo cùng với những công hạnh phụng sự nhân sinh, suốt cuộc đời ông đã nỗ lực làm tròn bổn phận của một cư sĩ tại gia mẫu mực. Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời ông vẫn luôn hướng về Tam bảo và nghĩ đến lợi ích cho mọi người. Thông qua việc tìm hiểu Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc (M.143; Anāthapiṇḍikovādasutta) [2], chúng ta sẽ hiểu thêm phần nào về cuộc đời cũng như những công hạnh và niềm tin sắc son của ông đối với Tam bảo. Qua đó, bài kinh cũng cho ta thêm một trong những phương pháp thực tập để có một tâm thái luôn an nhiên tự tại và không chấp thủ.
Từ khóa: Anāthapiṇḍika, Cấp-cô-độc, niềm tin, vô ngã.

TRƯỞNG GIẢ ANATHAPINDIKA – MỘT VỊ CƯ SĨ MẪU MỰC 
Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika; 給孤獨) – một cái tên không quá xa lạ đối với chúng ta. Tên thật của ngài Anāthapiṇḍika là Sudatta, chính bởi tấm lòng tương thân tương ái, luôn sẵn lòng san sẻ tài sản vật chất của mình đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ cô độc, do đó Sudatta mới có tên là Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc – Người cung cấp bảo trợ cho những người cô độc kém may mắn) như lời xác nhận của ông với Đức Phật: “Con tên là Tu-đạt-đa (Sudatta), vì con thường giúp đỡ những người cô độc khốn khổ nên người đời gọi con là Cấp Cô Độc” [3]. Sự xuất hiện không hề ít của Anāthapiṇḍika trong Kinh tạng Pāli hay A-hàm chứng tỏ tầm mức ảnh hưởng của vị trưởng giả này đối với xã hội và kể cả Tăng đoàn Phật giáo thời bấy giờ.

Ngài Anāthapiṇḍika là một người thương nhân nước Kosala, thành Vessali vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Do nhân duyên nhiều kiếp, ông có phước báu được gặp gỡ và được Đức Phật cảm hóa, nhờ đó ông đã phát tâm dũng mãnh thực hành các việc công ích cho xã hội, cúng dường các nhu yếu phẩm cho Tăng đoàn. Đức Phật đã ngợi khen ông là bậc nhất trong hàng cư sĩ nam và là người đứng đầu về hạnh bố thí (A,i,25) [4]. Ngoài ra, một trong những đóng góp quan trọng của Anāthapiṇḍika cho sự hưng thịnh của Phật giáo thời bấy giờ, đó là cúng dường lên Đức Phật và chư Tăng Tịnh xá Jetavana tại thành Sāvatthī – một trong những địa điểm quan trọng, được Đức Phật và Tăng đoàn thường xuyên an cư mùa mưa và nơi đây cũng là địa điểm mà Đức Thế Tôn tuyên thuyết rất nhiều bài kinh, nó đã trở thành một trong những trung tâm sinh hoạt Phật giáo bậc nhất thời bấy giờ.

Xoay quanh cuộc đời của Anāthapiṇḍika có nhiều sự kiện được ghi nhận tản mác trong Kinh Nikaya hay Kinh A-hàm liên hệ đến việc xây dựng một đời sống an vui hạnh phúc của cư sĩ tại gia, đề cao vai trò hộ trì Phật pháp của giới thanh tín cư sĩ. Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng mối quan hệ giữa Tăng đoàn và cư sĩ có một sự gắn kết chặt chẽ, người xuất gia có nhiệm vụ hoằng truyền chánh pháp và những người cư sĩ tại gia đóng vai trò là những người bảo trợ, cung cấp về tứ vật dụng, cũng như một số nhu yếu phẩm cần thiết cho những vị xuất gia an tâm tu học. Ngược lại, những vị xuất gia là người cung cấp cho các cư sĩ những chất liệu cần thiết để xây dựng một đời sống tu tập tâm linh hướng thượng: kinh nghiệm tu tập và con đường chuyển hóa tâm thức.

Đối với cư sĩ tại gia, Đức Phật thường giảng dạy về Năm giới căn bản, Bát quan trai giới, Bố thí,… Bên cạnh đó, Phật cũng dạy về các nghĩa vụ của một người công dân đối với đất nước hoặc cách thức để có đời sống vật chất sung túc an lạc trong hiện tại. Điển hình như trong Ādiyasutta (A.iii.45), Đức Phật đã giảng dạy cho ngài Anāthapiṇḍika cách thức để có được đời sống vật chất sung túc theo con đường Chánh mạng – sammā-ājīva [5]. Năm lý do để gây dựng tài sản bao gồm:
1) Duy trì cuộc sống ổn định, cấp dưỡng cho cha mẹ, vợ con và người giúp việc;
2) Có thể giúp đỡ cho bạn bè thân hữu;
3) Có biện pháp giữ gìn và bảo vệ tài sản khỏi các mối nguy hiểm;
4) Dùng vào việc hiến tặng cho những người xung quanh, hiến cúng cho các hương linh đã chết, dâng hiến cho nhà vua và chư thiên;
5) Cúng dường cho các Sa-môn, Bà-la-môn có giới đức, có trí tuệ.
Đây là năm lý do để một người cư sĩ nỗ lực để có thể thâu hoạch các tài sản một cách hợp pháp, làm giàu chân chính, trở thành công dân có ích cho xã hội [6].

Dành trọn cả cuộc đời để làm an vui lợi ích cho những người nghèo khổ, tình yêu nhân loại cùng với lòng nhiệt thành phụng sự chúng sanh được soi sáng dưới lý tưởng cao đẹp của Phật pháp, những điều này đã tạo nên một nhân vật đặc sắc, đó chính là Anāthapiṇḍika.

Ngoài việc xây dựng một đời sống vật chất sung túc làm lợi ích cho mình và cho mọi người, Đức Phật còn chỉ dạy cốt lõi của đời sống tâm linh cho gia chủ Anāthapiṇḍika: đó chính là sự phòng hộ tâm. Trong Kinh Nóc Nhọn (Arakkhitasutta), Đức Phật đưa ra một ví dụ về ngôi nhà có nóc nhọn nếu như vụng lợp thì mưa có khả năng xâm nhập làm hư hỏng toàn bộ kết cấu của ngôi nhà. Ngược lại, nếu như ngôi nhà ấy được khéo léo lợp, thì các rui kèo, vách tường, gốc cột,… toàn bộ kết cấu của ngôi nhà được bảo vệ an toàn. Lấy ví dụ về ngôi nhà nóc nhọn để ẩn dụ cho tâm, khi tâm được phòng hộ thì thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp cũng được phòng hộ: “Này gia chủ, khi tâm được phòng hộ thì thân nghiệp,… khẩu nghiệp,… ý nghiệp cũng được phòng hộ… Với ai thân nghiệp…, khẩu nghiệp…, ý nghiệp được phòng hộ, thời thân nghiệp…, khẩu nghiệp…, ý nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy… Với ai thân nghiệp… khẩu nghiệp…, ý nghiệp không bị hủ bại thời sự chết được hiền thiện, mệnh chung được hiền thiện” [7]. Đức Phật đã nói lên vai trò chủ đạo của sự phòng hộ tâm, bởi vì tâm  được xem như là nguồn gốc của mọi thiện ác, kiểm soát bảo hộ tâm tức là làm chủ các cảm xúc của thân thể, điều chỉnh những hành vi lời nói trong cuộc sống hằng ngày hoặc trong khi kinh doanh. Phòng hộ tâm tức là không để cho những tư tưởng gian tham, lừa gạt, chiếm đoạt của người khác, mà ngược lại cần phải giúp đỡ và san sẻ cho mọi người trong lúc nguy nan. Người cư sĩ duy trì và thực hiện điều đặn sự phòng hộ tâm trong thường nhật cuộc sống sẽ tạo thành nguồn năng lượng an lành và quả báo chắc chắn sẽ an vui, khi lâm chung được nhẹ nhàng tự tại.

Trên đây chỉ là một trong những bài pháp mà Đức Phật giảng giải cho đối tượng là những thương gia cư sĩ, mà cụ thể ở đây là Anāthapiṇḍika. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận ở vị trưởng giả này không chỉ giới hạn ở việc bố thí công ích xã hội mà hơn thế nữa, trong một số bài kinh đã thể hiện niềm tin bất hoại của ông đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới, chứng tỏ ông đã được dự vào dòng Thánh (Dự Lưu) (S,v,385): “- Thưa Tôn giả Ānanda, con không sợ hãi. Sao con có thể sợ hãi? Con đã thành tựu lòng tịnh tín đối với Phật: “Đây là Như Lai, bậc A-la-hán…Phật, Thế Tôn.”…đối với Pháp…đối với chúng Tăng…thưa Tôn giả, phàm có những học giới hòa kính (sāmīci) tại gia do Thế Tôn thuyết giảng, con thấy không có tự mình vi phạm một giới nào.
– Lợi đắc thay cho gia chủ, này gia chủ! Khéo lợi đắc thay cho gia chủ! Gia chủ đã tuyên bố về Dự lưu quả rồi” [8].
Tuy đời sống tại gia của Anāthapiṇḍika luôn bận rộn với những công việc kinh doanh, tuy nhiên, trong những lúc nhàn rỗi, ông thường đến diện kiến Đức Phật và các vị đệ tử để lắng nghe tiếp nhận và thực hành những lời dạy cao quý. Mặc dù là một thương gia tầm cỡ, nhưng thái độ khiêm cung cùng đức tin trong sáng đã tạo nên một cốt cách Anāthapiṇḍika với đầy đủ các tố chất của một vị thực hành Bồ tát hạnh trong vai trò của một cư sĩ hộ pháp thuần thành.

TRỌN VẸN MỘT NIỀM TIN – TRỌN VẸN MỘT CON ĐƯỜNG
Kể từ khi Anāthapiṇḍika đầy đủ nhân duyên được quy y Tam bảo cho đến khi lâm chung, một niềm tin sắc son của ông đối với Phật pháp là không lay chuyển, một niềm tin trọn vẹn.

Lần đầu tiên nghe được danh từ “Phật” (Buddha), trưởng giả vô cùng hoa hỷ, toàn thân sởn gai óc, niềm vui dâng tràn khi một vị Phật đã xuất hiện trên thế gian. Cả đêm ông không thể ngủ và háo hức lên đường đi gặp Đức Phật mặc dù trời vẫn còn chưa sáng. Vào thời điểm đó, Đức Phật đang ở Hàn Lâm, ngoại thành Rājagaha. Vì phải đi xuyên qua một nghĩa địa trong bóng tối, nhiều lần ông chùn bước muốn quay về và được dạ xoa Sivāka khích lệ ông cố gắng vượt qua cơn sợ. Trong cuộc gặp gỡ với Đức Phật, ông đã quy y trở thành cư sĩ Phật tử và được Phật giảng dạy về Tứ thánh đế sau đó ông đã đắc quả Dự lưu [9].

Kể từ khi Anāthapiṇḍika đầy đủ nhân duyên được quy y Tam bảo cho đến khi lâm chung, một niềm tin sắc son của ông đối với Phật pháp là không lay chuyển, một niềm tin trọn vẹn.

Dành trọn cả cuộc đời để làm an vui lợi ích cho những người nghèo khổ, tình yêu nhân loại cùng với lòng nhiệt thành phụng sự chúng sanh được soi sáng dưới lý tưởng cao đẹp của Phật pháp, những điều này đã tạo nên một nhân vật đặc sắc, đó chính là Anāthapiṇḍika. Những giây phút cuối đời của Anāthapiṇḍika trên giường bệnh được ghi nhận trong Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc (M.143; Anāthapiṇḍikovādasutta) [10]; ngoài ra, một số bản kinh khác cũng có nội dung tương tự [11]. Do giới hạn, phần này chúng ta sẽ tập trung thảo luận về nội dung của bản kinh số 143 thuộc Trung Bộ Kinh để tìm hiểu thêm về ý nghĩa cũng như nội dung mà bài kinh hướng đến.

Câu chuyện được ghi nhận trong M.143 kể về sự kiện Trưởng giả Anāthapiṇḍika đang lâm trọng bệnh và sau đó được nếm vị ngọt của chánh pháp tự tại hóa sanh vào cõi trời Tusitā. Bên cạnh đó, hình ảnh một vị Tôn túc trưởng lão đứng đầu trong hàng Tăng chúng đang dấn thân vào nơi giường bệnh để thăm hỏi động viên và có những lời khai thị quý giá, những điều đó càng tô đậm thêm những dư vị ngọt ngào của tình Tăng thân thấm đẫm tình người cùng tình đạo.

Với tâm nguyện hoằng truyền chánh pháp, lợi lạc quần sanh, khi nào chúng sanh đang đau khổ thì nơi đó khát khao hướng đến sự cảm hóa của chư vị Thánh đệ tử Phật. Với oai nghi đĩnh đạc, ánh từ dung của một bậc giải thoát, Tôn giả Sāriputta (cùng với ngài Ānanda) ân cần đến bên giường bệnh nhẹ nhàng với những lời thăm hỏi: “Này cư sĩ, ta mong rằng ông có thể kham nhẫn, ta mong rằng ông có thể chịu đựng! Ta mong rằng khổ thọ được giảm thiểu, không gia tăng, sự giảm thiểu được rõ rệt, không có gia tăng!” [12].

Cảm động trước những lời hỏi thăm ân cần chân tình của ngài Sāriputta, nhưng lúc này Anāthapiṇḍika đang phải chịu những đau đớn mà tấm thân ngũ uẩn này đang dần đi đến tan rã ngay trên thân thể ông một cách mãnh liệt nhất: “Thưa Tôn giả Sāriputta, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Sự thống khổ của con gia tăng không có giảm thiểu, sự gia tăng rõ rệt không có giảm thiểu” [13]. Bởi ông đang đứng bên bờ vực của sự sống và cái chết, những cảm thọ của ông về tấm thân ngũ uẩn này như càng thêm sâu sắc. Tuy nhiên lúc này, Anāthapiṇḍika đã chứng quả Dự lưu trước đó rồi, nên có khả năng ông chỉ đau đớn về thể xác nhưng về tinh thần ông vẫn minh mẫn và sẵn sàng tiếp nhận những lời giáo giới từ Tôn giả Sāriputta.

Với trí tuệ thiên phú, sau khi lắng nghe những đau khổ mà trưởng giả này đang chịu đựng, Tôn giả Sāriputta đã tuyên thuyết một pháp thoại thâm sâu và thích hợp với hoàn cảnh cũng như đối tượng đang hiện diện. Ngài đã tuyên dạy về sự không chấp thủ vào sáu căn, sáu trần, sáu thức, sáu xúc, sáu thọ, sáu giới, năm uẩn,…: “Do vậy, này cư sĩ hãy học tập như sau: “Tôi sẽ không chấp thủ con mắt, và tôi sẽ không có thức y cứ vào con mắt”… Do vậy, này cư sĩ, hãy học tập như sau: “Tôi sẽ không chấp thủ những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận thức, được hy cầu, được tư sát với ý, và tôi sẽ không có thức y cứ vào cá pháp [nói trên]”. Này cư sĩ hãy học tập như vậy” [14].

Ngài Sāriputta đã giảng dạy về giáo lý Vô ngã hay Tánh không cho Anāthapiṇḍika, một bài pháp sống động và liên hệ ngay thực tế những gì đang diễn ra trên cơ thể của ông (căn, trần, thức, xúc, thọ,…): không chấp thủ vào chúng tức là không đồng hóa những cảm giác, tư tưởng, nhận thức,… là của mình, do không chấp thủ nên không có đau khổ, do không có đau khổ mà được an lạc giải thoát. Như lời xác nhận của Đức Phật trong M.138: “Này các Tỳ kheo, nếu thức đối với ngoại [trần] không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội [trần], không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai” [15]. Như vậy, có thể nói, đây cũng chính là một trong những biện pháp tâm lý có khả năng đưa cá nhân tiến đến một sự giải thoát vô chấp thủ.

Điều đặc biệt trong bản kinh thuộc Tăng nhất A-hàm, trước khi ngài Sāriputta thuyết giảng về sự vô chấp thủ, thì trước đó, Tôn giả khuyên ông Anāthapiṇḍika hãy nên nhớ tưởng đến Phật, Pháp, Tăng thì chắc chắn sẽ được sanh về cõi lành, cõi trời hoặc trong loài người [16]. Cũng trong bản kinh này, ngài Sāriputta nói rõ về vòng nhân duyên và Ngài xác định rằng: “Đây là pháp tu bậc nhất về nghĩa không” [17]. Sau khi nghe được những lời dạy cao quý từ Tôn giả Sāriputta, Anāthapiṇḍika đã xúc động và rơi lệ bởi vì ông cho rằng đây là bài pháp vi diệu mà từ trước đến giờ mới được nghe Tôn giả thuyết như vậy [18]. Sau đó Tôn giả nói rằng, những giáo lý này chủ yếu được thuyết cho hàng xuất gia, Anāthapiṇḍika khẩn khoản xin Tôn giả hãy phổ biến giáo thuyết này ra đối với hàng cư sĩ bởi “có những thiện gia nam tử sanh ra với cấu uế không nhiều, nếu không được nghe pháp, sẽ bị đọa lạc; nhưng nếu được nghe họ có thể biết được [Chánh] pháp” [19].

Đối với những ai đã được thấm nhuần tinh thần vô ngã, tùy duyên của Đạo Phật thì cho dù đứng trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời thì họ có đầy đủ sự bình thản tự tin để vượt qua, an nhiên tự tại chấp nhận đối diện với nó.

Ở đây, ta nhận thấy tấm lòng cao cả của Anāthapiṇḍika khi mình đã được pháp lạc và mong muốn cho mọi người cũng hưởng được vị ngọt của Chánh pháp. Điều lưu ý là giáo pháp của Đức Phật mang tính chất tùy duyên, do đó, Đức Phật và các Thánh đệ tử khi thuyết pháp cho một đối tượng nào đó, thì trước hết các Ngài sẽ quán sát căn cơ của đối tượng đó và có những phương pháp giáo hóa thích ứng khác nhau. Do đó, giáo pháp là trong sáng thuần túy và không có những bí mật bị che giấu, Đức Phật thuyết pháp với bàn tay rộng mở: “Này Ānanda, Ta đã giảng chánh pháp không có phân biệt trong ngoài [Mật giáo và không phải Mật giáo]… đối với các pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay [còn giữ lại một ít Mật giáo chưa giảng dạy]” (D.16) [20]. Qua chi tiết này, ta thấy được tinh thần bình đẳng không phân biệt của Đạo Phật thể hiện tinh thần tùy duyên hóa độ và tấm lòng tôn trọng pháp với tâm từ mong muốn sự lợi ích cho mọi người của Anāthapiṇḍika.

Sau khi đã được nghe ngài Sāriputta giảng về giáo lý Vô ngã – Tánh không, ông Anāthapiṇḍika đã mạng chung với tâm thái an nhiên tự tại và được hóa sanh vào cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên). Sau khi trở thành một vị trời, Thiên tử Anāthapiṇḍika với dung sắc chói sáng thù thắng đã trở lại Tinh xá Jetavana đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi dùng bài kệ khen ngợi:
“… Nghiệp, Minh và Chánh pháp,
Giới tối thượng sanh mạng
Chính nhờ các pháp trên
Khiến chúng sanh thanh tịnh,
Không phải do giai cấp,
Không phải do tài sản,
Do vậy bậc Hiền giả,
Thấy rõ mục đích mình,
Suy tư pháp chơn chánh,
Được thanh tịnh ở đây…” [21].

Bài kệ đã nói lên những cốt lõi của giáo pháp, qua đó thể hiện sự kiến giải uyên thâm của vị trưởng giả này, đây là lời ngợi ca cũng là lời tán dương và cảm niệm những ân đức mà Tam bảo đã đem đến cho ông. Ông là một trong những cư sĩ thuần thành thấm nhuần lời dạy của Đức Phật và là tấm gương sáng cho lý tưởng phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo.

Ý NGHĨA
Đối với những ai đã được thấm nhuần tinh thần vô ngã, tùy duyên của Đạo Phật thì cho dù đứng trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời thì họ có đầy đủ sự bình thản tự tin để vượt qua, an nhiên tự tại chấp nhận đối diện với nó. Anāthapiṇḍika là một trong những trường hợp như vậy, kể từ khi quy y Tam bảo cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời kể cả sau khi đã được hóa sanh vào cõi trời, Anāthapiṇḍika vẫn luôn luôn dành trọn hết tâm tư và tình cảm của mình, trước sau một niềm tin chân tịnh chánh tín và đi trọn con đường dẫn đến an vui hạnh phúc, một niềm tin trọn vẹn.

Chú thích:
[1] Kinh Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.1246.
[2] Kinh Trung Bộ, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.1083-1087.
[3] 《雜阿含經》卷22; (CBETA 2023.Q4, T02, no. 99, p. 158b12-14).
[4] Kinh Tăng Chi Bộ, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr.28.
[5] Chánh mạng: thuộc về Bát chánh đạo; nghĩa là nuôi sống bằng nghề nghiệp chân chánh, không vi phạm pháp luật.
[6] Xem thêm, Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.533-534.
[7] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.234.
[8] Kinh Tương Ưng Bộ, Sđd, tr.1271.
[9] Xem thêm S,1,210 và Kinh Tạp A-hàm số 592.
[10] Kinh Trung Bộ, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.1083-1087.
[11] Xem thêm: PaṭhamaAnāthapiṇḍikasutta (S,v,380); Dutiyaāthapiṇḍikasutta (S,v,385);《中阿含經》教化病經 (CBETA 2023.Q4, T01, no. 26, p. 458b28-29); 《增壹阿含經》卷49〈51 非常品〉:「八」(CBETA 2023.Q4, T02, no. 125, p. 819b11);…
[12] Kinh Trung Bộ, Sđd, tr.1084.
[13] Kinh Trung Bộ, Sđd, tr.1084.
[14] Kinh Trung Bộ, Sđd, tr.1084-1085.
[15] Kinh Trung Bộ, Sđd, tr.1051.
[16]《增壹阿含經》(CBETA 2023.Q4, T02, no. 125, p. 819b21-c4)
[17] 《增壹阿含經》卷49:「是謂,長者!名為空行第一之法。」(CBETA 2023.Q4, T02, no. 125, p. 819c23-24)
[18] Kinh Trung Bộ, Sđd, tr.1085.
[19] Kinh Trung Bộ, Sđd, tr.1086.
[20] Kinh Trung Bộ, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.266-267.
[21] Kinh Trung Bộ, Sđd, tr.1086-1087.

Tài liệu tham khảo:
1. Kinh Trường Bộ, TTTĐPGVN, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, 2020.
2. Kinh Trung Bộ, TTTĐPGVN, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, 2020.
3. Kinh Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021.
4. Kinh Tăng Chi Bộ, TTTĐPGVN, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021.
5. Kinh Tạp A-hàm, TTTĐPGVN, Việt dịch Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh, Nxb. Tổng hợp TP HCM, 2022.
6. Kinh Tăng nhất A-hàm, TTTĐPGVN, Việt dịch Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh, Nxb. Tổng hợp TP HCM, 2022.