Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại Tổ đình Giác Lâm (ĐĐ. Thích Minh Thành)

DẪN NHẬP
Các chúa Nguyễn thực hiện chính sách di dân, mở cõi về phía Nam của đất nước, theo các đoàn di dân có các thiền sư người Việt Nam và Trung Hoa. Mở cõi đến đâu, các thiền sư đều lập am, chùa đến đó để làm chỗ dựa tinh thần cho người dân trên vùng đất mới. Từ đó, Phật giáo tại Nam Bộ dần phát triển mạnh. Các thiền sư người Trung Hoa truyền vào Nam Bộ với hai dòng thiền chính Lâm Tế và Tào Động. Theo dòng chảy phát triển của Phật giáo, thiền phái Lâm Tế phổ biến rộng rải ở Nam Bộ. Thiền phái Lâm Tế truyền vào Nam Bộ gồm các dòng phái chính, như: Tổ đạo, Đạo Bổn Ngươn, Liễu Quán, Chúc Thánh, Thiên Thai… Trong đó, dòng Tổ đạo, Đạo Bổn Ngươn được phát triển mạnh. Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh” [1]. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm [2] tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Chính những thế hệ tiếp nối dòng Lâm Tế Gia Phổ tại Tổ đình Giác Lâm qua nhiều thế hệ tiếp tục hoằng truyền chánh pháp làm cho Phật pháp phát triển sâu và rộng, ghi nên dấu ấn lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam. – (Ảnh: Ngô Viễn An)

KHÁI NIỆM VỀ LÂM TẾ GIA PHỔ
Dòng đạo Bổn Ngươn (Nguyên) thuộc dòng phái Lâm Tế còn gọi là Lâm Tế Gia Phổ. Lâm Tế (臨 濟) là tên của ngài Lâm Tế, người họ Hình, pháp hiệu Nghĩa Huyền, người Tào Châu, đời Đường, đắc pháp với ngài Huỳnh Bá trở thành vị Tổ của tông Lâm Tế. Gia Phổ (家 譜), miền Nam gọi là Phổ, miền Bắc gọi là phả, tức chỉ cho sự tiếp nối qua các thế của một một gia phả nào đó. Gia Phổ được nói đến là một dòng phái thuộc thiền phái Lâm Tế, lấy bài kệ của ngài Đạo Mân – Mộc Trần làm bài kệ để nối tiếp nhau truyền thừa. Bài kệ này cũng xem như là gia phả của dòng phái.

Như vậy, Lâm Tế Gia Phổ là một dòng phái thuộc thiền phái Lâm Tế, lấy bài kệ của ngài Đạo Mân – Mộc Trần làm phổ hệ để truyền thừa nối tiếp để hoằng dương Phật pháp và cũng để phân biệt với các dòng phái khác thuộc tông Lâm Tế.

Thiền phái Lâm Tế truyền đến đời thứ 31 là Đạo Mân – Mộc Trần, ở chùa Thiên Đồng (Trung Quốc), “về sau Thiền sư Đạo Mân đắc pháp với Thiền sư Viên Ngộ Mật Vân, nên có pháp danh là Thông Thiên – Hoằng Giác”[3]. Thiền sư xuất bài kệ gồm 4 câu (28 chữ):
導本原成佛祖先 (Đạo bổn nguyên [4] thành Phật tổ tiên)
明如紅日麗中天 (Minh như [5] hồng [6] nhật lệ trung thiên)
靈源廣潤慈風譜 (Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ)
照世真燈萬古懸 (Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền).

Dòng Lâm Tế Gia Phổ truyền vào Nam Bộ và phát triển mạnh. Theo Trần Hồng Liên: “Đây là một dòng phái phát triển ở Nam Bộ. Sau Nguyên Thiều, người Trung Quốc là các thiền sư người Việt, gốc của dòng phái này là Tổ đình Giác Lâm” [7]. Từ đó, những thế hệ nối tiếp dòng phái này đã sản sinh ra nhiều bậc cao tăng thạc đức góp phần phát triển và lan tỏa Phật giáo khắp vùng đất Nam Bộ, Trung Bộ.

Các thiền sư người Trung Hoa truyền vào Nam bộ với hai dòng thiền chính Lâm Tế và Tào Động. Theo dòng chảy phát triển của Phật giáo, thiền phái Lâm Tế phổ biến rộng rải ở Nam Bộ.

KHÁI LƯỢC CHƯ VỊ TỔ SƯ TRUYỀN THỪA CỦA DÒNG PHÁI LÂM TẾ GIA PHỔ TẠI TỔ ĐÌNH GIÁC LÂM
Tại Tổ đình Giác Lâm, hệ truyền thừa của dòng Lâm Tế Gia Phổ, có các Tổ kế thừa tiếp nối sau:
Đời thứ 35: Phật Ý – Linh Nhạc
Đời thứ 36: Tổ Tông – Viên Quang
Đời thứ 37: Tiên Giác – Hải Tịnh
Đời thứ 38: Minh Khiêm – Hoằng Ân
Đời thứ 38: Minh Vi – Mật Hạnh
Đời thứ 39: Như Lợi
Đời thứ 40: Hồng Hưng – Thạnh Đạo
Đời thứ 41: Nhựt Dần – Thiện Thuận
Đời thứ 42: Lệ Sành – Huệ Sanh.

Trải qua nhiều thế hệ tiếp nối, dòng Lâm Tế Gia Phổ đến nay lan tỏa và phát triển rộng, ở bài viết này, người viết chỉ đề cập khái lược các vị Tổ như: Tổ Tông – Viên Quang, Tiên Giác – Hải Tịnh, Minh Khiêm – Hoằng Ân để thấy được sự lan tỏa của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại Tổ đình Giác Lâm trong khoảng thời gian đầu Phật giáo truyền vào Nam Bộ.

– Tổ Tổ Tông – Viên Quang (? – 1827)
Tổ Tổ Tông – Viên Quang là trưởng tử của tổ Phật Ý – Linh Nhạc, thuộc đời thứ 36 của dòng Lâm Tế Gia Phổ. Sau khi xuất gia tại chùa Từ Ân, ngài chuyên tâm tu học. “Năm Nhâm Thìn (1772), ở làng Phú Thọ có ông cư sĩ người Minh Hương tên là Lý Thụy Long đến chùa Từ Ân xin tổ Phật Ý, cho một đệ tử có đức hạnh về trụ trì chùa Sơn Can ở làng Phú Thọ Hòa” [8]. Theo lời thỉnh cầu, tổ Phật Ý cử tổ Tổ Tông – Viên Quang về chùa Giác Lâm. Đến năm 1774, tổ Tổ Tông – Viên Quang chính thức làm trụ trì và đổi tên chùa Sơn Can hay còn gọi là chùa Cẩm Điệm thành chùa Giác Lâm.

Từ khi tổ Tổ Tông – Viên Quang về trụ trì chùa Giác Lâm, ngài đã mở Phật học xá tại chùa, chư tăng khắp nơi về tham học. Theo Trần Hồng Liên, ngôi chùa Giác Lâm: “vào thế kỷ thứ XVIII là trung tâm đào tạo tăng sĩ nhiều năm liền dưới thời tổ sư Viên Quang. Sau khi mãn khóa học, các nhà sư trở về trụ trì các chùa khắp Nam Bộ” [9]. Đến mồng 3 tháng chạp năm 1827, tổ Tổ Tông – Viên Quang viên tịch tại chùa Giác Lâm. Trong số đệ tử và người theo học với tổ Tổ Tông – Viên Quang, nổi bậc nhất là tổ Tiên Giác – Hải Tịnh.

– Tổ Tiên Giác – Hải Tịnh (1788-1875)
Tổ Tiên Giác – Hải Tịnh, thế danh là Nguyễn Tâm Đoan, sinh ngày 30 tháng 5 năm Mậu Thân (1788), ở thôn Bình Hòa, tổng Bình Thuận Đạo, huyện Kiến An Thuận Đạo, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Thân phụ họ Nguyễn tên Cẩm, thân mẫu là Nguyễn Thị Hiền. “Đến năm 15 tuổi, Hòa thượng mới xuất gia đầu Phật tại chùa Sắc Tứ Từ Ân, lễ Hòa thượng thượng Viên hạ Quang húy Tổ Tông làm bổn sư, và được nhận làm đệ tử truyền trao chánh pháp” [10]. Tổ Tiên Giác – Hải Tịnh xuất gia với tổ Tổ Tông – Viên Quang nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 37. Theo Nguyễn Duy Phương, tổ Tiên Giác – Hải Tịnh “về sau cầu pháp với thiền sư Thiệt Thoại – Tánh Đường (Tường), được pháp hiệu là Tế Giác và một pháp danh nữa là Quảng Châu, thuộc đời thứ 36 phái Lâm Tế chánh tông” [11]. Như vậy, tổ Tiên Giác – Hải Tịnh đã tiếp nối hai dòng phái Lâm Tế Gia Phổ và Lâm Tế Chánh Tông, ngài đã góp phần làm cho hai dòng phái này phát triển lan rộng khắp Nam Bộ, Trung Bộ.

Năm Nhâm Ngọ (1822), theo lời di chúc của Tổ Ấn – Mật Hoằng, vua Minh Mệnh “truyền chiếu gọi Nguyễn Tâm Đoan chùa Từ Ân, tỉnh Gia Định vào kinh đô sắc phong Hòa thượng trụ trì chùa Thiên Mụ” [12]. Đến năm 1825, tổ Tiên Giác – Hải Tịnh được vua phong chức Tăng Cang tại chùa Thiên Mụ. Năm Giáp Thìn (1844), tổ Tiên Giác – Hải Tịnh trở về Nam Bộ, trông quảng chúng tại chùa Sắc Tứ Từ Ân kiêm chùa Giác Lâm: “…thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh chính thức trở thành một danh tăng ở Nam Bộ với sứ mạng và nhiệm vụ nặng nề, giúp cho đạo pháp hưng thịnh và hoằng dương chánh pháp” [13]. Cũng trong năm 1844, tổ Tiên Giác – Hải Tịnh mở trường Hương đầu tiên ở Nam Bộ tại chùa Giác Lâm. Năm Kỷ Dậu (1849), mở trường Kỳ tại chùa Giác Lâm do chính ngài làm Hòa thượng đường đầu.

Nhận thấy tâm lý chư Tăng và Phật tử tín đồ ưa ứng phú hơn đến nghe kinh, đây cũng là điều kiện dĩ huyễn độ chơn, đem chánh pháp truyền bá vào dân chúng, tuy nhiên, điều này cũng làm cho một số tăng sĩ không giữ vững oai nghi, giới luật sẽ dễ dàng đánh mất phẩm hạnh. Do đó, vào năm Canh Tuất (1850), tổ Tiên Giác – Hải Tịnh đã đổi Quan Âm Viện thành chùa Giác Viên (nay thuộc quận 11, TP HCM) và mở lớp đào tạo Ứng phú sư cho chư tăng khắp nơi theo học nhằm chấn chỉnh nghi lễ ứng phú theo quy cửu. Cũng trong năm này, ngài được Nguyễn Tri Phương mời đến Tây Ninh, An Giang, Hà Tiên để hoằng đạo. Tại Tây Ninh, ngài tu sửa chùa Linh Sơn, chùa Thái Bình, chùa An Cư.

Năm Tân Hợi (1851), tổ Tiên Giác – Hải Tịnh đến vùng An Giang hoằng đạo. Tại An Giang, ngài tôn tạo chùa Phú Thạnh (chùa Truông), chùa Vĩnh Thông. Đến Hà Tiên lập chùa Giang Thành, chùa Viên Thành.

Ngoài ra, tổ Tiên Giác – Hải Tịnh khai mở nhiều trường Hương, trường Kỳ một số ngôi chùa ở Nam Bộ. Ngài đã khai mở được 7 trường Kỳ (Giới đàn) do ngài làm Hòa thượng đàn đầu vào các năm: 1849, 1862, 1870, 1871, 1872, 1873, 1875. Thích Đồng Dưỡng cho rằng: “Hòa thượng Hải Tịnh đã 7 lần mở giới đàn để thí giới, công đức của ngài lớn đối với Phật giáo Nam Bộ. Ngài chính là vị Tổ sư hoằng truyền luật tông, chấn chỉnh sinh hoạt trong chốn thiền mở ra sự phát triển của đạo Phật ở hai miền Đông Tây, Nam Bộ” [14]. Trần Hồng Liên nhận định: “Thiền sư đã tạo nền móng cho việc hình thành một nền Phật giáo mang tính thống nhất…” [15]. Ngài viên tịch ngày 8 tháng 11 năm 1875, thọ 88 tuổi.

Dưới sự giảng dạy kinh luật và ứng phú, tổ Tiên Giác – Hải Tịnh đào tạo ra rất nhiều đệ tử, phân hóa khắp Nam Bộ và Trung Bộ tiếp tục xứ mệnh hoằng dương Phật pháp, trong số đó gồm các vị: Minh Vi – Mật Hạnh, Minh Lý – Quảng An, Minh Khiêm – Hoằng Ân, Minh Quang – Phổ Trai, Minh Phương – Chơn Hương, Minh Mai – Phương Danh, Minh Tài – Định Huệ, Minh Chức – Huệ Thức, Minh Giám – Bửu Chơn, Minh Ngọc – Châu Viên, Minh Thông – Hải Huệ, Minh Trinh – An Thiền, Minh Huyền – Chơn Giác, Minh Trữ – Quảng Huệ, Minh Trị – Thiện Bảo, Minh Đắc – Chơn Bảo, Minh Hòa – Hoan Hỷ, Minh Võ – Nhất Thừa, Liễu Ngọc – Phổ Minh, Liễu Thông – Thiện Tín, Liễu Tánh – Huệ Cảnh, Liễu Viên – Từ Huệ… Trong số đệ tử của ngài, nổi bậc nhất phải kể đến ngài Minh Khiêm – Hoằng Ân. Điều đó cho thấy, tổ Tiên Giác – Hải Tịnh chấn chỉnh sinh hoạt Phật giáo và đào tạo thế hệ kế thừa, tiếp nối của dòng phái Lâm Tế Gia Phổ, góp phần rất lớn vào việc phát triển Phật giáo tại Nam Bộ và Trung Bộ.

Chư tiền bối tại Tổ đình Giác Lâm đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nối và phát triển dòng phái Lâm Tế Gia Phổ góp phần phát triển ở Phật giáo Trung Bộ, Nam Bộ nói riêng Phật giáo Việt Nam nói chung. – (Ảnh: Ngô Viễn An)

– Tổ Hoằng Ân – Minh Khiêm (1850-1914)
Ngài Hoằng Ân – Minh Khiêm, thế danh là Nguyễn Văn Khiêm, sanh ngày rằm tháng 7 năm Canh Tuất (1850), quê Mỹ Tho, Tiền Giang. Ngài xuất gia với tổ Tiên Giác – Hải Tịnh nối dòng Lâm Tế Gia Phổ thứ 38, pháp danh Hoằng Ân, pháp hiệu Minh Khiêm. Ngài còn tiếp nối dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 37 từ tổ Tế Giác – Quảng Châu với pháp danh Chí Thành, pháp hiệu Liễu Khiêm. Ngoài ra, ngài còn có thêm pháp hiệu là Diệu Nghĩa.

Năm Canh Ngọ (1869), tổ Tiên Giác – Hải Tịnh cử ngài Hoằng Ân – Minh Khiêm trụ trì chùa Giác Viên. Tại chùa Giác Viên, tổ Hoằng Ân – Minh Khiêm tiếp nối tổ Tiên Giác – Hải Tịnh giảng dạy kinh luật và ứng phú sư cho chư Tăng lục tỉnh theo học. Năm Tân Mùi (1871), tại chùa Tây An (Châu Đốc) mở hai đàn giới đều thỉnh tổ Hoằng Ân – Minh Khiêm làm đệ tứ dẫn thỉnh. Năm Ất Hợi (1875), tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch (Tây Ninh) mở thí đại giới Tam đàn, thỉnh tổ Hoằng Ân – Minh Khiêm làm Giáo thọ. Năm Đinh Hợi (1887), bà Trần Thị Liễu dâng cúng ngôi chùa Giác Sơn cho tổ Hoằng Ân – Minh Khiêm, ngài nhận và đổi tên thành chùa Giác Hải và giao cho Như Nhãn – Từ Phong làm trụ trì. Năm Quý Tỵ (1893), Ngài kiêm nhiệm vụ trụ trì chùa Giác Lâm. Năm Ất Mùi (1895), có một Phật tử nữ dâng cúng một cái am, ngài lập thành chùa đặt tên chùa Đông Phước (tại làng Đông Thành, Vĩnh Long nay là Bình Minh, Vĩnh Long). Năm Ất Tỵ (1905), ngài vân du đến cù lao Giêng, Đồng Tháp lâp am, đặt tên là Khánh Vân Tự và giao cho đệ tử Võ Kim Đức (Thợ Đức) trông coi, ngài tiếp tục vân du về vùng Châu Đốc để hoằng đạo.

Sự kiện nổi bậc của tổ Hoằng Ân – Minh Khiêm trong việc hoằng đạo là đi vân du khắp miền Tây Nam Bộ và sao chép kinh sách, cho khắc bản gỗ kinh, luật, diễn Nôm một số sách Phật giáo, hình thành Tàng bản (藏板) tại chùa Giác Viên. Năm Canh Thìn (1880), ngài cho khắc và in lại tập Hứa sử truyện vãn (許使傳晚) của Toàn Nhật Quang Đài. Năm Bính Tuất (1886), ngài chép tay bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (妙法連華), mỗi phẩm đóng thành một tập. Năm Giáp Ngọ (1894), ngài tóm lược bộ Tỳ ni sa di uy nghi cảnh sách (毘尼沙彌威儀警策), ngài Đạt Lý – Huệ Lưu (1857-1898) chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức) sao chép và khắc bản gỗ. Năm Đinh Dậu (1897), ngài chứng minh khắc bản Nhân quả thực lục (因 果 實 錄). Năm Mậu Tuất (1898), ngài chứng minh khắc bản các tác phẩm: Mông sơn thí thực khoa nghi (蒙山施食科儀), Lăng Nghiêm kinh tán (楞嚴經讚), Tống đàn tăng… Theo thời gian, nhiều mộc bản này đã bị hư hỏng, thất lạc, mối, mọt… hiện chỉ còn một số ít mộc bản khắc bộ Tỳ ni sa di uy nghi cảnh sách còn lưu lại ở chùa Giác Viên. Theo Trần Hồng Liên: “Có thể số lượng các công trình diễn Nôm và số sách do thiền sư chứng minh còn nhiều nhưng hiện tại chỉ còn lưu lại một số ít…” [16]. Những kinh, luật in từ các mộc bản nói trên để làm tài liệu cho tăng ni đọc tụng, học tập, hành trì hằng ngày. Đặc biệt, bộ Tỳ ni sa di uy nghi cảnh sách là tài liệu học tập, đọc tụng, hành trì là rất cần thiết đối với người mới xuất gia và cũng là tài liệu để khảo hạch giới tử ở các đàn giới. Theo Huỳnh Ngọc Trảng: “Bộ sách này được chư tôn hòa thượng họp tại chùa Giác Viên, nhất trí đua vào pháp điển làm sách giáo khoa sơ cấp và giáo trình dạy đạo ở các chùa Nam kỳ” [17]. Hiện nay, bản in về Tỳ ni sa di uy nghi cảnh sách và Mông sơn thí thực khoa nghi vẫn còn lưu lại trong một số ngôi chùa ở Nam Bộ. Ngài viên tịch ngày 29 tháng Giêng năm Giáp Dần (1914), thọ 65 tuổi.

Tổ Tổ Tông – Viên Quang là trưởng tử của tổ Phật Ý – Linh Nhạc, thuộc đời thứ 36 của dòng Lâm Tế Gia Phổ. Sau khi xuất gia tại chùa Từ Ân, ngài chuyên tâm tu học.

Dưới thời tổ Hoằng Ân – Minh Khiêm đã đào tạo nhiều đệ tử nổi danh tiếp nối dòng Lâm Tế Gia Phổ và chư tăng theo cầu học với ngài, sau đó, tiếp tục hoằng truyền chánh pháp khắp Nam Bộ như: Như Nhu – Chơn Không, Như Lợi, Như Năng, Như Phòng – Hoằng Nghĩa, Như Nhãn – Từ Phong, Như Hóa – Hoằng Đạo, Như Hiển – Chí Thiền (Chí Thành), Như Ấn – Thanh Đức, Như Tỷ – Hoằng Đức, Như Chấn, Như Chánh, Như Dược, Như Ngôn – Hoằng Trí, Như Liên – Thọ Hương, Như Nghĩa – Huệ Quang, Như Đắc – Diệu Lý, Như Mật – Bửu Thọ, Như Lạc, Như Bình, Như Ký, Như Sơn, Đạt Lý – Huệ Lưu, Đạt Trí – Quang Huệ, Đạt Chánh – Minh Định, Đạt Hương, Đạt Thanh, Đạt Nho…

Thông qua khái lược ba vi tổ trên cho thấy, dòng Lâm Tế Gia Phổ tại Tổ đình Giác Lâm ngay từ những buổi đầu khi Phật giáo truyền vào Nam Bộ cho đến đầu thế kỷ XX luôn được tiếp nối lan rộng, phát triển mạnh cho đến ngày hôm nay. Chư tiền bối tại Tổ đình Giác Lâm đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nối và phát triển dòng phái Lâm Tế Gia Phổ góp phần phát triển ở Phật giáo Trung Bộ, Nam Bộ nói riêng Phật giáo Việt Nam nói chung.

KẾT LUẬN
Dòng Lâm Lế Gia Phổ là một trong những dòng phái thuộc Thiền phái Lâm Tế, được chư tiền bối tại Tổ đình Giác Lâm tiếp nối nhau hoằng truyền chánh pháp, góp phần cho việc duy trì và phát triển Phật giáo tại chùa Giác Lâm và các tỉnh miền Nam, miền Trung. Chính những thế hệ tiếp nối dòng Lâm Tế Gia Phổ tại Tổ đình Giác Lâm qua nhiều thế hệ tiếp tục hoằng truyền chánh pháp làm cho Phật pháp phát triển sâu và rộng, ghi nên dấu ấn lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Chú thích:
* ĐĐ. Thích Minh Thành, Học viên Cao học khóa V – Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] PGS. TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – Văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.18.
[2] Chùa Giác Lâm thuộc số 118 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, TP HCM.
[3] Thích Thiện Nhơn (2018), Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.44.
[4] Huyền nay đổi lại là nguyên (ngươn) vì kỵ tên vua nhà Thanh, vì Khang Hy tên là Huyền Hoa.
[5] Ư nay đổi lại là như, do đồng âm.
[6] Cảo (Kiểu) đổi lại là chữ Hồng, nhưng do kỵ húy Tự Đức là Hồng Nhậm nên vẫn dùng chữ Kiểu.
[7] Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, tái bản lần thứ I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.25.
[8] Huệ Chí (1983), Lược sử chùa Tổ đình Giác Lâm, bản thảo, tr.8.
[9] Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, tái bản lần thứ I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.25.
[10] Thích Huệ Sanh (dịch) (2002), Ngũ gia tông phái ký toàn tập và hành trạng của thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh (Tế Giác – Quảng Châu), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.62.
[11] Nguyễn Duy Phương (2018), Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 -1840), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr.85.
[12] Thích Huệ Sanh (dịch) (2002), Ngũ gia tông phái ký toàn tập và hành trạng của thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh (Tế Giác – Quảng Châu), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.42.
[13] Hồng Liên (biên soạn) (2014), Chư tiền bối tổ sư truyền thừa tại tổ đình Giác Lâm, Nxb. Đồng Nai, tr.45.
[14] Thích Đồng Dưỡng (2019), Giới thiệu Tông phái ký toàn tập, Nguyệt san Giác Ngộ, số 275, tr.91.
[15] Hồng Liên (biên soạn) (2014), Chư tiền bối tổ sư truyền thừa tại tổ đình Giác Lâm, Nxb. Đồng Nai, tr.52.
[16] Hồng Liên (biên soạn) (2014), Chư tiền bối tổ sư truyền thừa tại tổ đình Giác Lâm, Nxb. Đồng Nai, tr.68.
[17] Huỳnh Ngọc Trảng (2019), Sài Gòn Gia Định ký ức lịch sử – văn hóa, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.93.

Tài liệu tham khảo:
1. Huệ Chí (1983), Lược sử chùa Tổ đình Giác Lâm, bản thảo.
2. Thích Đồng Dưỡng (2019), Giới thiệu Tông phái ký toàn tập, Nguyệt san Giác Ngộ, số 275.
3. Hồng Liên (biên soạn) (2014), Chư tiền bối tổ sư truyền thừa tại tổ đình Giác Lâm, Nxb. Đồng Nai.
4. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, tái bản lần thứ I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
5. PGS. TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – Văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Thích Thiện Nhơn (2018), Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
7. Nguyễn Duy Phương (2018), Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 -1840), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
8. Thích Huệ Sanh (dịch) (2002), Ngũ gia tông phái ký toàn tập và hành trạng của thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh (Tế Giác – Quảng Châu), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
9. Huỳnh Ngọc Trảng (2019), Sài Gòn Gia Định ký ức lịch sử – văn hóa, Nxb Tổng hợp Tp. HCM.