ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhắc đến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mỗi người đều khắc cốt ghi tâm về một giai đoạn lịch sử hùng tráng thời Lý-Trần. Đây là các triều đại gắn liền với nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam sau khi trải qua một ngàn năm Bắc thuộc. Thời đại Lý-Trần không chỉ tỏa sáng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, mà còn trên lĩnh vực đời sống tinh thần, tâm linh gắn với sự phát triển rạng rỡ của đạo Phật. Đạo Phật được tôn vinh như “Quốc giáo A là chỗ dựa tinh thần cho một quốc gia độc lập tự chủ. Không chỉ dừng ở đó, đạo Phật thời Lý-Trần đã sản sinh ra một trường phái Thiền Phật giáo của người Việt, đó là Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi xướng. Bên cạnh đó còn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà Phật giáo đã đóng góp cho quốc gia, dân tộc thời bấy giờ. Với tư tưởng “Phụng đạo yêu nước, hộ quốc, an dân”, đạo Phật thời Lý-Trần thực sự đã hòa nhập vào hồn dân tộc, trở thành một nguồn lực tinh thần mạnh mẽ cổ động cho mọi người dân Việt trong những năm đầu của bình minh độc lập và tự chủ.
Một số câu hỏi lớn được đặt ra khi tìm hiểu về vai trò và những đóng góp của đạo Phật với quốc gia, dân tộc thời Lý-Trần là: Những nhân tố nào đã ảnh hưởng đến tinh thần: “Phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc và an Dân”? Những yếu tố đó là nội sinh hay ngoại sinh? Chúng có tồn tại cho đến ngày nay hay không? Làm thế nào để duy trì và phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố đó nhằm giúp cho Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, đi đúng Chánh pháp và tiếp tục đóng góp vào đời sống tinh thần, tâm linh cho quốc gia, dân tộc trong kỷ nguyên mới ngày nay? Rõ ràng, đây là các câu hỏi lớn đặt ra cần được giải đáp đồng thời cũng là mục đích của bài viết này.
KHÁI QUÁT VỀ ĐẠO PHẬT THỜI LÝ – TRẦN
Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử và Phật giáo (Nguyễn Lang, 1973; Lê Mạnh Thát, 1999), đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ thế kỷ thứ I TCN từ đường biển theo chân của các nhà buôn Ấn Độ sang Việt Nam. Tại thành Luy Lâu thuộc Giao Chỉ (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) đã hình thành một trung tâm Phật giáo của người Việt Nam. Trung tâm Luy Lâu được hình thành do hoạt động truyền đạo của những tăng sĩ Ấn Ðộ. Các vị tăng sĩ này tới Việt Nam bằng đường biển, theo các thuyền buôn người Ấn. Nhưng trước các vị tăng sĩ Ấn Ðộ, các thương gia Ấn Ðộ cũng đã tới Việt Nam trước và mang theo sinh hoạt Phật giáo. Trong thời gian lưu lại Giao Chỉ, họ thờ Phật, đốt trầm, đọc kinh và cúng dường những pháp Phật nho nhỏ mà họ mang theo. Người Giao Chỉ đã áp dụng những điều hay về canh nông, y thuật do họ dạy và cũng tỏ ra mến chuộng tôn giáo của họ. Dù người Giao Chỉ theo đạo Phật thì đây mới chỉ là những sinh hoạt tín ngưỡng đơn sơ của cư sĩ, giới hạn trong sự tụng đọc tam quy, cúng dường Phật tháp, bố thí cho người ốm đau đói khổ mà thôi, chứ chưa có sự học hỏi kinh điển và chế độ tăng sĩ (Nguyễn Lang, 1973). Khi mới du nhập, Phật giáo hòa nhập với tín ngưỡng bản địa và trở thành ông Bụt từ bi của người lao động và hóa thành Tứ Pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Những dấu tích này còn tồn tại đến ngày nay ở hầu khắp đồng bằng Bắc Bộ. Khi đất nước giành độc lập sau thời Bắc thuộc, Phật giáo tiếp tục được triều đại mới tôn kính, nhưng các nhà chính trị thời kỳ này hợp tác với Phật giáo chủ yếu với tư cách tôn giáo dân tộc để “rũ bỏ” những ảnh hưởng của văn hóa Hán và khơi dậy bản sắc văn hóa truyền thống, đang hòa quyện trong Phật giáo. Đồng thời, Phật giáo góp phần xây dựng đối sách vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết trong xây dựng triều đại mới của các nhà chính trị (Nguyễn Lan Anh, 2016).
Đỉnh cao thịnh vượng nhất của Phật giáo ở Việt Nam vào thời Lý-Trần. Thời kỳ này, các vua và hoàng tộc đều sùng Phật; nhiều đường lối, chính sách của Nhà nước được các trí thức Phật giáo tham gia xây dựng. Vì vậy, đường lối chính trị thời kỳ này mang đậm tinh thần khoan dung, từ bi của Phật giáo. Giáo hội Phật giáo, chùa chiền, tu viện… đều dưới sự điều hành và bảo trợ của nhà vua. Các thiền sư đạo cao đức trọng đều được triều đình tin dùng và xem như những cố vấn đặc biệt cho triều đình như: thời Lý có thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận, Viên Thông…; thời Trần có thiền sư Trúc Lâm, Đại Đăng, Huyền Quang, Pháp Loa… Phật giáo một mặt thẩm thấu trong đời sống người dân Việt, mặt khác được giai cấp cầm quyền coi như hệ tư tưởng chủ đạo. Tuy nhiên, dù trên nhiều phương diện, Phật giáo quan hệ với Nhà nước như một quốc giáo, có sự cộng hưởng tích cực giữa Phật giáo và chính trị, giữa triều đình và Giáo hội, giữa tín đồ bình dân và Nhà nước; nhưng, Phật giáo ở thời Lý-Trần vẫn không được thừa nhận chính thức ở vị trí Quốc giáo. Bởi các thiền sư tuy giữ vai trò cố vấn trong triều đình nhưng họ luôn giữ khoảng cách nhất định của một tôn giáo truyền thống hay tôn giáo dân tộc, không tham dự sâu vào bộ máy quyền lực, kết thúc công việc lại lui về chùa mà không giữ một vị trí chính thức nào trong bộ máy quyền lực.
Sang thời Trần, tuy có nhiều vị vua tu thiền hoặc say mê học Phật, nhưng họ luôn phân biệt rõ ràng giữa vị thế của một ông vua hay một vị tu sĩ. Khi làm vua, làm tướng thì hết mình vì dân vì nước, dù có phải vi phạm giới luật sát sinh của nhà Phật, nhưng khi thấy vai trò của mình đã hết lại sẵn sàng “từ bỏ ngai vàng” để chuyên tâm tu thiền. Điều này thể hiện rõ nét trong hành trang của các vị vua – phật Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông…
Bản thân Phật giáo không có mục đích tự thân là làm chính trị. Mục đích cao cả nhất của Phật giáo là giải thoát chúng sinh, không phân biệt đẳng cấp, giới tính. Tuy nhiên, trong quá trình dựng nước và giữ nước, Phật giáo muốn tồn tại và phát triển cần nhập thế, phải hướng đến giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống, chứ không chỉ dừng lại ở những triết lý, luận thuyết cao siêu. Xuất phát từ thực tế đó, Phật giáo thời Lý-Trần luôn song hành với tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, ổn định và phát triển đất nước của dân tộc. Nền chính trị ở triều đại Lý-Trần, vì vậy, đều có ảnh hưởng bởi những triết lý nhân văn, nhân đạo của Phật giáo.
CÁC NHÂN TỐ CỐT LÕI CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TƯ TƯỞNG “PHỤNG ĐẠO, YÊU NƯỚC, HỘ QUỐC VÀ AN DÂN
Tư tưởng “Phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý-Trần cung cấp một nền tảng đạo đức, triết lý sống và tạo ra nhiều danh nhân của dân tộc Việt Nam
Do có nhiều vị vua rất am hiểu triết lý đạo đức của Đạo Phật như Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, đạo Phật trở thành một nền tảng đạo đức cốt lõi và được đưa vào áp dụng trong điều hành đất nước của các vua thời Lý – Trần. Các ông vua Phật tử thời Lý-Trần đều có tấm lòng thương yêu dân như vậy là nhờ thấm nhuần tinh thần từ, bi, hỷ, xả, vô ngã vị tha của đạo Phật. Đường lối lấy đức trị dân của hai triều đại Lý-Trần đã minh chứng sự hội nhập của Phật giáo vào đời sống văn hóa, chính trị và xã hội dân tộc Việt Nam.
Song, điểm nổi bật của Phật giáo Lý-Trần là cung cấp một triết lý sống chứ không phải là những tín điều chết, các Phật tử Lý-Trần đã quán triệt, thực hiện triết lý đó bằng cả cuộc sống của chính mình. Đạo Phật đời Lý-Trần không chấp tướng, không giáo điều, không vướng mắc vào hình thức, không bó hẹp trong chùa chiền, tu viện, càng không phải là sở hữu riêng của giới Tăng, Ni mà là của tất cả mọi người biết lấy đó làm lẽ sống, dù người đó là vua chúa, thiền sư, quan lại, hay người dân bình thường. Ai cũng học và tu đạo Phật được, ở đâu, làm gì cũng học và tu theo đạo Phật được, miễn là biết nhìn rõ tâm mình, chuyển hóa tâm và sử dụng tâm cho tốt. Trong “Khóa Hư Lục”, Trần Thái Tông gọi đó là biện tâm. Ngài viết: “Không kể là sống ẩn trên núi hay giữa thành thị, không phân biệt tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều chủ yếu là biện tâm, vốn không có phân biệt nam nữ sao còn chấp tướng”. Vì không chấp tướng nên Phật giáo đời Trần mới có được một nhân vật đặc biệt như Tuệ Trung Thượng Sĩ, tuy là một cư sĩ tại gia, nhưng lại được mọi người Tăng cũng như tục tôn kính, học hỏi như một bậc thầy lớn trong đạo. Thậm chí Trần Nhân Tông và Pháp Loa là hai vị Tổ thứ nhất và thứ hai của phái Thiền Trúc Lâm cũng suy tôn Tuệ Trung Thượng Sĩ là thầy của mình. Với tinh thần không chấp tướng, vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia, đã không quản gian khổ nhọc nhằn, đi khắp nơi trong nước khuyên mọi người sống theo năm giới, mười thiện là những nguyên lý căn bản của đạo đức Phật giáo. Nhờ vậy, ngay giữa lòng xã hội phong kiến, đạo Phật thời Lý-Trần đã tạo ra những mẫu người tuyệt vời, mà con người ở vào thời đại nào cũng cảm thấy tự hào (Vũ Chiến Thắng, 2022).
Đến nay, nhiều bài học đạo đức đã có từ thời Lý-Trần thường vẫn được truyền dạy trong gia đình, xã hội có nguồn gốc từ quan niệm Phật giáo hoặc theo tinh thần Phật giáo, như: “Ở hiền gặp lành”, “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, “Ác giả ác báo”, “Tu nhân tích đức”, “Nhân nào quả nấy”, “Dù xây chín bậc phù đồ – Không bằng làm phúc cứu cho một người”, “Tu đâu cho bằng tu nhà – Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
Đạo Phật thời Lý-Trần góp phần hình thành nên nếp sống đạo đức, hướng thiện, lòng hiếu thảo của dân tộc Việt
Từ bản thân nền tảng triết lý của Đạo Phật là đức từ bi, bao dung, độ lượng, do vậy từ vua, quan, cho đến người dân thời Lý – Trần đều thấm nhuần các giá trị nhân văn này và hướng thiện, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, hiền hòa, đạo đức. Tôn giáo khuyên bảo tín đồ cấm sát sinh là tránh đi việc chết chóc, bạo lực, xung đột, chiến tranh; không trộm cắp, không nói dối là giáo dục tín đồ ngay thẳng trong làm ăn, phát triển kinh tế, không gian tham đến tài sản người khác để hạn chế nguồn gốc của mâu thuẫn xã hội… Khi con người/tín đồ tránh những điều xấu và tu tập những điều tốt thì không chỉ có được con người tốt, mà cả cộng đồng tốt và xã hội đều tốt. Điều đó góp phần tạo nên sự bền vững trong phát triển hệ giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.
Tư tưởng đạo Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu trong giáo dục tín đồ, phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam trong xây dựng văn hóa gia đình, tế bào của xã hội. Đạo hiếu chính là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần khích lệ mọi người quan tâm lẫn nhau, phát huy giá trị nhân bản và lan tỏa yêu thương. Đạo Phật đề cao giá trị gia đình, cùng với sự bao bọc của niềm tin tôn giáo làm cho các thành viên trong gia đình quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống, góp phần chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội. Giá trị đó của đạo Phật thời Lý – Trần đã đóng góp vào việc bồi dưỡng giá trị đạo đức văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. Những chuẩn mực của giáo lý đạo Phật thời Lý – Trần góp phần không nhỏ trong việc duy trì nguyên tắc ứng xử của xã hội Việt Nam, rất hữu ích trong việc duy trì đạo đức, văn hóa xã hội (Vũ Chiến Thắng, 2022).
Phật giáo đồng hành cùng dân tộc dựng nước và giữ nước, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội
Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho thấy, khi đất nước hưng thịnh thì Phật giáo phát triển; cùng với nền độc lập, tự do của dân tộc, trong nhiều thế kỷ qua, Phật giáo đã tích cực góp phần cùng toàn dân tham gia xây dựng cuộc sống thông qua giáo dục tín đồ, Phật tử phát huy truyền thống yêu nước, trau dồi đạo đức, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã chứng minh những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của Phật giáo thời Lý – Trần. Nhiều vua/quan là Phật tử đã vận dụng những tinh hoa trong tư tưởng, triết lý đạo Phật phục vụ cho công cuộc chấn hưng đất nước. Cùng với tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của dân tộc, các triều đại Lý, Trần đã khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của Phật giáo. Tại lễ Phật đản Vesak 2008 tại Hà Nội, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu nhấn mạnh: “…Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay” (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2014).
Đạo Phật thời Lý-Trần là đạo Phật của từ bi và trí tuệ, là hai đức hạnh hàng đầu của Phật giáo. Tinh thần từ bi của Phật giáo thời Lý-Trần là đường lối trị nước bằng đức trị, còn hành trí tuệ là không hướng đến giải quyết các vấn đề thuần túy lý luận hay là siêu nghiệm, mà hướng tới giải quyết các vấn đề rất cụ thể, rất bức xúc, có tầm quan trọng đối với đời sống con người và công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước.
Hai triều đại Lý-Trần đã đánh dấu đỉnh cao của sự hội nhập Phật giáo vào dòng sống của đất nước, xã hội Việt Nam. Một sự hội nhập được trải dài trên mọi bình diện của đời sống. Phật giáo thời Lý-Trần đã hình thành một nước Việt Nam thật sự độc lập, tự chủ, có đủ sức mạnh tự thân để đánh đuổi mọi cuộc xâm lăng của ngoại bang.
Tóm lại, tính độc đáo và sáng tạo của Phật giáo Lý-Trần chính là ở chỗ luôn luôn chủ động gạn lọc, tiếp thu cái hay, gạt bỏ cái dở; từ đó tạo nên một xã hội thường xuyên đổi mới, trẻ trung, cập nhật thời thế, có nhiều sinh khí. Đó là điểm nổi bật nhất của Phật giáo thời Lý-Trần trong những thế kỷ đầu xây dựng nền độc lập, tự chủ. Quả thật, Phật giáo thời đại Lý-Trần đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nền độc lập quốc gia trong lịch sử nước nhà. Các vua trị vì thực sự thấm nhuần lời dạy của Đức Phật trong Kinh Trường A Hàm: “Biết đoàn kết, biết ăn ở hòa hảo cùng nhau và thường hội họp nhau lại để lo bàn việc nước thì không sợ gì sẽ bại vong mà nhất định sẽ được cường thịnh, phong phú thêm”. Đây là những nhân tố tư tưởng góp phần tích cực vào sự tồn tại lâu dài của hai triều đại Lý-Trần.
Những di sản văn hóa, thánh tích Phật giáo thời Lý-Trần còn lưu dấu một thời
Bên cạnh hệ thống triết lý sâu sắc, Phật giáo thời Lý – Trần còn đóng góp vào văn hóa dân tộc bằng những công trình mang những giá trị nhân văn sâu sắc, như: kiến trúc, hội họa, điêu khắc. Phật giáo đã góp phần làm nên các công trình mỹ thuật đặc sắc, như: chùa, tháp, tượng. Là một trong những hệ tư tưởng điển hình trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tinh thần Phật giáo in đậm, tạo nên một sắc thái riêng trong các lĩnh vực văn hóa dân gian, văn học nghệ thuật, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực.
Đây là thời kỳ tôn sùng đạo Phật, vì thế ngay trong kinh thành Thăng Long, ngoài hệ thống kiến trúc cung điện, lầu, gác, các vua nhà Lý đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, nổi tiếng như: chùa Ngự Hưng Thiên (năm 1010), chùa Vạn Tuế (năm 1011), chùa Chân Giáo (năm 1024), chùa Diên Hựu (năm 1049)… Bên ngoài kinh thành, triều đình cũng cho xây dựng rất nhiều chùa thờ Phật có quy mô lớn, bề thế như: chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Ngô Xá (Nam Định), chùa Long Đọi (Hà Nam), tháp Tường Long (Hải Phòng)… Dưới vương triều Trần, Phật giáo tiếp tục phát triển với nhiều công trình kiến trúc lớn như: chùa tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc). Vua Trần Nhân Tông sau khi nhường lại ngôi báu cho con trai đã xuất gia, chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng.
KẾT LUẬN
Đạo Phật thời Lý – Trần đã có sự phát triển rực rỡ, gắn liền với kỷ nguyên giành độc lập và xây dựng đất nước của dân tộc Việt. Sở dĩ đạo Phật được các triều đại Lý – Trần tôn kính và phát triển là do các giá trị đạo đức cốt lõi của đạo Phật phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt. Sự hòa quyện giữa các tư tưởng đạo đức của đạo Phật với các tư tưởng văn hóa người Việt đã tạo nên một thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc Việt thời Lý – Trần.
Các yếu tố cốt lõi có ảnh hưởng đến tư tưởng “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý – Trần trong lịch sử dân tộc Việt Nam gồm: 1).Tư tưởng “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo thời Lý-Trần cung cấp một nền tảng đạo đức, triết lý sống và tạo ra nhiều danh nhân của dân tộc Việt Nam; 2). Đạo Phật thời Lý-Trần góp phần hình thành nên nếp sống đạo đức, hướng thiện, lòng hiếu thảo của dân tộc Việt 3). Phật giáo đồng hành cùng dân tộc dựng nước và giữ nước, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; 4). Những di sản văn hóa, thánh tích Phật giáo thời Lý-Trần còn lưu dấu một thời.
Chú thích:
* Đại đức – Tiến sĩ Thích Tuệ Tánh, Cán bộ Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2014.
2. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Nguyễn Lang (1973), Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1973.
4. Vũ Chiến Thắng (2022), Khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, Tạp chí Cộng sản (online), https://tapchicongsan.org.vn/media-story/ /asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/khoi-day-va-phat-huy-gia-tri-dao-duc-van-hoa-va-nguon-luc-ton-giao-phuc-vu-su-nghiep-phat-trien-dat-nuoc, ngày 11-06-2022.