Hội hoạ Phật giáo nhìn từ đại nguyện của Đức Phật Dược Sư (Pháp An)

DẪN NHẬP
Hội họa là thứ ngôn ngữ nghệ thuật nhiều xúc cảm, có thể khiến người vẽ thăng hoa trong những phút giây mãnh liệt ở thế giới của riêng họ, nơi tiềm thức, cá tính và nội tâm được thể hiện qua màu sắc, hình khối, nhưng cũng có thể đưa họ về vùng bình yên của tâm trí. Tách ra khỏi những ồn ào ngoài kia, vẽ tranh cho con người vùng không gian để họ về với thực tại hay sự chánh niệm.

Khi vẽ tranh Phật không chỉ là vẽ cái tướng bên ngoài của vị ấy mà còn là học hiểu công hạnh của các Ngài. Ở lớp tôi, mỗi khi vẽ vị nào, tôi đều cố gắng truyền tải cho học viên hiểu lịch sử, hạnh nguyện cũng như trí tuệ của các vị Phật, Bồ tát. Đây cũng là một pháp tu thiết thực, dễ hiểu dễ hành trì mà còn mang lại niềm vui thông qua bộ môn hội họa. Ở góc độ này, hội họa đóng vai trò như cầu nối, dẫn mọi người đến với Phật pháp dễ dàng hơn. (Ảnh: tác phẩm của học viên lớp Hội Hoạ Phật Giáo dưới sự hướng dẫn của Pháp An)

Tranh Phật là một dòng nghệ thuật đặc biệt. Nó đã có lịch sử hàng nghìn năm, khi mà Phật giáo bắt đầu du nhập vào Trung Hoa. Những bức bích họa trên thành hang động Đôn Hoàng (Trung Quốc) đã chỉ ra trình độ điêu luyện của những họa sĩ thời cổ đại. Nó đặc biệt không chỉ kỹ thuật, vì xét cho cùng, kỹ thuật vẽ tranh Phật cũng giống như bao bộ môn hội họa khác. Nó đặc biệt bởi đòi hỏi người vẽ một sự tỉ mỉ cao độ và một cái tâm gần như thiền định. Bạn không thể vẽ tranh Phật với một cái tâm lăng xăng như ngựa phi nước đại (tâm viên ý mã).

Nhân ngày vía Phật Dược Sư, bỗng tôi nhớ đến nguyện thứ ba của Ngài: Ta nguyện đời sau, khi đặng đạo Bồ đề, dùng trí huệ, và phương tiện vô lượng vô biên, độ cho chúng hữu tình…” (Kinh Dược Sư). Vậy phải chăng, vẽ tranh Phật cũng là một phương tiện để chư vị độ chúng sinh?

ĐẠI NGUYỆN CỦA ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ
Tôi có duyên với tranh Phật từ lúc ba tuổi. Với một đứa bé còn chưa vào mầm non thì việc cầm bút vẽ tranh Phật đã là một sự việc kỳ lạ. Có lẽ tôi đã họa vẽ tôn nghiêm chư Phật từ nhiều đời nhiều kiếp rồi. Và may mắn cho đến hiện tại, tôi vẫn đang là một họa sĩ vẽ tranh Phật. Trên hành trình mày mò nghiên cứu và vẽ tôn nhan các Ngài, tôi chiêm nghiệm được nhiều điều về thực hành Phật pháp trong đời sống thường nhật.

Tu không phải chỉ ngồi thiền tụng kinh niệm Phật, vẽ cũng là tu. Trong thiền chỉ, hành giả hướng đối tượng vào đề mục (thường là hơi thở) để từ đó đạt được sự định tâm. Các thầy thường hay ví dụ rằng giống như một con bướm, khi đã xác định được bông hoa chứa mật thì nó liền đậu vào và hút mật chăm chú. Chúng ta cũng vậy, nếu không cột tâm vào một đề mục gì thì tâm sẽ chạy tán loạn theo trần cảnh, không phút nào ngơi nghỉ. Nhưng khổ nỗi con người thường cột tâm mình vào những thú vui làm tâm chúng ta tán loạn thêm, ví dụ như những buổi tiệc dưới tiếng nhạc xập xình. Tất nhiên, tôi không phê bình việc này là sai trái, ngược lại nó khá vui và kích thích não bộ tiết ra các hoocmon hạnh phúc, khiến con người cảm thấy yêu đời hơn. Vấn đề là sau đó thì sao? Người ta có thật sự đạt được hạnh phúc trọn vẹn lâu dài sau khi những bữa tiệc đó tàn không? Tôi nghĩ là không. Người đời có câu “mượn rượu giải sầu”, nhưng sầu chưa thấy giải, chỉ thấy sau cuộc nhậu chếnh choáng thì nỗi sầu tăng lên gấp bội. Việc sử dụng nhiều hình thức giải trí của thế gian thực chất là sự trốn chạy khỏi thực tại khắc nghiệt để tìm kiếm những phút giây hư ảo tạm thời. Nó không giúp người ta tỉnh thức, đạt được sự an lạc trọn vẹn, chỉ khiến những vấn đề tạm ẩn sâu vào một ngóc ngách nào đó và chờ dịp bùng phát mà thôi.

Thật khó để tưởng tượng vẽ tranh Phật cũng là một cách tu tập. Ở phương Tây có bộ môn gọi là trị liệu nghệ thuật (art therapy) giúp người bệnh, thường là những bệnh nhân gặp các vấn đề về tâm thần, có thể chữa lành các vết thương tâm lý của họ thông qua nghệ thuật. Ở Việt Nam, tôi chưa thấy bộ môn này, tuy nhiên rõ ràng là vẽ tranh Phật hoàn toàn có thể là một nhánh của trị liệu nghệ thuật. Bản thân Phật pháp đã là một phương thuốc trị tâm bệnh rồi, huống chi được kết hợp với hội họa, vốn là một hình thức thư giãn tuyệt diệu. Hội họa Phật giáo không chỉ là một bộ môn nghệ thuật thông thường, nó còn là một phương pháp tu tập giúp chuyển hóa thân tâm, đồng thời giúp mọi người gần hơn với Đạo Phật.

Trong Phật giáo có một vị Phật có tên khá đặc biệt mà chắc hẳn người con Phật nào cũng từng nghe qua, đó là Phật Dược Sư, với tên đầy đủ là Dược Sư Quang Vương Như Lai. Tôi nói có sự đặc biệt vì tên Ngài đề cập đến một nghề nghiệp cụ thể là nghề thầy thuốc. Dược Sư tức là một vị thầy chuyên về y học. Nếu xét về tên gọi của tất cả các vị Phật xuất hiện trong kinh điển Bắc tông lẫn Nam tông thì chưa thấy vị nào có tên gọi chỉ một nghề nghiệp cụ thể như vậy. Tất nhiên, chúng ta không nên hiểu rằng Phật Dược Sư là một vị “thần” nào đó bảo trợ nghề thầy thuốc và cứu chữa bệnh. Đây là một hiện tượng đồng hóa khá phổ biến, nhất là trong Phật giáo Bắc tông. Khi nhắc tới Phật A Di Đà người ta liền nghĩ tới một vị Phật chuyên độ cho người mất hoặc cõi Tây phương Cực lạc, hoặc Ngài Địa Tạng thì chỉ nghĩ tới địa ngục, cũng vậy khi có bệnh người ta cứ nhắc nhở nhau tụng Kinh Dược Sư, trì chú vào bát nước uống để Phật “độ” cho mau hết bệnh. Phật Dược Sư là vị Y vương trị tâm bệnh cho chúng sinh, là những tâm xấu ác, là những phiền não trói buộc chúng sinh đi trong sinh tử luân hồi. Ngài không cứu chúng sinh, cũng như Đức Bổn Sư Thích Ca hay bất kì vị Phật nào khác, không ai có thể thay đổi được nghiệp của một chúng sinh khi nó đã trổ quả. Nghiệp ai người nấy hưởng, trồng đậu được đậu, trồng cà được cà là vậy.

CHỮA TRỊ TÂM BỆNH
Đạo Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà lĩnh hội. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược thảo dụ, Đức Phật ví giáo pháp của Ngài như mưa rơi, cây lớn hứng được nhiều mưa, cây nhỏ đón nhận ít hơn. Cũng vậy, chúng sinh căn cơ đến đâu, trình độ như nào thì luôn có pháp môn phù hợp như vậy. Kỳ thật không pháp môn nào hơn pháp môn nào, trăm sông đổ về biển, nước biển thì chỉ một vị mặn, giáo pháp Thế Tôn tuy nhiều nhưng cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Phật Dược Sư cũng tùy thuận căn tánh của chúng sinh mà chữa trị tâm bệnh bằng phương thuốc thích hợp.

Khi thực hành vẽ tranh Phật, người vẽ cần đạt tâm định tĩnh. Sở dĩ như vậy không phải vì yếu tố tôn giáo hay một nghi thức thần bí nào mới có thể vẽ tranh Phật. Nguyên nhân chính là vì trong tranh Phật đòi hỏi sự tỉ mỉ để vẽ được những đường nét mượt mà, uyển chuyển, hay sự chi tiết trong các hoa văn trên y áo, hoặc thần khí trên gương mặt các vị, mà để vẽ được những điều này đòi hỏi người vẽ phải chú tâm rất cao. Học trò tôi vẽ nhiều khi phải nín thở để hoàn thiện một nét bút vì nếu thở mạnh sẽ bị run tay làm nét bút không còn đẹp. Bởi vậy, nếu ai mới tiếp xúc bộ môn này có thể bị hoa mắt chóng mặt thời gian đầu vì phải nỗ lực tập trung quá nhiều trong thời gian vẽ, nhưng nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn này, người vẽ sẽ đạt được sự an lạc trên mỗi nét vẽ. Rõ ràng, chúng ta thấy có sự tương đồng giữa vẽ tranh Phật và Thiền. Cả hai đều cần một đề mục để chú tâm quán sát, và khi quán sát đủ lâu thì các vọng niệm sẽ vơi dần đi cho đến lúc hành giả đạt được sự định tâm kiên cố.

Người học vẽ tranh Phật sẽ có nhiều mục đích khác nhau, có người học chỉ vì tò mò, có người học để thư giãn sau bộn bề cuộc sống, nhưng dù vì lý do gì thì chắc chắn người đó phải có tín tâm vào Tam bảo hoặc ít nhất cảm mến Đạo Phật. Việc tô vẽ hình tượng Phật sẽ giúp tăng trưởng đạo tâm của một người, như Kinh Dược Sư có nói rằng “Lại nữa, nếu có thiện nam tín nữ nào được thấy hình tượng Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, mỗi sớm mai, súc miệng, đánh răng tắm gội sạch sẽ, xong lại thắp hương, rải dầu thơm, các món kỹ nhạc để cúng dường hình tượng… hễ hết lòng như vậy, chư Phật sẽ phò hộ người đó được mãn nguyện mọi sự mong cầu”. Tranh Phật là một phương tiện hữu hiệu để chúng sinh nương vào tu tập. Tất nhiên tranh không phải là Phật và cũng không có ông Phật nào ngự vào bức tranh pho tượng đó cả. Tranh tượng chỉ là pháp phương tiện để chúng sinh mượn đó mà tu, chứ kì thực
“Nếu do sắc thấy Ta,
Do âm thanh cầu Ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai”.
(trích Kinh Kim Cang)

Nhân ngày vía Phật Dược Sư, bỗng tôi nhớ đến nguyện thứ ba của Ngài: Ta nguyện đời sau, khi đặng đạo Bồ đề, dùng trí huệ, và phương tiện vô lượng vô biên, độ cho chúng hữu tình…” (Kinh Dược Sư). Vậy phải chăng, vẽ tranh Phật cũng là một phương tiện để chư vị độ chúng sinh? (Ảnh: Phật Dược Sư do Pháp An vẽ)

Nói vậy, không phải để phản bác việc mượn hình tướng chư Phật để tu, cần biết đâu là pháp thế gian và xuất thế gian. Không thể lấy chương trình đại học để dạy cho học sinh tiểu học, cũng vậy, pháp tu của hàng thượng căn không thể khế hợp với đa số căn cơ hàng đệ tử tứ chúng, do vậy việc nương nhờ hình tướng vẫn là việc quan trọng trong tu học. Thuở Phật còn tại thế, Đức Phật thường xuyên du hóa khắp nơi. Hàng đệ tử tại gia thương nhớ muốn lễ bái đôi khi cũng khó gặp được Phật. Biết được tâm nguyện này, ngài Ananda mới bạch Đức Thế Tôn và được Thế Tôn chỉ dẫn chiết lấy nhánh cây Bồ đề mà trồng tại chùa Kỳ Viên. Phật nói: “Này Ānanda, cội Bồ đề ta đã ngồi thành đạo cùng xuất hiện chung một ngày với Thái tử Tất Đạt Đa, cùng một tuổi với Ānanda, chính ở gốc Bồ đề đó Như Lai đã chứng đạt quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác… hàng tứ chúng có thể lễ bái cội Bồ đề như nhìn thấy Ta vậy” (Kinh Tăng Chi, tập I).

Khi vẽ tranh Phật không chỉ là vẽ cái tướng bên ngoài của vị ấy mà còn là học hiểu công hạnh của các ngài. Ở lớp tôi, mỗi khi vẽ vị nào, tôi đều cố gắng truyền tải cho học viên hiểu lịch sử, hạnh nguyện cũng như trí tuệ của các vị Phật, Bồ tát. Đây cũng là một pháp tu thiết thực, dễ hiểu dễ hành trì mà còn mang lại niềm vui thông qua bộ môn hội họa. Ở góc độ này, hội họa đóng vai trò như cầu nối, dẫn mọi người đến với Phật pháp dễ dàng hơn. Tôi còn nhớ một chị học viên rất thích vẽ Bồ tát Quán Thế Âm, chị vẽ rất nhiều mẫu về Ngài. Dù khả năng hội họa của chị không thực sự quá giỏi nhưng với niềm tin kính đấng Bồ tát, chị có thể vẽ Ngài liên tục không mệt mỏi. Chị có tâm nguyện sau khi vẽ xong sẽ cúng dường những bức tranh đó đến các chùa như lòng thành của chị dâng lên Tam bảo. Giá trị tinh thần của những bức tranh chị vẽ thật to lớn và đó cũng chính là những phước báu chị vun trồng trên ruộng phước của mình.

Xã hội càng phát triển, đời sống tinh thần của con người càng gặp nhiều vấn đề hơn. Có lẽ chưa bao giờ mà người ta đối mặt với lo âu, trầm cảm nhiều đến vậy và trên mạng xã hội dạo gần đây xuất hiệu xu hướng “chữa lành”. Đi đâu cũng thấy chữa lành, từ du lịch chữa lành, nhạc chữa lành, nghệ thuật chữa lành… Những hiện tượng đó gióng lên hồi chuông cảnh báo người ta đang đứng trước thách thức mới của thời đại, khi mà sự hưởng thụ các khoái lạc mà cuộc sống đủ đầy mang lại cũng đồng thời tạo ra các sức ép tư bản lên mỗi cá nhân, khiến họ phải chạy theo đồng tiền, phải thành công hơn nữa, giàu hơn nữa, phải liên tục so sánh bản thân mình với những tấm gương trong cuộc sống. Có quá nhiều áp lực đặt lên vai mỗi người trong xã hội ngày nay nhưng dường như sự hỗ trợ, hay cái phao cho họ, thì quá nghèo nàn. Tôi nói nghèo nàn ở đây không phải là về lượng, mà là về chất. Nếu nói về lượng, rõ ràng so với thế hệ ông bà chúng ta thì ngày nay có vô vàn phương thức giải trí giúp người ta giải tỏa căng thẳng, từ phim ảnh, âm nhạc cho đến mua sắm, du lịch. Nhưng rõ ràng những thứ đó chỉ là cách để người ta trốn chạy thực tại mà thôi, còn thực tại thì vẫn ở đó. Theo cách nói nhà Phật thì đó những nội kết, hay nút thắt, những nút thắt của tâm nhiễm ô không được tháo mở. Đạo Phật là đạo của trí tuệ, lấy trí tuệ làm thầy, dùng trí tuệ để gỡ bỏ những nút thắt trong tâm. Thế giới ngày nay cần một vị thầy thuốc để trị những tâm bệnh này cho chúng sinh, và vị thầy thuốc cần những phương tiện thiện xảo để có thể tiếp cận và trị bệnh.

Tranh Đức Phật Dược Sư do hoạ sỹ Pháp An thực hiện.

KẾT LUẬN
Não trạng của con người ngày nay rất khác so với những thế hệ trước và chắc chắn còn khác xa so với thời Đức Phật tại thế. Không thể đem nguyên cách truyền đạo từ thời xưa vào thời nay được. Thật khó để tưởng tượng vẽ tranh Phật cũng là một cách tu tập. Ở phương Tây có bộ môn gọi là trị liệu nghệ thuật (art therapy) giúp người bệnh, thường là những bệnh nhân gặp các vấn đề về tâm thần, có thể chữa lành các vết thương tâm lý của họ thông qua nghệ thuật. Ở Việt Nam, tôi chưa thấy bộ môn này, tuy nhiên rõ ràng là vẽ tranh Phật hoàn toàn có thể là một nhánh của trị liệu nghệ thuật. Bản thân Phật pháp đã là một phương thuốc trị tâm bệnh rồi, huống chi được kết hợp với hội họa, vốn là một hình thức thư giãn tuyệt diệu. Hội họa Phật giáo không chỉ là một bộ môn nghệ thuật thông thường, nó còn là một phương pháp tu tập giúp chuyển hóa thân tâm, đồng thời giúp mọi người gần hơn với Đạo Phật.