TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TĂNG CANG MAI TÂM TỊNH
Hòa thượng pháp danh Thích Tâm Tịnh, pháp tự Mẫn Kính, pháp hiệu Vô Nhiễm Ái Liên Khánh Hỷ Từ Tế Bồ tát. Ngài sinh năm 1872 (Nhâm Thân), sinh ra trong gia đình kính tín Tam bảo thuộc dòng họ Mai, ở xã Phương Đê (nay là xã Hải Minh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thuở thiếu thời, Ngài thường được bà cho đi theo mỗi khi lễ chùa. Rồi cậu bé đã ra chùa Phúc Hải và chùa Phổ Quang, thôn Hương Cát (nay là thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để tập sự. Trải qua thời gian tập sự, ngài xin bố mẹ vào chùa xuất gia, tìm cầu chân lý nơi thiền môn liền lên chùa ở với tổ Phổ Phúc. Khoa cúng tổ khoa Tổ đình Bộ La (chùa Khánh Sơn, xã Vũ Ninh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) ghi về Ngài như sau: “In dấu trời Nam, sinh chốn Hải Hậu, giáng thần núi Tung, con dòng họ Mai, xã Phương Đê. Giao du thoát tục, cử chỉ phi phàm. Tự biết thân này thảy không, sớm hiểu trước mặt là huyễn. Sớm ngộ ý chí xuất ly, trời rồng đề xuất, hiện thế độ người, dựng bảo điện đất Bộ La, đức tốt tiếng thơm sao sâu rộng, rạng đài vàng chốn Đa Cốc…” [1].
Ở chùa Khánh Sơn một thời gian, Ngài được Sư tổ Phổ Phúc cho xuất gia với Tổ sư Thông Sự ở Tổ đình Đồng Đội (tỉnh Nam Định). Từ đây Ngài được Tổ sư Thông Sự (hiệu Minh Văn, chùa Kim Sơn, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) chăm lo, giáo dục, giảng dạy cho giới pháp. Khi giới pháp đã tinh thông, Ngài được cho đi tham học tại các chốn Tổ đình lớn thời bấy giờ như: chốn tổ Bồ Đề – Đa Bảo – Đồng Đội – Phúc Lâm – Vĩnh Nghiêm…
Khi giới hạnh đã đạt, Ngài thường xuyên được thỉnh mời làm thầy Giới sư, Yết ma, Giáo thụ A-xà-lê, Hòa thượng Đàn đầu trong các Đại Giới đàn tổ chức tại Tổ đình Khánh Sơn, Tổ đình Thanh Phong để trao truyền giới pháp cho các giới tử tu học như: Ni trưởng Đàm Đoan (chùa Tam Bảo ở huyện Tiền Hải), Ni trưởng Đàm Lưu (chùa Thánh Long ở phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình)… và đi truyền giới, thuyết giảng tại nhiều Tổ đình như: Quần Lạc, Nhang Cát, Thang Quang, Kim Sơn, Bồ Đề, Đa Bảo, Phùng Quang…
Ngày 21 tháng 2 năm 1952, Hòa thượng Thích Tâm Tịnh viên tịch tại Tổ đình Đa Cốc. Sơn môn Bộ La – Đa Cốc đã tôn chí linh cốt của Hòa thượng tại hai nơi: Tổ đình Đa Cốc tháp thể và Tổ đình Bộ La là tháp dụng. Cuộc đời hành đạo của Hòa thượng Thích Tâm Tịnh đã có nhiều cống hiến lớn cho đạo pháp và dân tộc mà điển hình là việc sáng lập Sơn môn Bộ La – Đa Cốc.
HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM ĐỊNH VỚI VIỆC SÁNG LẬP SƠN MÔN BỘ LA – ĐA CỐC
Khái quát về Sơn môn Bộ La – Đa Cốc
Sơn môn Bộ La – Đa Cốc do Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu tục danh Hoằng Nhẫn thế hệ thứ 6 dòng họ Hoàng làng Đa Cốc, sau khi đắc pháp với Tăng Thống Tĩnh Giác Từ Sơn (1681-1737) (một trong ba vị tiền bối đã có công đặt nền móng phát triển tông Tào Động ở phía Bắc Việt Nam, kể từ khi Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1637-1704), du nhập vào Việt Nam), trở về quê hương khai sáng ra Tổ đình Thanh Phong Đa Cốc. Sau đó, ngôi chùa trải qua thời gian khá dài không có người tiếp quản. Đến cuối thế kỷ XVII, sư Tăng Nguyên Huyền cùng với Tổ sư ni Nguyên Loan từ chốn Tổ đình Khánh Minh – Tổ Đình Nhang Cát, tỉnh Nam Định về nhận lãnh Tổ Đình Bộ La – Đa Cốc. Từ đây đánh dấu một mốc quan trọng về sự truyền thừa của tông phái, sơn môn chính thức kế đăng nhưng thuộc sự truyền thừa của Thiền phái Lâm Tế [2].
Tổ đình Bộ La thuộc Tăng bộ, Tổ đình Đa Cốc thuộc về Ni bộ. Tổ đình Khánh Sơn tọa lạc tại thôn Bộ La, xã Vũ Ninh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nguyên Tổ đình được kiến tạo vào cuối thế kỷ XVII. Vũ Thư ngày nay được thành lập do hợp nhất hai huyện trước kia của tỉnh Thái Bình là Vũ Tiên và Thư Trì. Thời nhà Hậu Lê, toàn huyện Vũ Thư thuộc phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam. Năm 1832, huyện Vũ Thư thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (cũ). Năm 1890, tỉnh Thái Bình được thành lập, huyện Vũ Thư thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngày 17 tháng 6 năm 1969, Hội đồng chính phủ ra Quyết định số 93/CP về việc hợp nhất 28 xã của huyện Thư Trì và 14 xã của huyện Vũ Tiên thành huyện Vũ Thư hiện nay [3].
Ban đầu, chùa Bộ La được xây dựng nhỏ, đơn sơ, qua thời gian hiện nay chùa có nhiều thay đổi nhưng còn lưu giữ nhiều di sản có giá trị: các bức hoành phi, câu đối do Tri huyện Lê Quang Oánh trước tác tiến cúng, 10 bản sắc phong của làng (Quang Thánh Đế Quân – Đông Hải thần – Tây Hải thần – Nam Hải thần – Liễu Hạnh công chúa…), bản Giới Đao Độ Điệp của Hòa thượng Tăng cang Mai Tâm Tịnh…
Tổ đình Thanh Phong do Tổ sư đời thứ tư thiền phái Tào Động Hòa thượng Tính Chúc Đạo Chu xây dựng vào thời Cảnh Hưng (1740-1787), tọa lạc tại làng Đa Cốc xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Theo Lịch sử Đảng Bộ và Nhân dân xã Nam Bình (1927-1975), vào năm 1549 đời Lê Trung Hưng gồm các dòng họ Đoàn, họ Khiếu, họ Hoàng, họ Bùi, họ Ngô, họ Đào, họ Nguyễn thuộc 4 khu gồm: Đa Cốc, Lập Ấp, Trại Chè, Trại Đa Cốc, là những dòng họ sớm về đây định cư, khai khẩn, mở đất, lập lên làng Đa Cốc trung thôn, cho tới ngày nay đã trở thành 4 làng, 3 xã (được gọi chung là chư vị tiên tổ, liệt vị Tiên công). Trong quá trình sinh sống và phát triển, đời sống dân cư nông nghiệp gắn với tín ngưỡng sinh hoạt tâm linh đó là thờ thần – kính Phật. Năm 1583, các vị thủy tổ đã chọn được vị trí lập am thờ Phật, lập miếu thờ thần trên gò đất cao cuối làng, nơi có ngọc tỉnh thiên khai, thế đất long chầu thuỷ tụ, trước cửa chùa có dòng sông uốn lượn, có thuỷ tự thành đầm được minh chứng bằng hai câu đối khắc trên cổng chùa: “Thiên tạo tiền trì giang tụ thuỷ// Địa bồi cổ thụ cảnh tăng huy” (Trời tạo lên sông dòng nước tụ// Đất bồi cây cổ cảnh huy hoàng) [4]. Đến năm 1674, chùa được trùng tu, tường được xây, mái lợp ngói. Năm Vĩnh Hựu 1735, đời Lê Trung Hưng do thiên bẩm đất linh sinh nhân tài, Thiền sư Tích Chúc Đạo Chu thế danh Hoằng Nhẫn là con trai của Quan Phụ Nghĩa Hầu người họ Hoàng làng Đa Cốc. Thiền sư thuộc dòng dõi gia đình Nho học giỏi chữ Thánh Hiền, tinh thông y thuật. Từ nhỏ đã ra chùa làng học Kinh, niệm Phật. Lớn lên thì vào kinh tầm sư học đạo ở các chùa như: chùa Trấn Quốc, chùa Hoè Nhai, chùa Cót… [5]. Thiền sư rất giỏi đã từng được vua Lê, chúa Trịnh ban thưởng nhiều danh phẩm cao quý: Đại tự “Nhất bách quán” (hiện bức đại tự vẫn còn nguyên vẹn, được lưu giữ và thờ tự tại Tổ đường của Thanh Phong tự), đặt tên chùa (Thanh Phong tự) và một bức gấm thêu “Danh thùy bất hủ”. Năm 1765, thiền sư bỏ ra 100 quan, xây dựng lại ngôi Tam Bảo chùa Đa Cốc. Đến năm Ất Sửu, vua Khải Định phong tặng cho Tổ đình một bức hoành phi gồm ba chữ vàng đó là “Vô Song tự” (ngôi chùa có một không hai). Hiện bức hoành phi được treo ở Tổ đường, tòa Tam bảo của Tổ đình).
Hòa thượng sáng lập Sơn môn Bộ La – Đa Cốc
Căn cứ theo Khoa cúng Tổ và sơ đồ phả hệ thuộc sự truyền thừa thiền phái Lâm Tế của Sơn môn Bộ La – Đa Cốc thì cuối thế kỷ XIX, tổ sư tăng Nguyên Huyền cùng với tổ sư ni Nguyên Loan từ chốn Tổ đình Khánh Minh – Tổ đình Nhang Cát, tỉnh Nam Định về nhận lãnh Tổ đình Bộ La – Đa Cốc.
Năm 1918, Tổ sư Tâm Hoàn viên tịch, tổ Nguyên Huyền trở về Quần Lạc để cáng đáng Phật sự và chăm sóc cụ Đàm Yên (chùa Vọng Cung), Hoà thượng Thuận Đức, tổ Đàm Bình (chùa Bách Tính) huyện Vũ Thư ngày nay. Do đó tổ Nguyên Huyền thỉnh mời Hòa thượng Tăng cang Mai Tâm Tịnh từ Tổ đình Nhang Cát, huyện Trực Ninh nhận lãnh Tổ đình Bộ La – Đa Cốc. Chính vào thời gian này (đầu mùa xuân năm 1913), Hòa thượng Tăng cang Mai Tâm Tịnh cùng với chư vị Tổ sư Nguyên Huyền Tổ đình Quần Lạc – Tổ sư Ni Nguyên Loan Tổ đình Đa Cốc, Tổ sư Ni Đàm Tường chùa An Khoái cùng các con cháu trong pháp phái ở Thái Bình sáng lập ra Sơn môn Bộ La – Đa Cốc [6].
Hòa thượng Tăng cang Mai Tâm Tịnh không chỉ là người đặt nền móng đầu tiên trong việc khai sáng ra Sơn môn Bộ La – Đa Cốc mà còn khai mở và là chủ giảng đầu tiên trong việc sáng lập ra Hạ trường, Giới trường tại Tổ đình Bộ La – Đa Cốc.
Tựu chung, Hòa thượng Tăng cang Mai Tâm Tịnh đã phát triển Sơn môn bằng cách:
Thứ nhất, Hòa thượng với tinh thần “tác nhất thời lưu vạn đại” đã cho trùng tu, sửa chữa và xây dựng lại chốn Tổ đình Sơn môn Bộ La – Đa Cốc. Đồng thời, mở rộng Hạ trường, Giới trường cho các hành giả, giới tử đến cầu pháp và an cư kiết hạ.
Thứ hai, Hòa thượng thuyết giảng và truyền tải giáo lý Phật Đà đến các Đạo tràng, khóa tu… Ngoài ra, Hòa thượng khai mở các lớp học gia giáo thu hút Tăng ni trong Sơn môn cũng như một số Tăng ni ở tùng lâm, tự viện khác. Lớp học gia giáo chủ yếu truyền tải những kinh nghiệm sống của chư Tổ sư đã trải qua trong quá trình học đạo và đáp ứng nhu cầu căn bản cho chư tăng ni về: Phật học căn bản, Sa di Luật nghi yếu lược, chữ Hán, nghi thức cúng Phật, tiếp linh, triệu linh, tụng Kinh, cách dùng các pháp khí của Thiên môn… hoặc giải đáp những thắc mắc, vấn đề khó khăn trong quá trình tìm cầu chân lý giải thoát.
Thứ ba, Hòa thượng luôn tạo mọi nhân duyên tiếp tăng độ chúng. Hòa thượng đã tiếp độ và xúc dưỡng được 7 vị mà sau này trở thành những vị Hòa thượng đạo cao, đức trọng: Nguyên Khẩn, Nguyên Tiệm, Nguyên Uyên, Nguyên Giảng, Nguyên Đạo, Nguyên Đức, Nguyên Tiệm. Trong đó, đặc biệt là Hòa Thượng Nguyên Chất đã từng làm: Hội trưởng Phật giáo cứu quốc huyện Duyên Hà, Hội trưởng Phật giáo huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình (nay là huyện Vũ Thư), Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình, Thành viên Hội đồng Chứng minh, nguyên Uỷ viên Hội đồng Trị sự, nguyên Phó ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thái Bình, nguyên trụ trì tổ đình Bộ La.
Hoà thượng cũng chính là người thầy tế độ cho Hòa thượng Thanh Định (nay là trưởng Sơn môn Bộ La – Đa Cốc) và dẫn dắt ra tăng chúng các đời hậu thế nhằm phát triển và kế vãng khai lai truyền đăng tục diệm như: Đại đức Minh Thành, Đại đức Thanh Ân, Đại đức Thanh Quang, Đại đức Thanh Nhã, Đại đức Thanh Đồng, Đại đức Nhuận Tâm, Đại đức Nhuận Trí, Đại đức Nhuận Đức, Đại đức Nhuận Nguyện, Đại đức Nhuận Huân, Đại đức Nhuận Từ, Đại đức Nhuận Đại, Đại đức Nhuận Giác, Đại đức Nhuận Phúc…
Hòa thượng căn cứ vào Luật Phật chế lấy tinh thần Lục Độ làm gốc, dựa theo Nghị quyết chư tăng ni Sơn môn, Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, điều kiện văn hoá, xã hội mà thiết lập Thanh Quy cho toàn thể chúng tăng nương theo đó tu tập và phụng sự nhân sinh. Sơn môn chính thức đầy đủ nhân và duyên để hình thành một Sơn môn, hệ phái đã hun đúc, trưởng dưỡng nên những bậc danh tăng ni lưu xuất chúng.
Giai đoạn Hòa thượng Tăng cang Mai Tâm Tịnh phát triển Sơn môn được coi là giai đoạn hưng thịnh của Sơn môn Bộ La – Đa Cốc ở tỉnh Thái Bình.
Bên cạnh đó, Hòa thượng Mai Tâm Tịnh còn đóng góp lớn trong việc xây dựng trung tâm in khắc, phiên dịch kinh sách. Trung tâm chế tác mẫu chữ để khắc in, khắc mộc bản được Hòa thượng tổ chức thực hiện tại Tổ đình Bộ La. Có hàng trăm bản được khắc, in ví dụ như: Kinh Vu Lan, Sám hối hồng danh, Kinh Di Đà, Kinh Dược Sư, Kinh Pháp Hoa… trải qua bao sự biến cố thăng trầm của thời cuộc nên những mộc bản này hiện nay không còn. Song ở giai đoạn đó có nhiều sơn môn, tổ đình, tự viện, trí thức đến để xin các mẫu chữ khắc ván, in kinh, thỉnh kinh… cũng có khi đến chỉ để chiêm ngưỡng, học hỏi kinh nghiệm về các thủ thuật khắc chữ từ chốn Tổ đình của Hoà thượng Tăng cang Mai Tâm Tịnh.
Hòa thượng cũng đã dịch nhiều kinh, sách cho tăng ni, Phật tử học tập. Điển hình trong các sách mà Hòa thượng đã dịch đó là Chư Kinh nhật tụng và Thiền Lâm bảo huấn. Trong đó cuốn Chư Kinh nhật tụng ngoài dịch nghĩa ngài còn chú thích thêm các thuật ngữ, viết thêm những bài hồi hướng, phóng sinh, cầu an, cầu siêu, cầu đảo bệnh, dưới dạng 4 câu chữ thuần Việt, ngắn gọn và súc tích. Với cuốn Thiền Lâm bảo huấn được ngài viết bằng chữ Nôm, viết về những kỷ cương yếu lĩnh về phương pháp trụ trì, hoằng dương Phật pháp sao cho như Pháp như Luật Phật chế. Mỗi ý tưởng, mỗi câu văn đều là những khuôn vàng thước ngọc cho kẻ hậu học noi theo. Thiền Lâm bảo huấn của Hòa thượng đã được ngài dùng làm tài liệu giảng dạy tại các Hạ trường.
Hòa thượng với hạnh nguyện Bồ tát đạo, thể hiện qua giới đức, tâm đức và tuệ đức đến với muôn nơi. Hòa thượng đã trợ cấp những vật thực, lương thực, thực tiễn nhất cho dân chúng mỗi khi gặp nạn lũ lụt. Năm 1918, phụng mệnh nhà vua và cũng như trách nhiệm của một vị tu sĩ về các nghi thức tế lễ, khấn nguyện nên đặc biệt thiết lập đại trai đàn Bạt độ, chẩn tế Âm linh cô hồn, cầu siêu cho hương linh nhân khánh thành nghĩa trang tại tỉnh Thái Bình do thông sứ Bắc Kỳ tổ chức (năm 1918)…
Trải qua 50 năm phụng sự, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, Hòa thượng Mai Tâm Tịnh luôn nhận được sự quý mến của chư tăng ni, đạo hữu Phật tử, các cấp chính quyền và nhân dân. Do có nhiều công lao đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, Hòa thượng nhận được rất nhiều khen thưởng của các cấp Giáo hội và chính quyền. Hòa thượng Thích Tâm Tịnh là một vị cao tăng thạc đức. Sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, giáo hóa lợi sinh của Ngài vô cùng lớn lao. Ngài xứng đáng là viên đá lớn trong lâu đài Phật giáo Việt Nam. Ngài đã dày công đào tạo nhiều thế hệ tăng ni mà ngày nay, nhiều người trong số đó đủ khả năng và đức hạnh tiếp nối, vun đắp cho cây đại thụ Phật giáo Việt Nam ngày một vững bền xanh tươi.
Chú thích:
* Tiến sĩ Đinh Văn Viễn, Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình.
** SC. Thích Nữ Tâm Như, Học viên Cao học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
[1] Cúng tổ khoa Tổ đình Bộ La, xã Vũ Ninh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
[2] Thích Nhân Tuấn, Bài lược ký- Thiền phả Sơn môn Đa Cốc – Danh sách Sơn môn Bộ La – Đa Cốc, PL 2564. (tài liệu lưu hành nội bộ tại chùa Bộ La).
[3] BCH Đảng bộ huyện Vũ Thư, Lịch sử Đảng bộ huyện Vũ Thư 1929-1975, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2005, tr.15.
[4] BCH Đảng bộ xã Nam Bình, Lịch sử Đảng bộ xã Nam Bình (1927-1975), Nxb. Nam Bình, 2010, tr.10.
[5] Hoàng Thế Ngạn, Hoàng Nhữ Bật, Hoàng Thúc Dương, Hoàng gia phả ký, (gia phả họ Hoàng làng Đa Cốc, soạn năm 1934).
[6] Cúng tổ khoa Tổ đình Bộ La, xã Vũ Ninh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
[7] Cúng tổ khoa Tổ đình Bộ La, xã Vũ Ninh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.