Tóm tắt:
Đúc kết thực tiễn phong trào cách mạng nước ta trong suốt gần một thế kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, trong thời đại ngày nay chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc. Để đạt được mục tiêu đó, trong quá trình chỉ đạo thực tiễn, Đảng luôn quan tâm, ưu tiên thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH) cho nhân dân.
Những mục tiêu, lý tưởng nhân văn, tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng đã bắt gặp và hòa hợp với triết lý từ bi, cứu khổ, cứu nạn, yêu thương chúng sinh của Phật giáo. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nói riêng luôn ra sức hưởng ứng, đồng hành cùng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách ASXH. Những đóng góp tích cực của Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong lĩnh vực ASXH là minh chứng rõ nét, tô đậm cho tinh thần nhập thế, gắn bó và đồng hành cùng với dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay.
Từ khóa: An sinh xã hội; Phật giáo; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngay từ xa xưa, trước những khó khăn, rủi ro của cuộc sống, con người cùng nhau đóng góp thành các loại quỹ dùng để tương trợ, san sẻ, đùm bọc lẫn nhau phòng khi bị thiên tai, bệnh tật, tuổi già và mất. Cùng với sự phát triển xã hội, ý thức của cộng đồng về sự san sẻ, tương trợ ngày càng đa dạng, toàn diện hơn, như: tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, người mạnh khỏe, người yếu, đều cùng nhau tham gia đóng góp thành lập các loại quỹ để phòng ngừa khi ốm đau, giảm thu nhập,… Dần dần, ASXH ngày càng lan tỏa ra nhiều quốc gia trên giới.
Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con [1]. Như vậy, ASXH là một chính sách bảo đảm thu nhập cho những người không may bị những rủi ro trong cuộc sống, bằng các biện pháp công cộng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp cho người lao động không bị rơi xuống đáy xã hội.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Cùng với sự phát triển của đất nước, quan điểm của Đảng về chính sách ASXH ngày càng phát triển toàn diện hơn, theo hướng tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế.
Với điều kiện nước ta hiện nay, để thực hiện tốt chính sách ASXH cho nhân dân, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước thì chưa đủ, mà rất cần khơi dậy nhiều nguồn lực quan trọng khác trong xã hội, trong đó có nguồn lực của các tôn giáo. Nguồn lực tôn giáo được thể hiện với 4 loại chủ yếu, đó là: nguồn lực về kinh tế, nguồn lực về tham gia cung cấp các dịch vụ công (giáo dục, y tế, ASXH); nguồn lực về văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong bảo vệ hòa bình, môi trường, phát triển bền vững đất nước,…
Phật giáo hiện diện ở Việt Nam đến nay đã hơn hai nghìn năm. Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn thể hiện tinh thần “hộ quốc, an dân”, hòa mình vào đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Nhiều giá trị tốt đẹp của Phật giáo được tiếp thu, trở thành giá trị truyền thống văn hóa. Ngày nay, Phật giáo Việt Nam lấy phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” để định hướng cho mọi hoạt động của mình. Do đó, với quan niệm “hoằng pháp, lợi sinh”, Phật giáo luôn đồng hành, góp phần tích cực cùng với Nhà nước thực hiện chính sách ASXH, chăm lo cho người dân.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
ASXH là lĩnh vực quan trọng, có nội hàm rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Ngày nay, ASXH trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau, như: triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử, xã hội học, lý luận và lịch sử nhà nước pháp luật,… Tùy vào tính chất, đặc điểm của từng chuyên ngành khoa học, mà có phương pháp tiếp cận và nghiên cứu ASXH phù hợp. Ở đây, trong bài viết này, chúng tôi đứng trên phương diện của chuyên ngành khoa học lịch sử để nghiên cứu về việc thực hiện chính sách ASXH của Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian qua. Để đạt được mục đích nghiên cứu, bài viết sử dụng nhiều phương pháp, cụ thể như: tổng hợp, phân tích, so sánh, thống kê, lôgic, lịch sử,…
Nguồn tư liệu chủ yếu được khai thác để phục vụ cho công trình nghiên cứu là: Văn kiện Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; các sách chuyên khảo về tôn giáo, Phật giáo; các văn kiện đại hội, báo cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Quan niệm của Phật giáo về thực hiện an sinh xã hội
Khái quát về giáo lý của mình, Đức Phật dạy: “Như Lai chỉ dạy một điều: đau khổ và sự chấm dứt mọi đau khổ” [2]. Đó là giáo lý của thực tế. Kinh Udàna (Kinh Phật Tự Thuyết) dạy: “Này hỡi Tỳ Khưu, cũng như nước của đại dương hùng dũng chỉ có một vị là vị mặn của muối, Giáo pháp chỉ có một vị là Giải Thoát”[3]. Đó là phương tiện giải thoát.
Trong hành trình đi đến con đường giác ngộ, Phật giáo cũng chỉ rõ, mỗi người cần phải giữ gìn đức hạnh: “Không làm những việc ác. Hay làm những điều thiện. Giữ tâm luôn trong sạch. Đó là lời Phật dạy” [4]. Trong cuộc sống, những suy nghĩ của chúng ta quyết định đến hành động và tương lai của chúng ta. Trong Bát chánh đạo dạy, tà kiến là điều kiện tạo nên những hành động sai trái, tiêu cực; chánh kiến là điều kiện tạo nên những hành động đúng đắn, tích cực. Đức Phật ví tà kiến như là hạt giống đắng, từ đó sinh ra cây đắng. Ngược lại, chánh kiến như hạt giống ngọt, từ đó sinh ra cây ngọt. Do đó, người học Phật cần diệt trừ tà kiến và nuôi dưỡng chánh kiến trong thân tâm.
Theo giáo lý của Đức Phật, có ba con đường để đạt được tuệ giác (bodhi) mà Phật tử có thể chọn lựa một con đường phù hợp với khả năng của mình để tu tập, đó là: 1) Thinh Văn Giác (Sāvaka Bodihi) – hay còn gọi là lý tưởng A La Hán, là sự giác ngộ của một đệ tử. Sau khi chứng ngộ Đạo Quả, vị A La Hán dành trọn đời mình để tế độ chúng sinh, bằng cách truyền gương lành trong sạch và truyền dạy những Giáo pháp thâm sâu; 2) Độc Giác Phật (Pacceka Bodhi) là sự khai minh giác ngộ của một người tự mình cố gắng đạt được Đạo Quả. Do đó, chư Phật Độc Giác không chọn cách dẫn dắt người khác đến nơi giác ngộ, mà Ngài nêu gương đức hạnh và trí dũng để hóa độ chúng sinh; 3) Toàn Giác (Sammā Sambodhi) là tự mình trở nên giác ngộ hoàn hảo nhất. Các Ngài sau khi đắc Đạo Quả, liền đi giác ngộ và hướng dẫn chúng sinh trau dồi luyện tập để đạt được Đạo Quả. Trong ba con đường này, Đạo Quả Phật là cao siêu hơn cả.
Theo từ nguyên tiếng Phạn (Pāli), từ “Bodhisatta” (Bồ tát), gồm hai phần: “Bodhi” là trí tuệ, giác tuệ và “Satta” là “gia công để…, hay chuyên cần để…”. Vì vậy, Bodhisatta (Bồ tát) có nghĩa là người gia công, hay chuyên chú nỗ lực để thành đạt trí tuệ hay giác tuệ. Tất cả chúng sinh đều có thể trở thành Phật. Bồ tát có thể là người Phật tử hoặc không. Những ai có lòng từ bi, yêu thương, giúp đỡ chúng sinh, muôn loài đều có thể trở thành Bồ tát. Có ba hạng Bồ tát: Trí tuệ Bồ tát, Tín Đức Bồ tát và Tinh Tấn Bồ tát. Trong đó, Tinh Tấn Bồ tát luôn luôn tìm cơ hội để phụng sự người khác. Không có gì làm Ngài ấy vui bằng việc tích cực phục vụ chúng sinh. Không tích cực hoạt động thì Ngài không có hạnh phúc. Như một vị vua xứ Sri Lanka nói: “Ta mang tấm thân bằng thịt và máu này là chỉ để đem lại trạng thái tốt đẹp và an lành cho thế gian”[5]. Như vậy, Bồ tát không chỉ sống cho riêng mình mà còn sống, phục vụ cho người khác.
Đức Phật dạy, có mười đức tính cao quý vượt hẳn thế tục gọi là Pārami (Ba La Mật), mà chư vị Bồ tát đều thực hành đầy đủ để đạt được Đạo Quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Mười pháp Ba La Mật, đó là: Bố thí (Dāna), Trì giới (Sīla), Xuất gia (Nekkhamma), Trí tuệ (Paññā), Tinh tấn (Viriya), Nhẫn nại (Khanti), Chân thật (Sacca), Quyết định (Adhīṭṭhāna), Tâm từ (Mettā) và Tâm xả (Upekkhā).
Ba La Mật được dẫn dắt bởi trí tuệ và được vun vén, bồi đắp bởi lòng từ bi. Hành động của vị Bồ tát tuyệt đối vị tha, không ngừng nỗ lực để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo khổ, bất hạnh; luôn tạo hạnh phúc, an vui, giảm bớt phiền não cho tất cả chúng sinh mà không có sự phân biệt nào. Một vị Bồ tát không nghĩ đến việc an hưởng thú thanh nhàn trong khi vẫn còn người ở trong vòng đau khổ, thậm chí Ngài có thể sẵn lòng hy sinh tính mạng của mình để cứu giúp chúng sinh.
Quan niệm của Phật giáo về việc thực hiện ASXH được thể hiện rõ trong mười pháp Ba La Mật. Đầu tiên, về Bố thí (Dāna). Theo nghĩa Hán – Việt, bố thí là cho, tặng, hiến, giúp. Từ bố thí có ý nghĩa cao đẹp, tích cực, thể hiện lòng hào hiệp, sự chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn. Đức Phật dạy, có năm loại keo kiệt (chỗ cư trú, gia đình, lợi nhuận, lời khen, Pháp). Trong cuộc sống, chúng ta nên từ bỏ và đoạn trừ năm loại keo kiệt này. Trái ngược với keo kiệt là bố thí. Con đường đi đến giác ngộ rất công phu, việc đầu tiên người tu Phật cần phải làm là thực hành hạnh bố thí. Nên bố thí rộng rãi, hết lòng làm từ thiện, vui vẻ khi bố thí, chia sẻ cho người khác và sau khi bố thí phải vui mừng, mãn nguyện. Đức Phật dạy, có hai loại bố thí: của cải vật chất (tài thí) và Pháp (Pháp thí). Khi bố thí, niềm vui phụng sự kẻ khác sẽ tự nhiên đến. Làm dịu bớt nỗi đau khổ của chúng sinh là một hạnh phúc khác do bố thí mang lại. Thực hành bố thí là cách để hoàn thiện hạnh bố thí – hạnh Ba La Mật cao nhất.
Kế đến, Tâm từ (Mettā). Theo tiếng Phạn, Mettā (Từ) có nghĩa là hiền lành, hảo tâm. Mettā là lòng thành thật nguyện cho mỗi chúng sinh, bao gồm cả những sinh linh nhỏ bé, đều được an vui hạnh phúc. Chính Tâm từ (Mettā) đã thúc giục Bồ tát từ bỏ sự giải thoát riêng cho mình, để cứu độ chúng sinh. Theo Ba La Mật, Tâm từ (Mettā) thể hiện tình thương yêu vô hạn đối với tất cả chúng sinh, muôn loài, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, nam nữ. Tâm từ không phân biệt “ta” – “người”. Tâm từ có oai lực rất lớn, có thể gieo ảnh hưởng cho những người ở gần và ở xa, đổi dữ ra lành, đổi ác ra thiện, làm cho người ác trở thành người hiền lành. Mong muốn làm cho người khác được yên vui, hạnh phúc là đặc điểm quan trọng của Tâm từ. Người có Tâm từ luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả chúng sinh.
Oai lực của Tâm từ không ở đâu xa lạ, mà nằm trong phạm vi năng lực của từng người. Nếu cố gắng thì ai cũng có thể thực hiện được. Người có Tâm từ là người có hạnh phúc. Do đó, thực hiện theo lời Đức Phật dạy, Phật tử thực hành Tâm từ đối với tất cả mọi chúng sinh.
Theo giáo lý của Đức Phật, Tâm từ được thể hiện trong Ba La Mật và Tứ Vô Lượng Tâm (Brahma Vihāra). Tứ Vô Lượng Tâm theo Phạn ngữ có nghĩa là lối sống cao thượng, trạng thái cao siêu, chỗ nương tựa của bậc thánh nhân. Tứ Vô Lượng Tâm giúp con người trở nên toàn thiện, với bốn đức độ cao thượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả; bao trùm lên tất cả chúng sinh, muôn loài, mà không có giới hạn. Theo đó, bên cạnh Tâm từ, thì Tâm bi cũng thể hiện rõ tinh thần yêu thương, mong muốn giúp đỡ, mang lại hạnh phúc cho con người và muôn loài.
Tâm bi (Karunā) là đức tính giúp con người trở nên cao thượng. Tâm bi thể hiện sự rung động trước sự đau khổ, bất hạnh của người khác. Đặc tính của Tâm bi là muốn giúp đỡ, cứu độ người khác thoát khỏi cảnh khổ đau. Người có Tâm bi luôn muốn tìm cách giúp đỡ và sống vì người khác, luôn tìm cơ hội để giúp đời mà không bao giờ mong được đền đáp lại. Đối tượng của Tâm bi là những người có cuộc sống nghèo khổ, khó khăn, bệnh tật, bất hạnh,… không phân biệt nam nữ, chủng tộc, giai cấp hay tôn giáo.
Như vậy, từ giáo lý Đức Phật dạy phải yêu thương, cứu giúp chúng sinh, muôn loài, đã trở thành định hướng, kim chỉ nam hành động của Phật tử trong cuộc sống. Thực hành theo những lời dạy của Đức Phật, Phật tử luôn cố gắng gieo nhân thiện, làm những điều tốt đẹp để giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh. Đây là gốc rễ về nhận thức, quan niệm sống để những người học Phật nhiệt thành trong việc thực hiện từ thiện xã hội, góp phần thực hiện chính sách ASXH của Nhà nước.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về thực hiện chính sách an sinh xã hội
Kế thừa truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, ngay khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945), chính sách ASXH được xác định là vấn đề cấp bách cần phải thực hiện ngay, như là: diệt nạn đói, diệt nạn dốt, xóa bỏ các thứ thuế vô lý của chính quyền cũ, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. Trong bài trả lời các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mong muốn thiết tha: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[6]. Những quan điểm này của Hồ Chủ tịch đã đặt cơ sở hình thành và phát triển nên hệ thống chính sách ASXH của Đảng và Nhà nước.
Do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, nên chính sách ASXH của chính quyền cách mạng chưa có điều kiện thực hiện như mong muốn. Đến thời kỳ đổi mới, quan điểm của Đảng và Nhà nước về thực hiện chính sách ASXH ngày càng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng toàn diện hơn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Bảo đảm ASXH là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong suốt quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước. Chính sách ASXH được xác định có vị trí, vai trò rất quan trọng, là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững đất nước, góp phần ổn định chính trị – xã hội, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.
Lần đầu tiên thuật ngữ “an sinh xã hội” được chính thức sử dụng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001), với quan điểm: “Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội” [7].
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2012) đề ra định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020: Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm ASXH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hệ thống ASXH phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách ASXH; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh [8].
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền đảm bảo an sinh xã hội” (Điều 34) và “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác” (Điều 59). Đây là lần đầu tiên Hiến pháp – văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất hiến định ASXH trở thành một trong những quyền cơ bản của công dân. Điều này thể hiện sự phát triển nhận thức của Nhà nước về vị trí, vai trò quan trọng của ASXH, theo hướng Nhà nước chuyển từ “hỗ trợ nhân đạo” sang “đảm bảo quyền” được thụ hưởng chính sách ASXH của nhân dân. Với quy định mới này, trong thời gian qua hệ thống pháp luật của nước ta luôn được rà soát, điều chỉnh, ban hành mới theo hướng đảm bảo quyền ASXH cho công dân một cách đầy đủ, toàn diện hơn.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng chủ trương tiếp tục hoàn thiện chính sách ASXH phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống ASXH đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động,… Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền ASXH của công dân. Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm ASXH cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tổ chức tốt hơn việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên,… Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế [9].
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Đảng chủ trương chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, ASXH, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm… Phát triển hệ thống ASXH toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ – bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản [10]. Đồng thời, Đảng chủ trương phát huy đạo đức, nguồn lực của tôn giáo vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Từ những quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về ASXH, chúng ta nhận thấy, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ASXH phải được xây dựng, thực hiện theo hướng phù hợp với cơ chế vận hành mới của nền kinh tế. Theo đó, ASXH được xem là công cụ quan trọng để Nhà nước khắc phục những khuyết điểm, hạn chế không mong muốn do nền kinh tế thị trường mang lại. Hệ thống ASXH ở nước ta được thiết kế theo hướng không chỉ có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục những rủi ro, mà còn thực hiện tái phân phối thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân. Nhà nước trở thành “người bảo vệ xã hội” thông qua các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo thực hiện ASXH cho người dân, đặc biệt là những người bị thiên tai, dịch bệnh, người nghèo, những người yếu thế trong xã hội.
Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước còn khó khăn như hiện nay, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước để thực hiện chính sách ASXH thì chưa đủ, mà rất cần sự chung tay, tham gia đóng góp của toàn dân và toàn xã hội. Đảng, Nhà nước chủ trương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế; vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với tinh thần, triết lý của Phật giáo là “nhập thế, giúp đời” và phương châm hoạt động: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, hướng đến xây dựng một xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
PHẬT GIÁO TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU TÍCH CỰC THAM GIA THỰC HIỆN AN SINH XÃ HỘI
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm ở miền Đông Nam Bộ nước ta, dân số có 1.148.313 người (2019). Nền kinh tế của tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và trung tâm dầu khí của cả nước. Đóng góp ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh luôn nằm tốp đầu cả nước. Với tiềm năng, lợi thế về kinh tế và cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, khí hậu mát mẻ nên Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút một lực lượng lớn lao động từ khắp mọi miền đất nước đến làm việc, sinh sống và học tập. Do đó, người dân Bà Rịa – Vũng Tàu có đời sống tôn giáo, tín ngưỡng rất đa dạng, phong phú.
Phật giáo là một trong những tôn giáo có mặt sớm nhất ở vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu khi lưu dân người Việt ở vùng Thuận Quảng đến khai hoang, định cư cách đây hơn ba thế kỷ. Tính đến năm 2022, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 409.000 tín đồ Phật giáo, hơn 4.000 Tăng Ni (nhiều thứ ba cả nước), hơn 500 tự viện. Thực hiện theo những lời dạy của Đức Phật và kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, trong thời gian qua Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất quan tâm thực hiện thực hiện công tác từ thiện xã hội, góp phần quan trọng cùng với chính quyền địa phương thực hiện chính sách ASXH và đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, cụ thể như sau:
Công tác ASXH của Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu diễn ra đa dạng, phong phú với nhiều hoạt động thiết thực. Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở tự viện hoạt động bảo trợ xã hội, được chính quyền cấp giấy phép hoạt động, như: Trung tâm nhân đạo Hộ Pháp, Từ Ân, Hồng Quang, Bồng Lai (tất cả các trung tâm đều trú đóng trên địa bàn thị xã Phú Mỹ). Các trung tâm tình nguyện cưu mang, chăm sóc hơn 260 cụ già neo đơn và hơn 300 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi. Với lòng nhiệt thành và tinh thần yêu thương, các trung tâm là chỗ dựa về đời sống vật chất và tinh thần cho những mãnh đời có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, không nơi nương tựa.
Đến năm 2020, Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức 4 bếp ăn tình thương phục vụ cho bệnh nhân nghèo và thân nhân tại các bệnh viện Lê Lợi, bệnh viện Bà Rịa, bệnh viện Tâm thần tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Châu Đức. Việc tổ chức và duy trì hoạt động tốt của bếp ăn có ý nghĩa xã hội quan trọng, góp phần chia sẻ khó khăn, làm giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân và thân nhân. Qua đó, lan tỏa tình yêu thương, thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật.
Từ năm 2017 đến năm 2022, Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh đóng góp xây dựng 03 ngôi nhà “Tình lam”, giúp đỡ những huynh trưởng, đoàn sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá khoảng 240 triệu đồng. Hàng năm, Ban Trị sự của Giáo hội tỉnh hỗ trợ Gia đình Phật tử 100 học bổng, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng cho đoàn sinh hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn. Khi các địa phương trong cả nước bị thiên tai, lũ lụt, Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuyên phát động quyên góp cứu trợ, chia sẻ khó khăn với đồng bào, với tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Vào những dịp lễ lớn của đạo (Lễ Phật đản, Vu Lan…), Ban Từ thiện – xã hội của Giáo hội luôn kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm đóng góp để tổ chức phát quà cho các gia đình nghèo trong và ngoài tỉnh; ủng hộ và bảo trợ các Mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ mồ côi; ủy lạo trại phong, tâm thần, bại liệt, khuyết tật và trại dưỡng lão; ủng hộ xây nhà tình nghĩa tình thương; hoạt động của tổ thuốc Nam; vận động các bác sĩ đến khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; vận động cứu trợ cho đồng bào các tỉnh, thành bị thiên tai; mổ ung bướu, mổ mắt, mổ hàm ếch, chất độc da cam, giúp đỡ áo quan cho người nghèo trong và ngoài tỉnh; mở các lớp học tình thương và cấp học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ cho giáo viên, đóng góp quỹ Vì Trường Sa thân yêu, quỹ Học bổng Vừ A Dính,… [11].
Trong những năm xảy ra đại dịch Covid-19, Giáo hội Phật giáo tỉnh vận động Tăng, Ni, Phật tử chấp hành nghiêm túc các chủ trương phòng, chống dịch của Nhà nước. Đồng thời, Giáo hội tích cực hưởng ứng, đồng hành cùng với chính quyền địa phương thực hiện công tác ASXH, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Riêng chư Ni và tự viện Ni đã tích cực vận động hỗ trợ, tham gia đóng góp với tổng giá trị ước tính thành tiền là hơn 274 tỉ đồng [12]. Trong giai đoạn 5 năm (2017 – 2022), Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tích cực vận động các Tăng, Ni, Phật tử và các nhà hảo tâm tham gia đóng góp, thực hiện công tác từ thiện xã hội, với tổng số tiền ước tính hơn 419 tỉ đồng [13].
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia thực hiện chính sách ASXH của Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có một số tồn tại như: Hoạt động ASXH tuy đa dạng, phong phú, nhưng chưa mang tính bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của ASXH, chủ yếu tập trung vào hoạt động bảo trợ xã hội, cứu trợ, tham gia công tác giảm nghèo. Hoạt động ASXH còn mang tính nhỏ lẻ, diễn ra tự phát, diễn ra chủ yếu vào những ngày lễ lớn của đạo. Trình độ tổ chức còn chưa thật sự chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng thực hiện, cần chú ý thêm về tác động ở phương diện xã hội, môi trường.
Để thực hiện tốt hơn công tác chính sách ASXH của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản như sau:
– Một là, Giáo hội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, tín ngưỡng cho Tăng, Ni và Phật tử. Đối với những chư vị Tăng, Ni tham gia tổ chức thực hiện công tác từ thiện xã hội cần nắm vững và tuân thủ những quy định pháp luật về việc thực hiện chính sách ASXH. Trong quá trình thực hiện công tác từ thiện xã hội cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp có liên quan.
– Hai là, các trung tâm bảo trợ xã hội trong quá trình hoạt động cần nghiêm túc tuân thủ những quy định của pháp luật trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em mồi côi, không nơi nương tựa là hoạt động từ thiện xã hội mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, nhưng đồng thời cũng là lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị lợi dụng, trục lợi. Do đó, để bảo vệ uy tín của Giáo hội, tránh những tiêu cực phát sinh thì các hoạt động bảo trợ xã hội cần diễn ra theo đúng pháp luật của Nhà nước, tất cả phải được công khai, minh bạch.
– Ba là, các hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội cần được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp hơn. Các loại quỹ vận động tài trợ, đóng góp cho công tác từ thiện xã hội cần được công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật và định kỳ tổ chức họp để rút kinh nghiệm và thông tin kết quả đã thực hiện để mọi người cùng biết.
– Bốn là, việc thực hiện chính sách ASXH của Giáo hội diễn ra còn thiếu tính toàn diện, chủ yếu tập trung vào hoạt động từ thiện xã hội tiêu biểu như bảo trợ xã hội, giảm nghèo, cứu trợ,… Do đó, Giáo hội cần nghiên cứu mở rộng, đa dạng thêm các lĩnh vực hoạt động khác như: Y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,…
– Năm là, Giáo hội cần làm tốt hơn công tác truyền thông, khai thác hiệu quả hơn các trang mạng xã hội để huy động các nguồn lực đóng góp của Phật tử, xã hội cho công tác ASXH. Chúng ta cần tổ chức đa dạng, phong phú với nhiều hình thức đóng góp để mọi người có thể dễ dàng, thuận tiện tham gia hơn.
– Sáu là, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chuyên môn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận, Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc hướng dẫn, giúp đỡ và đồng hành cùng Giáo hội trong việc thực hiện chính sách ASXH cho người dân.
KẾT LUẬN
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã xây dựng nên nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện tinh thần đùm bọc, yêu thương lẫn nhau. Hơn hai nghìn năm hiện diện ở nước ta, Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng với dân tộc, “hộ quốc – an dân”. Lúc nào đất nước khó khăn Phật giáo luôn sát cánh cùng với dân tộc vượt qua. Lúc nào nhân dân gặp khổ nạn, bất hạnh, Phật giáo luôn chìa tay cứu giúp. Đạo và đời luôn gắn bó, hòa quyện thật chặt. Ngày nay, tư tưởng từ bi, cứu giúp người bị hoạn nạn của Phật giáo đã bắt gặp và phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam về thực hiện chính sách ASXH cho nhân dân.
Thực hiện những lời dạy của Đức Phật và kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn thực hiện theo đúng mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hoằng dương Phật pháp, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới. Trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh luôn có nhiều nỗ lực trong công tác từ thiện xã hội, góp phần cùng với Nhà nước thực hiện chính sách ASXH, chăm lo cho nhân dân có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn.
Phát huy phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện tốt đồng thời cả hai nhiệm vụ Phật sự và hoạt động xã hội. Hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội diễn ra đa dạng, phong phú với những việc làm thiết thực, góp phần tích cực cùng với chính quyền địa phương thực hiện chính sách ASXH cho nhân dân. Những hoạt động phụng sự xã hội của Giáo hội có ý nghĩa quan trọng, lan tỏa những giá trị tích cực, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định xã hội, xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng giàu mạnh, nghĩa tình và văn minh./.
Chú thích:
* NCS. Đỗ Văn Đờ La Guôl – Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
[1] Lê Thị Thu Hoài (2014), Quyền an sinh xã hội và đảm bảo thực hiện trong pháp luật Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.25.
[2] Nārada Mahā Thera (2003), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.286.
[3] Nārada Mahā Thera (2003), Đức Phật và Phật pháp, Sđd, tr.286.
[4] Chan Khoon San (2013), Giáo trình Phật học, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.286.
[5] Nārada Mahā Thera (2003), Đức Phật và Phật pháp, Sđd, tr.580.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, trang 187
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.474.
[8] Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.137.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, tr.150.
[11], [12], [13] Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo cáo số 676/BC-BTS, ngày 28-9-2022 về Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2017 – 2022) và chương trình hoạt động nhiệm kỳ VII (2022-2027).
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo cáo số 676/BC-BTS, ngày 28-9-2022 về Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2017 – 2022) và chương trình hoạt động nhiệm kỳ VII (2022 – 2027).
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021.
6. TS. Nguyễn Khắc Đức (2022), Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
7. Lê Thị Thu Hoài (2014), Quyền an sinh xã hội và đảm bảo thực hiện trong pháp luật Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4.
9. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội hợp tuyển từ kinh Tạng Pàli, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
10. Chan Khoon San (2013), Giáo trình Phật học, Nxb. Tổng hợp TP HCM.
11. Nàrada Mahà Thera (2003), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
12. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội.