Kỹ thuật nhận diện và cảm xúc trong Đạo Phật chữa lành nối kết (NCS. Thích Đức Quang)

Tóm tắt: Đa phần chúng ta chọn trốn tránh cảm xúc, cho đó là giải pháp tối ưu trước những vấn nạn cảm xúc đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không biết, trốn tránh cảm xúc là nguồn gốc của nhiều loại tâm bệnh, đặc biệt có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thân tâm. Vì vậy, bài này sẽ giới thiệu kỹ thuật thiền quán trên thân và cảm thọ của Đạo Phật chữa lành như liệu pháp nhận diện và tái nối kết cảm xúc hiệu quả nhất, có năng lực ứng dụng chữa trị và chăm sóc tốt cho sức khỏe tâm thần. Việc trình bày những kỹ thuật nhận diện và nối kết cảm xúc này không chỉ giúp dừng lại việc trốn chạy cảm xúc và tái kết nối thân tâm, còn mở ra phương pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần và đời sống hạnh phúc trong thực tại sống mỗi ngày.
Từ khóa: Đạo Phật, chữa lành, nối kết cảm xúc.

Đời sống phức tạp và rối rắm đã che mờ năng lực nhận thức đầy đủ về cuộc sống, tâm trí và cơ thể. Do đó, con người cần thực tập chánh niệm để nâng cao năng lực chú ý và tập trung để nhận diện và tiếp nhận sự tương tác giữa cảm xúc, suy nghĩ và cảm giác thân thể. Pháp thiền quán niệm đã mở ra sự nhạy cảm và thấu hiểu bản chất thực của tiếng nói nội tâm và phản ứng của cơ thể vật lý trong đời sống mỗi ngày.

GIỚI THIỆU
Trong cuộc sống nhộn nhịp ngày nay, con người chịu nhiều căng thẳng và áp lực từ các mối quan hệ gia đình lẫn công việc, xã hội. Những áp lực vô hình sẽ dần tăng lên và trở thành khối đá lớn trong lòng, đè nặng và bóp chết cảm xúc. Như một hệ quả, người chịu nhiều áp lực sẽ đánh mất liên lạc với tín hiệu cơ thể và không tự nhận diện được phản ứng cảm xúc. Việc để cảm xúc trôi nổi, không nhận diện và nối kết cảm xúc sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong cuộc sống như “giận cá chém thớt” gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc tìm hiểu phương pháp nhận diện và cách thức nối kết cảm xúc là cấp thiết, giúp hành giả học Phật đối trị cảm xúc tiêu cực và tự chữa lành nỗi đau khổ. Bài viết này sẽ giới thiệu những kỹ thuật nhận diện và nối kết cảm xúc trên tinh thần triết học thực hành Phật giáo thông qua chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ của thân tâm, pháp nhận diện và nối kết cảm xúc, giá trị chữa lành và cách thực hành quán sát thân (kāyānupassanā) và cảm thọ (vedanānupassanā) để tái nhận diện và kết nối cảm xúc của Đạo Phật chữa lành.

THÂN TÂM MỘT MỐI
Cơ thể và tâm trí có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại. Trong đạo Phật, con người là một khối không thể tách rời của vật chất (rūpa) và tinh thần (nāma) [1]. Trên cơ sở này, việc nhận diện tín hiệu của cơ thể sẽ nắm bắt được trạng thái tinh thần. Ngược lại, những trạng thái cảm xúc sẽ có tác động và biểu hiện lên cơ thể, như khi giận dữ thì mặt mày sẽ đỏ bừng và tim đập mạnh… Mỗi trạng thái tâm lý sẽ có biểu hiện khác nhau lên thân thể, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, phán đoán và suy nghĩ.

Đời sống phức tạp và rối rắm đã che mờ năng lực nhận thức đầy đủ về cuộc sống, tâm trí và cơ thể. Do đó, con người cần thực tập chánh niệm để nâng cao năng lực chú ý và tập trung để nhận diện và tiếp nhận sự tương tác giữa cảm xúc, suy nghĩ và cảm giác thân thể. Pháp thiền quán niệm đã mở ra sự nhạy cảm và thấu hiểu bản chất thực của tiếng nói nội tâm và phản ứng của cơ thể vật lý trong đời sống mỗi ngày. Nhận thức trực tiếp và chủ động do chánh niệm được nuôi lớn sẽ mở ra trải nghiệm thực tế, loại trừ thói quen trốn tránh do sợ hãi trong vô thức dẫn dắt. Đây gọi là năng lực chấp nhận thực tế và trải nghiệm trong từng khoảnh khắc, tuyệt không trốn tránh những nỗi sợ hay khổ đau, phản ứng khó chịu.

Tiếp nhận những phản ứng của thân tâm và tái kết nối với cảm xúc là bài học lớn về khoa học chữa lành trong nhà Phật. Ở đó chỉ ghi nhận những cảm giác xuất hiện trong từng sát-na, tuyệt nhiên không phán xét, nhận biết cảm giác vui hoặc buồn, chú ý đến những chuỗi tâm thức kéo theo.

Bài viết này sẽ giới thiệu những kỹ thuật nhận diện và nối kết cảm xúc trên tinh thần triết học thực hành Phật giáo thông qua chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ của thân tâm, pháp nhận diện và nối kết cảm xúc, giá trị chữa lành và cách thực hành quán sát thân (kāyānupassanā) và cảm thọ (vedanānupassanā) để tái nhận diện và kết nối cảm xúc của Đạo Phật chữa lành. – (Ảnh: sưu tầm)

NHẬN DIỆN VÀ KẾT NỐI
Quán sát thân (kāyānupassanā) và cảm thọ (vedanānupassanā) là hai kỹ thuật thiền quán trong pháp tứ niệm xứ, để nhận diện sâu sắc và tái nối kết thân tâm. Quán sát (anupassanā/ anudarśana) là nhận diện, suy xét và hiểu rõ; có chức năng và mục đích lãnh hội và nhận thức đúng đối tượng như nó là. Trên cơ sở của sự hiểu biết đúng và đầy đủ về đối tượng được quán sát, ở đây là thân và cảm thọ, dẫn đến sản sinh ra năng lực chủ động nhận diện trực tiếp và tái nối kết cảm xúc của thân tâm.

Những nỗi đau của quá khứ là cội nguồn của sợ hãi, dẫn đến trốn tránh cảm xúc thực ở hiện tại, tình trạng ngừng tiếp nhận và ngắt kết nối cảm xúc. Cơ chế này có nguồn gốc từ phản ứng né tránh của não bộ được kích hoạt khi nhận diện có mối đe dọa đến từ cảm xúc đau khổ. Về cơ bản, hệ thống né tránh của não bộ được sử dụng để kìm chế tác động tiêu cực, tuy nhiên nếu cơ chế này xảy ra liên tục và lâu dài sẽ trở thành tâm bệnh né tránh thực tại hay lẩn trốn trải nghiệm. Chính cơ chế phòng vệ bằng trốn tránh này đã ngăn trở sự tiếp nhận đầy đủ những trải nghiệm sống động trong đời sống, nghĩa là cơ chế này khi trở thành thói quen đã gián tiếp ngăn trở việc nhận diện và nối kết cảm xúc chân thực của bản thân. Rõ ràng, việc trốn tránh cảm xúc không dứt trừ được cảm giác khó chịu, chúng vẫn ở đó và đang cháy ngầm như lửa than trong lò đợi đủ duyên sẽ bùng cháy mạnh mẽ. Như vậy, việc ngưng tiếp nhận và nối kết cảm xúc làm nhân duyên chính cho các bệnh lý rối loạn cảm xúc, còn làm cho nỗi đau mỗi ngày thêm lớn mạnh, phức tạp và dai dẳng.

Sự trốn tránh cảm xúc có tác động tiêu cực đến sức khỏe thân tâm, đặc biệt dẫn đến các vấn đề tâm lý như lo lắng, kìm hãm sự sáng tạo, thiếu linh hoạt và giảm sự năng động. Vì đối trước mối nguy và nỗi đau tạo ra phản ứng khó chịu nên kích hoạt cơ chế trốn tránh của não bộ. Nếu tình trạng trốn tránh cảm xúc xảy ra thường xuyên, kéo dài sẽ dẫn đến hành vi lệch lạc, tâm hồn bị héo mòn, suy giảm tinh thần khám phá sáng tạo và phát sinh bệnh tật. Do đó, việc thực hành thiền tập quán sát thân và cảm thọ trở nên vô cùng cấp thiết, mở ra cây cầu nối kết thân thể và tâm thức, cởi bỏ những phản ứng tiêu cực và nuôi lớn chánh niệm tỉnh thức thông qua các kỹ thuật nhận diện và kết nối trong Đạo Phật chữa lành.

NHẬN DIỆN ĐỂ TIẾP NHẬN VÀ TÁI NỐI KẾT
Từ những kinh nghiệm giác ngộ chữa lành phiền não, Đức Phật đã trở thành bậc thầy chữa lành, người thầy thuốc (đại y vương, bhisakko, physican) [2] của nhân loại. Nói khác đi, Đức Phật là bậc thầy tự chữa lành và có năng lực tư vấn (counsel) chữa lành mọi tâm bệnh. Những điều này có thể dễ dàng bắt gặp trong kinh tạng, ví dụ kinh Tissa (SN 22.84), Đức Phật đã tư vấn và chữa lành cho thầy Tissa (cháu trai của Đức Phật) thoát khỏi tình trạng chán nản, hoài nghi, ngờ vực và không hài lòng với đời sống của một tu sĩ. Là một bậc thầy chữa lành, Đức Phật đã khéo léo đưa ra những lời khuyên bảo (ovādena)[3], giúp đỡ (anuggahena)[4], và chỉ dẫn (anūsāsaniyāti) [5] cụ thể vô cùng hữu ý cho thầy Tissa [6]. Ở đây, những lời khuyên giúp mở ra con mắt pháp, giúp thấy rõ vấn đề đang gặp phải. Sự giúp đỡ sẽ vực dậy tinh thần như sự tiếp lửa, làm cho tảng băng lạnh giá trong lòng tan chảy, hòn đá đè nặng được đặt xuống. Các chỉ dẫn không chỉ giúp vượt qua tâm bệnh trong lòng, còn mở ra những con đường hướng thượng về phía ánh dương. Như vậy, Đức Phật là bậc thầy chữa lành, có kỹ thuật khuyên bảo, giúp đỡ và chỉ dẫn giúp dứt trừ mọi bệnh khổ ở hiện tại và phòng trừ tâm bệnh trong tương lai [7]. Do đó, Đạo Phật là khoa học chữa lành, vì có những kỹ thuật chữa lành tuyệt vời đến từ tri thức thực nghiệm và lời dạy về chữa lành từ kinh nghiệm tự chữa lành của Đức Phật. Quả thực, đây là kho tư liệu vô giá của Đạo Phật chữa lành. Chúng chính là những phương pháp nhận diện và tái nối kết thân tâm, mở ra đời sống chánh niệm an vui, hiện pháp lạc trú.

Để vượt qua vấn nạn này, Đức Phật đã có những khuyên bảo (ovādena), giúp đỡ (anuggahena) và chỉ dẫn (anūsāsaniyāti) cụ thể giúp tái nối kết và tiếp nhận cảm xúc trở lại, đầu tiên cần nhận thức được rõ ràng về vấn đề thói quen ngừng tiếp nhận và ngưng nối kết như nó là. Đây là kỹ thuật nền tảng trong triết học thực hành tứ đế của Đạo Phật [8], được chính Đức Phật truyền dạy để nhận diện mọi vấn đề và giải quyết vấn đề đang gặp phải trong đời sống hiện thực.

Quán niệm để nhận diện thân thể, trực giác có ý thức là cơ chế đánh giá đầu tiên của cơ thể đối với thế giới bên ngoài. Sự phản ứng tinh tế này của thân thể thường được gọi là trực giác mách bảo. Cảm giác đầu tiên này sẽ nói lên được sự quan phòng của não bộ nhằm bảo vệ chủ thể khỏi những mối nguy hiểm bên ngoài, thúc đẩy tâm lý trốn chạy hay quyết định tránh né. Trong những trường hợp như vậy, Đức Phật dạy phương pháp quán niệm để nhận diện như thật thân hành và nhận thức rõ các cảm thọ đang hiện hữu. Đây là cách thức phát triển chánh niệm để nhận diện và cảnh báo những cảm xúc sẽ sớm hiện hữu, để tiến hành điều chỉnh cảm xúc.

Sự thực hành thiền quán sâu sắc sẽ nâng cao khả năng tỉnh thức và tiếp nhận trong từng sát-na tâm, tăng cường nối kết cảm xúc và ngưng các phản ứng thuần bản năng – vô thức tự động né tránh của não bộ. Kỹ thuật quán niệm này rất quan trọng ở việc nhận diện và sàng lọc cảm xúc tiêu cực, có chức năng giúp giải trừ các phản ứng dây chuyền của tâm thức, dẫn đến chấm dứt được những hành động nguy hại cho bản thân và người xung quanh. Từ đó, tâm lý được cân bằng và hành động được điều chỉnh phù hợp trước những vấn nạn khó khăn, thoát khỏi những lối mòn suy nghĩ trong tâm thức.

Ở đây giới thiệu ba đề mục của kỹ thuật thiền quán sát thân (kāyānupassanā) là quán niệm hơi thở, quán niệm các tư thế và quán niệm các hành động. Như lời Đức Phật dạy: “Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri; “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri:”Tôi thở ra ngắn”; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập… “Tôi đi”; hay đứng, tuệ tri: “Tôi đứng”; hay ngồi, tuệ tri: “Tôi ngồi”; hay nằm, tuệ tri: “Tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân như thế ấy… Khi bước tới, bước lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi ngó tới, ngó lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi co tay khi duỗi tay biết rõ việc mình đang làm. Khi mang áo Sanghàti (Tăng già lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm. Khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm. Khi đi, đứng, ngồi, nằm, biết rõ việc mình đang làm (DN 22; MN 10, 119)”[9]. Việc quán niệm thân hành này là kỹ thuật để khám phá, trải nghiệm, tiếp nhận và kết nối với cơ thể một cách chánh niệm. Từ đó cởi bỏ được những nút thắt và sự mất nối kết giữa thân và tâm do sự trốn tránh cảm xúc đem lại. Sự khám phá bản thân bằng pháp thân hành niệm sẽ từ từ cảm nhận những mối nguy hại do trốn tránh cảm xúc đem lại, nhận ra nguyên nhân những phản ứng khó chịu đến từ trốn tránh. Chữa lành được hoàn thiện khi thân tâm được kết nối bằng kỹ thuật chánh niệm thân hành, nhận diện thân thể một cách như thật – thấy sự vật như nó là (yathābhūtadarśana/ yathābhūtadassana).

Bản chất của sự thực tập quán sát thân hành là nhận diện thuần túy, không phán xét và cố gắng trốn tránh. Chỉ theo dõi các hành động của thân thật chánh niệm, với tinh thần cảm thông và tử tế để thấy rõ thân hành như nó là. Đây gọi là sống với chính mình, nhận thức đầy đủ để bản thân luôn sống với thực tại hiện tiền. Trên cơ sở chánh niệm về thân thể sẽ giải trừ sự trốn tránh cảm xúc, tăng cường tỉnh thức và giảm phụ thuộc vào vô thức. Từ đó chánh niệm giúp chữa lành những cảm giác khó chịu, mở rộng tấm lòng với những trải nghiệm bất như ý của bản thân. Xa hơn là thân hành niệm không chỉ làm giàu trải nghiệm nội tâm, mà còn mở ra nhiều cơ hội chọn lựa và quyết định trong từng hành động, làm chủ được tương lai – khoảnh khắc kế tiếp. Lưu ý, bản chất của sự thực tập chánh niệm về thân hành là để trải nghiệm trực tiếp cảm nhận và cảm xúc trạng thái của thân, chứ không phải tưởng tượng hay suy nghĩ về thân, nhận thức và tái nối kết cảm xúc trực tiếp của thân tâm.

Quán sát thân (kāyānupassanā) và cảm thọ (vedanānupassanā) là hai kỹ thuật thiền quán trong pháp tứ niệm xứ, để nhận diện sâu sắc và tái nối kết thân tâm.

Kỹ thuật thiền quán thứ hai là quán sát cảm thọ (vedanānupassanā). Đức Phật đã dạy rằng, “khi cảm giác lạc thọ, biết rằng: “Tôi cảm giác lạc thọ”; khi cảm giác khổ thọ, biết rằng: “Tôi cảm giác khổ thọ”; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, biết rằng: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ”. Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất biết rằng: “Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất”. Hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, biết rằng: “Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất” Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, biết rằng: “Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất”. Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, biết rằng: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất.” Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, biết rằng: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất” (DN 22, MN 10)” [10]. Việc phát triển quán sát cảm thọ giúp tăng hiệu quả lắng nghe cơ thể và chăm sóc cảm xúc trong mỗi phút giây hiện tại. Đặc biệt là việc ghi nhận cảm thọ khổ, cảm giác phiền não và khó chịu trước những ký ức đau thương giúp giải trừ những nguy cơ tiềm tàng thúc đẩy loạt phản ứng và suy nghĩ tiêu cực. Điểm sáng ở kỹ thuật quán niệm cảm thọ là thấy rõ cảm thọ như nó là, nhìn thẳng vào niềm vui/đau khổ/trung tính, đối diện và chấp nhận niềm vui/đau khổ/trung tính đang hiện diện. Đặc biệt, riêng đối với nỗi khổ đau, cần thực hành thiền quán sâu sắc để thấy được cảm xúc khổ đau và cảm giác khó chịu, nhưng tuyệt đối không trốn chạy mà đối diện và vượt qua, nhằm mở ra quá trình nhận diện và tái nối kết cảm xúc để tự chữa lành.

Việc thực hành thiền quán sát thân và cảm thọ giúp nhận diện và tái nối kết cảm xúc, đem thân tâm trở về với thực tại hiện tiền. Pháp chánh niệm mang lại tỉnh thức trọn vẹn đối diện với hiện tại, buông bỏ chấp niệm quá khứ hay mơ tưởng tương lai, trừ bỏ tận gốc rễ sự trốn tránh cảm xúc.

Lưu ý, trước những cảm giác đau khổ phức tạp, việc đầu tiên là cần nhận diện tổng quát nhất về nỗi khó chịu, đối diện và không trốn chạy cảm xúc phức tạp này để nhận diện rõ nỗi đau đã tác động đến bộ phận nào trên thân thể. Thứ đến là chánh niệm quán chiếu nỗi đau thật thuần thục, nhận diện cảm giác khó chịu và từ từ thấy rõ tâm lý trốn tránh sanh khởi. Việc quán niệm cảm thọ đau khổ sâu sắc có năng lực nhận diện và điều chỉnh cảm xúc, nhanh chóng nắm bắt và phát hiện những phản ứng của thân tâm trước khi cơ chế trốn tránh khởi động. Sau cùng là nhận diện chi tiết toàn bộ tiến trình của cảm thọ khổ, thấy rõ sự bắt đầu từ phản ứng khó chịu sẽ dẫn đến cơ chế trốn tránh và ghi nhận cảm khổ thọ. Tuy nhiên, mới thoạt nhìn chuỗi phản ứng cảm thọ khổ rất phức tạp, nhưng thực chất khi quán xét sâu sắc trong từng sát-na trên từng bộ phận cơ thể, nó vốn riêng biệt và cụ thể. Ở đó, mỗi sự khó chịu và phản ứng tránh né sẽ chỉ ảnh hưởng đến bộ phận cơ thể riêng biệt, nhờ vào đây giúp nhận thức trực tiếp và tiếp nhận chính xác cảm thọ, cũng như cách nó biểu hiện trên cơ thể. Như vậy, việc thực tập quán sát cảm thọ đem lại nhận thức đầy đủ và trực tiếp về tiến trình cảm thọ hình thành và những phản ứng cũng như ảnh hưởng của nó trên cơ thể, mở ra hiểu biết đầy đủ hơn của bản chất và cách thức điều chỉnh khung hướng của dòng chảy tâm thức trong cơ thể. Nói khác đi, quá trình hành thiền quán cảm thọ là đang phát triển hiểu biết đầy đủ về mối quan hệ của thân tâm, thông qua tri thức đúng đó chữa lành tâm hồn, nuôi dưỡng lối sống lành mạnh và tử tế, mở ra đời sống tươi sáng – thiện lương.

Tóm lại, việc thực hành thiền quán sát thân và cảm thọ giúp nhận diện và tái nối kết cảm xúc, đem thân tâm trở về với thực tại hiện tiền. Pháp chánh niệm mang lại tỉnh thức trọn vẹn đối diện với hiện tại, buông bỏ chấp niệm quá khứ hay mơ tưởng tương lai, trừ bỏ tận gốc rễ sự trốn tránh cảm xúc. Chánh niệm nuôi dưỡng năng lực tập trung, sự năng động và sáng tạo. Ngược lại, thất niệm hay trốn tránh cảm xúc, việc tránh né trải nghiệm tiêu cực gây chướng ngại cho khả năng tập trung và dẫn đến suy giảm năng lực ghi nhận lẫn sáng tạo. Thông qua năng lực chữa lành của những kỹ thuật thiền quán về thân và cảm thọ trong Đạo Phật chữa lành, đã mở ra cầu nối giữa Đạo Phật và khoa học, còn làm cho mối quan hệ này thêm sâu sắc. Do đó, Đạo Phật chữa lành cần phải tiếp tục mở rộng các nghiên cứu ứng dụng và chữa lành thân tâm. Nhất là cung cấp các kỹ thuật xử lý khủng hoảng cảm giác và cảm xúc, phá bỏ thành kiến và phản ứng tiêu cực, đưa đời sống trở về với hiện thực, ngừng trốn tránh để đối diện và nhận diện để kết nối trọn vẹn thân tâm với cuộc sống và thấu hiểu chính mình để vượt qua những cảm xúc tiêu cực lẩn quẩn, đạt được pháp hiện tại lạc trú.

Chú thích:
* Tỳ kheo Thích Đức Quang, Nghiên cứu sinh tại Đại học Colombo, Sri Lanka.
[1] Thích Đức Quang, (2022). Triết học thực hành Phật giáo: Từ giáo dục con người đến xây dựng Phật quốc, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.25.
[2] 雜阿含經, T02, no. 99, p. 105b10. MN. II. 260: “Bhisakko sallakattoti kho,  tathāgatassetaṃ adhivacanaṃ arahato sammāsambuddhassa.”
[3] Phương pháp khuyên bảo hay giáo giới là ovādapaṭikarā (D. I.137: ở kinh Kūṭadanta Sutta [DN 5], Đại Kinh Pháp Hành/ Mahādhammasamādāna Sutta, MN 46).
[4] Phương pháp giúp đỡ, trong Gaddulabaddha Sutta (SN 22.99, SN iii 149).
[5] Phương pháp chỉ là dạy phương pháp để điều phục, chiết phục ở Assakhaḷuṅka Sutta (AN 9.22; AN iv 397) và Nava Sutta  (SN 22:101) và Kevaṭṭa Sutta ( DN 11).
[6] SN iii 106.
[7] Thích Đức Quang, (2022). Triết học thực hành Phật giáo, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.141-146.
[8] Thích Đức Quang, (2022). Triết học thực hành Phật giáo, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.50-63.
[9] Xem ‘kinh Đại Niệm Xứ’ trong Thích Minh Châu dịch, (2013). Kinh Trường Bộ, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.445-6. Thích Minh Châu dịch, (2012). Kinh Trung Bộ, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, t.1, tr.86; t.2, tr.420.
[10] Xem “Kinh Đại Niệm Xứ” trong Thích Minh Châu dịch, (2013). Kinh Trường Bộ, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.449-50. Thích Minh Châu dịch, (2012). Kinh Trung Bộ, Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, t.1, tr.89.