Tìm hiểu lịch sử kiến trúc chùa Giác Lâm

A. Dẫn nhập

Chùa được biết đến là một thể loại công trình kiến trúc-nghệ thuật không thể thiếu trong cộng đồng tín ngưỡng văn hóa của người Việt Nam xưa và nay. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn, khoảng thế kỷ đầu Tây lịch, Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Từ đó, Trung tâm Luy Lâu ra đời, các ngôi chùa mọc lên theo từng thời gian và không gian khác nhau, và dần dần mỗi làng đều có một ngôi chùa. Đến với những ngôi già-lam đó để khảo sát, chúng ta chẳng những thấy đặc điểm của Phật giáo, tín ngưỡng và văn hóa Việt Nam mà còn giúp chúng ta hiểu được mặt quan trọng của lịch sử
văn hóa và tư tưởng Việt Nam. Có thể nói trong lịch sử truyền thống văn hóa Việt Nam thì chưa từng có một di sản văn hóa nào đầy ắp sự kiện lịch sử, nghệ thuật phong phú đa dạng như chùa chiền. Một thể loại kiến trúc-nghệ thuật thuần Việt, đậm đà bản sắc và có giá trị thể hiện tinh thần tâm linh độc đáo. Chính những giá trị đặc điểm đó tạo cảm quan, thu hút các nhà khảo cổ, hiếu kỳ tìm đến để khám phá những di tích lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cổ đại.

Chùa Giác Lâm là ngôi chùa được cho là có niên đại cổ xưa nhất miền Nam và đẹp, nằm trong lòng thành phố Hồ Chí Minh. Với bề dày lịch sử gần 300 năm, chùa Giác Lâm đã lưu lại nhiều cổ vật quý hiếm cũng như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc tôn giáo. Cũng chính vì những lẽ đó mà chúng tôi đã tìm hiểu về kiến trúc-nghệ thuật của ngôi chùa cổ này. Để chứng minh về nội dung đề tài, người viết sử dụng phương pháp khảo cổ học, khảo sát thực tế, phỏng vấn… để lấy sử liệu chính xác, cũng như những hình ảnh thật của ngôi chùa đã để lại những dấu ấn lịch sử tiềm tàng trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đồng thời dùng phương pháp quy nạp, phân tích, giải thích và so sánh để làm nổi bật nét độc đáo về kiến trúc mỹ thuật của ngôi cổ tự này. Mong rằng, đây là đề tài có thể góp phần đóng cho sự nghiên cứu về những di sản văn hóa của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

B. Nội dung

1. Lịch sử hình thành và phát triển
1.1. Bối cảnh lịch sử hình thành chùa Giác Lâm

Vào thế kỷ thứ XV-XVI, vùng đất Gia Định đã có những lưu dân Việt Nam đến đây k hẩn hoang lập ấp, với sự nhập cư của người Việt, khu Gia Định-Tân Bình sớm hình thành một trung tâm thương mại, nơi giao dịch buôn bán hàng hóa, sự phát triển về kinh tế nơi này đã tạo nên tiền đề, cho sự phát triển văn hóa, kiến trúc, điêu khắc tại vùng đất Gia Định trong đó có cả tín ngưỡng. Nhiều ngôi chùa, hội quán, đình, miếu thờ thần của người Hoa cũng được mọc lên trên mảnh đất Gia Định này.

Trong những đoàn di cư vào phương Nam có hai trong số những vị thiền sư được cho là Tổ của Phật giáo Đàng Trong, đó là Thiền sư Bổn Quả và Thiền sư Nguyên Thiều thuộc dòng Lâm Tế. Về sau có rất nhiều
đệ tử của hai ngài về vùng đất mới Gia Định để hoằng hóa Phật giáo đưa giáo lý truyền đi khắp đất nước. Tại thành Gia Định đã hình thành nên các chùa như: Từ Ân, Khải Tường, Giác Lâm, Kim Chương… Bên cạnh đó cũng có nhiều dân tộc khác cũng chọn vùng đất Gia Định này làm quê hương thứ hai của mình, rồi sau đó họ kết hợp với người Việt để hình thành một cộng đồng mới nhằm khắc phục những khó khăn trong buổi ban đầu. Theo những nhu cầu cúng bái, cầu an, cầu siêu, ma chay,… đã đưa đến sự ra đời của các ngôi chùa ở vùng đất mới Gia Định. Những ngôi chùa ở đây phần lớn do người Minh Hương xây dựng và chùa Giác Lâm cũng là một trong những ngôi chùa được xây dựng vào thời đó.

1.2 Lịch sử hình thành và phát triển chùa Giác Lâm

Chùa Giác Lâm còn có các tên khác như Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Từ khi thành lập cho đến năm 1742, chùa chỉ là một ngôi nhà tranh vách đất còn gọi là Niệm Phật đường. Mãi đến gần 30 năm sau thì Lý Thụy Long đến chùa Từ Ân (đây là ngôi chùa xuất hiện rất sớm ở Gia Định), thỉnh một vị Tăng sĩ về làm trụ trì chùa Cẩm Đệm. Hòa thượng Phật Ý đã cử một vị đệ tử của mình là Thiền sư Viên Quang về đó trông coi.

Từ năm 1774, khi trụ trì chùa Cẩm Đệm thì Thiền sư Viên Quang đã cho đổi tên thành chùa Giác Lâm. Kể từ đó chùa phát triển rất tốt về mọi mặt, trở thành trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật; số lượng tu sĩ tập trung về rất đông, năm thứ 18 (1819) chùa tổ chức Đại giới đàn đã được mở rộng cho đông đảo thiện nam tín nữ đến quy y… Vào năm 1798, sau nửa thế kỷ xây dựng, chùa được trùng tu lần thứ nhất, diện tích chùa được mở rộng và hoạt động rất mạnh, có hiệu quả.

Ngày 3 tháng Chạp năm Đinh Hợi (1827), Thiền sư Viên Quang tịch, Thiền sư Hải Tịnh kế vị. Đến năm1844, Thiền sư Hải Tịnh đã mở ra trường hương đầu tiên tại chùa Giác Lâm, đến năm 1849, lại mở trường kỳ cũng tại đó.

Đến giai đoạn trụ trì của Thiền sư Hoằng Ân Minh Khiêm (1873-1903), bên cạnh việc đào tạo giới luật và tổ chức học tập kinh điển cho Tăng sĩ, chùa Giác Lâm còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, cho khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số kinh sách Phật giáo… Ngoài ra, chùa còn tàng bản kinh Phật giáo. Đến năm 1909, Thiền sư Hồng Hưng Thạnh Đạo, thuộc đời thứ 40, đứng ra trùng tu lần thứ hai; lúc này ngôi chùa có thay đổi một số nét về kiên trúc như: xây vòng rào, lót gạch ở chánh điện, làm lại vách nhà Tổ, trang trí nền vành chùa bằng sứ… tất cả đều theo sự sáng tạo của ngài Hồng Hưng Thạnh Đạo, có nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong lĩnh vực kiến trúc và nghệ thuật.

Thời gian từ năm 1939-1945, chùa được tiến hành trùng tu lần thứ ba. Đặc biệt vào giai đoạn này, nơi đây là nơi trú ẩn cho các thầy hoạt động cách mạng. Năm 1946, sau khi Hòa thượng Hồng Hưng viên tịch, Thiền sư Nhựt Dần giữ chức vụ trụ trì. Một số Tăng sĩ thuộc chùa đã lên đường kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1953, chùa Giác Lâm được tiếp nhận cây bồ-đề và viên ngọc xá-lợi Phật từ Sri Lanka được thỉnh về Việt Nam và làm lễ tại chùa Giác Lâm, rồi sau đó đưa về chùa Long Vân an trí. Trong thời gian chùa Giác Lâm trực thuộc Giáo hội, HT.Thiện Thuận đã cúng dường một mảnh đất trước chùa để xây dựng bảo tháp thờ xá-lợi Phật nhưng đến năm 1975 thì công trình ngưng trệ. Mãi cho đến năm 1993 thì mới được tiếp tục tái thiết, xây dựng và cung nghinh xá-lợi về tôn thờ. Sau khi Hòa thượng Thiện Thuận viên tịch thì Hòa thượng Huệ Sanh tiếp nối. Chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa ngày 16/11/1988.

1.3 Tổng quan kiến trúc và điêu khắc chùa Giác Lâm

Chính điện của chùa Giác Lâm được xây theo kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, với bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ, nhà giảng với kiến trúc ba gian hai chái

Tháp thờ xá-lợi Phật (tháp Ngũ gia tông phái), nơi thờ xá-lợi Phật và bài vị chư Tổ Phật giáo. Đồ án xây cất tháp do kiến trúc sư Vĩnh Hoằng thiết lập. Tháp lục giác gồm 7 tầng, cao 32,7m, mỗi tầng đều có mái ngói, cửa vào. Đỉnh tháp hình chóp dù, giữa đỉnh là tòa sen nở, trên đóa sen có bình tịnh thủy.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Mạn-đồ-la là một khu vực hình tròn hoặc hình vuông phân định theo pháp, dùng để thực hiện các pháp tu của Mật giáo nhằm tránh khỏi sự xâm nhập và nhiễu loạn của ác ma; hoặc là một đàn tràng bằng đất cát, trên đó vẽ các tôn tượng Phật và Bồ-tát, tu pháp xong thì xóa bỏ các hình tượng. Lại có thể là một tờ giấy hay tấm vải, trên đó có vẽ hình tượng các tôn vị. Theo Đại Nhật kinh sớ, Mạn-đồ-la theo nghĩa Luân viên cụ túc là các tôn vị vây quanh Đức Đại Nhật Như Lai để cùng giúp sức với Đại Nhật Như Lai đưa chúng sanh vào giác ngộ, giải thoát.

Chánh điện: Hai bên tả hữu là hồi lang bao bọc kiến trúc gian này gần như vuông, chia làm năm gian, kết cấu sườn mái kiểu tứ tượng,và tỏa ra thành tám phần mái dạng bát quái. Tác giả Trần Hồng Liên mô tả: Tác phẩm Chùa Giác Lâm của tác giả Trần Hồng Liên do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội xuất bản mô tả“Trong chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yếu là tượng gỗ, chỉ có 7 tượng đồng. Có nhiều tượng có giá trị như: Tượng Phật A-di-đà, Phật Thích-ca, Di-lặc Bồ-tát; Thế Chí Bồ-tát, Quan Thế Âm Bồ-tát, Địa Tạng Vương Bồ-tát, bộ tượng Cửu Long (đúc bằng đồng), bộ tượng mười tám vị La-hán, tượng Thập điện Diêm vương, tượng Tổ sư Đạt-ma, tượng Long Vương, v.v… Hỗn dung trong tín ngưỡng, ngoài thờ Phật ra còn thờ các tín ngưỡng dân gian khác như thờ Mẫu, Thập điện Diêm vương…

Lấy Phật làm hệ quy chiếu trung tâm, toàn bộ đều quy hướng về Phật.

II. Tìm hiểu về tượng thờ

Chùa kiến tạo xây dựng cách đây gần 300 năm, trải qua rất nhiều biến cố lịch sử, có hai lần trùng tu lớn vào những năm 1798-1804 và 1900-1090, từ đó diện tích của chùa cũng được mở rộng dần ra; trông ngôi chùa to lớn hơn cho nên có một số tượng cũ trong chùa không được cân xứng như: Thập bát La-hán, Thập điện Diêm vương đều cũ nhỏ; vì thế, chùa đã cho tạc lại những bức tượng khác to hơn, để phù hợp với không gian của chùa. Trong chùa hiện nay, trong số 118 pho tượng còn lưu giữ, có 113 pho tượng cổ, trong đó có bộ Thập bát La-hán, Thập điện và bộ “Phật và Tứ chúng” (Phật Thích-ca Mâu-ni, Phổ Hiền, Văn-thù-sư-lợi, Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát), mang lại sự chú ý cho du khách mỗi khi đến chiêm bái ngôi chùa.

2.1. Bộ Thập bát La-hán

Hai bộ tượng Thập bát La-hán của chùa Giác Lâm được đặt tại hành lang, dọc hai bên chánh điện. Bộ lớn ở trên còn bộ nhỏ được đặt ngay phía dưới cũng cùng trên bàn thờ, mỗi bên chín vị lớn và nhỏ. Bộ nhỏ cao 50cm, ngang giữa hai gối 32cm, đặt trên bệ cao 7cm. được tạc vào giữa thế kỷ XVIII, từ khi lập chùa (1744). Bộ lớn cao 80cm, ngang giữa hai gối 45cm, bệ cao 15cm, tượng được tạc giai đoạn đầu thế kỷ XX, trong lần trùng tu thứ nhất của chùa. Cả bộ tượng được tạc từ gỗ mít nài, đặc biệt loại gỗ này thân rắn, ruột đặc, bảo quản được lâu, ít mối mọt, bên trong màu vàng thẫm. Tượng được ráp từng phần, bên ngoài được sơn son thiếp vàng. Hoa văn trang trí hình giọt sơn, tia sơn hay nhựa thông, các hoa văn trên đai sử dụng mảnh kiếng màu đắp vào sau đó thếp vàng.

2.2. Bộ tượng Thập điện Diêm vương

Tại hành lang chánh điện còn có đặt Thập điện Diêm vương. Thập điện Diêm Vương thực ra không hẳn là quan niệm của nhà Phật; do sự tiếp nhận và trình độ của người Việt Nam chưa hiểu rõ về đạo Phật, đã xuyên qua lăng kính của tín ngưỡng dân gian, để hình tượng hóa cái ác và điều thiện để cho người ta dễ hiểu vả cảm thấy gần gũi hơn, dễ tiếp thu, nên tượng Thập điện Diêm vương được các chùa cổ thờ phần nhiều. Hoa văn trên áo mão, thể hiện sự nghiêm khắc, toát lên sự trang nghiêm thể hiện là người công chánh nghiêm minh. Sự thêm bớt hoa văn trên áo, trên mão, tuy tiểu
tiết nhưng chính sự thay đổi tiểu tiết đó làm cho bộ tượng sinh động và mềm mại, có hồn hơn.

2.3. Các tượng khác

Pho tượng Địa Tạng bằng đồng đặt ngồi trền đề thính, còn nhiều tượng khác như: Phật A-di-đà, Phật Thích-ca, Phật Di-lặc và bộ tượng Di-đà tam tôn. Ngoài ra còn hai tượng Thiện hữu thiện báo và Ác hữu ác báo trên chánh điện cùng với tượng các vị Hộ pháp, đặt đối xứng với chính điện, có nhiệm vụ hộ trì Tam bảo.

2.4. Tượng Năm Vị (Phật và Bốn vị Bồ-tát)

Miền Nam là vùng đất mới ở phía Nam của Tổ quốc, trong quá trình phát triển, Nam Bộ đã thể hiện rõ nét “đặc trưng vùng” qua nhiều phương điện, trong Phật giáo thì các ngôi chùa cổ, một trong những khác biệt so với miền Bắc hay miền Trung là bộ tượng có năm vị gồm: Phật Thích-ca Mâu-ni, các Bồ-tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn-thù-sư-lợi và Phổ Hiền đều được đặt ngay chính điện. Bộ tượng năm vị của chùa Giác Lâm được xem là bộ tượng đặc biệt nhất, được tạc bằng gỗ mít nài, thếp vàng, cao 0,80cm. Tượng Thích-ca đặt giữa, ngồi trên tòa sen làm bệ đỡ, cao hơn các tượng khác. Bố cục hình thang nên thế ngồi vững chãi. Bốn tượng còn lại mỗi tượng đều ngồi lên lưng một con linh vật, bộ tượng năm vị xuất hiện ở Nam Bộ trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX, tức giai đoạn mở đầu triều đại nhà Nguyễn.

III. Kết luận

Tóm lại, chùa Giác Lâm là một công trình kiến trúc vô cùng vĩ đại và cổ kính, đã đồng hành và hòa nhịp cùng dân tộc Việt Nam. Chùa Giác Lâm đã đóng góp vào kho tàng Phật giáo và kho tàng văn hóa dân tộc những di sản vô cùng giá trị. Đây là ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn, với hệ thống tượng phong phú 118 tượng cổ, Kiến trúc độc đáo Mandala, giao lưu văn hóa giữa kiến trúc Phật giáo – Nho giáo – Đạo giáo có điểm đặc biệt là nóc mái, đôi rồng cùng chầu vào một vành tròn ở trung tâm, có dạng tia lửa bao quanh, có thể xem đây là dạng rồng chầu mặt trời, phía trên “mặt trời” này là bình tịnh thủy.

Hình ảnh Bát tiên trên nóc chùa là dấu vết của Đạo giáo trong ngôi chùa Phật giáo. Với một di sản kiến trúc vật thể thì mỗi bức ảnh chùa Việt là một câu chuyện kể về di sản đó. Thời gian sàng lọc tất cả: vẻ đẹp, độ bền bỉ, những giá trị… Chỉ những gì thực sự mãnh liệt mới trụ vững với thời gian. Và đó là ánh sáng thiền tịnh trong không gian chùa Giác Lâm, đã gieo vào tâm thức của con người những năng lượng Từ Bi Hỷ Xả ở miền Nam nói chung, với thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Vì thế, trách nhiệm của thế hệ Tăng Ni hôm nay là phải hiểu rõ những giá trị lịch sử và khảo cổ, để bảo tồn và phát huy những gì mà các bậc tiền bối đã gầy dựng.

THÍCH NHUẬN THIỆN

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *