Chuyển hóa bối cảnh lễ hội nước ngoài

Lễ hội nước ngoài, như Valentine, Halloween, Mother day, Father day… lần lượt du nhập nước ta với tính chất, quy mô khác nhau. Nó cho thấy bối cảnh một đất nước không chỉ mở cửa về kinh tế, chính trị, xã hội… mà còn có văn hóa. Văn hóa nước ngoài du nhập, trong đó có lễ hội góp phần làm phong phú văn hóa nội địa, bên cạnh những mặt được, ít nhất là được thừa hưởng giá trị, di sản lễ hội từ nước ngoài, cũng có những mặt cần thay đổi, cải thiện nhằm tạo môi trường văn hóa nhân văn, đa dạng, thỏa mãn nhu cầu số đông.

1. Tiếp biến văn hóa lễ hội

Lễ hội nước ngoài là những dạng thức văn hóa gắn liền với tín ngưỡng hoặc thế tục, thậm chí có xu hướng nằm ở giao diện giữa tín ngưỡng và thế tục. Nhờ biến đổi xã hội mà các dạng thức này du nhập nước ta, mặt khác, cũng nhờ du nhập dạng thức văn hóa mới dẫn đến sự thay đổi văn hóa, xã hội. Việc du nhập lễ hội nước ngoài nói chung không xuất phát từ chính sách văn hóa, kể cả chủ trương của chính phủ, qua đó cho thấy nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Bởi vậy, nhằm tránh tình trạng, cái cho thì không cần, cái cần thì không cho (hoặc ngăn cản, hạn chế), cơ quan quản lý cần thấy đây như những nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời đề ra quy phạm văn hóa, xã hội nhằm tạo hành lang an toàn cho các giá trị văn hóa cộng tồn bên nhau.

Đi kèm với lễ hội nước ngoài luôn có nhiều sinh hoạt văn hóa xoay quanh, như tổ chức chào mừng, cung ứng dịch vụ, sản phẩm, nhiều lễ hội kéo dài trước thời điểm diễn ra sự kiện, vì thế có tác động, ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh tế, du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đây đều là những mặt tích cực của lễ hội nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề cần thay đổi, cải thiện, đặc biệt liên quan đến tình hình trật tự, an toàn giao thông, môi trường đô thị, nếp sống văn minh công cộng… Không ít sự kiện phải chứng kiến tình trạng mất an toàn, quá tải phương tiện giao thông, lượng người tụ tập quá đông dễ tạo nên sự va chạm giữa các cá nhân, nhóm nhu cầu. Tất nhiên, những vấn đề này xảy ra ở cả lễ hội trong nước và ngoài nước.

Công tác quản lý nên hướng tới tư duy mở, thể hiện năng lực dung nạp nhiều giá trị đa dạng, vừa không tạo xung đột giữa các giá trị (nội địa và ngoại nhập, cũ và mới…), vừa thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận văn hóa mới. Công tác quản lý không chỉ dựa vào công cụ luật mà cần thiết kế hệ sinh thái nhân văn cho lễ hội nước ngoài thị hiện trong không gian văn hóa bản địa.

Đa số lễ hội có nguồn gốc nước ngoài đều được tổ chức như những sự kiện văn hóa, đi kèm với sinh hoạt văn hóa, hoạt động trợ mãi, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá du lịch, tổ chức vui chơi giải trí… những yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh tế, văn hóa xã hội.

2. Vai trò của người trẻ tuổi

Giới trẻ đóng vai trò chủ thể trong việc tiếp nhận lễ hội nước ngoài. Nó cho thấy mặt tích cực của những người trẻ tuổi trong việc chủ động thể hiện nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Bất kỳ dạng thức văn hóa mới nào du nhập đều tạo ra cú “shock” văn hóa, song không nhất thiết dẫn đến sự va chạm về mặt giá trị. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào tư duy, thái độ ứng xử đối với văn hóa mà còn liên quan đến quan niệm, tư duy bao dung về văn hóa. Đối với một quốc gia có truyền thống “hiếu khách”, hiểu là cởi mở trong việc tiếp thu văn hóa mới, trong đó có lễ hội nước ngoài, việc giới trẻ chủ động tiếp nhận, tiếp biến văn hóa lễ hội thể hiện sự chủ động trong vai trò lựa chọn, từ đó có tác dụng tích cực đến việc thụ hưởng văn hóa, đồng thời gia tăng xu hướng hội nhập, tạo tiền đề cho khả năng sáng tạo văn hóa trong sinh hoạt xã hội.

Đất nước đang trong thời kỳ có cơ cấu dân cư vàng – người trẻ chiếm số đông. Họ vừa là thành phần sáng tạo nên tài sản xã hội, vừa trở thành động lực tạo nên sự thay đổi, trong đó có văn hóa. Bất cứ sự chuyển biến nào cũng nhờ lực lượng mới. Nếu lực lượng mới nằm ở giới trẻ thì tương lai, nhiều lễ hội nước ngoài có khả năng ở lại với đất nước trở thành một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể di sản văn hóa nói chung. Vấn đề còn lại nằm ở việc quy phạm chuẩn tắc ứng xử sao cho phù hợp với tình hình đất nước xét trong bối cảnh hội nhập thế giới.

3. Vấn đề quản lý lễ hội

Việc quản lý văn hóa nói chung, lễ hội nước ngoài nói riêng, trước tiên phải dựa trên nền tảng của sự hiểu biết thông qua từng dạng thức văn hóa cụ thể. Trên cơ sở bao dung về mặt văn hóa, thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người dân, từ đó đề ra giải pháp hữu hiệu nhằm tác động tích cực đến đời sống văn hóa. Cần có nhãn quan sâu, xa, rộng, suy xét tính phức hợp của vấn đề nhằm bao quát, phán đoán trước xu hướng phát triển trong tương lai. Điều này rất cần trong việc hoạch định chiến lược văn hóa cho phù hợp với mục tiêu chung, thiết kế bộ công cụ vận hành hiệu quả, chế định phương thức ứng xử hướng tới xây dựng một môi trường văn hóa thật sự cởi mở, bao dung, đa dạng nhằm thỏa mãn nhu cầu của số đông.

Quản lý lễ hội luôn quan trọng, nhưng quản lý như thế nào còn quan trọng hơn. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa xét ở góc độ cá nhân thể hiện thông qua quyền lựa chọn, chứ không phụ thuộc vào nơi cung ứng (theo tư duy bao cấp). Như vậy, việc lựa chọn lễ hội nước ngoài thể hiện xu hướng mới về giá trị thông qua nhu cầu lựa chọn của người dân, nhất là giới trẻ. Lễ hội nước ngoài và lễ hội truyền thống vốn khác nhau, nên không thể quản lý giống nhau. Tất nhiên, đứng ở tư duy lô-gích, hai dạng thức này có điểm chồng lấn, tương đồng, nhưng khác nhau về nguồn gốc, hình thức, nội dung… Lễ hội nước ngoài không sản sinh trên đất nước ta, nên đi kèm với nó cần có những quy phạm nhất định. Quá trình tiếp nhận lễ hội nước ngoài thường không hoàn chỉnh, thiếu tính toàn diện. Vì vậy, trong qua trình tiếp nhận lễ hội nước ngoài cần suy xét bối cảnh văn hóa cụ thể nhằm kiến tạo môi trường sinh thái nhân văn phù hợp. Ngoài ra, lễ hội nước ngoài diễn ra qua các sự kiện văn hóa tập trung nơi đông người, thành phần dân cư phức hợp, nên rất cần hệ quy tắc ứng xử, từ tôn trọng pháp luật, duy trì trật tự, ổn định, an toàn, bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, giữ khoảng cách giữa các nhóm nhu cầu cho đến tôn trọng quyền tự do, riêng tư… Quản lý lễ hội hiểu như một hoạt động nhằm đảm bảo các đặc tính của lễ hội được diễn ra một cách thuận lợi, tránh tình trạng biến tướng, thậm chí lợi dụng lễ hội làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa cộng đồng. Công tác quản lý phải lùi một bước để đóng vai trò hậu thuẫn, tạo điều kiện cho lễ hội phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực, đặc biệt tạo nên hành lang an toàn cho lễ hội và người tham dự.

4. Hướng tới thừa nhận các lễ hội mới

Việc công nhận lễ hội mới, như Tết dương lịch, Halloween, Valentine… trở thành lễ hội cộng đồng ở những thành phố lớn chỉ thực sự cần thiết khi có những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập (vào văn hóa xứ sở). Chẳng hạn, quy phạm không gian, thời gian hoạt động tổ chức sự kiện, quy định pháp lý về việc nghỉ lễ đối với người lao động (như giáo dân đối với lễ Noel chẳng hạn), huy động nguồn lực vào công tác giữ gìn trật tự an ninh công cộng, vệ sinh đường phố, phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, nhóm xã hội… nhằm đảm bảo việc tổ chức lễ hội thuận lợi. Tỗ chức lễ hội là cơ hội tốt để thực hiện nhiều mục tiêu chung, như phát triển kinh tế, văn hóa, quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh đô thị văn minh, môi trường an toàn, thân thiện…

Nói chung, công nhận hay không không quan trọng bằng việc đề ra các nội dung mang tính quy phạm liên quan đến lễ hội nhằm đảm bảo một môi trường văn hóa thống nhất trong đa dạng, thu hút, lan tỏa nhiều giá trị.

LÊ HẢI ĐĂNG

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *