Văn hóa truyền thống của người Pa Cô

Người Pa Cô là nhóm địa phương của dân tộc Tà Ôi, với dân số khoảng 20.000 người, định cư chủ yếu ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và một số xã của hai huyện Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Vì sống xen kẽ với đồng bào các dân tộc anh em như Cơtu, Pa hi, Bru-Vân Kiều cho nên bên cạnh những điểm tương đồng về văn hóa truyền thống thì người Pa Cô cũng có những nét văn hóa truyền thống đặc trưng riêng biệt.

Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc, thì cụm từ Pa Cô có nghĩa là người phía núi để phân biệt với đối tượng cư trú khác mình ở vùng thấp. Về cách giải thích nguồn gốc dân tộc mình thì người Pa Cô lưu truyền câu chuyện kể:

“Ngày xưa, người Pa Cô làm ăn sinh sống ở một khu vực gần với biển, với ruộng đồng. Nơi đồng bào sinh sống còn có một đồng bào anh em khác nữa. Qua năm tháng, người Pa Cô và người anh em láng giềng vẫn sinh sống hoà thuận, rồi thì xuất hiện hai người nhà giàu, họ là chủ của vùng đất đó, họp bàn để nhường phần đất đang sinh sống lại cho một trong hai người làm kinh đô lập quốc. Một cuộc thi đã được thống nhất giữa hai người bạn láng giềng. Theo quy định họ phải xây một toà thành trong vòng một đêm, ai thua thì phải nhường lại kinh đô của mình cho đối phương đi tìm một vùng đất mới.

Sau khi đã thống nhất, tối hôm đó, toàn dân làng được điều động để xây thành. Người Pa Cô vốn thật thà đã huy động dân làng để xây một bức tường thành kiên cố, cả đêm hôm đó, toàn dân làng đi tìm những cây gỗ lớn, những vật dụng chắc chắn nhất để dựng thành. Còn người láng giềng thì ngược lại, họ dựng một bức thành tạm bợ bằng những vật liệu dễ kiếm, dễ tìm. Khi mặt trời vừa lên, bức thành của người Pa Cô vẫn chưa được hoàn thành, còn bức thành của hàng xóm đã được xây xong, đã dựng cờ trên nóc. Theo giao kèo, người Pa Cô phải rời khỏi vùng đất đang ở. Họ dắt tay nhau đi về phía Tây, đi mãi, đi mãi ngày này qua ngày khác họ tìm đến dựng nhà sinh sống dưới các chân đồi, dưới các đỉnh núi. Tuy ở miền cao, nhưng những sinh hoạt của đồng bào Pa Cô vẫn gắn với đồng bằng, họ sống bên những nơi có nước, có hồ, mua muối ăn của người đồng bằng, mua dụng cụ để dệt áo mặc. Từ đó trở đi họ vẫn luôn nhận mình là người phía núi để chỉ phân biệt với người đồng bằng”.

Về mặt tổ chức xã hội, người Pa Cô không phân chia ranh giới giữa làng này với làng khác. Người Pa Cô ở trong những ngôi nhà sàn dài, gồm nhiều gia đình có quan hệ họ hàng cùng cư trú. Làng (veel) có dạng hình tròn hoặc hình vành khăn. Nhìn bề ngoài, nhà Pa Cô kể cả nhà sàn và nhà đất đều có hình mai rùa và đều có sừng trâu trang trí hình hai đầu chim cu tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hòa của dân tộc. Trung tâm của ngôi nhà là Căn Mòong nơi thờ tự, tiếp khách, hội họp chung của mọi thành viên trong nhà. Diện tích còn lại được ngăn thành từng buồng (a song) chỗ ở và sinh hoạt của các gia đình.

Hôn nhân một vợ một chồng, cư trú bên chồng, thực hiện ngoại hôn theo đơn vị huyết thống. Hôn nhân con cô con cậu được ưa thích. Việc kết hôn giữa vợ goá với anh hoặc em chồng cũng như giữa chồng goá với chị hoặc em vợ đều được chấp thuận và khi dòng họ A đã gả con gái cho dòng họ B thì dòng họ B không gả con gái cho dòng họ A nữa.

Về dòng họ, người Pa Cô phần đông lấy họ mình là Tâng Koal, Ta Dưr cả hai dòng họ này đều kiêng ăn thịt chó vì họ xem con chó như là vật tổ của dân tộc mình, họ thờ tôtem giáo.

Người Pa Cô có hẳn cả một hệ thống lễ hội cũng như các thần linh phải tôn thờ, cúng vái; các lễ hội chính là lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Ada (lễ mừng lúa mới) và lễ hội Ariêu Piing (lễ dời mả). Trong đó lễ hội Ada là nét độc đáo và đặc sắc của văn hoá dân tộc. Tết đến từng làng sớm muộn khác nhau, nhưng đều vào thời gian sau kỳ tuốt lúa.

Lễ Ariêu Ada đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới với những lo toan trong cuộc sống. Điều đặc biệt là: thời gian tiến hành lễ Ariêu Ada của mỗi làng, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa khác nhau. Lễ Ariêu Ada thể hiện sự tiếp nối truyền thống ông cha đã truyền lại, để cầu mong nương rẫy xanh tươi, mùa màng bội thu, nhà cửa bình an, mọi người trong nhà khoẻ mạnh, không ốm đau. Mong làm sao để sang năm mới có nhiều điều phát đạt, để năm mới phải no ấm, để con cái học hành tiến bộ hơn.

Những lễ vật cúng Ariêu Ada gồm cơm trắng, xôi, bánh aquat, gà, heo, vịt, dê. Ngoài những thứ đó, lễ vật có một thứ hết sức linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức Ariêu Ada là tânghọt – một loại hoa làm từ tre, và những tấm dzèng. Nhà nào cũng muốn mang những lễ vật quý nhất để cúng thần linh.

Các bước nghi lễ truyền thống Ariêu Ada tổ chức đúng theo từ trước đến nay:

Bước 1: Lễ giao ước (Mŏŏtq kâr hootq);

Bước 2: Lễ tẩy rửa (Asà – a rah);

Bước 3: Lễ chuẩn bị vật chất (Cha chootq);

Bước 4: Lễ cúng Ada (Bayh Aza);

Bước 5: Nghi lễ ăn tết Ada chung (Ngọi Aza – cha pa chung);

Bước 6: Mừng lễ thành công (Krao Ada).

Trong hoạt động kinh tế thì người Pa Cô chủ yếu làm nương rẫy theo lối cổ truyền phát, cốt, đốt, trỉa, có truyền thống nuôi gia súc lớn để làm lễ hiến sinh. Họ biết rèn công cụ sản xuất, dệt vải và trao đổi hàng hoá với người Pa Hi, người Việt ở vùng thấp, cùng người Tà Ôi, Cơtu, Bru – Vân Kiều và người Lào ở vùng cao. Người Pa Cô xem con voi là thứ quý giá nhất để thể hiện sự giàu sang.

Trang phục của người đàn ông Pa Cô là đóng khố (ktăng oong), áo không có cánh tay, ngoài ra còn có xà-rông gam màu mạnh, để tóc dài. Đàn bà mang váy, bới tóc. Màu sắc áo và váy truyền thống của họ thường có hai màu chủ yếu là màu đỏ và đen. Hoa văn trên áo và váy truyền thống của người Pa Cô chủ yếu là các sọc ngang khá lớn có kèm các họa tiết hình thoi nhỏ. Trên chất liệu vải của áo và váy thường có đính các hạt cườm trắng. Riêng áo, váy và khố dành cho lễ hội hoặc của những người giàu có thường được đính thêm các hạt cườm (atêng) và thường được gọi là Tupai atêng (áo đính cườm) hoặc nai atêng (váy đính cườm).

Văn học dân gian của người Pa Cô tuy không phong phú như những dân tộc cận cư song họ cũng có một số thể loại đó là truyện kể và các làn điệu âm nhạc diễn xướng như điệu dân ca Thun, Nha nhim, Xiềng, Tưrra.

Để góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của người Pa Cô thì hiện nay các địa phương đã có nhiều chuyển biến trong việc bảo tồn như ở Quảng Trị đã phục hồi được ngôi nhà dài truyền thống dân tộc Pa
Cô. Công trình phục hồi nhà dài truyền thống nằm trên địa phân thôn A Rong, xã A Ngo, huyện Đắckrông. Nhà dài được phục hồi lại nguyên mẫu so với nhà dài xưa của người Pa Cô, với kiến trúc xây dựng theo mô thức nhà sàn; bộ khung chịu lực được làm bằng gỗ, cùng các vật liệu tre, nứa, mái tranh. Toàn bộ ngôi nhà được đặt trên một hệ thống cột chịu lực và có hệ thống sàn ngăn cách với mặt đất. Ngôi nhà dài truyền thống này được phục hồi có diện tích trên 200m2, có chiều dài 50m, được chia làm 10 gian. Trong đó có bốn gian ở giữa được dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là nơi trưng bày các hiện vật của dân tộc Pa Cô dưới dạng một bảo tàng dân tộc học thu nhỏ, sáu gian còn lại sẽ tái tạo mô hình các hộ gia đình quần cư truyền thống của dân tộc Pa Cô.

Hoặc ở A Lưới, ngày 02.03.2015, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Hồng Kim tổ chức khai giảng lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cho người Pa Cô.

Về dân ca có các làn điệu được truyền dạy gồm Tâng ơi, Têravenh, Xiềng. Về dân vũ có các điệu múa Pa dưưn Ku ru, Ra dóoc, Padưưn chật Tirỉa, Padưưn tâng kyn, Pa dưưn Tâm moi (Ariêu piing).

Về dân nhạc có các nội dung truyền dạy cho học viên kĩ năng cơ bản nghệ thuật thổi khèn bè, đánh cồng chiêng và phân tích nội dung ý nghĩa của từng giai điệu khèn bè, giai điệu đánh cồng chiêng.

Trải qua những biến động lớn của lịch sử, đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ được sắc thái riêng của mình từ phong tục tập quán cho đến vẻ đẹp đời sống văn hóa, góp phần làm giàu thêm sắc thái văn hóa chung của các dân tộc sống trên địa bàn.

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *