Khi thần chết… thập thò ngoài ngõ

Một ngày ngồi uống cà-phê ở quận Tân Bình, gặp một ông đầu bạc đến hỏi thăm tuổi vì cả quán chỉ có hai người đầu bạc là ông ta và tôi. Ông khoe 84 tuổi mà vẫn còn minh mẫn đi uống càphê được(!?). Đứa cháu đứng sau lưng ông, khoảng 15 tuổi hấp háy mắt liên tục, có vẻ ra hiệu: Bác thông cảm cho ông cháu… không bình thường.

Trao đổi với ông về chuyện trời trăng mây nước, mới thấy ông đúng là người ở “tầng cao” thần kinh không ổn định. Ông mà đi một mình, chắc chắn là không biết đường về. Thương đứa cháu tuổi còn ham chơi, chắc nghe lời cha mẹ, theo ông đi uống cà-phê, canh chừng và dẫn ông về.

Hôm khác, ngồi uống cà-phê ở chỗ khác, bị một ông tóc bạc trắng khác cũng đến vỗ vai hỏi tuổi. Ông ăn mặc sạch sẽ, đeo kính như trí thức, nhưng nói chuyện là biết đầu óc anh… tưng tưng. Cũng đưa đẩy trả lời, tự nhiên nhớ ông hồi qua. Tự ngẫm hình ảnh tương lai của ta đây chứ đâu, chỉ một thời gian nữa là sáng ra quán cà-phê nói chuyện tưng tưng…

Nhớ chuyện kể, một anh chàng trai trẻ bị bắt xuống địa ngục phàn nàn với Diêm vương: Người ta già mới chết, tui còn trẻ, ông muốn bắt tôi xuống cũng phải thông báo chứ!

Diêm vương nói: Ta gửi thông báo hoài mà ngươi không để ý đấy chứ!

Anh trai trẻ cãi: Có thấy đâu?

Diêm vương: Hằng ngày ngươi đọc mạng xã hội, xem TV, báo… không thấy đăng tin xe đụng, ung thư, chết chém, đột quỵ… hay sao? Không thấy trẻ sơ sinh mới ra đời đã chết hay sao? Ta gửi tin nhắn thông báo bằng các hình thức đó.

Chuyện vui ngụ ngôn nhắc người ta xem lại lối sống của mình, đừng như anh thanh niên chết rồi mới hỏi… tại sao ta chết trẻ?

Đám tang… mà vui!

Đi đám tang nhà bạn ở Lái Thiêu, một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ba của bạn mất ở tuổi xưa nay hiếm, gần 100 tuổi. Ông có 11 người con, con thứ hai đã ở tuổi 70, cháu cố có tới 30 đứa. Thành ra, đám tang trắng màu khăn chấm vàng, chấm đỏ, chấm xanh… của các người cháu.

Ba của bạn tuổi cao, đến khi gần mất còn minh mẫn, con cháu hòa thuận là quá hồng phúc! Đám tang đông người đến viếng, cùng nhau kể chuyện tốt của ông và gia đình. Sức lan tỏa từ một người tốt, một gia đình đức hạnh sang cộng đồng khu phố chung quanh… đã khiến đám tang không buồn thảm, tang thương như những đám tang từ cái chết bất ngờ do chiến tranh, tai nạn giao thông, tệ nạn…

Cách đây vài hôm có đi đám tang bà bác 83 tuổi ở xứ Hóc Môn trồng trầu. Một phụ nữ Nam Bộ hiếm có thời nay, bà minh mẫn, vui tính, thường vận áo bà ba, quần lãnh, đội khăn.

Chiều hôm ấy, bà còn trò chuyện các bà bạn già, tối coi TV, đến khuya mệt, con đưa đi bệnh viện. Bác sĩ bảo vì bệnh tim, nhưng cả nhà không tin vì bà thường khám bệnh thường kỳ và không có uống một chút thuốc nào về tim mạch. Bác sĩ bảo đưa về nhà vì không thể chữa trị. Bà ra đi nhẹ nhàng vào trưa hôm sau.

Ai đến viếng cũng nói: Bà đi như vậy sướng. Sinh, lão rồi đến tử, bỏ qua giai đoạn bệnh nằm khổ thân mà cũng khổ con cháu. Tuổi già như bà mà ngày ngày vui thú với các bà bạn, tối biết coi TV là bà hay quá, biết sống quá! Mất trong vòng tay thân thương của gia đình, ra đi trong sự an lạc là quá vui.
Ngẫm mấy ông quan đang ở trong tù dù có tài sản khẳm chôn giấu đâu đó cũng không sung sướng ra đi nhẹ nhàng như bà!

Nhớ ông bà xưa nói, hạnh phúc của người là sống không bần cùng, khỏe mạnh, ít bệnh, tuổi thọ cao, mất nhanh, con cháu đông, hòa thuận. Bất hạnh cho những ai, sống như thế nào mà đám tang vắng lặng, chẳng ai đến, hoặc là đám tang người mất chưa đưa ra ngoài đồng, con cháu trong nhà đã cãi nhau vì chuyện chia của… Thiệt là, người chết cũng không nhắm mắt, khi gặp cảnh trên!

Nhớ có lần khác, nghe tin đám tang người mất là ông già vợ người bạn. Vội chạy đến đám tang, ngồi cả buổi không gặp bạn và vợ bạn. Hỏi người trong đám, họ chỉ cười cười. Ra ngoài sân vắng điện thoại cho bạn.

Bạn trả lời: “Ai cho hay, kỳ vậy? Ba vợ tao đi theo bà khác, bỏ má vợ và vợ tao hồi đâu 8,9 tuổi. Giờ vợ tao hận, nên ổng chết đâu có về thọ tang”.

Hóa ra…. đời người nhiều vợ, chết đi còn để lại nỗi hận cho đời sau!

Có một đám tang khác, còn dở khóc dở cười hơn. Nghe tin một công nhân trong công ty, cha mất ở quê. Cháu đã về sớm thọ tang, công đoàn công ty cử một đoàn đi xuống chia buồn. Đám tang ở một tỉnh miền Tây, đường đi trắc trở, phải qua đò ngang, nhưng đến nơi gia chủ không cho vào… vì lý do con trong nhà không có người đó. Người đại diện trong nhà cương quyết từ chối các vật phẩm mang xuống như hoa, nhang đèn, tiền phúng điếu… và tiễn khách. Sau đó, tìm hiểu mới biết cháu trai, công nhân trong công ty là con người vợ hai, không được gia đình vợ lớn công nhận. Cả đoàn phải đi tìm nhà cháu trai. Đến nơi, một căn nhà rách nát, chỉ để bàn thờ nhang khói nhưng không có ảnh chân dung người mất. Người mất đã ra đi về cõi khác, nhưng nỗi đau còn đọng trong lòng người ở lại.

Gặp nhau lần cuối

Ông anh vợ tôi rất lạc quan. Bị bệnh viện chê, về nhà, lủ khủ dây nhợ, bình oxy… Vậy mà, nằm trên giường bệnh ông nói như cười với vợ: Bà hôn tui một cái, cho mau hết bịnh!

Bà chị dâu cũng trên 70, hom hem, đến hôn vào má ông, dù nước mắt muốn trào ra. Cái hôn vĩnh biệt. Hai mái đầu bạc kề nhau, chắc ông đang nghĩ đến ngày đầu gặp nhau. Hôm sau là ông mê man, không biết gì và hôm nữa là ông mất. Ở đâu đó trên cao, chắc hồn ông cũng mãn nguyện với nụ hôn cuối cùng.

Đi một đám tang khác, cụ ông đã trên 90. Nghe nói, lúc gần mất, ông cứ bứt rứt khắc khoải. Hiểu ý, các con ông đã rước người yêu đầu đời của ông đến chia tay lần cuối. Nghe đâu lúc ông 19 tuổi, cách nay khoảng trên 70 năm, có đến hỏi cưới bà nhưng sau đó trục trặc nên không đến được với nhau.

Đến thăm ông cụ trên 90 tuổi nằm trên giường bệnh, cụ bà kia cũng tròm trèm 90, ngồi xe lăn đến nắm tay lần cuối. Chắc ông bà đều nhớ cái thuở ban đầu lưu luyến ấy… Cái nắm tay vĩnh biệt, đã giúp cụ ông thanh thản ra đi.

Ôi! tình yêu không bao giờ… già!

Uống cà-phê cứ bàn chuyện thần chết thập thò cửa ngõ, một ông anh bảo: Rong chơi trời phương ngoại đi! Mới nghe cứ tưởng anh khuyên đi du lịch nước ngoài.

Về nhà, tìm từ ấy trên mạng, thấy đoạn văn liên quan này: “Có nhiều người nghĩ rằng Niết-bàn (Nirvāna) là một cảnh giới hạnh phúc mà người chứng đạo được đi vào sau khi chết. Không có sự hiểu lầm nào tai hại hơn thế. Bụt đã dạy rất nhiều lần về Hiện pháp Niết-bàn (Dṛṣṭa-dharma) nghĩa là về Niết-bàn trong hiện tại. Nếu ta có khả năng buông bỏ được những phiền não như đam mê, hận thù và ganh tị, nếu ta buông bỏ được những cái thấy sai lầm về sinh diệt, có không, tới đi … thì ta có thể tiếp xúc được với Niết-bàn ngay trong giây phút hiện tại. Niết-bàn có nghĩa là giải thoát, là tự do. Ví dụ ta đạp nhằm một cái gai và nếu cái gai ấy chưa lấy ra được, thì ta khó chịu. Lấy ra được cái gai ấy rồi thì ta thấy rất dễ chịu. Cái dễ chịu ấy là một thứ giải thoát, một thứ tự do. Ta đâu cần phải chết đi mới có được cái cảm giác giải thoát và tự do đó. Những phiền não như đam mê và hận thù, những hiểu lầm và sợ hãi mà ta đang có chính là những cái gai đang làm cho ta khó chịu, khổ đau và đày đọa. Đó là những cái gai ta chưa khươi ra được. Lấy ra được một cái gai thì ta có thêm được một sự dễ chịu. Càng lấy được nhiều gai chừng nào thì càng dễ chịu từng ấy. Cảm giác tự do, thoải mái và dễ chịu ấy tức là Niết-bàn”.

(Rong chơi trời phương ngoại; Thích Nhất Hạnh)

Đọc xong, ngửa mặt lên trời, cười khà khà…

NGUYÊN AN

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348

One thought on “Khi thần chết… thập thò ngoài ngõ

  1. Faulupe says:

    I will say that the med can make you tired so I switched from taking it in the morning to taking it at bedtime and that really helped me buying cialis online nebivolol micardis 80 fiyat The trailer shows Watts as Princess Diana draped in jewels and wearing sweeping gowns, being incessantly photographed at highbrow functions

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *