Vạn Lý Trường Thành
Chuyến đi làm phim Ký sự Hỏa xa đã tiếp cận hai đoạn trường thành là Bát Đạt Lĩnh ở ngoại ô Bắc Kinh và Gia Dụ Quan ở tỉnh Cam Túc cách xa nhau trên sáu ngàn cây số thành lũy. Theo số liệu mới nhất thì bức thành chính dài tới bảy ngàn năm trăm cây số (trong tổng chiều dài gồm hàng trăm nhánh phụ là 54.000 cây số). Từ Bát Đạt Lĩnh ra tới đầu mút cực Đông là Sơn Hải Quan trên bờ Bột Hải còn khá dài, từ Gia Dụ Quan ra đầu mút cực Tây tại Ngọc Môn Quan ở Đôn Hoàng lại còn dài hơn. Lần này, chúng tôi muốn có cơ hội giới thiệu Bát Đạt Lĩnh ở một góc độ độc đáo hơn, đó là nhìn từ trên xe lửa chạy. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, có lần tôi đã được chứng kiến cảnh đẹp tuyệt vời này trên chuyến tàu từ Moskva về Bắc Kinh qua Mông Cổ.
7 giờ 40 phút ngày 24-5-2006, tàu rời ga Bắc Kinh hướng về phương Bắc. Phố phường Bắc Kinh thật gợi cảm, song mục tiêu được chờ đợi chính là đoạn Vạn Lý Trường Thành. Tất cả đều hồi hộp bởi liệu Vạn Lý Trường Thành có bị vật cản che khuất hay không mà tàu thì chạy khá nhanh. Tôi còn nhớ có người nói rằng phía Trung Quốc cố ý cho tàu liên vận quốc tế chạy qua đây và dừng lại vài ga để khách có dịp chiêm ngưỡng kỳ quan của họ. Núi cao bắt đầu xuất hiện. 8 giờ 35 phút đoàn tàu dừng lại ở một ga nhỏ trong khe núi, lắp thêm đầu máy để leo núi Bát Đạt Lĩnh. Đây là một dãy núi trùng điệp, hùng vĩ, cảnh quan hết sức nên thơ ở phía Tây Bắc Kinh, gồm nhiều cửa ải hiểm trở, nhiều pháo đài kiên cố trong hệ thống phòng thủ được xây dựng cực kỳ công phu, bề thế, với quy mô lớn, lấy Vạn Lý Trường Thành làm trục chính để ngăn chặn các đoàn quân thiện chiến từ phương Bắc.
Trường Thành bắt đầu xuất hiện. Đó là những dãy thành cổ len lỏi trên núi cao, uốn lượn lên xuống rất lạ lùng. Từ trên xe lửa lao đi vun vút, cảnh vật phô diễn một hình ảnh vô cùng quyến rũ. Đó là những dãy thành dựng đứng có bề mặt khá rộng được che chắn bằng lớp gờ hai bên có lỗ châu mai hình chữ nhật trông rất đẹp. Cách một quãng lại có một tháp canh hình vuông, hoặc một phong hỏa đài để đốt lửa báo động. Trọng tâm của một đoạn trường thành hiểm yếu và huyết mạch về giao thông quân sự là một cửa ải đồ sộ gồm hàng loạt hạng mục công trình hết sức bề thế như Cư Dung Quan, Thủy Dung Quan chẳng hạn. Đó là những hệ thống pháo đài kiên cố, liên hoàn, vừa là một căn cứ phòng thủ vừa là những lâu đài có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc đồng thời là một cảnh quan thiên nhiên trú phú. Trong phim Trung Hoa du ký, chúng tôi chỉ mới tới một điểm duy nhất của núi Bát Đạt là cửa ải và thành quách Cư Dung Quan. Tuy nó rất hùng vĩ và ngoạn mục nhưng đó chỉ là những khuôn hình tĩnh trong một phạm vi hẹp khoảng vài chục cây số vuông. Lần này khác hẳn. Ngồi trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn thỏa thích những đoạn trường thành rất dài, nối tiếp nhau trải rộng trên một địa hình liên tiếp tới ba ga xe lửa trên núi cao là Cư Dung Quan, Thủy Dung Quan và Thanh Long Kiều nằm sâu trong các sườn núi khuất, hết sức thơ mộng. Có lúc tàu lên núi cao nhìn xuống, thấy Trường Thành và các pháo đài lộng lẫy nằm sâu dưới đáy vực, lúc lại thấy chúng chót vót trên mây. Nói chung, cảnh quan luôn thay đổi, sống động, thấp thoáng, ẩn hiện, hư ảo, hết sức linh động, làm cho tâm trạng người xem thay đổi, liên tiếp phát hiện những điều mới lạ, không ngừng ngạc nhiên, sửng sốt. Hạn chế lớn nhất trong việc ghi hình là thường xuyên gặp các vật cản gồm cây cối ven đường, những vách đá dựng đứng, những mỏm núi nhấp nhô che khuất Trường Thành nên hình ảnh không được liên tục, tỷ lệ sử dụng rất thấp. Tuy nhiên, loại hình ảnh như thế này có lẽ rất hiếm. Riêng tôi chưa một lần nhìn thấy qua truyền hình hay phim ảnh. Có thể nói Vạn Lý Trường Thành là một trong những hình ảnh quyến rũ nhất trên mặt địa cầu. Cùng với Kim Tự Tháp Ai Cập, giờ đây nó trở thành một trong những trang sử bằng gạch đá quý giá nhất về nền văn minh cổ xưa của nhân loại. Trường Thành đã đi vào văn học nghệ thuật, vào thi ca Trung Hoa cổ thành những họa phẩm, những áng thơ văn, những nhạc phẩm bất hủ truyền đời. Người nghệ sĩ Trung Hoa cũng khai thác Trường Thành theo đủ mọi góc độ, mọi quan điểm, mọi cung bậc khác nhau và đều bằng những cảm hứng không bao giờ cạn. Với góc nhìn từ cửa sổ đoàn tàu, đối với chúng tôi, Trường Thành đã lướt qua như một giấc mơ, huyền ảo và mộng mị.
Sa mạc Gô Bi
Hầu như mọi người khi nghe nói tới Gô Bi thì đều biết đó là một sa mạc. Ở Trung Quốc có hai sa mạc lớn là Taklamakan, lớn thứ nhì thế giới sau Sahara, và Gô Bi chung với Mông Cổ. Taklamakan là một hoang mạc huyền bí với rất nhiều đoàn thám hiểm ra đi không trở về; có lần đoàn làm phim chúng tôi đã mon men ở ngoài rìa, nhưng rồi những người dẫn đường Trung Quốc đã yêu cầu không được thâm nhập vì cực kỳ nguy hiểm. Đó chính là lần mà chúng tôi ghi hình được sa mạc Gô Bi vào năm 2002 ở miền Tây của nó thuộc khu tự trị Tân Cương từ trên xe lửa. Sa mạc Gô Bi kéo dài từ miền đất Tân Cương qua khu tự trị Nội Mông Trung Quốc sang tới tận miền Nm Trung Cổ. Đó là một dải đất khô cằn chạy dọc theo hướng Tây-Đông với khí hậu lục địa hết sức khắc nghiệt, Bản thân tôi đã ba lần tiếp xúc với Gô Bi trong đó có hai lần đi làm phim. Chúng ta thường nghe nói về bão cát Bắc Kinh. Đó chính là những cuộc tấn công cuồng bạo vào thủ đô Trung Quốc của miền đất hoang dữ dội này. Cát có thể bay xa hàng ngàn cây số ra khỏi lãnh địa của nó, thậm chí vượt cả Thái Bình Dương rơi xuống các bang miền Tây nước Mỹ. Sự ngạc nhiên của con người trước hiện tượng này không phải vì bản thân những hạt cát mà vì sức mạnh ghê gớm của gió Gô Bi, một loại gió không chỉ tự hình thành trong lòng bản thân lãnh thổ mà còn do sự cộng hưởng kỳ lạ từ khu vực phía Bắc mênh mông. Lần này, chúng tôi tiếp cận Gô Bi từ phía Đông Nam.
Đoàn tàu của chúng tôi ra khỏi Bát Đạt Lĩnh Trường Thành không lâu thì tới Trương Gia Khẩu của tỉnh Hà Bắc rồi Đại Đồng của tỉnh Sơn Tây, hướng lên phía Bắc thuộc khu tự trị Nội Mông và chuẩn bị thâm nhập Gô Bi.
Gô Bi xuất hiện không đột ngột. Sự chuyển tiếp bắt đầu từ một vùng đất cằn cỗi với những bụi cây xơ xác tiêu điều, thưa thớt, thấp nhỏ, mọc trên sỏi cát. Thực ra đây là một cao nguyên lớn kéo dài từ ngoại ô Bắc Kinh lên tới gần Bắc Cực, bao gồm một phần đất Trung Quốc, toàn lãnh thổ Mông Cổ, miền Trung và Đông Siberia của Nga, trong đó có sa mạc Gô Bi. Địa hình sa mạc bắt đầu xuất hiện trọn vẹn từ 18 giờ ngày 24-5 sau gần 11 giờ tàu chạy từ Bắc Kinh. Mặt trời phương Bắc còn khá cao nhưng không khí dịu mát. Phần lớn các thành viên trong đoàn chưa một lần qua Gô Bi nên họ đón nhận sa mạc với niềm háo hức đáng kể. Đó là cả một biển cát vô tận, lác đác có những bụi cỏ thấp lè tè, nhiều đoạn dài không có biểu hiện của sự sống. Trong các toa xe bắt đầu xuất hiện bụi cát. Tuy cửa toa xe đóng kín nhưng những hạt cát nhỏ mịn li ti vẫn len lỏi vào được nội thất đoàn tàu. Mặt ngoài lớp kính cửa sổ xuất hiện một lớp bụi cát lờ mờ làm mất hẳn độ trong suốt vốn có của nó khiến việc ghi hình gặp khó khăn. Thỉnh thoảng chúng tôi phải kéo cửa kính xuống vài phút để quay phim với sự cho phép chớp nhoáng của trưởng toa, bởi như vậy là vi phạm luật giao thông và gây ô nhiễm không khí của đoàn tàu. 20 giờ 45 phút tàu tới ga biên giới Nhị Liên, điểm cuối cùng của Nội Mông, trời bắt đầu tối. Tại đây người ta kích từng toa xe của cả đoàn tàu mười mấy toa lên cao, tháo các lô bánh khổ 1,435 mét ra, lắp các lô bánh 1,520 mét vào để chạy đường khổ lớn cho tới tận Moskva qua đất Mông Cổ. Từ Bắc Kinh đi Moskva có hai tuyến. Tuyến thứ hai đi về phía Đông Bắc qua các tỉnh Hà Bắc, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và Nội Mông rồi thay bánh sắt khổ rộng tại ga Zabaikan trên đất Nga.
Sau gần ba tiếng đồng hồ ở Nhị Liên, đoàn tàu tiếp tục lao vào đêm tối mênh mông giữa sa mạc Gô Bi còn mênh mông hơn trên đất Mông Cổ. Khi bình minh ló rạng, cảnh tượng hoang vu xuất hiện, gần như bất tận, bắt đầu gợi nên cảm giác buồn tẻ, đơn điệu vô cùng. Tâm lý háo hức bắt đầu nhường chỗ cho sự nhàm chán khi ngắm nhìn cảnh vật, song đó cũng là những cảm nhận mới lạ của nhiều người về sự thuần nhất, tẻ nhạt, kỳ vĩ, thiếu sinh khí của một không gian bao la. Bụi cát, khí lạnh bắt đầu gây viêm họng ở một số người. Nhìn cảnh vật ngao ngán của Gô Bi, thưởng thức các món ăn vừa không hợp khẩu vị vừa giá cao trên toa nhà hàng Mông Cổ cộng với sức khỏe giảm sút do khí hậu và môi trường khắc nghiệt đã làm cho năng suất lao động của cả đoàn giảm đi rõ rệt. Đổi lại, chúng tôi đã có được những nhận biết trực quan quý giá về một sa mạc hoang vu nói chung, Gô Bi nói riêng, và cảm giác thật ấn tượng về sự xông pha dũng mãnh của một đoàn tàu lẻ loi giữa đất trời mênh mông gió cát.
Xin có đôi lời về khí hậu đặc biệt khắc nghiệt của xứ này. Ngài đại sứ Mông Cổ khi tiếp chúng tôi tại Hà Nội đã cho biết, mùa đông ở nước ông nhiệt độ xuống tới 300 dưới không độ. Đây là kho trung chuyển khí lạnh khổng lồ từ Bắc Cực và Siberia cung cấp cho Trung Quốc. Có ba cửa thông gió lạnh khủng khiếp từ Mông Cổ qua ba vùng Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc Trung Quốc tràn xuống phía Nam lục địa, làm đông giá toàn bộ miền đất Trung Hoa, và chỉ một tàn dư nhỏ nhoi của nó viếng thăm Việt Nam đã làm cho Bắc Bộ nước ta tê cóng. Đối với Trung Quốc, luồng hàn phong tai hại này đã làm cho miền đất phía Bắc Vạn Lý Trường Thành không thể trồng được tiểu mạch vụ đông cùng với hàng loạt những loại cây ăn trái và cây công nghiệp mà các vùng đất cùng vĩ tuyến khác trên thế giới có thể trồng được. Những thông tin trên đã giúp chúng tôi hình dung được một phần cái lạnh khủng khiếp vào những ngày đông giá, buồn tẻ, hiu quạnh của Gô Bi.
Ulan-Bator
Sự khắc nghiệt của Gô Bi giảm dần theo hướng Bắc. Khi những dãy núi xa xa xuất hiện ở đường chân trời thì cũng là lúc mà đôi bên đường tàu bắt đầu lác đác có những bụi cỏ thấp nhỏ báo hiệu sa mạc khô cằn hoang vu tưởng như vô tận sắp kết thúc. Và khi thảo nguyên xuất hiện cùng với núi đồi thì người ta báo rằng tàu sắp đến Ulan-Bator. Sự chuyển tiếp diễn ra từ từ, không đột ngột, nhưng cũng đủ để lữ khách ngạc nhiên trước sự thay đổi của cảnh vật. Có thể tốc độ khá lớn của đoàn tàu đã góp phần tạo nên cảm giác lý thú này. Có thảo nguyên tức là có nguồn nước hoặc từ xa dẫn về, hoặc từ trên trời rơi xuống, có cây cối (dù rất ít), có sự sống, có làng mạc, cư dân, thị trấn và nhất là có gia súc. Mặc dù còn khá hoang vu nhưng so với Gô Bi thì thảo nguyên rõ ràng đã là cả một thế giới huy hoàng. Gô Bi khô hạn tới mức nó nuốt chửng hàng trăm dòng sông chảy từ núi tuyết xuống, mà người ta gọi là các sông có “thủy” mà không có “chung”, tức là nước của chúng không thể đi tới được các đại trường giang để đổ ra biển mà bị cát của Gô Bi hút hết, nhanh chóng bị bốc hơi, tạo nên hiện tượng các dòng sông bị mất hút rất bí ẩn. Thảo nguyên thì khác. Đôi bên đường tàu, lác đác đã có những con suối nhỏ trong vắt, tinh khôi. Dưới ánh nắng vàng, cảnh vật hiện lên như một bức tranh ngoạn mục: nơi thì “long lanh đáy nước in trời – thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng” nơi thì “cỏ non xanh tận chân trời…” trông rất dịu mắt. Thảo nguyên luôn đi với núi đồi. Những thảm có mênh mông lan tới tận chân núi rồi phủ lên đỉnh các quả đồi như những tấm áo choàng xanh mịn. Càng lên phía Bắc cỏ càng xanh, càng dày, cây cối mọc trên núi càng đậm đặc tươi tốt, nhất là khu vực từ Ulan-Bator tới biên giới với Nga.
17 giờ 25 phút tàu tới thủ đô Mông Cổ, mặt trời còn rất cao, nắng to nhưng gió lạnh. Thành phố khá lớn, trải rộng giữa thảo nguyên, có nhiều cao ốc, thanh bình và cô lập, có khoảng sáu trăm ngàn dân, nếu kể cả vùng phụ cận thì khoảng một triệu. Ở vào vĩ tuyến 480 Bắc lại nằm trên đường đi của tập đoàn hàn phong Tây Bá Lợi Á nên khí hậu Ulan-Bator rất khắc nghiệt vào mủa đông. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một trong những miền đất hứa của Mông Cổ về các mặt hoàn cảnh địa lý, khí hậu, môi trường sinh thái, kinh tế, giao thông vận tải, văn hóa và giao lưu quốc tế. Một dòng sông đã chảy qua đây, nhập vào một hệ thống dòng chảy ngược về phương Bắc qua thành phố Ulan-Ude của Nga, đổ vào hồ Baikal rồi từ đó chảy vào Bắc Băng Dương. Từ đây lên tới Ulan-Ude dân cư ở cả hai bên đường biên giới chủ yếu là người Mông Cổ, theo Phật giáo Lạt-ma như người Tạng. Càng về phía Bắc khí hậu càng lạnh nhưng không khí đã bớt khô, đất đai càng màu mỡ, rừng càng nhiều, núi càng cao và phong cảnh thiên nhiên càng tươi đẹp. Mông Cổ có rất nhiều núi cao trên dưới 4.000 mét, ngọn cao nhất 4.374 mét; độ cao trung bình toàn lãnh thổ là 1.580 mét (cao hơn Đà Lạt). Cả nước chỉ có một tuyến đường sắt dài trên 1.000 cây số chạy theo hướng Bắc Nam nối Nga và Trung Quốc, nên nó giữ vai trò lưu thông huyết mạch quốc tế đặc biệt hệ trọng.
TRẦN ĐỨC TUẤN
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348