Cây và người (Cao Huy Hóa)

Tôi mới quen anh gần đây. Anh luôn luôn bận, nên chỉ hẹn cà-phê định kỳ trong tuần, theo giờ ấn định, thế mà anh thường đến trễ, và cũng thỉnh thoảng ra về trước mọi người. Bận chuyện gì? Anh em tất cả đều là người lớn tuổi nhàn hạ, cứ nghĩ bạn cũng như mình, cho nên có người phỏng đoán cho vui, chắc vì… chị nhà!

Cũng như rất nhiều người từ bảy mươi trở lên, anh phải gánh chịu thương đau qua những biến cố của đất nước. Sau năm 1975, anh kiếm sống vất vả, lao động nặng nhọc như xay xát… nhưng rồi trụ lại vững vàng nhờ dạy tư, dạy kèm; sau này anh hể hả kể chuyện mẹo, chuyện bí quyết dạy hay, cách luyện thi… Nhưng đó là chuyện đã qua lâu rồi, hiện nay anh làm gì, tôi không rõ, chỉ trừ một việc: anh chữa bệnh bằng cách bấm huyệt, châm cứu. Cả đời vất vả, thế mà con anh thành đạt, nghề nghiệp vững vàng, lại ở Sài Gòn. À, anh bận cũng có lý một phần, vì thỉnh thoảng anh chị đi xa, vào với con cháu.

Bàn cà-phê chúng tôi không có ai ăn nói lưu loát, không mấy ba hoa trên trời dưới đất, không triết lý chuyện đời, chuyện tích cực tiêu cực, cho nên nhiều lúc im lặng là chính, và anh là người ít nói, nhưng vui, không bao giờ lên gân, nổi nóng. Chuyện trao đổi thường xuyên nhất – dẫu cho tôi không thiết tha mấy và còn có người đứng ngoài câu chuyện – đó là trồng phong lan, giống này giống khác, hoa màu gì, trồng như thế nào, tưới tẩm ra sao, dùng phân gì, độ nắng bao nhiêu phần trăm… Nói cho đã rồi còn khoe ảnh hoa nhà mình trên điện thoại. Quả thật cuộc đời vẫn đẹp sao… cho dầu quá đơn giản.

Một buổi sáng mùa hè nắng chói chang, không phải trúng ngày hẹn, anh đến quán cà-phê một mình, a-lô nhóm bạn, nhưng chỉ có một người nghe theo tiếng gọi của anh, còn tôi, khi đó đã chín giờ rưỡi, ở nhà núp nắng, thế mà nghe điện thoại, không nỡ phụ lòng anh, đành đến hội ngộ cà-phê… chỉ ba người. Vui thôi, có sao đâu! Ngồi quán khoảng nửa giờ, anh nói rất dứt khoát: “Đi, theo tui! Vợ tui đi rồi, tui ở một mình, về tui chơi” (Ô hay, té ra vợ đi khỏi là dịp để anh mời bạn?). Dừng một lát cho qua sự bỡ ngỡ của hai chúng tôi, anh mời: “Quen nhau lâu ni, rứa mà anh H. chưa khi mô đến nhà em, chừ em mời!”. Đúng vậy, tôi không biết anh ở phường nào trong thành phố Huế, nói gì nhà anh cụ thể? Thế mà anh đã đến nhà tôi, tặng phong lan, tặng phân trồng cây, rồi mất công tỉa cành, uốn nhánh (chuyện “hành hạ” cây, tôi không mặn mà lắm, nhưng vì cây trồng chậu cứ phát triển vô trật tự, cho nên nhờ anh, với sự lưu ý: Đừng uốn éo quá đáng, cắt tỉa là chính).

Thế là chúng tôi lên xe, giữa cái nắng như thiêu như đốt của cao điểm mùa hè. Phượng đỏ rực, thôi nhé, tau quá đã rồi, ngước nhìn mi nhức mắt quá! Cũng may là đường không xa và nắng như dịu lại khi chúng tôi rẽ vào con đường hẻm đi vào nhà anh. Nhìn bên ngoài, nhà tầm vừa phải, vườn không rộng, nhưng mát mắt khi cây xanh và hồ non bộ ôm lấy ngôi nhà. Con người nghệ sĩ té ra ẩn chứa trong dáng khắc khổ của anh. Phòng khách rộng thoáng, bày biện vừa phải, cân đối và chừa khá nhiều khoảng trống, vật dụng tuy không xa xỉ nhưng cũng vượt qua anh em chúng tôi, từ tivi rộng đời mới, tủ sách ngăn nắp, bể cá cảnh bằng kính, bộ salon bề thế, cho đến bộ thiết bị nghe nhạc Akai, đặc biệt là ảnh gia đình, tranh mỹ thuật, trong đó có tranh hoa sen màu sắc và nét vẽ thanh nhã. Anh vừa mở lời: “Đợi cho một chút, tui vào chế trà” thì chúng tôi bác liền và nói vui: “Có bia thì được, mỗi người ‘mần’ một lon”. Tưởng nói cho qua, vì trưa rồi, chúng tôi chỉ ghé thăm nhà anh một chút thôi, không ngờ anh phấn khởi: “Cái chi chứ bia thì em có sẵn, có ngay!”. Hay quá, nốc mấy hớp bia trong lúc mới từ nắng nóng vào nhà, thật quá đã!

Chủ và khách đều vui không ngờ, anh kéo chúng tôi đi quanh nhà, thăm mảnh vườn bên hông, rồi lên lầu, phòng ốc rộng rãi, thoáng đãng. Gian cuối cùng trên lầu là gian thờ Phật và thờ đấng sinh thành, tổ tiên. Trên bàn thờ, một bộ kinh Phật đặt nghiêm chỉnh, bên tường phải là một bức họa Bồ-đề-đạt-ma khá lớn, ấn tượng với mắt sắc, lông mày rậm.

Hầu hết thời gian thăm nhà là dành cho cây lá hoa. Tôi để ý chậu mai mà có người đến chơi trả giá rất cao, ở vị trí chính trong vườn. Tôi không ở trong nghề để bình phẩm dáng mai nào là trượng phu, quân tử, thế mai nào là thế rồng bay, thác đổ… Cây mai thế cũng như các cây cảnh khác, quý ở gốc đẹp, độc, lạ và thân cànhmạnhrắnrỏi-chodầubịuốnéo-nhưthểhiện ý chí của con người; vậy mà mai của anh xanh tươi, mạnh khỏe như đủ đầy, gốc ú mập… không giống chủ nhân, thế mà tôi thích, vì… rắn rỏi chi cho lắm, pha một chút mượt mà cũng hay. Nhưng thôi, thưởng lãm mai trong mùa hạ là không đúng thời rồi, xin hẹn anh cuối đông hoa khoe hương sắc. Uốn thế cây mai chưa đủ, anh còn uốn cây mãng cầu trồng chậu, cũng lạ; bắt rễ nổi u nổi cục trong khi cành điểm hoa; hy vọng mãng cầu có khoảng năm, mười trái, chắc anh cười gục gặc mãn nguyện lắm.

Nhưng trong toàn bộ khu vườn, phong lan vẫn là cây ưu thế. Mỗi nơi là một giàn phong lan. Bây giờ là mùa hạ, lan Dandro và Vanda khoe sắc tím, vàng, đỏ, còn những loại khác thì khoe cành, khoe lá thôi, có hoa chăng chỉ là rớt lại cuối mùa. Tất cả đều đầy sức sống. Người chơi lan không chỉ thưởng thức hoa, mà còn thích thú ở rễ, ở mầm, nhất là đối với những giò lan mới trồng: ngày qua ngày, cứ ghé mắt xem rễ đâm thêm chút nào chưa. Anh chăm chút không những cây mà nghiên cứu dáng chậu phong lan nghiêng như thế nào cho đẹp, cũng như tạo dáng giá thể sao cho mỹ thuật. Cây là nhân, người trồng (với lao động, phân, nước tưới) và mặt trời, khí hậu là duyên; nhân và duyên hội tụ sẽ cho rễ, mầm và hoa. Nổi bật lan trong mùa này là dã hạc và ý thảo, đặc biệt là dã hạc. Hai loại lan này có thân mảnh mai, lá nhỏ, hoa cũng nhỏ, tuy nhiên nếu chăm sóc tốt, hoa kết thành chùm, đong đưa theo gió, cánh hoa rung nhẹ, hương thơm la đà phảng phất. Đặc sắc của hoa lan dã hạc là vừa có cánh hoa rộng mở lại có chiều sâu của họng, sự hòa điệu giữa tím- trắng-hồng với độ đậm nhạt khác nhau, hương trầm khác nhau, đủ làm say mê lòng người. Còn ý thảo nhẹ nhàng khiêm tốn hơn, với màu trắng chủ đạo, và chút tím trong họng, tuy nhiên cũng có ý thảo đỏ, ý thảo vàng, nhưng hiếm có.

Cả ngày anh đi ra đi vô chăm sóc cây cảnh, vườn lan, ngóng từng mầm lá, rễ non, tưới bón phân, tỉa cành, làm cỏ. Riêng chuyện tưới lan cũng nhiêu khê, khi thì tưới đều, khi thì tưới lá, khi thì tưới rễ, tưới chậu, tưới

Một loại Vanda

giá thể, với vòi nước mạnh nhẹ khác nhau, giờ giấc khác nhau. Tôi nghĩ đến chánh tinh tấn trong công việc, chắc là anh khi tưới cây thì chỉ biết tưới cây, đến độ vui buồn gạt ra ngoài, anh vui thì anh không để ý, không vui mà cũng không không vui, cứ thế cứ thế, vậy là chánh niệm trong công việc rồi đó. Ở đâu người trồng hoa than thở vì nắng cháy, chứ ở đây, tất cả vẫn đón nhận ánh sáng mặt trời, cho dầu là nụ mới hé, lá đang non, rễ mới đâm. Tôi không biết có ai làm bạn lan thân thiết với anh để chia sẻ niềm vui cây cỏ, cùng trao đổi tri thức và kinh nghiệm, cùng vui thành quả bên chén trà; hình như anh bằng lòng lao động và hưởng thụ thế giới cây cỏ của anh, một mình. Cũng hay, anh bớt nói chuyện lao xao ngoài đời để thì thầm với cây. Họa may cũng có những người bạn như chúng tôi, nhưng chuyện hoa lá chỉ để thêm chút tình thân mà thôi.

Cuối cùng anh mời chúng tôi lui sau hè, chỉ vào khoảnh vườn rau khoai lang. “Anh biết em trồng rau ở đây để làm chi không?”. “Hỏi chi lạ rứa, thì để ăn rau sạch chớ chi nữa!”. Tôi mới trả lời thì anh cười hể hả: “Cho vợ em đó. Có thế thì em mới an tâm chăm sóc cây cối trong vườn”. Và anh buông một câu như là kết thúc câu chuyện: “Cả ngày em loay hoay với cây, quên giờ giấc, cho nên mấy anh thông cảm, nhiều khi em đến hội cà-phê trễ”.

Chúng tôi không làm gì cả, chỉ ngắm cho sướng mắt, thế mà anh vui lắm. Anh đem ra khoe, điều mà chúng tôi có nghe nhưng không ngờ thành tích lớn như vậy: Một tấm bằng to tướng, chứng nhận võ sư môn võ cổ truyền Việt Nam, và tôi chú ý chữ ký của ông Hoàng Vĩnh Giang, một quan chức cao cấp của ngành thể dục thể thao, một nhà hoạt động thể thao nổi tiếng, Anh hùng lao động. Tấm bằng vô khung, lộng kính đàng hoàng, thế mà anh cất đi, không treo, và bây giờ đem “khoe” với những kẻ không biết múa may chút gì về võ. Một lúc sau, anh đem ra hai lon bia Heineken, bắt hai chúng tôi đem về. Tôi nghĩ cũng tức cười, mỗi chúng tôi toòng teng bao nhựa đựng một lon bia – có ai tặng như thế? Thôi thì cũng nhận cho anh vui.

Ra về, lại phải chịu trận cơn nắng nhức mắt giữa trưa, nhưng cũng an ủi vì vừa được bạn đối đãi thân tình. Mà thật ra, có gì đâu, cùng chịu trận với con người, có những hàng cây bóng mát nối tiếp nhau, có không gian xanh mênh mông, có sông Hương và các sông An Cựu, Bến Ngự, Đông Ba, Như Ý, Bạch Yến, Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm…

Huế là như thế đó!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *