Thân thương ngọn núi quê nhà (Nguyễn Chí Diễn)

Quê tôi là xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang). Chẳng biết cái tên Tiên Sơn có tự bao giờ, do ai đặt, chỉ biết rằng theo lời kể của ông tôi thì đó là từ Hán Việt, sơn (山) có nghĩa là núi, chữ sơn được viết bằng ba nét mô phỏng 3 ngọn núi nhấp nhô, ngọn cao ngọn thấp. Chữ tiên (仙) gồm chữ nhân và chữ sơn ghép lại mà thành, tiên nghĩa là người lên núi tu hành đắc đạo mà thành thánh nhân, đã thoát khỏi trần tục. Tiên Sơn nghĩa là ngọn núi tiên, núi có tiên ở.

Theo lời kể của ông, tôi cũng tờ mò lắm, tuổi thơ tôi vẫn thường lên núi chơi xem có tiên thật không, mà chẳng thấy. Tiên Sơn không chỉ có một mà có rất nhiều ngọn núi. Sau chùa làng tôi là núi Con Hùm, xa hơn chút là núi Con Lợn, núi Can Vang,… và nổi tiếng nhất là núi Bổ Đà.

Những năm tháng tuổi thơ của tôi gắn liền với ruộng đồng và với những ngọn núi quê. Tôi và chị thường theo bố mẹ lên núi trồng sắn. Hai chị em mải mê đi tìm những hòn sỏi có nhiều hình thù và màu sắc khác nhau để vui đùa. Thích nhất là những viên sỏi trắng tinh, bề mặt nhẵn nhụi hình cầu, có khi hơi dẹt, hay những viên sỏi có mầu xanh, màu đen trông óng ánh, lung linh như những viên ngọc. Chúng tôi đập những hòn sỏi vào nhau để chúng phát ra những tiếng kêu vui tai như tiếng phách, tiếng sênh. Khi trời tối, đập mạnh hơn chúng còn phát ra những tia lửa trông thật thích mắt. Hẳn là con người đã tìm ra lửa bằng cách đập những viên sỏi vào nhau như vậy? Chúng tôi hỏi nhau và tự trả lời. Mẹ tôi còn bảo tìm cho mẹ những hòn sỏi màu xám, hình dạng dẹt, phẳng mà có độ thô ráp, to vừa lòng bàn tay, mang về dùng để cọ người khi tắm thì sạch lắm.

Núi sau chùa làng chỉ thấp như một ngọn đồi nhưng dân quê quen gọi là núi, đất tơi xốp, có thể trồng sắn và bạch đàn. Xưa dân làng vẫn trồng nhiều sắn để lấy cái ăn và bán. Khi thu hoạch sắn về, buổi tối bố mẹ tôi thường tách củ sắn ra, cắt đầu đuôi, lọc lấy những củ ngon, dậy sớm từ 1-2 giờ đêm để luộc rồi 4-5 giờ sáng chở đi chợ bán. Có khi tách vỏ rồi bào củ sắn ra thành nhiều sợi nhỏ, hoặc thái lát, sau đó phơi khô để bảo quản, đến mùa giáp hạt thì đem những sợi sắn trắng tinh trộn với cơm để ăn. Những ruộng sắn trên núi đã giúp gia đình tôi và dân làng vượt qua những tháng ngày gian khó mà tôi không thể nào quên.

Xa hơn núi Con Hùm là núi Can Vang, nơi đó có trường học cấp 2 của xã, nơi gắn bó với chúng tôi nhiều kỉ niệm thần tiên của tuổi học trò. Sau giờ học chúng tôi thường rủ nhau lên núi chơi. Lưng chừng núi có nghĩa trang ghi danh những liệt sĩ của cả xã đã hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong số đó có bác tôi, ngôi mộ chỉ ghi tên chứ đại gia đình tôi chưa tìm được hài cốt của bác để mang về quê hương. Mỗi lần đi qua đó tôi lại có một cảm xúc rưng rưng khó tả, tôi liên tưởng tới những nghĩa trang lớn ở Trường Sơn với hàng ngàn ngôi mộ có tên và chưa biết tên, như nhắc nhở tôi phải biết trân trọng những giây phút quý giá của hòa bình và biết ơn các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc.

Trên đỉnh núi Can Vang vẫn còn sót lại những di tích của thời chiến tranh do quân Pháp xây dựng kiên cố bằng xi-măng, vẫn còn những đường hào, đường hầm, một phần bị cát và nước mưa bồi lấp, có cả đoạn đường hầm dẫn từ đỉnh núi xuống sông Cầu, nghe nói là để đưa nước từ dưới sông lên. Chúng tôi đã tò mò định đi hết đường hầm này, nhưng hóa ra đường hầm đã bị lấp, chỉ còn là hầm cụt.

Ngọn núi nổi tiếng nhất ở vùng Tiên Sơn chính là núi Bổ Đà, nơi có ngôi chùa cùng tên, gắn liền với sự tích về ông tiều phu bổ củi. Chùa Bổ Đà, còn có tên là chùa Tam Giáo, đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt với những giá trị to lớn về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý (thế kỷ XI), được trùng tu và mở mang thêm phần lớn vào thời Lê trung hưng và nhà Nguyễn. Chùa là quần thể kiến trúc gồm chùa Quán Âm, chùa Tứ Ân, am Tam Đức, vườn tháp, ao Miếu. Chuyện xưa kể lại rằng có một ông tiều phu nghèo, hai vợ chồng đã có tuổi mà mãi chưa có con. Một hôm ông lên núi đốn củi, mỗi nhát bổ vào gốc thông ông lại niệm “Quán Thế Âm Phật” và thật kì lạ, mỗi lần lại ra một đồng tiền vàng, tổng có 32 đồng tiền tương ứng với 32 điều ứng nghiệm. Ông chỉ cầu có được một người con và sau đó đã sinh được một người con trai. Biết ơn Quán Thế Âm, ông đã xây dựng chùa thờ nơi gốc thông cũ. Chùa được xây trên vùng đất sơn thủy hữu tình, luôn có tiếng chim ca hòa cùng tiếng thông reo.

Nhà văn Nguyên Hồng đã từng đến đây và chép những vần thơ để lại vào mùa đông năm Canh Tuất (1970):

Thơ vịnh chùa Bổ-đà

Bổ-đà cảnh đẹp biết bao nhiêu!
Phượng múa vâm1 quỳ nguyệt đức triều. Tiếng kệ tuyên dương nền đạo pháp
Câu kinh diễn giảng lý cao siêu.
Chuông kình vọng tiếng vang ngày tháng Mõ ngạc du dương điểm sớm chiều.
Xuân cả bốn mùa sen nở ngát
Xây nền Cực-lạc gấm hoa thêu.

Vãn cảnh Bổ-đà

Non xanh hỏi có nhớ chăng a! Khách lại lên thăm cảnh Bổ-đà.
Trên đỉnh tôn nghiêm nơi Phật ngự Nhà trai tịch mịch chốn Tăng già. Hàng thông đứng thẳng chào du-sĩ Núi phượng vươn mình đón lão – gia. Sơn thủy dường như trìu mến khách Về càng lưu ý Đạt-ma-ra.

Từ trên đỉnh núi Bổ Đà có thể nhìn thấy toàn cảnh của xã Tiên Sơn và nhiều vùng của huyện Việt Yên. Dưới chân núi là làng mạc xen kẽ giữa những cánh đồng, xa xa là dòng sông Cầu uốn lượn như một dải lụa thắt ngang lưng làng quan họ. Có lần ông tôi chỉ tay về phía các làng ven sông và nói đó là những làng thờ Đức thánh Tam Giang – vị thần gắn liền với bài thơ Nam quốc sơn hà, được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Các làng ven sông vẫn còn những di tích lịch sử gắn liền với phòng tuyến sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt chống lại quân Tống năm xưa. Từ trên đỉnh núi, tôi còn trông thấy những cánh chim, cánh cò bay về từ đàng xa vào những buổi xế chiều, đội hình của chúng xếp hàng ngay ngắn thành một chữ V. Ông tôi bảo, chữ V đó là viết tắt của chữ Việt. Ai đi xa quê cũng nhớ về huyện Việt Yên mình, ai đi xa đất nước cũng nhớ về một Việt Nam thân thương.

Bây giờ hai chị em tôi đã lớn, tất bật với công việc mưu sinh, không còn vui đùa bên những hòn sỏi trên núi sau chùa nữa, bố mẹ tôi cũng trồng bớt sắn đi nhiều vì cuộc sống đã khá giả hơn. Tôi cũng không còn được ông bà kể cho những chuyện ngày xưa nữa bởi ông bà đã đi xa. Nhưng vẫn còn mãi với thời gian tên của những ngọn núi Tiên Sơn cùng với những tên làng, tên sông như nhắc nhở tôi phải biết yêu quê hương bản quán, phải biết lan truyền tình yêu đó đến thế hệ mai sau như ông bà đã truyền cho tôi thuở trước.

Tiên Sơn ơi! Yêu sao những ngọn núi quê nhà.  Chú thích:

1. Vâm là tên gọi con voi theo ngôn ngữ cổ ở địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *