Vài nét về làng Tuần Lương (Trần Nguyễn Khánh Phong)

Làng Tuần Lương (Thừa Thiên-Huế) xuất hiện đầu tiên dưới thời vua Thành Thái. Năm Thành Thái thứ 1 (1889) do quan Tuần vũ tỉnh Ninh Bình về hưu là Tôn Thất Úy xin sang nhượng lại đất làng Hoàn Lương; được triều đình chấp thuận, ông cùng với con trai là Tôn Thất Thuyên chiêu mộ một số người, phần đông là con cháu các quan lại, đội vệ trong triều ở xung quanh kinh thành Huế gồm 74 người và 8 phái đã về đây sinh sống, trước đó đã có 32 người với 2 phái. Khi làng Hoàn Lương được sang nhượng lại toàn bộ thì đã có 30 mẫu ta (15ha) công điền từ làng Minh Lương để lại.

Ngài Tôn Thất Úy thuộc dòng dõi chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và con cháu trải qua các đời: Nguyễn Phúc Cốt tử trận; Nguyễn Phúc Đán (1771- 1820), Nguyễn Phúc Mậu (1804-1851); Tôn Thất Úy (1833-1894); Tôn Thất Thuyên (1866-1923); Tôn Thất Đối (1888-1944).

Trên địa bàn làng Tuần Lương hiện nay còn nhiều di tích văn hóa lịch sử đặc sắc. Tiêu biểu là di tích con rùa đá ở Xóm Rùa. Con rùa được làm bằng đá trắng, không rõ có từ đời nào, ai làm. Trên đầu rùa đá có chữ Nhâm,ở lưng rùa có một lỗ vuông với đường kính 0,24mx0,28m, từ đầu đến đuôi có chiều dài 1,78m, bề ngang 1,25m, và cao 0,9m. Rùa đá có chiều dài 1,7m, rộng 1,2m, cao 0,5m ước chừng nặng 3 tạ, được tạc từ đá Thanh nguyên khối.

Các họa tiết được tạo rất cầu kỳ, chi tiết khá rõ ràng như mắt, lằn ở cổ, lằn ở lưng, sống lưng, tai, mũi.

Rùa đá có thể là miếu thờ của ngài Đông Hải đại vương Nguyễn Phục. Ông quê ở làng Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Dưới đời vua Lê Nhân Tông, vào năm Thái Hòa thứ 10 (1453) có khoa thi Quý Dậu, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ. Làm quan tới chức Hàn lâm viện Đông các Dại học sĩ, rồi làm chức Phó tá Thị giảng (dạy vua học). Khi vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục giữ chức Đô úy chỉ huy đốc vận chuyển quân nhu. Khi xuất phát đi tiếp tế quân lương thì gặp bão lớn của cửa Lạch Trào (cửa Hói) Thanh Hóa. Ông quyết định chờ tan bão rồi mới đi, thuyền quân lương bị chậm vài ngày. Quân luật khép ông vào tội bất tuân quân lệnh, xử tội chém vào ngày 20.10 năm Canh Dần (1470).

Sau khi vua Lê Thánh Tông thắng trận rút quân về theo đường biển lại gặp bão lớn, đành dừng lại; vua lo lắng không yên. Đêm nằm ngủ, vua mộng thấy như hồn Nguyễn Phục cung kính xin hộ giá vua trở về. Sáng ra quả nhiên thấy sóng yên biển lặng thì vua Lê Thánh Tông mới ngộ ra đã giết oan một vị quan có trách nhiệm. Nhà vua truy tặng sắc phong Nguyễn Phục làm Thần Đông hải Long vương và dựng đền thờ tại 72 nơi, thì rùa đá ở Tuần Lương là một điểm trong số 72 điểm đó.

Trong thời gian chiến tranh và loạn lạc tượng rùa bị vùi lấp. Sau khi trở về lại xóm Rùa, năm 1977, người dân trong xóm đã bới lớp đất bồi lấp xung quanh khiến tượng rùa nổi mình trên mặt đất. Cho đến năm 2010, một nhà hảo tâm phát nguyện, hỗ trợ kinh phí xây dựng am thờ ổn định như ngày nay.

Người dân ở đây tin tưởng rằng khi chuyển được ngài rùa lên vị trí mới, cao ráo và phong thủy tốt hơn, ngài sẽ không quấy phá và luôn bảo vệ dân làng. Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã về nghiên cứu tượng rùa và có đặt vấn đề chuyển di vật về nơi trưng bày, nhưng người dân địa phương không đồng ý. Nguyên do vì dân xóm Rùa cho rằng ngài rùa là linh vật của cả làng, bảo vệ dân làng khỏi tai ương, chướng khí. Năm 2013, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khảo sát khu vực xóm Rùa, phát hiện thêm ba chân trụ đá còn khá nguyên vẹn, gần nơi tìm thấy rùa đá trước đây.

Đình làng Tuần Lương được xây dựng từ năm Thành Thái thứ 4 (1892) trên khu đất trước kia là trạm dịch dưới thời các chúa Nguyễn gọi là Nền Công. Đình làng nằm ngay chính giữa đồng ruộng, cách Quốc lộ 1A khoảng 100m. Ban đầu đình có sườn gỗ, mái lợp ngói liệt. Năm Khải Định thứ 6 (1921) sáp nhập thêm thôn Miêu Nha thì đình làng Tuần Lương được tu sửa lại khang trang, lấy sườn gỗ đình Miêu Nha làm hậu tẩm, trước có tiền đàng (mái vỏ cua), phía trái có nhà tăng, miếu thờ ngài khai canh và các vị tiền bối đầu phái, phía phải miếu thờ thành hoàng làng và am ngũ hành. Do thời gian và chiến tranh nên đình làng Tuần Lương bị hư hỏng nhiều khiến những con dân của làng ngay tại địa phương và ở khắp nơi đều đau lòng hướng về nguồn cội.

Năm Tân Mùi (1991), gia đình, cháu, chắt của ngài khai khẩn đã cùng dân làng ủng hộ đóng góp khôi phục ngôi đình làng và tổ chức lễ tế như xưa. Đình làng hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều đình gồm: sắc Thiên y A-na Diễn Ngọc Phi tôn thần; sắc Thiên y A-na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần; sắc Cao các Tôn thần, Bổn thổ Thành hoàng chi thần…

Sau ngày giải phóng, địa phương đã trưng dụng đình làng làm lò ấp vịt, miếu ngài khai canh, ngài đốc công bị san phẳng. Sau đó xây dựng cơ quan thú y, hiện nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trạm Thú y huyện nằm ngay trong khuôn viên của đình làng,
che chắn mặt đình làng đã gây trở ngại cho dân làng mỗi năm đến làm lễ. Sau nhiều lần kiến nghị, Trạm Thú y huyện đã nâng cấp xây mới và đã dành 5m trước mặt đình để lộ rõ cảnh đình như hiện nay (2006).

Bên trong đình có Bia lưu niệm công trình phục hồi xây dựng đình, tiền đình làng Tuần Lương gồm có tên và số tiền, trong đó con cháu chắt chiu nội ngoại của ngài khai canh khai khẩn và một số dân làng tại địa phương, ở nước ngoài đóng góp thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, thiện nguyện đóng góp tài vật, công sức cho công trình như bà Tôn Nữ Ngọc Lan và các con; ông bà Tôn Thất Phu và Lê Thị Phương Lan và các con; Việt kiều Ngô Đông; ông Trương Có; ông Bùi Ngọc Hiệp; các ông Tôn Thất Thảo, Tôn Thất Xa và các con; bà Tôn Nữ Xuân Lộc và các con; bà Bùi Thị Hiện; ông Lê Xé cùng với dân làng địa phương đã trùng tu đình khang trang như ngày nay.

Lúc trùng tu đình làng được khởi công ngày 4 tháng 2 năm Canh Thìn (2000) và hoàn thành ngày 15 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (2002). Từng cá nhân có hảo tâm đóng góp đã được ghi vào sổ công đức của làng. Bà Tôn Nữ Xuân Lộc đã có bảng ghi tâm nguyện của mình là “Trời cao đức dày góc nhân đạo phát sinh cảnh xanh nhân nghĩa. Trùng tu cuối thế kỷ XX. Tuần Lương hương khói lưu danh”. Bảng ghi này được gắn bên trong nội thất đình làng. Bốn cột tiền đình có câu đối nôm na và mộc mạc, nhưng thắm thiết tình nghĩa của dân làng.

Miếu Thành hoàng, miếu ngài khai canh được xây dựng lại năm 2007 do hậu duệ là bà Tôn Nữ Xuân Lộc và các con đài thọ kinh phí.

Tuần Lương làng xưa và một phần của thị trấn Phú Lộc nay đã có nhiều đổi thay, đô thị hóa, đường sắt xe lửa, đường bộ chạy qua làng. Các đường xóm cũ giờ đã trở thành những đường phố mang các tên đường Lý Thánh Tông, Nguyễn Cảnh Chân, Thánh Duyên, Phan Sung, Lê Cương, Trần Đình Túc, Trần Ấm, Trần Tiến Lộc, Lê Bá Dỵ, Lê Dõng, Võ Lạng, Đồng Đưng, Hoàng Đức Trạch, Hai bốn tháng Ba, Nguyễn Sơn… rồi thêm những con đường mới mở băng qua những cánh đồng phì nhiêu thuở nào như đường Từ

Dũ, Lương Đình Của, Mười chín tháng Năm.
Làng Tuần Lương có truyền thống cách mạng, và có nhiều trí thức tiêu biểu trong đó phải kể đến bà Tôn

Nữ Ngọc Lan, Tôn Nữ Xuân Lộc và nhà thơ Tôn Phong. Nhà thơ Tôn Phong, tên thật là Tôn Thất Phong, tên chữ là Công Dị, sinh năm 1930, người làng Tuần Lương. Năm 18 tuổi, ông tham gia bộ đội Việt Minh ở đơn vị 321 Huyện đội Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Ông bị thương trong lúc chiến đấu ngay tại quê hương mình. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc ở nông trường quân đội ở Thanh Hóa. Năm 1961, Tôn Phong và Phùng Quán gặp nhau và trở thành những người bạn thân. Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, ông vào sinh sống ở thành phố

Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ông mất ngày 10.3.2014. Nhà thơ Tôn Phong làm nhiều thơ trữ tình đăng ở tạp chí Nha Trang, báo Khánh Hòa, tạp chí Sông Hương…, rồi ông tham gia Hội Văn nghệ Khánh Hòa. Tác phẩm thơ gồm: Tiếng hát đồng quê; Mộng du; Cổ tích buồn; Người

đãng trí; Nẻo về (in chung); Di cảo thơ Tôn Phong. * Ảnh của tác giả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *