Hơn nửa năm đã trôi qua kể từ cuối năm 2019, Vũ Hán đã làm cả thế giới bàng hoàng, bởi đó là nơi đã sinh ra đại dịch Covid-19 rồi nhanh chóng làm lan tỏa gần khắp mặt địa cầu. Khi tôi viết những dòng chữ này thì đại dịch đang bùng phát đợt hai vô cùng dữ dội. Trong lòng người lúc này chưa hề có dấu hiệu hy vọng gì về khả năng kết thúc được thảm họa này của nhân loại. Trên tay tôi là tờ Thanh Niên ra ngày 4-8-2020 thông báo số liệu: Tính đến 23 giờ ngày 3-8-2020 cả thế giới đã có 18.117.221 người nhiễm dịch, trong đó có 690.181 người đã tử vong. Những con số này đang rất nhanh chóng trở thành lạc hậu vì dịch đang lan quá mạnh.
Chưa bao giờ thế giới được chứng kiến một hình ảnh cảm động: Cả nhân loại đang đoàn kết, chung sức chung lòng, cùng nhau đẩy lùi tai họa thảm khốc như lúc này, với tình đồng loại lớn lao chưa từng thấy.
Xin hãy gác chuyện dịch bệnh sang một bên trong ít phút để cùng nhau viếng thăm thành phố hoa lệ bên bờ sông Dương Tử qua dôi dòng hồi ký ngắn ngủi sau đây.
Tôi đã có dịp đi ngang qua thành phố Vũ Hán tất cả 13 lần, trong đó có hai lần, mỗi lần khoảng 10 ngày, để làm phim tài liệu.
Đây là một đô thị khổng lồ của Trung Quốc, là hạt nhân của một trong những vùng quần cư rộng lớn, sầm uất, thịnh vượng lâu đời nhất của thế giới phương Đông, tới 5.000 năm lịch sử.
Đặc biệt, 3.500 năm gần nhất, dưới các thời Thương, Chu, Xuân Thu, Chiến Quốc… nơi đây luôn luôn là một thành trì cổ đại quan trọng. Diện tích toàn thành hiện là 8.464km2, dân số khoảng 12 triệu. Vũ Hán đã từng là trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế, quân sự của nước Sở rộng lớn, hùng mạnh qua nhiều thời đại. Thậm chí có thời kỳ Sở quốc bành trướng thôn tính nhiều nước khác, mở rộng lãnh thổ bằng cả nửa diện tích Trung Hoa hiện tại. Tiếng tăm của nước Sở đến nay vẫn còn vang lừng trong hậu thế.
Những câu truyện trong Hán Sở tranh hùng với hai nhân vật chính là Lưu Bang (Hán Cao tổ) và Hạng Võ đều là người nước Sở; hoặc việc Ngũ Tử Tư dùng roi quật lên mộ Sở Bình vương trả thù cho cha… đã cuốn hút mọi người nhiều chục thế kỷ. Nước Sở đã từng nuốt chửng cả hai đại quốc là Ngô, Việt và cả vùng lưỡng Quảng bao la để làm chủ toàn miền Đông Nam của Trung Quốc, trong đó có cả các địa phương như Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây.
Trong kho tàng văn học kim cổ có không ít những áng thơ liên quan đến nhiều miền đất và con người Sở quốc được truyền đời qua nhiều thế kỷ. Sau đây là một vài ví dụ:
– Nhà thơ vĩ đại Khuất Nguyên sinh năm 340 trước Tây lịch tại nước Sở, tác giả của Ly tao, thi phẩm trữ tình dài nhất trong lịch sử văn học cổ điển của Trung Hoa.
– Bài thơ tiễn đưa Mạnh Hạo Nhiên tại Hoàng Hạc lâu của Lý Bạch:
Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.
– Trích thơ của tác giả Tiếng địch sông Ô Phạm Huy Thông viết về tấn bi kịch anh hùng mạt vật của Tây Sở bá vương Hạng Vũ:
… Ôi; những võ công oanh liệt chốn sa trường Những tung hoành lăn lộn trong rừng thương Những tướng dũng bị đầu văng trước trận… Nhưng than ôi! Vận trời khi đã tận
Sức “lay thành nhổ núi” mà làm chi”?…
– Trích thơ Xuân Diệu có lần nhắc tới bến Tầm Dương danh tiếng trong bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị:
… Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.
– Trích bài Sông thu tiễn khách của Bạch Cư Dị … Mưa dầm vạt áo như chan
Buồm ai man mác mây ngàn đón ngang Chẳng say chén rượu Tầm Dương
Khỏi sao sóng khói sầu thương chết người! – Bài thơ Lên lầu Nhạc Dương của Đỗ Phủ Động Đình nghe tiếng từ xưa
Mà đây lầu Nhạc bây giờ mới lên
Đông Nam, Ngô-Sở tách miền
Mênh mông trời đất ngày đêm lềnh bềnh Bạn bè một chữ vẫn không
Thân già ma bệnh chiếc bồng lẻ loi
Bắc phương giặc giã rối bời
Bên hiên đứng tựa sụt sùi lệ sa.
(Ghi chú: Đỗ Phủ nghèo khổ, bệnh tật, cư
kiếm sống trên một con thuyền nhỏ dọc sông
của Hồ Nam rồi qua đời trên sông Dương Tử
Hồ Bắc. Chúng tôi đã làm một đoạn phim về ông dài khoảng 10 phút; rồi đến thăm “Thảo Đường” ở Thành Đô. Thảo Đường là một di tích tưởng niệm trọng điểm của đất Thục về một vĩ nhân thiên tài đoản mệnh của Trung Hoa và của thế giới. Ông đã gắn bó quãng đời ngắn ngủi bất hạnh của mình với hai dòng sông hoa lệ của đất Sở là Tương giang và Dương Tử giang sau khi từ giã kinh đô nước Thục, nơi ông đã sống khoảng 4 năm).
Lại xin trở về với thành phố bên lầu Hoàng Hạc của Hồ Bắc, của Sở quốc, của Động Đình hồ, một phần của nền văn minh Trung Hoa rực rỡ, của chiến tranh khốc liệt, của tham vọng đế vương… mà động lực chính là tư tưởng bành trướng bá quyền, hiếu chiến, xâm lược xuyên suốt mọi thời đại.
Vũ Hán, đô thị lớn của miền Hoa Trung bên bờ sông Dương Tử, nổi tiếng khắp thế giới như một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa nghệ thuật lâu đời của nước Trung Hoa cổ và là một trong những đô thị hàng đầu của nước Trung Hoa mới.
Thành phố được sinh ra tại điểm linh địa của đất trời, nơi gặp gỡ giữa “Trường Giang vĩ đại” và “Hán Thủy kiêu hùng”. Hán Thủy phát nguyên từ Tây nam Thiểm Tây, tại lưu vực thượng nguồn của ba dòng sông nổi tiếng là Linh Gia, Vị Thủy và Hán Thủy. Trường Giang và Hán Thủy chia Vũ Hán thành ba phần, Hán Khẩu, Hán Dương và Vũ Xương. Đây là ba thành phố cổ kính có từ lâu đời, sau này mới sáp nhập thành Vũ Hán. Vũ Hán là một thành phố rộng lớn, đồ sộ, có nhiều thắng cảnh nổi tiếng.
Thơ mộng và hùng vĩ nhất là khu vực ngã ba sông. Nơi đây mặt nước mênh mông như biển cả, nơi gặp nhau giữa dòng nước trong xanh của Hán Thủy và đỏ rực của Trường Giang, nơi tọa lạc “Trường Giang đại kiều”, một trong bốn chiếc cầu lớn bắc qua sông Dương Tử trong lòng Vũ Hán, và Tình Xuyên kiều, một trong năm chiếc cầu bắc qua Hán Thủy nối Hán Khẩu với Hán Dương. Những cây cầu tuyệt đẹp này tạo cho Vũ Hán một dáng vẻ kiều diễm khác thường.
Trong số các chi lưu của Trường Giang thì Hán Thủy là nhánh quan trọng nhất, từ thượng cổ là một thủy lộ huyết mạch, sầm uất của Trung Hoa. Từ Tình Xuyên kiều – cây cầu cuối cùng của Hán Thủy – ra tới cửa sông dài 3km. Hai bờ là khu kiến trúc hiện đại lộng lẫy và những công viên rộng lớn. Hàng chục cây số bờ sông được cạp bê-tông sạch sẽ là những bãi tắm tuyệt vời, lúc nào cũng đông khách như bãi biển. Dòng nước trong xanh, không một cọng rác, là môi trường lý tưởng giữa lòng thành phố.
“Trường Giang đại kiều” dài 1.680m, xây dựng từ 1955 đến 1957, tầng trên xe hơi, tầng dưới xe lửa là một thắng cảnh hàng đầu của Vũ Hán. Sông Dương Tử chảy qua Vũ Hán đoạn này hẹp nhất, các đoạn khác có nơi rộng tới năm hoặc sáu cây số. “Trường Giang nhị kiều” là cây cầu dài gấp ba “đại kiều”, 4.600m, mới được hoàn thành vào năm 1995, trông rất bề thế. “Tam kiều” sắp khánh thành, còn “tứ kiều” thì đang xúc tiến.
Vũ Hán có ba loại kiến trúc tiêu biểu; đó là những khu phố cổ, các khu “tô giới” kiểu châu Âu và những kiến trúc hiện đại ba bốn chục tầng xen kẽ hoặc đứng riêng thành những khu cao ốc đồ sộ ở hai bờ sông Dương Tử. Phố cổ cũng có hai loại; loại thực sự cổ (không còn nhiều) và loại mới được xây dựng cách đây khoảng một thế kỷ. Tô giới là một đặc điểm rất riêng của nước Trung Hoa phong kiến nửa thuộc địa. Kiến trúc “tô giới” là những bông hoa đẹp, những di sản quý, có giá trị cao về mặt nghệ thuật và thẩm mỹ. Đó là những công trình rất kiên cố, quý phái, tráng lệ, được quy hoạch hoàn hảo, là những khu phố, những không gian kiến trúc được bố trí hài hòa giữa các tòa nhà, các công thự, lâu đài, biệt thự dưới tán rừng cổ thụ, xen giữa các công viên, các dòng sông hoặc khu đồi thật hoa lệ.
Là thủ phủ của Hồ Bắc, Vũ Hán giữ một địa vị quan trọng cả trong lịch sử và hiện tại. Xưa kia đây là đất của nước Sở giàu sản vật, một vương quốc hùng cường của thời Chiến Quốc, cũng là đất Đông Ngô của Tôn Quyền thời Tam Quốc.
Hồ Bắc là một tỉnh giàu có của Hoa Trung, nằm ở phía Bắc hồ Động Đình (rộng tới 2.700km2 nên được gọi là Hồ Bắc. Toàn tỉnh rộng 180.000km2 (lớn hơn nửa nước ta), có trên 58 triệu dân, lãnh thổ gồm một nửa là đồng bằng, một nửa là miền núi. Núi ở Hồ Bắc cao nhất cũng chỉ trên 3.000m. Nếu có dịp đi xe lửa Bắc Nam, bạn sẽ có dịp ngắm hồ Động Đình bát ngát, một cảnh quan tuyệt vời trên đường thiên lý.
Từ trên đầu cầu bờ Bắc, hướng tầm nhìn về hữu ngạn, bên bờ Nam, phía Hoàng Hạc lâu cổ kính, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ, hoành tráng, oai vệ của “Trường Giang đại kiều” là một trong những điều lý thú nhất khi bạn tới Vũ Hán. Thật khó tìm được chốn không gian tuyệt vời nào hơn để bạn thả sức thưởng thức cho hết vẻ hài hòa kỳ vĩ mà con người và tạo hóa đã cùng dày công tạo dựng.
Đứng lặng người dưới bóng mát của công viên trên bờ Hán Dương rực rỡ hoa vàng, quan sát mặt nước Trường Giang mênh mông trôi chậm dưới gầm cầu, bạn sẽ có chung một tâm trạng với nhà thơ đời Đường Vi Thừa Khánh:
Đạm đạm trường giang thủy Du du viễn khách tình
Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh.
Dịch là:
Sông dài nước chảy lênh đênh
Dặm ngàn đất khách mối tình mênh mông Hoa kia chịu mối hận lòng
Lúc rơi xuống đất tuyệt không tiếng gì.
Từ bờ Bắc nhìn Hoàng Hạc lâu cách xa mấy cây số, hoặc lượn lờ xe hơi thấp thoáng bóng lầu Hoàng Hạc, lòng bạn càng rạo rực, mong đợi phút giây hội ngộ. Chúng tôi chọn Hoàng Hạc lâu làm nơi thăm viếng cuối cùng vì đó là mục tiêu cao nhất của mọi du khách bốn phương khi tới Vũ Hán. Có lẽ không một ai trước khi tới đây lại không thuộc lòng thi phẩm bất hủ của Thôi Hiệu cùng những giai thoại truyền đời chung quanh bài Hoàng Hạc lâu danh tiếng của ông, kể cả chuyện Lý Bạch xếp bút hư hư thực thực.
Hoàng Hạc lâu nằm trên đỉnh ngọn Sa Sơn ở bờ Nam sông Dương Tử, thuộc địa phận Vũ Xương, ngay đầu Trường Giang đại kiều. Toàn khuôn viên rộng mấy hecta là một quần thể kiến trúc với Hoàng Hạc lâu là chủ thể. Lầu Hoàng Hạc màu đỏ sẫm là một tòa lầu hình vuông năm tầng cao lộng, giữa hai tầng lại có một tầng phụ nên trông rất bề thế. Tuy là hình vuông nhưng mỗi góc là một cạnh nhỏ nên cũng có thể coi là bát giác. Nếu không bị rừng cao ốc che khuất, đứng xa hàng chục cây số đã có thể nhìn rõ tòa tháp. Phần lớn tháp cổ Trung Hoa hình lục giác hoặc hình tròn, nên tòa tháp vuông cao to này gây ấn tượng rất mạnh.
Vào những năm 60 thế kỷ trước, khách đi tàu liên vận quốc tế từ Bắc Kinh xuống, nhìn thấy một tòa tháp bên trái đoàn tàu ở ngọn núi bờ Nam Dương Tử thường tưởng lầm là Hoàng Hạc lâu. Thực ra đó là Vọng Địch lâu của Tôn Quyền. Vọng Địch lâu còn có tên là An Lược lâu, đã bị cháy trước khi khôi phục Hoàng Hạc lâu năm 1985 như hiện nay.
Hoàng Hạc lâu cũng được xây dựng từ thời Tam Quốc, qua nhiều thời đại bị tàn phá, mấy trăm năm không còn vết tích, sau đó được xây lại nhiều lần. Hoàng Hạc lâu hiện nay được mô phỏng theo mẫu thời Thanh. Người ta nói rằng mẫu thời Minh đẹp nhất, huy hoàng và rực rỡ hơn nhiều. Mẫu thời Thanh toát lên vẻ thâm trầm ảm đạm hợp với tâm trạng luyến tiếc bầy hạc vàng. Vì tòa lầu rất cao nên có thang máy cho khách lên xuống. Mỗi tầng lầu là một nhà bảo tàng, triển lãm những di vật liên quan đến Hoàng Hạc lâu.
Có rất nhiều giai thoại về lầu Hoàng Hạc, chỉ kể một chuyện. Khu vực này xa xưa có một tửu quán. Có một ông già hàng ngày tới quán xin uống rượu, chịu nợ, trả tiền sau. Suốt hai năm khách không có tiền trả, chủ quán vẫn vui vẻ tiếp đãi. Một hôm, ông xin được vẽ một bức tranh lên tường để gán nợ rồi ra đi không trở lại. Đó là bức tranh vẽ những con hạc vàng rất đẹp. Theo lời dặn, mỗi lần chủ quán vỗ tay, đàn hạc trong tranh bay ra lượn mấy vòng rồi đi mất, khách đến xem và uống rượu rất đông.
Sau khi người chủ quán trở thành giàu có thì đàn hạc vàng ra đi vĩnh viễn. Để nhớ ơn lão ông bí hiểm và tưởng niệm bầy hạc lạ lùng, chủ quán đã xây tòa tháp lớn này để kỷ niệm. Trải qua nhiều thế kỷ, lầu Hoàng Hạc ngày càng lừng danh và tới đời Đường thì Thôi Hiệu đã làm cho nó trở thành bất tử. Sau này người ta nói ông lão vẽ hạc đó chính là Lã Động Tân, một trong tám vị thuộc Bát tiên Quá hải.
Khi đọc câu Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ trong bài Hoàng Hạc lâu độc giả phương xa chưa một lần tới thăm Vũ Hán thường không hình dung được đất Hán Dương ở đâu. Nay, tới thăm khu phố bờ Nam Hán Thủy, ngắm nhìn Tình Xuyên kiều duyên dáng vắt ngang sông như một áng cầu vồng, mới hiểu rằng dưới chân ta chính là đất Hán Dương ngàn năm lừng danh trong lịch sử.
Nghe nói Ngô Thì Vị ngày trước đi sứ Trung Hoa, đã tới đề thơ tại Hoàng Hạc lâu này. Bút tích thì chẳng còn vì lầu xưa đã hoang tàn qua bao phen binh lửa, nhưng bài thơ vẫn còn được truyền tụng đến hôm nay. Thi nhân Việt Nam nhìn cảnh cũ nhớ người xưa mà nặng lòng hoài cảm trước thiên tài của của Lý Bạch và Thôi Hiệu. Ông viết bốn câu cuối của bài thơ như sau:
Lý Bá nào cam thua bút lực
Thôi quân không hợp tả tương sầu Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị
Lưu niệm đề thơ có mấy câu.
Dù sao thì cũng đã có một người Việt Nam để lại dấu ấn trong lâu đài văn học lộng lẫy bên bờ sông Dương Tử. Trong khuôn viên lầu Hoàng Hạc mới khôi phục, người ta dựng một tấm bia đá lớn khoảng 40m2, khắc chân dung Thôi Hiệu mặc trang phục thời Đường, bên cạnh là toàn văn bài thơ Hoàng Hạc lâu. Chúng tôi có hỏi, bài thơ khi xưa mà Lý Bạch đã từng được đọc ở vào vị trí nào; người hướng dẫn nói rằng đó là điều mà cô
đã nhiều lần không trả lời được.
Đứng trên tầng cao của lầu Hoàng Hạc, Trường
Giang đại kiều và mặt nước sông Dương Tử mênh mông hiện lên thật huyền ảo. Xa xa bờ Bắc, đất Hán Dương chìm trong khói sương chiều ảm đạm, gợi lên nỗi nhớ của kẻ xa quê. Chưa hề đặt chân lên đất này, vậy mà Tản Đà đã thể hiện hết sức tài tình hồn thơ của Thôi Hiệu:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Thực ra, chưa cần phải lặn lội tới đây, mà bên ngoài biên giới Trung Hoa hàng vạn dặm, cũng như Tản Đà, chúng ta đã có thể cảm nhận vẻ đẹp lãng mạn huy hoàng của lầu Hoàng Hạc và chia sẻ đến tận cùng nỗi buồn luyến tiếc mênh mông của Thôi quân:
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay…