Mong manh những khát khao (Trần Vọng Đức)

Việt Nam là đất nước trời cho về đa dạng tự nhiên. Có núi rừng, có sông biển, có nắng mưa, có gió bão. Gắn bó cùng thiên nhiên, cộng đồng cư dân trên mảnh đất này có nhiều khác biệt về không gian sống, về cốt cách, tâm hồn. Thường thì đói nghèo, dân trí và lòng tham chi phối những ứng xử của con người với thiên nhiên. Người ta dễ quên, rằng thiên nhiên hào phóng nhưng không phải vô tận và cam chịu. Khi đất trời cuồng nộ, ngỡ là tai ương may rủi, chỉ biết trốn chạy và khẩn cầu. Thiên nhiên có muôn vàn cách đáp trả, tương xứng với ứng xử của con người.

Những ngày chưa xa

Tôi may mắn có nhiều dịp ngang dọc mọi miền đất nước. Vùng đất Tây Nguyên để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, trong đó có mối quan hệ đặc biệt giữa con người và thiên nhiên. Các dân tộc bản địa nơi này theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Thần linh hiện diện ở khắp nơi, trong mọi thực thể. Núi rừng sông suối là

không gian sống, là nguồn cung cấp thực phẩm, là nơi thần linh trú ngụ để cầm giữ, trao gửi khát vọng và niềm tin của con người. Mọi hoạt động, từ sản xuất, tử sinh, hội hè đều khởi đầu và kết thúc bằng lễ cúng thần linh. Con người quá cô đơn, nhỏ nhoi và hoàn toàn thần phục trước siêu nhiên, đất trời.

Với người Jarai và một số dân tộc Tây Nguyên, Vua Lửa tượng trưng cho thần quyền, tồn tại suốt khoảng 500 năm qua, có khả năng “hô phong hoán vũ”. Thời xa xưa, người dân hầu khắp các bản làng trong vùng, khi gặp hạn hán, mất mùa đều tìm đến Vua Lửa nương nhờ. Các chuyến hành lễ, Vua Lửa thường cưỡi voi, có đoàn tùy tùng hàng chục người mang gùi tráp chứa vật dụng tháp tùng. Năm 1997, tôi có dịp chứng kiến lễ cầu mưa do Vua Lửa Siu A Lunh thực hiện ở làng Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Núi rừng điệp trùng là không gian của tâm linh, lễ hội. Tiếng trống và cồng trầm hùng, vang vọng, nghe giục giã, sâu thẳm. Không gian như trở về thuở hồng hoang, linh thiêng và huyền bí. Trời đất là vô biên, vô lượng.

Lòng thành kính và niềm tin về sự thấu hiểu, trợ giúp từ thần linh trỗi dậy trong từng gương mặt, ánh mắt của dân làng.

Những ngày chưa xa, cho tới thập niên 1990, du canh, săn bắt, hái lượm vẫn còn là lối sống phổ biến của người bản địa Tây Nguyên. Tôi được chứng kiến nhiều cuộc phát rừng, đốt rẫy hoành tráng. Thông thường, sau một vụ thu hoạch lúa, bắp hay khoai mì, bà con lại bỏ rẫy, đi tìm một vạt rừng khác, để vào mùa khô phát cây, đốt rẫy tạo phân tro. Chờ đến mùa mưa sẽ chọc lỗ tra hạt. Cứ như vậy, sau chừng dăm ba năm, họ quay trở về rẫy cũ, để lặp lại chu kỳ phát đốt. Người sinh sôi, rừng ngày càng thu hẹp, xa dần buôn làng. Ấy là chưa kể rừng đã bị tàn phá không thương tiếc trong chiến tranh, bởi đạn bom và nhất là chất khai quang, di hại còn lê thê tới ngày nay. Rừng như tráng sĩ bị bức tử, không gượng dậy nổi. Tôi không thể quên lần chứng kiến cả khu rừng rộng mấy quả đồi ở Kon Tum ngút trời lửa khói do đốt rẫy. Giữa tiếng lách tách vỡ toác của tre vầu, thi thoảng còn có thêm tiếng nổ long trời của đạn bom còn sót lại trong chiến tranh, đất đá văng tung tứ bề. Trời đất đảo điên. Cả vùng đất tan hoang, tro bụi nóng ấm che lấp lối mòn. Những thân cây lớn chưa kịp cháy hết trơ thân hình quặt quẹo, đen thui giữa trời. Con người cứ hồn nhiên tàn ác, bởi tập tục cố hữu từ bao đời, bởi đã cúng Giàng, khấn thần.

Quằn quại Đất Mũi

Đất Mũi ở Cà Mau là mảnh đất tận cùng trên đất liền của tổ quốc. Nhìn trên bản đồ, dải đất này có hình thù như một ngón tay chìa ra, chờ khều ngoéo kết bạn với thiên hạ. Đất Mũi đã ngàn đời cô đơn và mong manh. Cô đơn bởi đường sá cách trở. Trên nền phù sa đất yếu, sông rạch chằng chịt trở thành hệ giao thông chính. Ghe thuyền là phương tiện di chuyển chủ lực. Đầu năm 2015 khi cầu Năm Căn được khánh thành, con đường thiên lý Bắc Nam từ Hữu Nghị quan tới mũi Cà Mau thông tuyến. Đất Mũi dường như gần gũi hơn với đất mẹ. Dẫu vậy, cuộc sống nơi này vẫn còn muôn vàn gian khó.

Mong manh bởi biến đổi khí hậu, biển xâm thực luôn canh cánh nỗi lòng. Xã Đất Mũi ba hướng giáp biển với chiều dài 34km, trong đó: phía giáp biển Đông dài 9km, là bên lở; phía biển Tây dài 25km là bên bồi. Bồi mạnh hơn lở nên diện tích xã nở rộng theo thời gian. Trên Vikipedia, không rõ cập nhật năm nào, có ghi diện tích xã Đất Mũi là 93,34km2, còn thực địa hiện nay hơn 150km2. Phía bãi bồi thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, không được phép khai khẩn, cư trú. Dân xóm Mũi đành quần cư nơi bãi lở, ngay cửa vàm Rạch Mũi. Con rạch trước đây xuồng chèo hai mái đụng vào bờ, nay rạch biến thành sông, rộng cả trăm mét do lở đất.

Tôi đã nhiều lần tới Đất Mũi. Nhớ lại lần ngủ nhờ trong đồn biên phòng, ban đêm nước dâng ngập

phòng. Sáng ra giày vớ đã trôi đâu mất. Dở khóc dở cười. Lần khác, canh nước ròng để quay phim cảnh ngư dân thu hoạch thủy sản từ hàng đáy giăng trên con rạch ở trung tâm xã. Hai giờ sáng, mò mẫm trong bóng đêm trên con đường dọc xóm. Đi tới đâu chó sủa ran tới đó. Có chú còn liều lĩnh rượt theo người lạ. Phải vận dụng mọi kỹ năng, từ hù dọa tới nhún nhường, để thoát hiểm. Rời căn nhà sàn bên rạch, tôi ngồi trên ghe của anh chủ đáy. Cây đèn pin đeo trên trán người ngư dân hắt ánh sáng yếu ớt lên con nước đang rút nhanh ra biển. Ánh sáng le lói trong đêm, tô đậm thêm nét cô đơn, vất vả của người Đất Mũi. Chiếc ghe chòng chành theo mỗi nhịp kéo đáy. Tuần tự cả năm túi đáy căng tròn, xổ ra trên ghe toàn… rác đủ loại, từ bao ny-lông, chai, lon, lưới rách, lá cây và chừng ba ký cá tôm cua lít nhít. Sao quá não nề… Cũng đã nhiều lần, ngồi ghe du ngoạn trên mấy con rạch ở Đất Mũi. Có quãng, chưa đầy năm trăm mét, phải hai lần tắt máy, dừng ghe. Bởi chân vịt bị bao ny-lông quấn chặt, không quay nổi. Sông nước đã cạn kiệt thủy sản, rác nhiều hơn tôm cá.

Người hứng chịu thê thảm nhất tác động của biến đổi khí hậu ở rẻo đất tận cùng đất nước này hẳn là anh Nguyễn Ngọc Sơn, gọi thân mật là Tư Sơn, sinh năm 1959. Năm 1989, từ quê nhà Bạc Liêu, anh về Đất Mũi tìm kế sinh nhai. Căn chòi anh dựng, chỉ đơn giản là nối tiếp dãy nhà cặp theo con rạch dẫn ra biển. Giữa hiu quạnh đất trời, Tư Sơn cũng chẳng để ý, rằng cái chòi anh ở chính là căn nhà cuối cùng trên đất liền của Việt

15-8-2020 VÙN HOÁA PHÊÅT GIAÁO 37

Nam. Năm 2014, lần đầu tiên tôi tới nhà Tư Sơn. Theo con đường đất nhỏ xuyên rừng, tôi vừa đi vừa la thấu trời, hò gọi Tư Sơn để dò tìm lối vào nhà anh. Lần theo tiếng đàn ông giọng khàn từ xa xa đâu đó, loay hoay một hồi, tôi mới tìm được cây cầu khỉ khuất trong bụi cây. Cầu chỉ là một thân cây đước dài chừng ba chục mét, đoạn có tay vịn, đoạn phải bám víu vào thân cây vắt ngang qua. Chân dò dẫm, tay lần mò, vừa đi vừa sợ rơi mình xuống bùn nước, cuối cùng tôi cũng vào được nhà Tư Sơn. Nhà thực ra chỉ là cái chòi dựng trên hàng cọc gỗ khẳng khiu, nhìn rất thê thảm. Sàn nhà là mấy tấm ván cong quẹo, ghép hở cả đốt ngón tay, thấy bùn nước bên dưới. Vách bằng lá dừa nước đã bạc phếch màu. Mái gá những tấm lợp vừa tôn, vừa fibrocement. Những căn nhà hàng xóm xung quanh cũng rách rưới, tạm bợ như nhau. Đây là xóm của những người nghèo tha hương cùng cảnh ngộ.

Bên mâm rượu, Tư Sơn kể rằng, nơi đang ngồi đây là căn nhà thứ năm của anh. Biển xâm thực giật lở đất, cứ vài năm lại một lần phải di dời nhà. Lần sau thụt sâu vào phía trong chừng vài chục mét so với vị trí trước. Nhà bằng vật liệu tạm, rất khó tái sử dụng khi di dời. Nghèo lại chồng chất thêm nghèo. Tư Sơn đã li dị vợ, sống với một phụ nữ cũng đã li dị chồng. Họ xưng gọi anh em ngọt xớt với nhau. Ánh mắt, nụ cười và ứng xử lộ rõ tình yêu thương chân thành. Mỗi bên

có vài người con riêng, đều đã lớn, sống tứ tán nhiều nơi. Họ không có con chung và có thêm điểm chung là đều không biết chữ. Hàng ngày, cũng như nhiều dân trong xóm, cả hai cùng lên ghe ra biển, lúc cào nghêu, khi thả lú (túi lưới hình trụ, dài hàng chục mét đặt dưới đáy biển) bắt cua cá. Biển đã cạn nguồn thủy sản, mỗi ngày họ kiếm được gần hai trăm ngàn đồng, tạm đủ sinh sống. Những đồng tiền khó khăn dành giụm được họ không dám gửi tiết kiệm vì không biết chữ, chỉ lén mua một vài chỉ vàng, giấu kín đâu đó trong căn nhà trống hoác.

Sau lần gặp đầu tiên, những năm sau đó, mỗi lần tới Đất Mũi, tôi đều ghé thăm vợ chồng Tư Sơn. Năm 2018, lần thứ năm Tư Sơn dời nhà. Lần này nguyên nhân không phải do lở đất như những lần trước, mà di dời do bị giải tỏa để xây quảng trường Đất Mũi. Căn nhà thứ sáu này cách nhà cũ hơn trăm mét, sàn gỗ, vách và mái bằng tôn, hệt như hộp sắt úp lên cọc xi-măng. Sàn ván gỗ vẫn ghép hở, ngồi bệt uống trà, gió lùa mát đít. Gặp Tư Sơn, anh bảo tôi, vừa bị trộm lấy cắp dàn lú trị giá hơn chục triệu đồng. Xưa giờ vùng này không có trộm cắp. Từ ngày lao động các nơi đổ dồn về công trường đang xây dựng, tình hình trở nên phức tạp. Vợ anh giờ đi nấu ăn thuê cho công nhân xây dựng. Chị mới phát hiện bị ung thư, người gầy rộc. Giọng Tư Sơn buồn, vẫn là nỗi buồn muôn thuở trên gương mặt sạm đen, khắc khổ.

Đầu năm 2020, tôi trở lại Cà Mau. Quảng trường Đất Mũi đã hoàn thành, rất hoành tráng, ấn tượng. Tuy nhiên thật bất ngờ, căn nhà thứ sáu của Tư Sơn đã biến mất, trả lại một khoảnh bùn đất trống vắng chi chít hang cua còng, như thuở hồng hoang. Anh bảo vệ khu du lịch Đất Mũi mà tôi quen cho biết, Tư Sơn được nhà nước cấp cho một nền nhà, nhưng anh không ở, mà trở về lại quê hương Bạc Liêu. Bởi không còn kế sinh nhai. Vợ chồng anh cũng đã chia tay nhau. Chị vợ hình như đi nấu ăn thuê đâu đó. Vậy là họ kết thúc những năm tháng đằng đẵng truân chuyên, luân hồi trong nghèo khó.

Nhớ về Đất Mũi, là tôi nghĩ về ngút ngàn rừng đước, về những cơn sóng biển âm thầm nhưng tàn khốc. Và nhớ nhất là vợ chồng Tư Sơn, với lần lượt gây dựng sáu căn nhà nhưng vẫn không thể dung dưỡng nổi niềm mong ước được sống giản đơn, bình dị. Đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam bộ trù phú là thế, mà cũng nghiệt ngã là thế. Những cuồng nộ của thiên nhiên, những bất trắc khôn lường luôn chực chờ, không buông tha ngay cả những mảnh đời thuần phác, âm thầm và ngắn ngủi.

Những ngậm ngùi đáng quên

Rừng tràm Trà Sư ở An Giang là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi lần đến đây, từ Sài Gòn tôi thích đi theo quốc lộ 62 dọc sông Vàm Cỏ Tây, xuyên qua

page40image65916160

38 VÙN HOÁA PHÊÅT GIAÁO 15-8-2020

page41image65111056

vùng Đồng Tháp Mười. Hướng này sẽ đi ngang chợ chim Thạnh Hóa, thuộc tỉnh Long An. Ghé vào chợ là chạm vào nỗi kinh hoàng về sự tàn bạo của con người với thiên nhiên. Có thể gặp hầu hết các loại động vật hoang dã, như rắn, rùa, dơi và vô vàn các loài chim như: cổ rắn, trích cồ, vịt cổ nâu, cò, vạc, cúm núm, v.v… Chúng bị nhốt trong lồng sắt, hay trói cột treo lủng lẳng. Những cánh chim giang hồ, giờ đây chỉ quẩn quanh trong một không gian chật hẹp, dơ bẩn, thê lương. Chủ gian hàng rất thuần thục trong giết mổ chim thú. Chỉ một cú lắc nhẹ cổ tay, đầu chú chim đập bốp xuống nền nhà, tử vong tức khắc. Có những lồng sắt nhốt cả chục chim cúm núm đã bị vặt trụi lông. Ấy vậy mà không biết vài chị chim nào đấy, còn cố đẻ ra những quả trứng màu trắng nhỏ xinh, gây ngậm ngùi, xót xa. Biểu trưng cho sự tàn ác của con người là những chú chim cổ rắn khổng lồ, cái cổ rất dài thích hợp cho việc kiếm ăn ở vùng ngập nước, đã bị giết và vặt trụi lông, treo ngược ngay trước sạp hàng, để gây chú ý, chào mời khách qua đường. Những chú chim xấu số này, đến từ khung trời nào đó mà chỉ những kẻ giấu mặt nhẫn tâm mới rành rẽ.

Chợ chim Thạnh Hóa cách rừng tràm Trà Sư 170km, đường chim bay gần hơn rất nhiều, nhưng nào biết có còn chim bay vậy không. Tôi đã nhiều lần đến rừng tràm Trà Sư, tên chính thức là “Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư”. Những năm trước, từ bãi đậu xe, có đội ngũ đông đảo xe ôm đưa từng khách vào bến thuyền. Nhớ có lần, gặp anh xe ôm còn tha theo cậu con trai chừng năm tuổi, để tóc kiểu ba vá. Có lẽ nhà neo người, chẳng biết gửi con cho ai, nên cậu bé được đặt ngồi trước xe, nhông nhông theo cha như con thoi đi về. Ngồi sau xe, nhìn cái đầu trọc cùng chỏm tóc trên đỉnh đầu cậu bé tung bay trong gió, thấy ngồ ngộ, thương thương, nhớ nhớ.

Đến rừng tràm Trà Sư là mong ngóng được đắm mình trong thiên nhiên hoang dã. Ghe vừa rời bến là gió mát ùa tới. Dòng kênh thẳng tắp luồn sâu giữa rừng tràm. Nhiều đoạn, rặng tràm cao ngất dọc hai bên bờ kênh giao tán với nhau, tạo thành con đường kỳ thú. Cảm giác rất rõ đang được thiên nhiên bao bọc, chở che, nhất là những nàng sợ nắng. Cũng thật ấn tượng khi ghe lướt trên thảm bèo rộng mênh mông, xanh ngắt. Mộng mơ chen chút hồi hộp bởi không biết phía dưới thảm bèo có những rình rập nào, kiểu như cọc nhọn hay… cá sấu.

Rừng tràm Trà Sư là nơi chung sống của 70 loài chim, 11 loài thú, 25 loài bò sát và ếch nhái, 13 loài cá, 140 loài thực vật. Đó là thông tin từ các nghiên cứu và giới thiệu về vùng đất ngập nước này. Còn thực địa không rõ thế nào. Đi xuyên trong rừng tràm hoặc ngang qua những cánh đồng cỏ năng, có cảm giác u buồn, bởi rất hiếm gặp chim muông. Thi thoảng, vụt bay lên một chú vạc đi ăn ngày, hoặc xa xa bóng dáng một chú trích cồ, cẳng cao

kều, lầm lũi kiếm ăn. Thiên nhiên tưởng chừng xô lệch bởi bất tương xứng giữa động vật và thực vật. Chim chóc trú ngụ đông đảo nơi nào tôi không gặp, dẫu đã nhiền lần tới đây. Chỉ xốn xang, kinh hãi khi nhớ về những chú chim bị giam cầm, sát hại ở chợ chim Thạnh Hóa.

Tại rừng tràm Trà Sư, đang có một công ty du lịch của tỉnh An Giang thuê 160 hecta đất rừng để phát triển du lịch. Vài năm gần đây, một số hạng mục như phòng vé, nhà chờ, bến thuyền được dựng lên. Đáng chú ý, đầu năm 2020, “cầu tre vạn bước” đã được khánh thành. Cây cầu bằng tre có chiều dài hơn mười cây số, đi xuyên trong rừng, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận “Cầu tre dài nhất Việt Nam trong rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam”. Với tôi, những thông tin và kỷ lục này không tạo nhiều ấn tượng, trái lại, gây băn khoăn lo lắng. Bởi thêm bất cứ một công trình nào dành cho con người thường đồng nghĩa với việc xén bớt đi một không gian dành cho thiên nhiên, cho chim muông, cỏ cây, sông nước, khí trời.

Con người thường lầm tưởng mình có sức mạnh vô biên, mà quên rằng mong manh cũng vô biên. Tôn trọng, nương tựa, chăm sóc, yêu thương không chỉ là những nội hàm trong nhân gian mà còn là phép ứng xử công bằng, cần có giữa con người với vũ trụ, với trái đất vô cùng nhỏ bé, mong manh. 

* Ảnh của tác giả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *