Chùa Giác Lâm
ở quận Tân Bình, TP.HCM
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh
chúa Nguyễn Phúc Chu vào Gia Định lấy xứ này làm huyện Tân Bình và huyện Phước Long, chiêu tập lưu dân từ Thuận Hóa vào định cư rất đông. Những ngôi chùa đầu tiên trên đất mới được hình thành để đáp ứng nhu cầu của lưu dân cần có chùa, có thầy cầu an giúp đỡ khi hoạn nạn đau yếu ở xứ lạ, hoặc cầu siêu khi mất. Nhu cầu về tinh thần đã trở thành bức bách và chính đáng. Có thể nói rằng lưu dân đi đến đâu có xóm làng cư trú là có chùa, đình chỗ đó.
Trước hết là chùa Vạn An; chùa được thành lập năm nào chưa rõ, nhưng đời Lê Dụ Tôn thế kỷ thứ XVIII đã được sắc tứ. Đây có thể xem là một trong những ngôi chùa xưa có tiếng ở Nam Bộ. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Chùa Vạn An ở thôn Phước An. Bản triều Hiển tông Hoàng đế ban cho tấm biển khắc năm chữ “Sắc tứ
Vạn An tự”, bên hữu khắc tám chữ “Vĩnh Thạnh lục niên thất nguyệt cát nhật” (ngày tốt tháng 7 niên hiệu Vĩnh Thạnh thứ 6); bên tả khắc tám chữ “Quốc chủ Thiên Túng Đạo nhân ngự đề” (đạo hiệu của vua ngự đề). Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chùa bị thất hỏa, trụ trì chùa ấy dời đem tấm biển sang chùa Hưng Long”.
Một ngôi chùa nữa cũng được xếp vào hàng cổ xưa có tiếng ở Nam Bộ là chùa Hộ Quốc. Sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) chép: “Chùa Hộ Quốc ở thôn Đắc Phước, huyện Phước Chính, bờ phía Nam sông Phước Long do Chánh suất thống Nguyễn Cửu Vân dựng lên. Năm Giáp Dần (1734), vua Túc tôn Hiếu Minh có ngự tứ biển ngạch chữ vàng, giữa khắc “Sắc tứ Hộ Quốc tự”, bên tả khắc “Long Đức tứ niên tuế thứ Ất mão trọng đông cốc đán” (ngày lành tháng trọng đông năm Ất Mão niên hiệu Long Đức thứ 4), bên hữu khắc “Quốc chủ Vân Tuyền Đạo nhân ngự đề”.
Lịch sử đã ghi chép, trong khoảng thời gian trước đó, cùng với nhóm người Việt di dân vào phía Nam còn có các nhóm người Trung Hoa. Dẫn đầu các nhóm này có Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch đem 3.000 tướng sĩ và 50 chiếc thuyền cùng với Hoàng Tiến và Trần An Bình vào Biên Hòa, Gia Định và Mỹ Tho lập nghiệp (1679).
Theo sách Gia Định thành thông chí (GĐTTC) thì điểm tập trung đầu tiên của họ là Bàn Lăng (còn gọi là Bàn Lân). Trong số những di dân sang Việt Nam vào miền Nam có cả thiền sư Trung Hoa, điển hình là Thiền sư Bổn Kiểu và Nguyên Thiều. Các thiền sư này và các đệ tử có thể đã vào Nam truyền đạo trước khi ra Bình Định. Lịch sử chùa Long Vân (Gia Định) và Long Thiền (Đồng Nai) còn lưu truyền vị tổ khai sơn chùa là Khoáng Viên- Bổn Kiều, chùa Long Thiền được thành lập từ năm 1664. Có thể nói rằng các thiền sư đã đến lập am lúc vùng này còn vắng vẻ, và cho đến một thời gian sau có sự gia tăng dân số đủ để hình thành một hệ thống hành chánh rõ rệt ở cấp thấp nhất.
Các thiền sư Trung Hoa đã vào Nam ở tại vùng Đồng Nai vào giữa thế kỷ XVII. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một ngôi tháp của nhà sư Nguyên Thiều ở Đồng Nai, bên cạnh nền chùa Kim Cang (ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, thị xã Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai), mặc dù cho đến nay chưa có đủ cứ liệu để khẳng định đây là ngôi tháp chính, nhưng với một quần thể kiến trúc gồm chùa Kim Cang, tháp Nguyên Thiều, tháp Phổ Đồng (của công nữ Ngọc Vạn) cũng cho thấy vị trí quan trọng của chùa KimCang thời bấy giờ.
Nhiều ngôi chùa cổ dọc theo sông Đồng Nai đều do đệ tử của nhà sư Nguyên Thiều trụ trì: chùa Đại Giác, nay thuộc xã Hiệp Hòa, Biên Hòa có nhà sư Thành Đẳng; chùa Bửu Phong trên núi Bửu Long có Thiền sư Thành Chí (Pháp Thông)…
Tiếp theo các điểm tụ cư đầu tiên của di dân Việt từ Mô Xòa đến Bà Rịa, họ tiến vào Đồng Nai với khu vực Bàn Lân, Bến Gỗ, Bến Cá, Cù lao Rùa, Tân Triều, Cù lao Tân Chánh, rạch Lá Buông, sau đó là Sài Gòn (huyện Tân Bình 1698). Sự thiết lập cơ chế hành chánh mới ngày một nhiều hơn do số dân nhập vào ngày càng đông cùng với sự gia tăng tại chỗ đã làm cho vùng đất Gia Định – Tân Bình trở thành một trung tâm trù phú. Dân số tại đây đã lên đến 40.000 hộ với khoảng 200.000 người. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng đề cập đến sự phồn thịnh của vùng đất này.
Cùng với sự nhập cư của người Việt, khu vực Gia Định – Tân Bình cũng sớm trở thành một trung tâm thương mại, là đầu mối giao thông qua cửa sông Sài Gòn, kéo theo sự tụ cư của nhiều dân tộc các nước.
Sách GĐTTC chép: “Gia Định là cõi phía Nam nước Việt, khi mới khai thác thì có lưu dân nước ta cùng người Đường, người Tây dương, người Cao Miên, người Đồ Bà đến kiều ngụ đông đảo chung lộn, mà y phục khí dụng đều theo tục từng nước”.
Những sự kiện nêu trên cho thấy sự phát triển về kinh tế đã kéo theo sự phát triển về văn hóa trong đó có các tôn giáo. Nhưng Phật giáo vẫn là hình thức tín ngưỡng-tôn giáo quan trọng nhất vì là tôn giáo chính của người Việt. Cùng với sự phát triển văn hóa, chùa chiền được xây dựng. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại có 34 ngôi chùa trong phạm vi Nam Kỳ Lục Tỉnh. Con số đó, trên thực tế có lẽ còn lớn hơn nhiều, nhưng do các ngôi chùa xây cất không kiên cố, chất liệu kiến trúc thô sơ, dễ hư hỏng, nên chùa, am đa số bị hư hại.
GĐTTC và ĐNNTC còn ghi lại một số “đại bửu sát” (danh thắng) ở Gia Định thời các chúa Nguyễn như chùa Giác Lâm, chùa Kim Chương, chùa Từ Ân, chùa Khải Tường… Ngoài ra còn có một số chùa cổ nữa như Sắc tứ Long Huê (Gia Định), Sắc tứ Tập Phước (Gia Định)…
Chùa Giác Lâm có thể được xem như là hình ảnh tiêu biểu về địa thế của chùa Nam Bộ thời bấy giờ. Sách GĐTTC và ĐNNTC đã ghi chép về chùa Giác Lâm như sau:
“Ở trên gò Cẩm Sơn, cách phía tây Lũy Bán Bích 3 dặm, gò ấy bằng thẳng trăm dặm, đột khởi một kim đôi (gò đất hình tròn) như bức bình phong, như cái nón, như cái màn, tấm nệm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhã thú. Mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời vua Thế Tôn năm thứ 7, người xã Minh Hương Lý Thụy Long quyên của xây dựng nhà chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch. Những thi nhân du khách mỗi lần đến tiết Thanh minh, Trùng cửu rảnh rỗi kết bầy năm, ba người đến mở tiệc để thưởng hoa, chuốc chén mà ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa rộn ràng xa cách xa ngoài tầm mắt. Gần đây có Viên Quang Đại lão Hòa thượng thuộc về Phật phái Lâm Tế chính tông đã 36 đời (Phật phái này ở Trung Hoa) trải dài từ thuở nhỏ cho đến khi già, kiên trì tu hành ngày càng tinh tấn”.
Sách ĐNNTC cho biết thêm: “Ở địa phận xã Phú Mỹ Thọ, huyện Bình Dương trên chỗ gò bằng, có gò kim đôi rộng độ 3 dặm, trên gò cỏ thơm mọc đầy như trải nệm, cây cao bóng mát như lọng che (…) có một tên nữa là chùa Cẩm Sơn. Như các tài liệu trên đã diễn tả,chùa còn mang tên Sơn Can (sơn là núi, can là gò nông) vì được cất trên gò đất cao nhưng nông. Sơn Can là tên chùa có trước khi Thiền sư Viên Quang về trụ trì. Sau đó mới đổi tên là Giác Lâm. Chùa Giác Lâm được coi là tổ đình của phái LâmTếvìlànơitrụtrìcủacácvịsưtổpháiLâmTế,dòng đạo Bổn Ngươn ở Nam Bộ. Tháp của các tổ này đều được đặt tại chùa…”.
Nhắc đến “đại bửu sát” ở Gia Định thời bấy giờ, không thể không kể đến chùa Kim Chương. Cụ Trịnh Hoài Đức cho biết chùa Kim Chương “… ở phía Tây Nam trấn hơn 4 dặm, về phía Bắc quan lộ. Ở giữa là Phật điện, trước sau có đông tây đường, sơn môn, phương trượng,kinh thất, hương viện và phạn đường chạm trổ tô sơn tốt đẹp rộng cao, phía Bắc chùa có suối nước ngọt bốn mùa dưới đất chảy tràn ra ướt dầm cả đường đi. Năm Ất Hợi (1755), đời vua Thế Tôn năm thứ 18 (Nguyễn Phúc Khoát) có thầy tăng ở Quy Nhơn là Đạt Bổn Hòa thượng đến lập chùa ở đây, được vua ban cho tấm biển đề là Kim Chương Tự. (…) Đời vua Mục vương (Nguyễn Phúc Dương) tại đây, lại sắc ban một lần nữa…”. Chùa Kim Chương còn có tên là chùa Thiên Trường, nằm ở gần góc đường Nguyễn Trãi và Cao Thắng ngày nay.
Phật giáo của người Việt ở Nam Bộ trong giai đoạn này cũng được Mạc Cửu góp phần truyền bá qua việc xây dựng chùa Tam Bảo ở Hà Tiên và đúc tượng Phật bằng đồng. Mạc Cửu người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, không thần phục nhà Thanh, đã chạy sang Chân Lạp (1671) và dẫn theo 400 người gồm những kẻ còn lại trong quân đội của ông, những người thân thuộc trong gia đình ông và một số nho sĩ chống lại triều đình mới, và từ đây tiến sang vùng đất mới, thành lập 7 xã thôn, đặt tên là Hà Tiên. Năm Vĩnh Thịnh thứ tư (1708) đời Lê Dụ Tông, Mạc Cửu xin đem đất ấy qui thuộc chúa Nguyễn (Hiển Tôn) và được phong chức Tổng binh. Trong thời gian nhậm chức, từ 1708 đến 1725, chùa Tam Bảo đã được lập nên để cho mẹ ông ở tu. Đây cũng là ngôi chùa thuộc về loại cổ xưa có tiếng ở Nam Bộ.
Sách GĐTTC còn ghi lại: “Chùa Tam Bảo ở sau trấn thự, phạn cung mở rộng. Phật pháp phô trương, nguyên xưa do Thống binh Mạc Cửu làm ra. Kế đó thân mẫu Mạc Cửu là Thái phu nhân tuổi ngoài 80, nhớ con tha thiết, từ Lôi Châu theo đường biển đến. Mạc Cửu phụng dưỡng ở chùa này. Phu nhân vốn tánh mộ Phật, hết lòng thành kính, vừa ngày tắm Phật, phu nhân vào chùa cúng dường chiêm bái, trong khoảnh khắc thốt nhiên hóa trước bàn thờ, Mạc Cửu theo lễ chôn cất, xây mộ ở núi Bình Sơn, lại đúc tượng bằng đồng thờ tại chùa ấy, nay tượng vẫn còn”.
Điểm qua một vài ngôi chùa ở Đồng Nai – Gia Định, cũng như ở Hà Tiên vào những năm đầu và giữa thế kỷ XVIII, có thể nói rằng vào giai đoạn này, cùng với sựdidân,PhậtgiáođãcómặtởNamBộtừrấtsớm. Một số trong nhiều ngôi chùa tại đây đã được các chúa Nguyễn quan tâm, xây cất tráng lệ, được sắc tứ, được hoàng hậu đến cúng dường, trên thực tế được xem là chùa công…
Mặt khác, cùng với sự xuất hiện của các du tăng như Đạt Bổn từ miền Trung vào; của Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền dựng chùa; của Mạc Cửu người Trung Hoa đến xây chùa, tô tượng… đã cho thấy vào thời các chúa Nguyễn, Đàng Trong có một địa thế rất thuận lợi; là đầu mối giao thông, nơi gặp gỡ của các dân tộc khác nhau đến lập nghiệp sính sống, cùng với tính chất rộng mở, cư dân ở đây đã tiếp nhận những yếu tố văn hóa có nguồn gốc khác nhau, trong đó có Phật giáo mà từ thuở ban đầu, đã mang tính chất rất phong phú và đa dạng…
Tài liệu tham khảo:
– Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương – Nguyễn Ngọc Tỉnh biên dịch, Nxb Giáo Dục, 1999.
– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, T5, Nxb Thuận Hóa, 2006.
– Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb VHTT, 2007.
– Duy Minh Thị, Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí, Nxb Thuận Hóa, 2018.
– Trần Hồng Liên, Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ từ TK XVII đến 1975, Nxb KHXH, 1995.
TÔN THẤT THỌ
Just wanted to say thanx!