Lễ cúng Tống ôn ở Tây Ninh

Từ những buổi đầu đi khai hoang mở cõi, khi mới định hình chợ búa, xóm làng, nơi vùng đất Tây Ninh và cả Nam Bộ nói chung, cuộc sống còn quá nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt, vừa phải lao động sản xuất vừa phải chống trả với thiên tai, thú dữ… Lúc bấy giờ, lam sơn chướng khí còn nhiều, ao tù nước đọng, muỗi mòng rắn rết khắp nơi, những bệnh thông thường cũng có thể gây tử vong cho con người, nói gì đến những bệnh có thể lây truyền cho nhiều người biến thành đại dịch. Sinh mạng con người bị nhiều mối đe dọa; bất lực trước hoàn cảnh, họ cho rằng những bệnh tật đó là do ôn thần, ma quỷ hay những người “khuất mặt khuất mày” gây ra, nên phải làm lễ cúng các vị ấy cầu mong cuộc sống bình an cho làng xóm và tránh khỏi các nạn dịch. Và như thế lễ Tống ôn hay còn gọi là Tống phong (Tống gió) ra đời, tên gọi này được hiểu “tống” là tiễn đi, xua đi; còn “ôn” là dịch bệnh hay “phong” (gió) là gió độc gây bệnh cho con người, nên dân gian Nam Bộ thường dùng cụm từ “trúng gió” .

Ngày xưa vào những năm thời tiết khắc nghiệt, trong nước xảy ra các nạn hạn hán, bão lụt thì sau đó thường kéo theo các loại dịch bệnh. Khi trình độ y học chưa phát triển, mỗi khi nhiễm bệnh thì người bệnh khó thoát khỏi cái chết và chết rất nhanh nên người ta cho rằng các loại bệnh dịch mang tính tâm linh. Người xưa tin rằng ôn dịch là loại bệnh do quan Ôn (một loại quan ở âm phủ coi về việc làm bệnh thời khí) đi bắt lính về làm sưu dịch ở cõi âm nên thường khi bị bệnh, người dân ít dùng thuốc mà thường cầu cúng để nhờ vả các lực lượng siêu nhiên che chở. Điều này dẫn đến việc hình thành những nét đặc biệt trong xã hội, trong đó có tục cúng Tống ôn .

Lễ Tống ôn thường là một phần lễ cuối cùng trong lễ Kỳ yên được cử hành ở đình làng; trong lễ cầu an ở các miếu thờ các vị nữ thần; trong lễ cúng Tiên sư tại các nhà vuông ở lân/ấp; trong lễ giỗ các vị thần, các vị tiền hiền ở dinh thờ, đền thờ,… Ở Tây Ninh xưa, việc cúng Tống ôn là một phần lễ quan trọng không thể thiếu, đặc biệt là những cơ sở thờ tự ở gần các con sông, rạch.

Ngày nay, tuy lệ tục này không còn được phổ biến như trước nhưng vẫn còn một số ít đình, miếu, dinh thờ ở một số địa phương ở Tây Ninh ven theo sông Vàm Cỏ Đông duy trì và thực hiện hằng năm theo cổ lệ để vừa gìn giữ truyền thống của ông cha vừa là niềm tin, mong muốn tống khứ đi những điều xui rủi cầu nguyện một năm đón nhận những điều tốt lành, bình yên, công việc làm ăn luôn được thuận lợi.

1. Lễ Tống ôn ở đình Trường Đông

Đình Trường Đông hiện tọa lạc tại ấp Trường Ân, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành. Ngôi đình nằm trên một gò đất cao sát với bờ sông có phong cảnh đẹp xung quanh bao phủ bởi những gốc cây cổ thụ; mặt tiền ngôi đình nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông và cổng đình giáp với Quốc lộ 22B.

Thuở ban đầu, nơi đây còn hoang sơ, lúc bấy giờ có người Việt theo cuộc Nam tiến đến vùng đất này khai hoang, lập ấp tạo nên những làng quê trù phú. Hai ông Tiền hiền Huỳnh Văn Nhu và Hậu hiền Nguyễn Văn Tiến cùng với các cư dân khai khẩn đất hoang dựng làng lập ấp, vừa chiêu mộ nghĩa quân chống giặc bảo vệ quê hương, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Với quan niệm “Sanh vi tướng, tử vi thần”, sau khi hai ông mất, người dân tưởng nhớ đến công đức mà tôn phong làm thần, lập miếu, xây đình hương khói thờ phụng, sùng kính muôn đời.

Ngôi đình được cư dân thành lập đến nay đã ngoài trăm năm để phụng thờ thần Thành hoàng Bổn cảnh. Ngoài ra, đình còn thờ Tiền hiền Huỳnh Văn Nhu và Hậu hiền Nguyễn Văn Tiến là hai người đã có công lập

nên làng Trường Đông. Ban đầu đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ, vách ván sau phát triển thành ngôi đình của làng Trường Đông và qua nhiều lần trùng tu đã có được diện mạo khang trang như ngày nay. Tuy ngôi đình không to lớn nhưng mang nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Đình đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 268/QĐ-CT, ngày 27/12/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Hằng năm, đình tổ chức lễ cúng Kỳ yên vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Trong ngày này diễn ra các lễ hội dân gian nhằm thỏa mãn đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Sáng sớm ngày 16/1, ban Hội đình, ban Nhạc lễ, ban Đồng nhi, đội lân cùng nhân dân tề tựu về đình. 7 giờ, đội lân làm lễ bái Thần. 8 giờ, chính quyền địa phương niệm hương lễ Thần, ban tổ chức Hội đình làm lễ khai mạc ôn lại truyền thống đình Trường Đông và nêu ý nghĩa của lễ Kỳ yên. Đúng 9 giờ, vào chính lễ kỳ yên, ban Hội đình thực hiện tế lễ, khai thái bình thanh (mõ), khai minh chinh (chiêng), khai đại cổ (trống lớn), nghi thức học trò lễ dâng phẩm vật, dâng rượu, dâng trà, đọc chúc văn, ban Hội đình đến các ban thờ làm lễ bái lạy. 10 giờ, hoàn tất lễ tế Thần, ban Hội đình tiếp đón nhân dân và các phái đoàn đình bạn, khách mời đến viếng đức linh thần. Đúng 12 giờ làm lễ Tống ôn và kết thúc lễ Kỳ yên.

Vào dịp lễ Kỳ yên, ban Hội đình lập một bàn hương án ở giữa sân đình và lập một bài vị chữ Hán được viết bằng mực Tàu trên giấy hồng đơn có nội dung: Sắc – Châu vương hành khiển, Thiên ôn hành binh, Công tào Phán quan chi vị. Theo các vị cao niên trong ban Hội đình cho biết, đây là ban thờ lập nên để cung thỉnh các vị quan ôn, các vị hành binh, hành khiển, chư vị thánh thần, Tiền hiền Huỳnh Văn Nhu, Hậu hiền Nguyễn Văn Tiến cùng các vị khách khuất mặt khuất mày về dự lễ Kỳyênởđình,saukhilễtấtsẽlàmlễTốngônđưatiễn các vị đi. Trên bàn hương án đặt các phẩm vật dâng cúng gồm hương, hoa, đăng, trà, rượu, quả, mâm cơm canh, xôi, chè, trầu cau, gạo muối… bên cạnh bàn thờ là chiếc thuyền Tống ôn, đầu thuyền được quay hướng nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông. Khi hành lễ tại bàn thờ này, ban Hội đình cũng như nhân dân đến viếng thì lạy bốn lạy theo quy luật “Nhất bái sinh, nhì bái tử, tam bái Phật, tứ bái thần, ngũ bái quân”.

Về thuyền Tống ôn, người dân đăng ký với ban Hội đình để làm cúng cho đình. Thuyền Tống ôn được thiết kế bằng thân cây chuối, khung thuyền được làm bằng nan tre, trúc và ván dán giấy với nhiều màu sắc sặc sỡ, trên đầu thuyền có vẽ mắt thuyền, trên cao có trụ cờ tổ quốc, nối dài xuống là các dây cờ đủ màu. Đặc biệt trên thuyền được gắn một bảng số kiểm soát, con số do người làm thuyền tự đặt ra.

Gần 12 giờ, ban Hội đình trải chiếu ở phía trước tiền đình, sau bàn Hội đồng ngoại, bày dọn lễ vật, mâm cơm canh và thỉnh bài vị ở bàn hương án trước sân vào

trong đình bái thần Thành hoàng, xong đặt ở bên mâm cơm đã dọn sẵn, lúc này thuyền Tống ôn cũng được di chuyển vào trong đình. Vị Hội trưởng đình dâng hương, bái lạy thỉnh chư vị thụ nhận lễ vật, đại diện cho người dân cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa hòa gió thuận, bá tánh ở địa phương được bình an, hạnh phúc, làm ăn phát đạt và tránh được các dịch bệnh, tai nạn. Sau đó, ban Hội đình cùng nhân dân lần lượt đến bái lạy trước bài vị. Khi mọi người đã bái lạy xong, thuyền Tống ôn được hạ xuống đặt sau bài vị, mọi người để hương, hoa, đăng, trà, rượu, quả, đồ ăn, trầu cau, gạo muối… lên thuyền, trước đây theo truyền thống là cúng mặn thì có thêm đầu heo, gà hoặc vịt luộc còn nay nghi thức làm theo tôn giáo Cao Đài nên các thực phẩm cúng phần lớn là đồ chay. Khi lễ vật đặt hoàn tất, vị Hội trưởng thỉnh bài vị đặt ở đầu thuyền người dân đặt thêm ít tiền lẻ vào trong thuyền và gọi đó là “tiền đi đường”.

Đúng 12 giờ, lân rồng múa chầu trước sân đình, hai vị bô lão trong ban Hội đình đã được chọn từ trước nâng thuyền Tống ôn đi ra sông Vàm Cỏ Đông để thả, cùng lúc này trống chiêng nổi lên đưa thuyền Tống ôn. Ở bến sông đã có ghe chờ sẵn, ghe này cũng do người dân tình nguyện đăng ký với đình để đưa thuyền Tống ôn. Thuyền Tống ôn vừa lên đến ghe, trên bờ chiêng, trống được đánh liên hồi, người dân reo hò, có người dùng gạo, muối ném theo thuyền Tống ôn với ý nghĩa để xua đuổi ôn dịch. Ghe chở thuyền Tống ôn ra đến đoạn giữa sông thì thả xuống, thuyền Tống ôn được thả đi theo con nước ròng để trôi về phía hạ lưu. Người dân quan niệm rằng thuyền Tống ôn sẽ mang đi những điều xui rủi, kể cả thiên tai dịch bệnh, để cho cư dân trong làng được sống yên ổn. Ngoài ra, theo các vị cao niên thì thuyền Tống ôn còn là thuyền đưa các vị thần, Tiền hiền Huỳnh Văn Nhu, Hậu hiền Nguyễn Văn Tiến cùng các vị khách khuất mặt khuất mày đến dự lễ Kỳ yên ở đình trở về nơi của mình, khi lễ hoàn mãn thì ai ở nơi nào đến thì giờ theo thuyền Tống ôn trở về nơi nấy.

Trước kia vào những năm làm ăn không thuận lợi, lễ Tống ôn phải tổ chức cúng lại theo như ý nguyện của cư dân. Hai vị trong ban Hội đình được chọn đi thả thuyền Tống ôn phải là những vị cao niên, có nhiều

đứcđộ,mỗinămsẽchọnrahaivịvàcứthếmàluân phiên nhau vào các năm. Đến dự lễ Tống ôn ở đình Trường Đông, mọi người sẽ được nghe các vị bô lão kể nhiều câu chuyện về những lần cúng Tống ôn của ngày xưa, trong số đó có câu chuyện trẻ mục đồng nếu đã đủ 12 năm thì có thể ở trong bờ lấy tay ngoắc thuyền Tống ôn vào để lấy lễ vật, đồ cúng trên thuyền; cũng có lúc, vài đứa nhỏ biết bơi tự động bơi ra kéo thuyền Tống ôn vào bờ để lấy bánh kẹo và tiền đặt trên thuyền; còn về sau này, trẻ nhỏ được chăm sóc đầy đủ không phải thiếu thốn như ngày xưa và cũng vì sự an toàn nên không cho trẻ con xuống kéo thuyền mà các lễ vật, bánh trái cúng ở đình đều chia cho các đứa bé xem như là lộc đem về ăn cho mạnh giỏi.

2. Lễ Tống ôn ở dinh thờ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ
Dinh thờ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ hiện tọa lạc tại ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành. Dinh thờ nằm sát với bờ sông và có mặt tiền quay nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông.

Vào năm Kỷ Tỵ (1749), Triều đình Huế cử ba anh em nhà họ Huỳnh gồm có Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ là các quan đại thần vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Ba ông cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện cuộc Nam tiến di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương .

Trong đó, ông Huỳnh Công Nghệ đưa quân trấn thủ ở vùng Bến Thứ (nay thuộc huyện Châu Thành).

Do công lao khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm của ba anh em họ Huỳnh từ xưa đến nay vẫn được lưu truyền trong tâm thức, người dân Tây Ninh kính trọng, tôn thờ lập nhiều đình, đền thờ cúng. Trong đó, dinh thờ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ được cư dân thành lập đến nay đã ngoài trăm năm. Ban thờ ông Huỳnh Công Nghệ ở dinh có bài vị bằng chữ Hán có nội dung: Huỳnh Văn Tướng – Đại Tướng quân chi thần vị. Hằng năm dinh thờ tổ chức lễ giỗ ông vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, đây vừa là dịp để tri ân công lao của bậc tiền hiền và cũng là dịp cầu an cho bá tánh nên trong lễ giỗ cũng có phần lễ cúng Tống ôn.

Lễ Tống ôn được cử hành vào đúng 12 giờ ngày 16/3 âm lịch, đây cũng là phần lễ cúng cuối cùng trước khi kết thúc lễ giỗ. Bàn hương án làm lễ Tống ôn được thiết lập trước sân dinh thờ, phụng thỉnh các vị binh gia, chiến sĩ trận vong, các vị khuất mặt khuất mày,… trên bàn có bày nhiều vật phẩm hiến cúng như hương, đèn, hoa, quả, trà, rượu, trầu cau, gạo muối, giấy tiền vàng bạc, cơm canh, đồ ăn,… đặc biệt là có một con gà luộc hoặc một con vịt luộc.

Thuyền Tống ôn cũng được đặt bên cạnh bàn hương án ở trước sân dinh thờ. Thuyền này do ban Hội dinh làm bằng nhiều thân cây chuối ghép lại, nan tre, trúc làm khung rồi dùng giấy hồng đơn, giấy màu đủ

loại dán lên và trang trí, trên vị trí cao nhất có cắm cột cờ tổ quốc, phía trước có vẽ mắt thuyền, ngoài ra còn có ngọn đuốc và nơi cặm hương.

Đại diện ban Hội dinh, ông Hội trưởng lập một tờ trình trên có ghi rõ ngày, tháng, năm, các lễ vật cúng Tống ôn để trước khi làm lễ Tống ôn thì có nghi thức trình báo với đức Quan lớn Huỳnh Công Nghệ. Đây cũng là một nghi thức mang tính đặc trưng trong lễ Tống ôn ở dinh thờ.

Sau khi hoàn tất lễ trình, ban Hội dinh ra sân cử hành lễ Tống ôn, vị chánh bái thực hiện các nghi thức dâng hương, dâng rượu, dâng trà, dâng trầu cau, vàng bạc và đọc chúc văn. Có một vị thầy lễ xướng lễ, còn các Hội viên cùng bà con nhân dân quỳ sau vị chánh bái và đứng hầu hai bên. Vị chánh bái cùng nhân dân thành tâm cầu nguyện cho một năm được mưa thuận gió hòa, nhà nhà được bình an, khỏe mạnh và công việc làm ăn luôn được thuận lợi… điều lành mang đến, điều dữ tống đi. Cùng lúc này, tiếng trống, chiêng nổi lên, lân rồng múa chầu, các thứ vật phẩm trên bàn hương án được đặt vào trong thuyền Tống ôn, người dân địa phương cho vào thuyền vài đồng tiền lẻ cũng gọi là “tiền đi đường”. Trống, chiêng được đánh liên hồi, thuyền Tống ôn được đặt xuống sông và đẩy thật mạnh để thuyền đi ra xa theo con nước ròng trôi về phía hạ lưu.

Được biết, trong các đình, đền thờ, dinh thờ thờ ba vị quan lớn họ Huỳnh trước đây đều có làm lễ Tống ôn, nhưng những năm về sau này dần bị mai một chỉ còn một số nơi còn duy trì hoặc có nơi ba năm mới cúng đáo lệ một lần. Riêng tại dinh thờ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ, còn các vị bô lão truyền dạy nghi lễ cho các thế hệ trẻ nên vẫn còn thực hiện các lễ tục theo cổ xưa của ông bà để lại vừa là giữ gìn truyền thống vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh cho cư dân địa phương.

3. Lễ Tống ôn ở miếu bà Thủy Long

Miếu bà Thủy Long hay còn được gọi là miếu bà An Thới, hiện tọa lạc tại đầu cửa rạch Vàm Trảng thuộc khu phố An Thới, phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng. Đây là ngôi miếu thờ bà Thủy Long duy nhất tại Tây Ninh được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XIX bên hữu ngạn ven sông Vàm Cỏ Đông.

Hằng năm, miếu tổ chức lễ vía bà Thủy Long vào ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch. Đặc biệt, trong lệ cúng bà Thủy Long có phần lễ cúng Tống ôn. Vào sáng ngày 15/11 là lễ mời, đây là nghi thức đi thỉnh các vị Thủy quan, binh gia và các vị khuất mặt khuất mày trên sông, các thuyền đi dọc trên rạch Vàm Trảng dẫn đầu là thuyền chở lân, rồng, trống, chiêng, thuyền chính chở ban Hội miếu và vị thầy pháp xiên quai thực hiện các nghi thức thỉnh, theo sau là nhiều ghe thuyền nhỏ tạo thành đoàn rước dài.

Rạng sáng ngày 16 làm lễ cúng Tống ôn, trên bàn hương án trước sân bày nhiều vật cúng như hương, đèn, hoa, quả, trà, rượu, trầu cau, gạo muối, cơm canh, đồ ăn, xôi chè,… đặc biệt là có một cái đầu heo cắt ra từ con heo tế bà lúc khuya, bên cạnh bàn hương án là thuyền Tống ôn được ban Hội chuẩn bị từ trước. Tại bàn này cung thỉnh các vị Thủy quan, quan ôn, các vị binh gia cùng chư vị khuất mặt khuất mày về dự lễ ở miếu bà.

Vị Hội trưởng dâng hương, đại diện cho bá tánh dâng lời cầu nguyện quốc thái dân an, mưa hòa gió thuận, bá tánh ở địa phương được ấm no, hạnh phúc, làm ăn hanh thông tấn tới và đẩy lùi đi những điều xấu, tai ương. Sau đó, các vị thầy Pháp làm khoa, ngồi nghinh, trong đó có một vị ngồi trên bàn chông, xiên quai. Khi xong lễ chiêng, trống nổi lên, lân rồng múa chầu, các vật cúng được đặt vào thuyền Tống ôn rồi đem ra sông thả theo dòng nước trôi về phía hạ lưu. Đây cũng là phần lễ đặc sắc trong lễ vía bà Thủy Long thu hút nhiều người đến xem cúng.

Do sự mai một theo thời gian, hiện nay không còn nhiều người làm được hoặc biết làm lễ Tống ôn như xưa. Cũng chính vì thế mà những năm trở về sau này phần lễ Tống ôn không còn thực hiện và dần bị lãng quên mà chỉ còn trong ký ức của các ông già, bà cả kể lại cho con cháu.

4. Lễ Tống ôn ở nhà vuông

Nhà vuông hay còn gọi là miếu Tiên sư hiện tọa lạc tại ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng. Là một trong những thiết chế quan trọng của làng xã xưa, nơi vừa có chức năng hành chính vừa có chức năng tín ngưỡng nên nhà vuông ở ấp Bình Quới cũng đã gắn liền với cư dân từ những buổi đầu khai hoang lập ấp.

Nhà vuông thờ Tiên sư. Tiên sư thờ ở nhà vuông được hiểu là bậc thầy ngày trước trong xóm, người dân nơi đây còn xem Tiên sư là người đã có công khai hoang, lập nên lân ấp và dạy dân làm ăn sinh sống.

Hằng năm, người dân trong ấp cùng đóng góp tổ chức cúng Tiên sư vào ngày 17 tháng Giêng, trong các lễ vật dâng cúng có tế một con heo. Mỗi năm đều cúng và đãi khách đến hơn 10 bàn. Đặc biệt, trong lễ cúng Tiên

sư có phần cúng Tống ôn trước khi kết thúc lễ. Thuyền Tống ôn được thả ở bến sông có tên là “bến Nhà Vuông” ở gần đó, nối với sông Vàm Cỏ Đông. Đây cũng là dịp cầu an đầu năm của bà con địa phương với mong muốn một năm được sung túc, làm ăn thuận lợi, nhà nhà được bình an và tống đi những điều xui rủi, không may.

5. Kết luận

Qua đây, đã thấy được lễ cúng Tống ôn ở Tây Ninh là một phần lễ quan trọng có từ lâu đời và gắn liền với quá trình khai hoang mở đất, tạo lập thôn ấp của cư dân. Lễ Tống ôn có mặt trong các lễ cúng đình, cúng miếu, lễ cúng Tiên sư ở nhà vuông và cả lễ giỗ của các vị tiền hiền. Các nghi thức cúng Tống ôn cũng đa dạng, mang được những nét đặc trưng ở từng địa phương nhưng đều có điểm chung là nhằm gìn giữ những lệ tục truyền thống và đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân mưu cầu một cuộc sống bình an.

Chú thích:

1. Lễ tống ôn – tống gió ở Nam Bộ,

http://lehoi.cinet.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1& sitepageid=310&articleid=1531, truy cập ngày 19/02/2020.

2. Nguyễn Thanh Thuận (2020), Tục cúng tống ôn, đuổi dịch bệnh của người Nam kỳ xưa, https://news.zing.vn/tuc- cung-tong-on-duoi-dich-benh-cua-nguoi-nam-ky-xua- post1042232.html, truy cập ngày 19/02/2020.

3. Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh (2006), Địa chí Tây Ninh, tr.598. Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh (2006), Địa chí Tây Ninh. 2. Bản tóm tắt Di tích văn hóa đình Trường Đông.

3. Thông tin do ông Trần Văn Luân – Thành viên ban Hội dinh thờ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ cung cấp.

4. Nguyễn Thanh Thuận (2020), Tục cúng tống ôn, đuổi dịch bệnh của người Nam kỳ xưa, https://news.zing.vn/tuc- cung-tong-on-duoi-dich-benh-cua-nguoi-nam-ky-xua- post1042232.html, truy cập ngày 19/02/2020.

5.http://lehoi.cinet.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1 &sitepageid=310&articleid=1531, truy cập ngày 19/02/2020.

* Ảnh của tác giả

PHÍ THÀNH PHÁT

2 thoughts on “Lễ cúng Tống ôn ở Tây Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *