Cần một góc nhìn Từ Bi trước sự muộn phiền nơi cửa Phật (sự việc tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2) – Bùi Hữu Dược

 

Gần đây việc liên quan tới tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2, địa chỉ 154/4A Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh được trang tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các báo, đài và rất nhiều thông tin mạng xã hội phản ánh. Một sự việc hiện được nhiều người quan tâm và bày tỏ tinh cảm với những trạng thái khác nhau.

Với thái độ bức xúc của nhiều người qua các kênh thông tin nhất là thông tin mạng xã hội, tôi xin được bày tỏ đôi điều trước sự việc đã diễn ra.

Thứ nhất, việc đặt bình tro cốt của người đã mất trong chùa hay gửi hương linh của người đã mất vào thờ trong chùa là một phong tục của người Việt theo tín ngưỡng Phật giáo đã có từ rất lâu.

Việc làm này có thể thể hiện di nguyện của người đã mất trước khi chết là khi chết rồi được về bên Phật về cõi Niết-bàn, hoặc thể hiện lòng hiếu kính của người đang sống với người đã mất với mong muốn người đã mất được về bên Phật được siêu sinh tịnh độ với cầu mong “âm siêu dương thái”. Thiết nghĩ đã là một phong tục thì mỗi người nên tôn trọng niềm tin tâm linh với người đã mất và trân trọng tình cảm của người còn sống đối với di cốt, hương linh của người thân được gửi ở chùa. Nên thông cảm và chia sẻ, không nên chỉ trích hoặc xem nhẹ.

Thứ hai, việc không nên xảy ra đối với tâm linh và linh thiêng với người đang sống, nhưng đã xảy ra ở ngôi chùa nơi mà nhiều người gửi gắm tình cảm và niềm tin. Và rồi đáng tiếc hơn đã xảy ra là việc truyền thông xã hội đã không hiểu bản chất Phật giáo không chỉ phản ảnh thông tin mà còn bày tỏ cảm xúc trước vụ việc một cách thái quá, làm cho nhiều người thân có tro cốt gửi trong chùa vốn đã bức xúc càng bức xúc hơn, không giữ được thái độ bình tĩnh để ứng xử theo tinh thần Phật giáo.

Trong truyền thống dân gian ta có câu “Phật từ bi, Thánh một ly cũng chấp” hay “lệch kê, lấm rửa”. Việc thất lạc tro cốt trong chùa là việc không nhỏ, nhưng trong cửa Phật từ bi có việc gì mà không thể bằng tâm từ bi để ứng xử ổn thỏa với nhau. Những lời chỉ trích gay gắt, những suy luận từ tâm phàm với nhà chùa vì nông cạn mà không hiểu thấu đáo, liệu có làm cho các hương linh vui hay làm cho nghiệp quả của mình và con cháu thêm dày.

Thứ ba, vụ việc thất lạc tro cốt là lời nhắc nhở đối với những hoạt động liên quan của Phật giáo, nhưng đó là câu hỏi về tổ chức và quản lý những vấn đề liên quan tới phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tâm linh của xã hội. Điều mà nhiều người nhận ra qua vụ việc này là niềm tin, tâm đức con người thật trái ngược nhau. Một vụ việc diễn ra trong một ngôi chùa Phật giáo nhưng được rất nhiều các đối tượng xã hội trong và ngoài nước quan tâm. Người đồng cảm thì bảo vệ nhưng chưa thật sự thấu hiểu để bảo vệ theo phương châm “lệch kê lấm rửa”, người chỉ trích thì do chưa hiểu hoặc không chấp nhận “nhân quả” của Phật giáo nên có cảm xúc và biểu hiện qua lời nói và câu chữ hơi quá theo lối “suy bụng ta ra bụng người” làm cho người có tâm Phật giáo thấy xót xa vì thực tế diễn ra trong ngôi chùa Kỳ Quang 2, theo cách ví von của của xã hội “một trăm cái, đúng chín chín cái không khen, sai một cái là sai hết”.

Thái độ phủ nhận sạch trơn trong trường hợp này ở chùa Kỳ Quang 2, đang là mong muốn của một số người nhằm tạo ra mâu thuẫn trong Phật giáo. Xử lý không mạnh cho rằng tổ chức Phật giáo không nghiêm, xử lý mạnh tạo nên suy giảm lòng tin vào tổ chức Giáo hội bởi “nhân vô thập toàn”, nên nảy sinh tư tưởng làm suy yếu bản chất từ bi, suy giảm tinh thần và hành động nhập thế của Phật giáo khi nảy sinh tư tưởng, tâm lý “hãy lo vào việc giữ gìn, đừng quan tâm nhiều quá tới việc xã hội màn hư chùa kia”.

Trước vụ việc về thất lạc tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2 cho thấy nhiều những vấn đề mà Phật giáo cũng như xã hội cần quan tâm. Trước hết là thông tin qua mạng xã hội rất nhiều và có quá nhiều thông tin không thật, suy diễn theo hướng kích động, nếu không tỉnh táo và khoan dung, không vững nhân quả sẽ sa vào kích động cực đoan gây mất lòng tin vào Phật giáo, mất lòng tin vào những giá trị đạo đức tốt lành.

Sự việc đã diễn ra là biểu hiện chưa chu toàn đúng mức của nhà chùa trước vấn đề tâm linh với người đã mất và cả với người thân của các hương linh gắn bó với nơi gửi hương linh, tro cốt người thân. Song điều rất quý là sư trụ trì đã chân thành nhận thiếu sót về mình, sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật của tổ chức Giáo hội. Thái độ đó của sư trụ trì càng làm cho những người hiểu biết triết lý Phật giáo thêm trân quý.

Tuy thông cảm với những người gửi hương linh tro cốt của người thân vào chùa, nhưng cũng cần phải nói rằng nhiều người chưa có hiểu biết triết lý Phật giáo nên đã thể hiện cảm xúc thái quá và do việc ngoài mong muốn, không thể lường trước các vấn đề xảy ra nên có người đã lợi dụng vụ việc này của Phật giáo để kích động làm mất đi sự tĩnh tâm, sáng suốt cần thiết theo tinh thần Phật giáo trong xử lý, giải quyết vấn đề.

Việc rất cần một người con Phật lên tiếng: “Tro cốt hay hương linh của người thân của con đã được gửi ở chùa thời gian lâu mau chắc đã đủ, giờ người thân đã ở cõi Cực lạc bên Phật, tro cốt của thân tứ đại chắc cũng đến lúc về tứ đại. Có phải vì thế mà duyên thầy sửa chùa cho đẹp hơn để đón những hương linh mới, thì các bình tro cốt cũ mới khởi duyên lành để rộng chỗ người sau”. Nếu hiểu thế lên tiếng thế thì phải chăng thầy trụ trì cũng nhẹ lòng mà lo nhanh và làm được nhiều việc Phật sự có lợi cho đời mà củng cố gốc bền cho đạo, các hương linh trên cõi lành cũng mỉm cười vì người còn sống hiểu tấm lòng và hiếu kính mong tốt lành cho người đã khuất nên luôn sống với tâm sáng để gieo nghiệp lành. Những người đố kỵ không có cớ để chỉ trích Phật giáo và xã hội.

Mặc dù vụ việc đã qua nhưng vẫn là không muộn, Phật giáo vẫn có câu “vứt dao xuống quay lại là bờ”, mong sao những người đã có tâm gửi tro cốt, hương linh người thân vào chùa, trước vì bức xúc mà có thái độ và hành vi thái quá, thì giờ hãy tĩnh tâm, ứng xử theo tinh thần lục hòa của Phật giao. Với lời lẽ kích động và biểu hiện gây mất đoàn kết hãy thể hiện sự mạnh mẽ của người con Phật, thể hiện tình cảm và trách nhiệm qua lời nói, ứng xử và hành động đúng với tinh thần Phật giáo “Từ bi – Trí tuệ – Dũng lược” mà gieo nhân lành, tích phúc đức để Phật giáo đúng đắn, xã hội bình an, gia đình hạnh phúc, con người vui khỏe.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *