Phật giáo Newar – Cao Huy Hóa

 

Tôi mới đọc một bài trên tạp chí Phật giáo Tricycle: “Online Rituals in Newar Buddhism” (Nghi lễ Phật giáo Newar trên mạng), và nhanh chóng có cảm giác ngỡ ngàng: Newar là nơi nào, cư dân nào trên trái đất mà tôi chưa hề biết, lại có đạo Phật Newar? Đọc xong và tra cứu thêm, tôi mới hay, xứng đáng có một Phật giáo như thế. Newar đã có lịch sử từ mấy ngàn năm trước, và ít nhất là từ bộ tộc Shakya thời Đức Phật. Ngày nay, Newar là một nhóm cư dân đặc biệt thuộc quốc gia Nepal. Đất nước xa xôi hẻo lánh ấy, được nghe nhiều và biết nhiều vì Nepal có một thánh địa Phật giáo thiêng liêng: đó là vườn Lumbini, thuộc huyện Kapilavastu, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, bây giờ là di sản văn hóa thế giới UNESCO.

Quốc gia Nepal nằm sâu trong lục địa Nam Á, ở trung tâm dãy núi Himalaya, dân số khoảng 26,4 triệu vào năm 2011, diện tích là 147.181km .

Nepal giáp với Tây Tạng về phía bắc, giáp với Ấn Độ về phía Nam, Đông và Tây. Nepal đa dạng về địa lý, có các đồng bằng phì nhiêu, các đồi rừng cận núi cao, và có 8 trong số 10 núi cao nhất thế giới, trong đó có núi Everest. Kathmandu là thủ đô và thành phố lớn nhất của Nepal.

Nepal là một quốc gia đa dân tộc, tiếng Nepal là ngôn ngữ chính thức. Đại đa số người dân theo Ấn Độ giáo (81,3% theo thống kê năm 2011), thứ đến là Phật giáo (9%). Tuy nhiên, khác biệt giữa tín đồ Ấn Độ giáo và Phật giáo tại Nepal là rất ít do pha trộn về văn hóa và lịch sử của hai đức tin. Thần Shiva được kính ngưỡng là thần hộ mệnh của quốc gia, với đền thờ Shiva nổi tiếng, là nơi tín đồ Ấn Độ giáo từ khắp thế giới đến hành hương. Theo thần thoại Ấn Độ giáo, nữ thần Sita trong sử thi Ramayana sinh tại Vương quốc Mithila của Quốc vương Janaka Raja.

Trở lại với Newar, có rất ít thông tin về nhóm cư dân này, chỉ biết đây là những người sống quần cư trong thung lũng Kathmandu. “Ít nhất trong 2.000 năm, thung lũng Kathmandu là nơi sinh sống của những người Newar. Như ngôn ngữ Tạng-Miến cũng như nhiều đặc điểm sắc tộc của họ cho thấy, họ có nguồn gốc từ Trung Á. Bởi ngôn ngữ và văn hóa của mình, họ hình thành nên một nhóm sắc tộc đồng nhất với một ý thức rõ ràng về bản sắc riêng của họ (…) Do vì tương đối gần với đồng bằng sông Hằng, người Newar có lẽ từ rất sớm đã tiếp xúc với văn hóa và tôn giáo vùng Nam Á. Tuy nhiên, họ chống lại sự đồng hóa hoàn toàn và chọn những truyền thống sử dụng ngôn ngữ Sanskrit. Do vậy, họ pha trộn những vị thần, nghi lễ, tín ngưỡng và thực hành bản địa với những truyền thống Ấn Độ bằng một tiến trình dung hợp phức tạp”.

Mặc dù Phật giáo Newar tương đối ít được chú ý trong cộng đồng Phật giáo toàn cầu, nhưng Phật tử Newar vẫn giữ các sinh hoạt tu tập rất thuần thành và kiên định tiếp nối truyền thống. Chính trong các thư viện của họ, các bản gốc tiếng Phạn của các kinh như kinh Bát-nhã-ba-la- mật-đa đã được lưu giữ. Điều này là do các Phật tử Newar thực hành hình thức duy nhất còn tồn tại của truyền thống Kim cang thừa, trong đó tất cả các nghi thức tế lễ đều bằng tiếng Phạn. Tôn giáo của họ cũng là hình thức duy nhất của tôn giáo với vai trò kế thừa Phật giáo đặc biệt, điển hình kế thừa theo đẳng cấp và được phân chia lỏng lẻo theo dòng tu sĩ (Vajracharya và Shakya) và những dòng coi trọng thương nghiệp, chẳng hạn như Urāy. (Cũng có những đẳng cấp Newar rộng hơn, chẳng hạn như Shreshthas và Maharjans, bỏ qua phân loại là “Phật giáo” hoặc “Ấn Độ giáo”, với các thành viên cúng tế các vị thần từ cả hai tôn giáo.)

Vajracharya là danh xưng các nhà sư Kim cang thừa sống trong cộng đồng người Newar và cũng là đạo sư được kính phục về tu tập và thực hiện nghi lễ Kim cang thừa. Shakya là thị tộc Thích-ca từng thành lập một tiểu quốc của riêng mình với danh hiệu Śākya Gaṇarājya. Kinh đô của tiểu quốc này là thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), Đức Phật Shakyamuni cũng thuộc thị tộc này. Urāy là một tầng lớp thương nhân Phật giáo Newar. Họ là một cộng đồng nổi bật trong đời sống kinh doanh và văn hóa của Kathmandu. Urāy đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thương mại, công nghiệp, nghệ thuật, kiến trúc, văn học và Phật giáo.

Đại dịch Covid-19 lan ra khắp toàn cầu kể từ đầu năm 2020, Nepal không là ngoại lệ dầu cho đó là đất nước xa xôi, hiểm trở, trên vùng cao Himalaya. Nepal đã áp dụng chế độ giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới và đình chỉ các chuyến bay quốc tế, bắt đầu từ ngày 24/3/2020 và đã kết thúc vào ngày 21/7/2020. Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 ở Nepal vẫn ở mức thấp, nhưng ngay cả một đợt bùng phát nhỏ cũng dễ nhanh chóng áp đảo cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe vốn đã căng thẳng của đất nước nhỏ bé này.

Ở Kathmandu, thường thường tràn ngập tiếng ồn và khói sương dày đặc, các sân đền chùa thường rất đông người vào buổi sáng sớm; nay vì đại dịch, đường phố rất ít người và không khí trở nên trong ở Nepal và vùng Himalaya. Cái tên Urāy được cho là bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng Phạn “upāsaka” có nghĩa là “cư sĩ mộ đạo”. Người Urāy theo Phật giáo Newar và nói ngôn ngữ Newar như tiếng mẹ đẻ. Họ là những người tin tưởng vào sự bất bạo động trong quan hệ cá nhân và thực hành nghi lễ.

Đáng chú ý nhất là các nhà sư Vajracharya thực hiện các nghi lễ trong không gian công cộng đô thị, thường ít người tham gia, đôi khi chỉ lên đến hàng trăm người. Những nghi lễ này, được lên kế hoạch theo âm lịch, là một phần quan trọng trong đời sống tôn giáo của những người theo đạo Phật Newar. Cùng với những người Shakya và Urāy, các nhà sư Vajracharya cũng thực hiện vai trò truyền dạy giáo pháp cho cộng đồng địa phương.

lành, các cơ sở tôn giáo vắng bóng người trong nhiều tháng. Ở một thành phố mà thực hành tôn giáo là sinh hoạt chính trong cuộc sống, hầu hết những người thờ phụng đều nhận thấy mình không thể tham gia vào các nghi lễ đông người. Nhưng những Phật tử Newar đã tìm ra những cách mới để tiếp tục lễ nghi đã có từ nhiều thế kỷ. Thay vì nhàn rỗi trong nhà, họ đã chuyển các trung tâm nghi lễ và giảng dạy thành hình thức trực tuyến vào thời điểm bắt đầu cách ly.

Một nhà lãnh đạo Vajracharya đặc biệt, Yagyaman Pati Bajracharya, đã dẫn đầu sáng kiến trực tuyến. Mặc dầu tuổi gần 80, Yagyaman Pati đã nhận ra sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Internet từ nhiều năm trước, thường xuyên sử dụng Facebook như một công cụ kết nối vượt trội. Khi lệnh cách ly có hiệu lực, nhà sư dễ dàng chuyển hoạt động của mình lên mạng. Giờ đây, bằng cách sử dụng công cụ kết nối Zoom, Yagyaman Pati giảng dạy giáo pháp, duy trì các tổ chức Phật giáo mà sư đứng đầu, và hướng dẫn các giáo viên dạy múa và hát Mật tông (caryagiti), sau đó quảng bá các buổi biểu diễn này thông qua Facebook.

Trước khi cách ly, nhà sư đã tổ chức các buổi giảng dạy hàng tuần cho bất kỳ ai tại các ngôi chùa Jamal và Shikamu ở Kathmandu thông qua tổ chức của ông là Bauddha Darshan Adhyayan Puchaa, hoặc Nhóm Nghiên cứu Phật giáo. Việc giảng dạy được tổ chức trong các ngôi chùa, thường là trong một căn phòng chật cứng trên lầu. Trong thời gian cách ly, việc giảng dạy trước đây được thực hiện hàng tuần, nay được dạy trực tuyến hàng ngày và không có giới hạn địa lý, do đó người Newar từ các nước xa xôi như Canada và Úc đã kết nối mạng để tu tập.

Yagyman Pati không đơn độc trong việc đưa giáo lý vào không gian kỹ thuật số. Một số tổ chức và giảng sư dạy pháp khác ở Nepal cũng đang sử dụng công nghệ để dạy cho học sinh, sinh viên. Nhà trí thức công chúng Abhilash Acharya thường xuyên đăng tải các video giảng dạy lên Facebook, bằng tiếng Nepal hoặc tiếng Anh, và tổ chức giảng dạy Phật giáo Newar Guita Buddha Sikshya Jagaran đã hướng dẫn các buổi thảo luận pháp hàng tuần trên màn hình trực tuyến Zoom. Một số nhóm Newar không Phật tử, thường là nhóm bảo tồn ngôn ngữ Newar hoặc các nhóm Hindu, kết nối thường xuyên thông qua Zoom và đưa lên mạng những ghi chép cuộc họp trên nguồn cấp dữ liệu Facebook của họ. Những bài giảng trực tuyến miễn phí này, dành cho bất kỳ ai có kết nối internet, đã loại bỏ nhiều rào cản mà các người tu tập có thể gặp phải trong một ngôi chùa trước COVID-19.

Những người theo đạo Phật ở Newar cũng đang sử dụng mạng xã hội để giúp chống lại virus corona. Yagyaman Pati đã hướng dẫn các học viên cốt cán của mình thông qua Zoom và cả những tin nhắn trực tiếp trên Facebook cách sử dụng các nghi lễ cụ thể và trì tụng thần chú để làm chậm sự lây lan của virus. Các sinh viên tải lên Facebook các video quay cảnh họ biểu diễn điệu múa Mật thừa và trì tụng thần chú, tất cả đều hiểu rằng nỗ lực tập thể của họ là những đóng góp tinh thần trong cuộc chiến chống lại virus.

Cùng với các giáo lý và thực hành, người Newar sử dụng không gian ảo để chống lại đại dịch bằng các nghi lễ giải nạn. Nhà sư Vajracharya Gautam Bajracharya đã đăng tải một video lên Facebook tụng thần chú tiếng Phạn cầu khẩn các vị Phật, thỉnh cầu ban phước đức vô hạn cho tất cả chúng sinh. Một nhà sư Vajracharya khác, Rajesh Gurju, đã tải một video ghi lại cảnh nhà sư trì tụng một loạt các câu thần chú có sức mạnh để ngăn chặn virus. Cùng với đó, nhà sư đã đăng một đoạn video quay cảnh mình đang biểu diễn một điệu múa Mật thừa. Hai video, phát đồng thời và cạnh nhau, nhằm tạo ra nhiều năng lượng hơn. Ngoài việc tụng kinh, Rajesh còn đăng những bức ảnh mình đang thiền và thực hiện tư thế yoga. Tất cả những nỗ lực này nhằm mục đích ngăn chận đại dịch. Tham gia cuộc chiến chống lại virus, nhiều Phật tử Newar điền vào nguồn cấp dữ liệu Facebook của họ bằng những câu thần chú được viết hàng ngày (chẳng hạn như om tare tuttare ture svaha), với ngày tháng của Nepal.

Một số nữ tín đồ của Yagyaman Pati cũng đã đăng video về con gái của họ đang góp phần làm chậm lây lan vi-rút. Rina Maharjan, một giáo viên dạy điệu múa Mật thừa và là học trò của Yagyaman Pati, thường xuyên tải những bức ảnh của con gái Agria trong thời gian bị cách ly. Khi không vẽ hoặc làm vườn trên sân thượng, Agria xây các mandala dharmadhatu từ bột vôi và niệm thần chú để giảm bớt đại dịch. Một số người khác đã đăng video về các cô con gái trẻ của họ làm mạn-đà-la và niệm các câu thần chú tương tự. Các cô gái tuổi teen đang học các vũ điệu Mật tông đã đăng tải video đứng cạnh nhau, nhảy đồng bộ.

Buddha Jayanti, tức Đại lễ Phật đản, nhằm vào ngày 7 tháng 5 năm nay, thường là một trong những lễ hội Newar nổi tiếng đầy màu sắc. Bị cách ly, các Phật tử ở Nepal tôn vinh Thích Ca Mâu Ni trong không gian kỹ thuật số. Vào ngày đại lễ đó, những hình ảnh rực rỡ của Đức Phật được trang hoàng trên những nội dung Facebook theo cách gợi nhớ đến bộ y phục rực rỡ do chính Đức Phật mặc.

Tuy nhiên, những hoạt động trong đại lễ không hoàn toàn trực tuyến. Tại Bảo tháp Svayambhu nổi tiếng (thường được gọi là “ngôi đền khỉ” trong sách hướng dẫn du lịch Nepal), nhà sư kế thừa Amrit Man Buddhacharya đã cúng dường gạo hàng ngày. Gạo cúng dường do ông và những người thân thuộc Shakya nhận từ những người hành hương địa phương trong thời gian bình thường. “Đạo sư Yagyman Pati đã ra lệnh cho tôi phát gạo ở những nơi xung quanh mạn-đà-la và tượng nữ thần Ajima. Tôi đã làm điều đó mỗi sáng trong ba tháng,”Amrit giải thích. Nữ thần Ajima “được sùng kính như là có thể bảo vệ mọi người khỏi bệnh tật, vì vậy chúng tôi cầu nguyện và cúng dường ngài.” Amrit lưu ý rằng Yagyaman Pati đã dạy, mặc dù cơm cúng dường “trông như nhỏ nhoi, nhưng khi bạn dâng lên Đức Phật, việc này sẽ giúp bạn đi khắp thế giới trong thời gian khó khăn này. Bằng cách này, mọi người trên khắp thế giới có thể có được thức ăn và sức khỏe khi bị cách ly”.

Bảo tháp Swayambhunath (nguồn Viettravel)

Những người Phật tử Newar nổi tiếng là thận trọng với người ngoài, bao gồm cả người nước ngoài và những người không có quyền căn bản hợp lệ. Sự loại trừ dựa trên đẳng cấp và giới tính đã khiến nhiều người coi Phật giáo truyền thống của Nepal là khép kín. Nhưng Phật giáo Newar là một truyền thống năng động, và trong thập niên vừa qua, các nhà lãnh đạo địa phương đã đáp ứng với một thế giới đang thay đổi bằng cách chuyển sang một thái độ cởi mở hơn. Phản ứng của Phật tử Newar đối với đại dịch và chính việc cách ly đã mang lại khả năng thích nghi nổi bật này.

Tác giả Samuel Grimes trong bài báo nói trên đã nhận xét và kết luận đáng giá về tổ chức nghi lễ và các sinh hoạt Phật giáo trong mùa đại dịch Covid-19: “Khi việc cách ly bắt đầu giảm bớt vào cuối tháng 6, những người Phật tử Newar bắt đầu quay trở lại các địa điểm tôn giáo của họ. Mặc dù có khả năng thực hiện trở lại các nghi lễ trong bối cảnh truyền thống, nhưng hiệu quả của việc giảng dạy và thực hành trong không gian kỹ thuật số là không thể phủ nhận. Khi những cách thức thực hành quen thuộc trở nên khả thi trở lại, có vẻ như những cách thực hành mới sẽ tìm thấy vị trí của chúng trong truyền thống đang phát triển này”.

Tài liệu sử dụng:

– Samuel Grimes; Online Rituals in Newar Buddhism; Tricycle, 28/7/2020.

– Nguyên Hiệp, “Phật giáo Newar: Một biến thể Phật giáo “đặc biệt” ở Nepal”, Hoằng Pháp online.

– Wikipedia về Nepal.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *