Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang, cơ sở giáo dục của tình thương và trí tuệ

 

Chặng đường tâm huyết vì sự nghiệp trồng người

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới và Việt Nam đã chứng minh lợi ích to lớn và lâu dài của việc giáo dục trẻ một cách khoa học. Trẻ em là nguồn nhân lực tương lai của đất nước và cha mẹ các em là nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Vậy nên, hoạt động giáo dục trẻ em gắn liền và chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự phát triển chung xã hội.

Trí tuệ và hành vi xã hội của đứa trẻ được hình thành trong những năm đầu đời và trong suốt quá trình trẻ bắt đầu đến trường, do vậy những tác động sư phạm đúng đắn đối với lứa tuổi này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, đúng hướng, làm cơ sở cho sự phát triển trong những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.

Nhận thức được điều này, với tư cách là người con Phật có nhiều trăn trở về những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em nghèo lang thang rong ruổi trên khắp các nẻo đường mưu sinh mà không được đến trường đi học, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn đã dựa trên quan điểm tình thương và trí tuệ nhà Phật, quyết tâm thực hiện hoài bão ấp ủ từ bấy lâu nay là tạo lập một cơ sở từ thiện để tiếp nhận nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ nhằm mở ra cơ hội cho các em được học hành để sau này trở thành những người có ích cho xã hội. Điểm trường Tình thương Phật Quang được bắt đầu hình thành từ đó.

Ngày 06 tháng 9 năm 2002 là ngày vui đến trường của 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (từ lớp 1 đến lớp 3) ở tại nơi này. Và đây cũng chính là chặng đường đầu tiên của một Cơ sở Bảo trợ xã hội của Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Trải dài qua 4 năm hoạt động (2002 – 2006) với bao thăng trầm cùng tâm huyết của quý Thầy (Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn), đội ngũ giáo viên, nhân viên, các em từng bước đã tiến bộ trưởng thành.

Những ngày đầu vào trường các em còn là những đứa trẻ bướng bỉnh, mang theo nhiều thói hư tật xấu… thì nay về hạnh kiểm 100% học sinh đều được xếp loại Tốt. Kết quả học tập hàng năm tỉ lệ học sinh xếp loại Giỏi đạt 20%, loại Khá là 30% và 50% học sinh xếp loại Trung bình (không có học sinh yếu kém).

Bên cạnh niềm vui khi thấy các em có nhiều tiến bộ về hạnh kiểm và học tập, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn còn nhận thức rằng một “Điểm trường tình thương” không đơn thuần là nơi giữ và quản lý trẻ, mà còn là môi trường để cho trẻ em phát triển toàn diện về mọi mặt, đồng thời là bước đệm cần thiết để hình thành nhân cách và phát triển nguồn nhân lực con người trong tương lai.

Sau nhiều cuộc thảo luận, được sự đồng ý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn và nhà trường đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét và được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang ra Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 03/8/2006 chấp thuận việc thành lập Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang, với chức năng là “tiếp nhận, tổ chức quản lý, nuôi dưỡng giáo dục các đối tượng: Trẻ em mồ côi bị mất nguồn nuôi dưỡng, không nơi nương tựa”.

Thành tựu phát triển giáo dục của ngôi trường tình thương nhà Phật Trong giai đoạn 2006 – 2012 với bao khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên, kinh phí hoạt động nhưng với tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết thống nhất của tập thể Ban Giám đốc và cán bộ, nhân viên Trung tâm, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các Ban, Ngành liên quan, Trung tâm đã tổ chức thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho 120 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chế độ nội trú miễn phí ở 3 cấp học (Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông) một cách hiệu quả.

Đặc biệt đến năm 2013, Trung tâm Từ thiện Xã hội Phật Quang đã thành lập Nhà trẻ Nhân Ái trên cơ sở sự ủng hộ của “Quỹ sống để yêu thương Việt Nam”. Ngày 01 tháng 01 năm 2013, Nhà trẻ Nhân Ái đi vào hoạt động với chức năng, nhiệm vụ là Cơ sở giáo dục Mầm Non lứa tuổi nhà trẻ & mẫu giáo theo chế độ bán trú miễn phí.

Hiện, nhà trẻ đang nuôi dạy 92 trẻ em từ 13 tháng tuổi đến 5 tuổi. Đây là việc làm thể hiện lòng Từ bi của người con Phật; sự đóng góp đầy ý nghĩa của những người sáng lập, quý vị mạnh thường quân và của cả hệ thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang đã và đang góp phần ổn định an sinh cho cộng đồng xã hội tại địa phương.

Tính đến thời điểm hiện nay, sau 18 năm (2002 – 2020) hoạt động giáo dục tại Trung tâm Từ thiện Xã hội Phật Quang đã thực hiện được việc chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cả 5 cấp học: Giáo dục Mầm non; bậc Tiểu học; Trung học Cơ sở; Trung học Phổ thông và bậc Đại học.

Về phương diện giáo dục và an sinh xã hội, Trung tâm Từ thiện Xã hội Phật Quang đã ghi nhận những thành quả và dấu ấn quan trọng.

Từ năm học 2014 – 2015 đến nay, Ban Giám đốc Trung tâm đều có kế hoạch phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Hưng triển khai thực hiện chương trình cải cách giáo dục thí điểm “dạy theo chương trình Viên” và hiện nay là chương trình đổi mới cấp tiểu học (VNEN) giúp trẻ phát triển kỹ năng chủ động tích cực trong học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tạo cơ hội cho học sinh được học tập trong điều kiện cụ thể nhằm hỗ trợ cho các em phát triển ở tất cả các lĩnh vực.

Hằng năm, Trung tâm đều tuyển chọn 10 em học sinh giỏi toàn diện tham dự Trại hè “Ước mơ hồng” các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt năm học 2015 – 2016 có em Phạm Tuấn Kiệt là học sinh lớp 6 đã giành giải Nhất cấp Huyện và giải Khuyến khích cấp Tỉnh cuộc thi Giải toán qua Internet (Vi Olympic Toán học).

Hưởng ứng phong trào xây dựng điểm trường Xanh – Sạch – Đẹp và An toàn của ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang, năm học 2013, Ban Giám đốc Trung tâm cùng thống nhất với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Hưng nỗ lực phấn đấu xây dựng Điểm trường “xanh – sạch – đẹp và an toàn” theo 10 tiêu chí của ngành giáo dục và đã được công nhận, đồng thời duy trì giữ vững danh hiệu cho đến nay.

Suốt 18 năm qua, dưới sự quan tâm sâu sắc của Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn – Giám đốc Trung tâm, các thầy cô giáo và cán bộ giám thị hàng tuần đều tổ chức các giờ sinh hoạt về “đạo đức” với tinh thần “trải rộng tấm lòng” để các em có thể cởi mở, trò chuyện và giao tiếp với các thầy, cô. Đồng thời, các nội dung về kỹ năng sống, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tự lập… cũng được lồng ghép trong các giờ sinh hoạt, thông qua đó trẻ cảm nhận được không khí trong một gia đình lớn, thân thiện gần gũi, dần dần các em rũ bỏ được những mặc cảm tự ti, nỗ lực hoàn thiện chính mình và hòa nhập với môi trường hiện tại.

Đối với cấp học Mầm non, 100% trẻ được theo dõi đánh giá phát triển tốt. Đối với trẻ 5 tuổi: 85 – 90% trẻ đạt được 95 – 110/120 chỉ số đánh giá ở các lĩnh vực. Trong đó, có 95,7% trẻ phát triển về nhận thức, ngôn ngữ và Toán và 91% phát triển ở các lĩnh vực khác còn lại. Từ năm 2013 – 2020 đã

có 456 lượt trẻ được thụ hưởng chương trình giáo dục mầm non trong môi trường giáo dục Phật giáo. Trong đó, có 115 trẻ đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non và được chuẩn bị tâm thế tốt để bước vào lớp Một.

Khối Nhà trẻ có 100% trẻ đều là con em trong các hộ gia đình lao động nghèo, trong đó có đến 33,8% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi hoặc bị cha, mẹ bỏ giao cho ông, bà già yếu bệnh tật trông nom). Đối với các em lứa tuổi học lớp 1 đến lớp 12 thì tỉ lệ trẻ em mồ côi và trẻ có cha mẹ ly dị, phải nương tựa nơi ông bà già yếu, không có khả năng nuôi dưỡng, chiếm tỉ lệ là 70,3% (còn lại là số trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo).

Về tâm sinh lý, hầu hết trẻ đều bị tổn thương và chậm phát triển tinh thần so với lứa tuổi nên tính cách các em (nhất là trong độ tuổi mẫu giáo) phần đông bướng bỉnh, không nghe lời, hoặc bị tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu, có xu hướng tự kỷ, luôn mặc cảm, tự ti, nên việc giáo dục rèn luyện nhân cách trẻ vô cùng khó khăn, đòi hỏi phương pháp giáo dục thích hợp.

Ngoài sự nỗ lực để học sinh ở tất cả các cấp học đều hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định của nhà nước, Trung tâm còn chú trọng phát huy những tiềm năng của Phật giáo, khơi dậy được trong các em giá trị từ bi và trí tuệ với phương châm lấy “Thân giáo” làm trọng.

Về phương pháp dạy trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi Mẫu giáo, ngoài các kỹ năng chuyên môn theo quy định chung, Trung tâm rất chú trọng cho trẻ những trải nghiệm học tập tích cực để phát triển đam mê học hỏi và khả năng tự học. Đặc biệt là từng giáo viên và giám thị thông qua quy trình thẩm định hồ sơ tiếp nhận trẻ, đến tận gia đình để hiểu hoàn cảnh sống của trẻ để từ đó lựa chọn biện pháp tác động sư phạm phù hợp nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, đây cũng là một trong các bước trong Quy trình tiếp nhận đối tượng tại Trung tâm để đảm bảo tính pháp lý theo các quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐCP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ Quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể Cơ sở Bảo trợ xã hội.

Đóng góp to lớn cho an sinh xã hội là cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang trong 18 năm qua đã thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục hơn 1000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã chung tay giải quyết an sinh xã hội tại địa phương thông qua việc đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Đồng thời, bản thân các em cũng được đảm bảo trọn vẹn “quyền trẻ em” theo quy định của pháp luật, bởi vì về mặt tâm sinh lý, các em thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, rất dễ mắc vào các tệ nạn nếu không được chăm sóc giáo dục. Do vậy, khi các em được học tập và sống trong môi trường giáo dục lành mạnh về vật chất cũng như tinh thần, chắc chắn các em sẽ trưởng thành và trở thành những chủ nhân tương lai của Đất nước.

Đạo Phật là đạo của Từ bi và Trí tuệ. Trên tinh thần ấy, với tâm huyết của người sáng lập Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn, Đạo pháp luôn được vận dụng để thực hiện lý tưởng hành đạo “Hoằng pháp lợi sanh, phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”.

Với Thầy, từ thiện xã hội là sự thể hiện lòng từ bi và tinh thần nhập thế, sự dấn thân của các vị Tăng sĩ và Phật tử vào đời sống xã hội thể hiện qua những hoạt động cụ thể để cứu giúp những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là đối với những đối tượng là trẻ em vốn đã bị bất hạnh thiệt thòi.

Những đóng góp của Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn đã giải quyết một bài toàn kinh tế xã hội không nhỏ. Chúng ta hãy thử làm một phép tính:

Một người làm lao động phổ thông, nếu có khoảng thời gian từ 8 đến 10 giờ đồng hồ trong một ngày để lao động, thu nhập trung bình dao động từ 100.000 – 150.000 đồng. Như vậy trong 01 tháng tổng thu nhập sẽ được từ 3.000.000 – 4.500.0000 đồng/ người.

Nếu phải gởi trẻ vào các cơ sở giữ trẻ thì chi phí từ 25.000 – 30.000 đồng/ngày (còn nếu gởi vào các trường tư thục hay bán công thì phí cũng từ 1.200.000 đến 1.600.000 đồng/1 trẻ/1 tháng). Như vậy, một tháng, gia đình phải mất một khoảng chi phí từ 750.000 – 900.000 đồng đến gần 2.000.000 đồng. Nếu gởi trẻ vào nhà trẻ Nhân Ái, gia đình sẽ tiết kiệm được khoản chi phí này.

Sau 8 năm Nhà trẻ Nhân Ái mở ra, đã có trên 92% hộ gia đình có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình được cải thiện. Nhiều hộ đã tiết kiệm mua sắm được trang bị, phương tiện căn bản phục vụ cho sinh hoạt và lao động sản xuất (xe gắn máy thay cho xe đạp; trang bị dụng cụ đồ nghề để sửa xe, vá lưới, buôn bán…). Rõ ràng, Nhà trẻ Nhân Ái nói riêng và Trung tâm Từ thiện Xã hội Phật Quang nói chung đã có đóng góp công sức vào công cuộc cải thiện kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ vững trật tự chính trị – xã hội.

Đây là minh chứng quan trọng cho mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường cùng được xây dựng trong môi trường “giáo dục của Phật giáo”. Trong trường hợp này, giáo dục xã hội vận động dựa trên lý tưởng giáo dục Phật giáo. Đây cũng là một hình thức áp dụng giáo lý Phật giáo vào việc giải quyết vấn đề xã hội. Trong môi trường giáo dục của Phật giáo, các em không những được chăm sóc đầy đủ về thể chất mà còn được giáo dục lồng ghép các nội dung về đạo đức xã hội, giá trị “Từ Bi Hỷ Xả, Vô Ngã Vị Tha” để các em mở rộng tấm lòng và định hướng nhân cách cho các em sau này, góp phần xác lập một đạo Phật nhập thế, khẳng định vai trò của Phật giáo trong hoạt động giáo dục xã hội nói chung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *