Trăng và hai thí dụ về thiền – Long Hà

 

Trong một lần gặp mặt uống trà, người bạn thân từ thuở thiếu thời vì thấy chỗ của tôi có nhiều sách Phật giáo, bèn đề nghị nói cho anh ta nghe gì đó về thiền, “chẳng hạn như thiền là gì”.

Biết bạn mình thực lòng muốn tìm hiểu, nhưng ngặt vì thiền là chỗ khó nói, lại cũng vì bạn mình chỉ mới có ý tìm hiểu chứ chưa đụng đến thế giới của những thực hành, nên tôi mới nói tránh đi.

– Thiền, là cái không thể nói được đâu.

Bạn mình, ý chừng cho rằng tôi xem anh ta ngoại đạo nên không muốn chia sẻ, ngồi im lặng và có vẻ không vui. Nên tôi phải nói thêm:

– Thế này nhé, bây giờ tôi với ông đang uống trà, cũng như từ trước đến giờ bọn mình đã uống trà với nhau rất nhiều lần, rất bình thường. Nhưng nếu hôm nay tôi lỡ tay bỏ hơi nhiều trà, rót ra nước đậm, ông uống vào và nhận xét: – Trà đắng quá. Nếu lúc ấy tôi hỏi lại: – Đắng là gì? Thì ông có trả lời được không?

Bạn mình ngồi im suy nghĩ ít lâu, có vẻ lúng túng thấy rõ. Để phá tan cái không khí căng thẳng để quay lại bữa trà đang ngon, mình nói tiếp:

– Ông thấy chưa, đắng là một trạng thái cảm giác rất quen, cả tôi và ông đều trải qua thường xuyên, quen thuộc đến nỗi nếu chỉ cần pha trà hơi quá tay, là nhận ra đắng ngay, thế nhưng, nếu phải dùng ngôn từ để diễn đạt “đắng là gì” thì thật không dễ chút nào. Trong khi đó, thiền là loại trạng thái xa lạ đặc thù hiếm hoi hơn đắng rất nhiều, mà ông kêu tôi nói cho nghe, nên tôi thú nhận nói không được là vậy chứ không phải tôi hẹp hòi gì đâu.

Kể câu chuyện có thật trên đây để nói thêm mấy ý về chuyện thiền. Có hai trường hợp khi tìm hiểu thiền thì bắt gặp hình ảnh trăng. Tìm đọc rộng ra hơn, sẽ thấy hình tượng trăng như một thí dụ mà các hành giả thiền thường mượn để chuyển tải ý tưởng cần diễn đạt. Có lẽ cũng bởi “thiền khó nói” như thực tế trên kia vậy.

Bài thơ này có nghĩa là: “Nếu xét trên phương diện có, thì từ mảy bụi li ti cũng là có; còn trên phương diện không, thì tất cả mọi thứ đều không; có và không như trăng trong nước vậy; đừng vướng ở chỗ có, cũng như đừng cho rằng không là không có gì cả”.

Bài thơ này có nhiều cách tiếp cận, kiến giải và vận dụng. Chỉ xét ở ý câu thứ ba: Hữu không như thủy nguyệt, thì đây là một ý thật độc đáo. Do lẽ Thiền sư Từ Đạo Hạnh đang lấy thí dụ để nói về hai khái niệm có và không trong thiền học. Thí dụ ấy là hình ảnh quen thuộc: vầng trăng hiện ra trong nước.

1. Hữu không như thủy nguyệt

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072- 1116) đời Lý từng có bài thơ được nhiều người truyền tụng:

Hữu không Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không. Hữu không như thủy nguyệt, Vật trước hữu không không.

有空 作有塵沙有, 為空一切空。 有空如水月, 勿著有空空。

(Thơ thiền Lý Trần, Tập 1, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1977)

Cũng có người hiểu cái thí dụ “trăng trong nước” này là đề cập đến thuyết nhân duyên. Bởi sự sự vật vật tồn tại đều do nhân duyên, tương tự như nguyên lý của logic học: “Mọi vật đều có lý do để tồn tại”. Và chính sự tồn tại mới đụng đến khái niệm có – không. Như thế nào là có? Như thế nào là không? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản vậy mà không dễ lý giải.

Chính vì vậy, khi đọc câu thơ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, mọi thứ bỗng rõ ra trong phút chốc. Trong một mối nhân duyên khiến cho vầng trăng hiện ra trong lòng nước, cái mặt trăng trong nước ấy là có hay là không? Bảo có cũng đúng, vì rõ ràng mọi mắt nhìn đều thấy trăng đang hiện diện trong nước, nhưng bảo không cũng không sai, vì trăng trong nước không phải là trăng thật mà chỉ là bóng của trăng. Bóng là một dạng thể hiện của trăng, trăng tồn tại bằng bóng trong nước cũng là một trường hợp tồn tại của trăng, một trường hợp cụ thể là có, nhưng từ trường hợp đó nếu cho rằng “trăng trong nước chính là trăng thật” thì lại không đúng.

Điều quan trọng của hành giả là quán sát nhân duyên, từ đó nhận ra tính không trong sự sự vật vật để đừng lầm tưởng các pháp do nhân duyên sanh là thật tướng. Cho rằng trăng trong nước là có thật, chính là một ví dụ nhầm lẫn nhân duyên thành thật tướng. Nhưng nếu bảo rằng trăng trong nước là không có thật, thì còn chưa thấy “cái không có cũng đang có đấy”.

Và từ chỗ nhận rõ nhân duyên để đừng lầm với thật tướng, thiền giả mới có thể tiến đến chỗ tự tại bình thường.

2. Trăng soi sóng nước, bóng trúc qua thềm

Trong một lần dự lớp thiền động, vị thầy dẫn lời cổ đức trong khi hướng dẫn học viên, là một câu rất hay: “Như mặt trăng soi bóng trúc in trên thềm nhà, gió thổi bóng trúc quét qua, quét mà không làm gợn lên mảy bụi…”.

Trăng ở đây là một thành tố trong chỉnh thể gồm trúc, trăng, và gió. Và chỉnh thể này cũng là một nguyên tắc của thiền động. Ở đây, thiền động có thể hiểu là: người tu có thể thực hành thiền trong cả bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi. Có nghĩa là không chỉ với tư thế ngồi tịnh, thiền còn là sợi dây, là dòng năng lượng lưu chuyển trong khi hành giả đi đứng nằm ngồi – tức là vận hành trong pháp giới. Thiền, xét ở phương diện là một phương pháp có thể hiện diện thường trực để gắn kết người tu như một thành phần tự nhiên bất khả phân ly với pháp giới, thì đó là thiền động.

Thế thì cái việc đi đứng nằm ngồi của thiền giả có gì khác với đi đứng nằm ngồi của người không tu thiền?

Trả lời câu hỏi này sẽ đụng đến vai trò của mặt trăng trong chỉnh thể ba thành phần vừa đề cập.

Và đó lại là một ví dụ thật quan trọng: Thân người như cành trúc, các chuyển động đi đứng nằm ngồi chính là động tác khi gặp gió. Gió có thể hiểu là tác nhân gây nên sự chuyển động của sự vật, có thể là duyên/ nghiệp lực, hoặc là nguyện lực, thần lực vân vân… Còn mặt trăng chính là trạng thái tỉnh thức của hành giả. Mặt trăng không can thiệp vào trúc và sự chuyển động của trúc khi gặp gió. Mặt trăng thậm chí còn chính là tác nhân tạo ra một nhân duyên: bóng trúc quét lên thềm nhà. Cũng như vầng trăng in trong nước, bóng trúc quét thềm nhà là một duyên hợp thành giữa trúc, ánh trăng và thềm nhà. Cho nên, nếu nhìn bằng mắt thường sẽ thấy bóng trúc “quét mà không gợn lên mảy bụi”, nhưng từ trạng thái tỉnh thức, sẽ biết rõ cái chuyển động được gọi là “quét” thực ra chỉ là bóng của trúc hiện lên trên thềm nhà, đấy là kết quả từ gió thật thổi ngọn trúc thật.

Cho nên, hành giả thiền động đặt mình giữa dòng chảy của pháp giới, không chỉ đã quán sát rõ các nhân duyên khiến cho mình phải chuyển động đi đứng nằm ngồi, mà yếu lĩnh là phải kết nối được với năng lượng thiêng liêng làm duyên khởi cho các hành động. Khi đó tứ oai nghi không phải là sự chuyển động do gió nghiệp/ gió duyên sinh ra, mà cốt tủy của tứ oai nghi, hay nói cách khác, sở dĩ đi đứng nằm ngồi được xem là oai nghi, bởi vì bốn trạng thái hoạt động này khởi phát từ năng lượng thiêng liêng của pháp giới (còn đi đứng nằm ngồi từ các duyên khởi khác, thì đó là chuyển động của phàm phu chứ không phải oai nghi). Khi đó, hành giả trụ ở trạng thái tỉnh thức, quán sát thấy hành động của mình, như nhận rõ sở dĩ có bóng trúc quét trên thềm nhà là vì có gió thổi cây trúc thật, chứ không nhận lầm bóng trúc là thật và rơi vào chỗ hoang tưởng cho rằng cái việc “trúc quét thềm nhà không gợn mảy bụi” là thần thông kỳ bí.

Bằng việc nhận rõ và không nhầm lẫn ấy, trong bốn dạng thức hoạt động đi đứng nằm ngồi, hành giả đều tự tại bình thường, như một phần tự nhiên của pháp giới. Đó chính là chỉnh thể: dưới trăng cây trúc chuyển động tự nhiên trước gió.

Tất nhiên, mặt trăng vẫn thường có đấy, trúc vẫn thường có đấy, gió từ nghiệp duyên hay từ năng lượng thiêng liêng vẫn thường có đấy, cho nên chư Tổ mới nhân đấy lấy làm thí dụ để người tu dễ hiểu. Nhưng từ hiểu đến chỗ cảm nhận được, là một hành trình bằng thực tế. Như hiểu trà đắng khi chưa uống khác với uống trà đắng. Muốn vậy, phải có hành trình pha trà và uống.

Và đó là thực hành, chẳng phải người tu vẫn được gọi là hành giả tức là “người thực hành” đó sao?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *