Vào dịp Tết Trung thu, dân gian thường tổ chức những hoạt động văn hóa như ngắm trăng rằm, phá cỗ, ăn bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả, rước đèn ông sao, xem đánh trống múa lân. Trong xã hội hiện đại, Trung thu đã trở thành ngày vui chung của tất cả mọi người, từ già đến trẻ. Nhưng khi đi từ Bắc vô Nam, chúng ta lại thấy mỗi nhà có cách đón Trung thu riêng biệt.
Trang nhã như đêm rằm miền Bắc Miền Bắc có đầy đủ bốn mùa xuân-hạ-thu-đông, thời tiết phân chia rõ rệt. Từ hạ sang thu, đất trời mang một vẻ thơ mộng, lãng mạn khiến tâm hồn trong trẻo, dịu êm. Lòng người lại nao nao nhớ về hương cốm mới, hương ổi phả vào gió heo may, trái hồng, trái bưởi ngọt lành vào những ngày lập thu.
Mùa thu đối với người Hà Nội sẽ thật thiếu sót nếu không rủ nhau lên phố Hàng Mã dạo chơi, ngắm những món đồ trang trí đủ màu sắc bắt mắt được bày bán. Mọi người ra phố cẩn thận chọn lựa những hộp bánh trang trọng làm quà biếu cho bậc trưởng lão trong dòng họ, những đối tác quan
trọng và bạn bè thân hữu. Món quà cuối cùng sẽ được chọn vào khoảng 10 ngày trước Trung thu, đặt lên bàn thờ tổ tiên trong gia đình. Đây cũng là hộp bánh “phá cỗ đêm rằm”, để cả gia đình cùng quây quần thưởng thức và nhấp tách trà thơm.
Đêm Trung thu là bữa tiệc linh đình, rộn ràng nhất. Bên tách trà xanh, mâm quà Trung thu được bày biện tươm tất, tất cả mọi người trong gia đình sum vầy bên nhau, cùng thưởng trăng và thưởng thức tặng phẩm ngọt lành. Những đứa trẻ nối đuôi nhau trong trò rồng rắn, đuổi nhau chạy xẹt qua sân nhà, nhón tay với cái mâm cỗ “trông trăng”. Người lớn ngồi lại cùng nhau, trải chiếu tâm tình, gọt hồng, gọt bưởi.
Náo nhiệt đêm rằm của người miền Trung
Nằm ở giữa đất nước, Trung thu của người miền Trung pha trộn không khí của hai đầu Nam – Bắc, có nét rộn ràng, náo nhiệt nhưng không kém phần lộng lẫy. Những ngày này, khác với mâm cỗ trung thu miền Bắc, người miền Trung thường cúng tùy duyên, chủ yếu là lòng thành tâm dâng kính tổ tiên. Tuy nhiên, không phải vì thế mà rằm tháng 8 ở đây trở nên sơ sài, ngược lại nó trở thành dịp diễn ra nhiều trò vui chơi, diễn xướng độc đáo.
Ở miền Trung, ngày Trung thu thiên về phần “hội” hơn là phần “lễ”. Đêm Trung thu không thể thiếu những chiếc đèn lồng. Phố cổ Hội An như sáng bừng lên với ánh đèn lồng rực rỡ. Huế cổ kính và trầm mặc cũng trở nên tưng bừng với những mâm cỗ đón trăng.
Miền Trung, vùng đất có nền ẩm thực khá đặc trưng, không chỉ có món bánh đặc trưng được bày biện trên mâm phá cỗ Trung thu mà còn rất nhiều món ngon khác như bánh dẻo bảy màu, bánh nướng muôn hình vạn trạng được nhào nặn từ chính bàn tay của bà, của mẹ.
Trung thu giản dị của người phương Nam
Chơi Trung thu ở Sài Gòn mà không ghé quận , dạo phố lồng đèn thì rất thiếu sót. Hơn 100 năm qua, con đường Lương Nhữ Học cứ đông đúc, cứ lấp lánh ánh đèn lồng mỗi độ Trung thu. Những gian hàng người Hoa (sau này có cả người Việt) bày bán la liệt những chiếc đèn lồng từ truyền thống đến hiện đại. Mỗi dịp tháng 8 âm lịch, quanh quẩn trên những con phố dài ngắm giấy kiếng đủ màu xanh đỏ, nhiều người sẽ không khỏi chạnh lòng nhớ lại tuổi thơ khi nhìn thấy những em bé nũng nịu đòi mua bằng được một chiếc đèn ông sao.
Mâm cúng Trung thu của người miền Nam cũng khác. Cây trái thì quanh năm đó, nhưng Sài Gòn không có mấy thứ quả là dành tặng riêng cho mùa thu. Các cô, các dì thường ra chợ, tiện gì mua nấy, có năm mỗi một quả bưởi, nhưng sẽ không thể thiếu hộp bánh in hoặc bánh pía đặt cạnh. Mâm cúng bày biện giản dị, mùa nào quả nấy, vừa rẻ vừa tiện.
Dù có những sắc thái riêng biệt giữa các vùng miền nhưng Tết Trung thu từ lâu đã trở thành một trong những dịp ý nghĩa trong năm của người Việt. Với những đặc trưng về khí hậu, địa lý, sản vật theo mùa mà mâm cỗ trung thu ba miền có sự khác biệt, nhưng tất cả đều phản ánh một ước muốn chính đáng, đó là kỳ vọng về lẽ bình an, sự may mắn, sung túc của người Việt.
Muchas gracias. ?Como puedo iniciar sesion?