Ngày đó tôi là một học sinh tiểu học sống cùng gia đình tại một ngôi làng nhỏ thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đất nước còn chiến tranh, nhưng khói lửa chưa lan tới vùng quê này, nên cuộc sống nơi đây hồi đó còn yên bình. Nhà tôi ở gần một ngôi chùa cổ. Mẹ tôi là một Phật tử thuần thành, vì thế hình ảnh một ngôi chùa cổ làng quê xứ Bắc đã đi vào tâm hồn tôi từ thuở thiếu thời. Thân quen bao cổng tam quan trầm mặc, mái ngói rêu phong bên gác chuông cổ kính. Ngôi chùa núp dưới tán lá xanh um của những cây cổ thụ. Lòng tôi luôn cảm thấy thanh thản trong bầu không gian u tịch và sâu lắng đó.
Năm đó, Sư thầy Trụ trì chùa cùng với thầy giáo tôi tổ chức đón Trung thu cho bọn trẻ. Vào tiết này, khí trời đất Bắc rất tuyệt. Cái oi nồng của nắng hạ và cái tiêu điều của bão tố dường như đã qua đi. Mưa thu rả rích chưa tới. Bầu trời xanh vời vợi với mây bông trắng nõn và nắng vàng nhẹ như tơ. Vào buổi đêm thì còn phải nói, vầng trăng sáng vằng vặc giữa bầu trời bao la… Giữa không gian đó bọn trẻ chúng tôi vui mừng đón Tết trăng tròn.
Tết Trung thu ngày đó của chúng tôi đơn giản lắm, nhưng cũng đủ: chiếc đầu sư tử (đầu lân) nhỏ bé và cái trống cơm, vài ba chiếc đèn ông sao và đèn xếp quây quanh đèn kéo quân do sư thầy tự làm, một đàn tò he bằng bột màu nhờ bàn tay khéo léo của các vãi trong chùa tự nặn, đủ cả: con gà, con mèo, con chim… rồi hoa trái bốn mùa. Tuy nhiên, lũ trẻ chúng tôi vẫn háo hức đối với mâm cỗ đón trăng. Kẹo bánh thì ít thôi, cũng chỉ là thứ quà quê rẻ tiền mua ở chợ huyện, nhưng trái cây thì nhiều lắm, trẩy xuống từ vườn chùa và những mảnh vườn nhỏ quanh chùa. Những trái thị vàng ươm thơm ngát, những quả na mở mắt tròn xoe, những chùm ổi găng ngọt lịm, rồi bưởi, rồi mía, rồi hồng… Nhìn hoa cả mắt và thèm nhỏ dãi…
Dưới bầu trời trăng thanh gió mát. trong sân chùa thơm ngát hương hoa, bầy trẻ chúng tôi vui đùa thỏa thích: múa sư tử, gõ trống, rước đèn, chơi trò“ bịt mắt bắt dê”hay“ thả đỉa ba ba“ , rồi cả kéo co nhảy dây… Chơi chán rồi chúng tôi cùng nhau ca hát, thầy giáo tôi là quản ca.
… “Ánh trăng trắng ngà, có cây đa cao, có chú Cuội già ôm một mối mơ. Cuội ơi ! Ta nói Cuội nghe, ở trên trăng mãi làm chi…”.
Trăng lên cao dần, càng cao càng sáng. Gió thổi phe phất mát dịu. Vui chơi ca hát đủ rồi, chúng tôi xúm lại phá cỗ trông trăng. Chao ơi ! Ngon quá ! Với những cái miệng thơ bé ấy cái gì cũng ngon, cái gì cũng ngọt ngào, cũng thơm tho trong vòng tay thầy cô, dưới ánh đạo vàng Phật pháp…
Mãi cho tới lúc cỗ trông trăng kết thúc, bọn trẻ tíu tít chào hỏi và chia tay ra về, trả lại cho sân chùa một khoảng lặng bình yên dưới vòm trời khuya trăng tỏ. Tôi là đứa lớn nhất trong bọn trẻ – hồi đó tôi 13 tuổi học lớp 5 – nhà lại gần chùa nên ở lại giúp sư thầy dọn dẹp. Công việc xong, hai thầy trò ngồi dưới mái tam quan ngắm trăng. Không gian tĩnh lặng, trăng càng sáng, gió càng mát, thoang thoảng mùi hương thơm từ gian thờ Phật nhẹ đưa… Dù còn nhỏ nhưng sao lúc đó tôi thấy lòng mình tràn ngập một cảm xúc thanh tịnh, an nhiên… Tôi lẩm nhẩm… ” Nam mô A Di Đà Phật…!“.
Vừa lúc đó, sư thầy cất tiếng ngâm khẽ:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Sư thầy có giải thích cho tôi về ý nghĩa bài Đường thi. Thực tế là khi đó tôi không hiểu lắm nhưng chỉ thấy hay hay trong một cảm xúc mơ hồ lãng đãng dưới bóng trăng bát ngát. Lớn lên, tôi mới biết đó là bài tứ tuyệt “Phong Kiều dạ bạc“ nổi tiếng của nhà thơ Trương Kế, được tác giả Nguyễn Hàm Ninh dịch sang tiếng Việt:
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
Rồi những mùa Trung thu trôi qua, vật đổi sao dời… Những cái Tết trăng tròn thời hiện đại khác xưa nhiều lắm. Và dẫu rằng tóc đã ngả màu sương, tôi vẫn nhớ về thời thơ ấu giữa một đêm trăng tỏ dưới bóng già lam.
It is difficult to think about quality of life and sometimes letting go is the most loving and unselfish option cialis super active levomilnacipran, aspirin rectal
priligy in usa Determined by an assortment of styles, in the customary darker sq