Ngày 23/9/2020, trang điện tử Tuổi trẻ Cười phụ san của báo Tuổi trẻ đăng tiểu phẩm “Ứng dụng lễ chùa nạp tiền được phù hộ cả tháng” khiến cho nhiều Tăng Ni, Phật tử phản ứng về việc sử dụng hình ảnh Đức Phật không phù hợp. Vụ việc đã được giải quyết vào ngày 29/9/2020, khi Tổng biên tập báo Tuổi trẻ trực tiếp gửi thư và gặp gỡ, thông qua Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi lời xin lỗi tới các cấp Giáo hội Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử và những người yêu mến đạo Phật. Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có công văn thông báo nội dung trên tới các cấp Giáo hội ở các địa phương. Vụ việc đã được giải quyết với sự thành khẩn của lãnh đạo báo Tuổi trẻ và sự hài hòa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Tăng Ni, Phật tử và những người yêu mến đạo Phật. Vụ việc nên dừng lại ở đó, bởi như thế đã là bài học không chỉ cho báo Tuổi trẻ mà còn cho các tòa báo khác khi viết và phản ánh về tôn giáo, đòi hỏi sự thấu hiểu và tôn trọng đức tin. Đối với Phật giáo, đây cũng là vấn đề cần phải nghiêm khắc, nhất là trong khâu quản lý hoạt động của Giáo hội nhằm thực hiện nghiêm giới luật và Nội quy Tăng sự cũng như các quy định khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Khi vụ việc trên đã được giải quyết, một số trang cá nhân hoặc do chưa hiểu hoặc muốn phản biện với thiện chí xây dựng Phật giáo đã tiếp tục đưa ra những hình ảnh phản cảm trong sinh hoạt Phật giáo ở một số nơi (có những hoạt động đã khá lâu). Các thông tin đó để lại nhiều ý kiến phản hồi trái chiều, người thiếu thiện cảm cho rằng Phật giáo ngày nay đã “biến chất”, người hiểu và có thiện cảm cho rằng đó chỉ là cá biệt, bản chất Phật giáo là tốt đẹp. Thiết nghĩ có người đưa ra hình ảnh phản cảm trong sinh hoạt Phật giáo để phê phán hay góp ý xây dựng (nếu đúng là hình ảnh thật dù cũ hay mới) thì đây cũng là thông tin hữu ích có giá trị cảnh tỉnh, giúp cho tổ chức Giáo hội, cơ quan quản lý hoạt động Tôn giáo các cấp có căn cứ để điều chỉnh hoạt động Tôn giáo đúng chánh pháp và pháp luật, nhằm thực hiện tốt hơn quản lý hoạt động Tôn giáo, không để xảy ra việc lạm dụng/lợi dụng Phật giáo.
Với người chưa hiểu hoặc chưa có thiện chí với Phật giáo, người hiểu đạo Phật đừng phê phán, chỉ trích họ mà nên giúp họ hiểu rằng hình ảnh nhà sư hoặc Phật tử thực hiện những hoạt động phản cảm đó chỉ là hoạt động cá nhân lợi dụng Phật giáo chứ không phải là tôn chỉ của đạo Phật, không phải do quy định hay chỉ đạo của tổ chức Giáo hội. Trong thực tế, từ xa xưa tới nay, hình ảnh phản cảm đó không chỉ có trong Phật giáo mà ở lĩnh vực nào cũng tồn tại. Và theo luật nhân quả trong đạo Phật, những gì không đúng, không tốt cho cuộc sống sớm muộn cũng bị xã hội xóa bỏ.
Như lời Cư sĩ Thiều Chửu tên thật là Nguyễn Hữu Kha (1902-1954), là nhà văn hoá, dịch giả, nhà hoạt động tiêu biểu trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX đã nói: “Tôi chưa bao giờ dám chê trách hay có một lời nói xấu về đạo Phật. Bởi đạo Phật không có điểm khiếm khuyết hay sai lầm nào để phải nói. Song với những người tu hành theo đạo Phật hoặc những người nhận mình đi theo con đường của Phật thì còn thiếu sót, sai lầm cần phải chỉnh sửa. Tôi chưa hiểu đạo Phật nhiều, nhưng những gì trái với lời đức Phật dạy quyết không làm. Nguyện làm cây chổi để quét đi sai lầm của những người chưa chuẩn trên con đường tu học đạo Phật để giữ cho đạo Phật mãi mãi sáng đẹp”.
Chú thích
* Tiến sĩ Bùi Hữu Dược – Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ.