ÔNG ĐẶNG TRỌNG NGÔN
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn KTG (Khải Hoàn Group)
Tôi rất tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam và biết ơn các thế hệ đi trước đã dựng xây và gìn giữ lịch sử cũng như mạch nguồn văn hóa dân tộc. Truyền thống này dẫn dắt gia đình tôi đến với các giá trị tâm linh và đặc biệt là Phật giáo.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng lập công ty kinh doanh là để kiếm lợi nhuận hoặc phải nổi tiếng và đôi khi mục tiêu này khiến cho không ít doanh nghiệp lạc đường, thậm chí họ dùng nhiều phương thức để có lợi nhuận bằng mọi giá. Các hành vi ứng xử nội bộ doanh nghiệp cũng không phản ánh sự gắn kết, để chăm lo cho người lao động.
Theo tôi, đã áp dụng triết lý Phật giáo vào doanh nghiệp thì đầu tiên phải tạo được một không khí làm việc có niềm vui, có hạnh phúc, có văn hóa ứng xử và đậm tính nhân văn. Chúng ta phải khuyến khích sự phát triển tri thức, học hỏi và cải tiến liên tục trong doanh nghiệp. Điều này dựa trên nền tảng từ bi, trí tuệ của đạo Phật.
Các hoạt động kinh doanh cần có tính phụng sự, cống hiến cao với khát vọng kiến tạo ra những sản phẩm có giá trị, giúp nâng tầm cuộc sống, đem đến lợi lạc cho đại chúng.
Thấu hiểu được sự biến chuyển liên tục của triết lý “Vô thường” nên đã làm kinh doanh thì phải chấp nhận sự thăng trầm, có lúc thịnh, có lúc suy. Đối mặt với khó khăn, chúng ta cần giữ tâm thế bình thản chấp nhận để vượt qua. Trong chiến lược kinh doanh, cần có sự cẩn trọng, an toàn cần thiết, biết nói “không” với các dự án đầu tư quá mạo hiểm hoặc đi ra khỏi vùng hiểu biết của doanh nghiệp. Giảm bớt tham vọng thì cũng giảm bớt rủi ro và như vậy mới giữ được sự an nhiên cần thiết trong cuộc sống.
Tôi thấy triết lý của đạo Phật rất gần gũi và liên hệ mật thiết với đời sống hằng ngày, giáo lý của đức Phật không phải sự huyền bí, mà đó là trí tuệ, là phương pháp thực hành thiết thực, giúp cho giới doanh nhân nói riêng và đại chúng nói chung tìm về nẻo minh triết, an trú trong sự an lạc, tự do chân thật của cuộc sống nhiệm mầu.
ÔNG NGUYỄN VĂN TRƯỜNG
Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư, nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời và là một trong những cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Sống trong gia đình có truyền thống kính tin Tam Bảo, từ nhỏ, tôi đã thường xuyên theo bố mẹ đi lễ Phật, hướng tâm Phật pháp. Tôi hằng thao thức nếu có đủ duyên lành sẽ phát tâm trùng tu và mở rộng một số danh lam cổ tự ở đất Cố đô để giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về các danh lam cổ tự và cảnh đẹp hùng vĩ của quê hương Ninh Bình.
Nhân duyên thù thắng, được chính quyền cho phép và sự đồng thuận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ năm 1995, tôi đã bắt tay trùng tu, mở rộng các chùa: Bái Đính, Báo Hiếu, động Am Tiên, chùa Vàng, chùa Bạc… (Ninh Bình) và Tam Chúc (Hà Nam). Đây đều là những dấu tích lịch sử gắn liền với cuộc đời tu hành, sự nghiệp hoằng pháp và cứu nhân độ thế của quốc sư Nguyễn Minh Không – vị thiền sư lỗi lạc, danh y nhà Lý.
Ngài đã đi dọc các triền núi từ Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình) đến Yên Thủy, Lạc Thủy (Hòa Bình) và Thanh Liêm, Kim Bảng (Hà Nam)… để tìm cây thuốc cứu người, dựng chùa tu tập và hoằng pháp lợi sinh. Do vậy, việc trùng tu, xây dựng mở rộng hai ngôi chùa lớn như Bái Đính và Tam Chúc nhằm khôi phục và kết nối lại tuyến đường tâm linh mà xưa kia Quốc sư Nguyễn Minh Không đã tạo dựng nền móng.
Cổ nhân có câu: “Xây chùa, tô tượng, đúc chuông. Ba công đức ấy thập phương nên làm”.
Vì vậy, được phát tâm trùng tu và xây dựng các công trình Phật giáo là phúc duyên thù thắng đối với gia đình tôi và các cộng sự thuộc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường. Tôi luôn tâm nguyện, mong sao các công trình Phật giáo này có thể đảm nhiệm những sứ mệnh quan trọng như: Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông dày công vun đắp; đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, tín đồ Phật tử gần xa.
Đồng thời, làm nơi giáo dục và hướng thiện cộng đồng. Trong những năm qua, chùa đã tổ chức nhiều khóa tu học Phật pháp cho nhân dân, đặc biệt là thanh – thiếu niên đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nơi đây còn làm nhiệm vụ đối ngoại tôn giáo. Năm 2014 và 2019, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã lần lượt diễn ra tại chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc.
Các công trình của chúng tôi còn mang thông điệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, nhiều ngôi chùa, miếu đã được dựng lên trên các đảo nổi để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trên đảo và ngư dân lánh bão.
Được chính quyền cho phép và sự đồng thuận của Giáo hội, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã phát tâm đầu tư khôi phục và tu bổ lại chính ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Đây không chỉ là chính cột mốc tâm linh vững chãi, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn để kết nối tuyến du lịch tâm linh giữa đất liền (Bái Đính và Tam Chúc) với biển đảo, giới thiệu cho nhân dân và bạn bè quốc tế biết đến các thắng cảnh du lịch tâm linh của Việt Nam.