HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ THÔNG – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Cúng dường (pūjā) được hiểu là cung dưỡng, nuôi dưỡng. Từ thời Đức Phật, có bốn loại cúng dường (cúng dường tứ sự) là: thuốc men, y phục, ẩm thực và chỗ ở. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và biến thiên lịch sử văn hóa, cúng dường Phật tử đã phần nào thay đổi, bằng nhiều điều kiện như tài tiền, đất đai và một số tài sản khác. Nhưng dù truyền thống hay hiện đại, tất cả phải xuất phát từ sự thanh tịnh. Người cúng dường vì lợi ích Phật pháp, xã hội. Còn người thọ nhận là chư tăng phải có tâm thanh tịnh, để phục vụ trên cơ sở lý tưởng và xiển dương Phật pháp. Theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Nội quy Ban Tăng sự, tài sản được xác lập rõ ràng. Khi có người cúng dường, tài sản đó chỉ để phục vụ cho Giáo hội và cộng đồng. Chư tăng được thọ hưởng sự cúng dường nhằm phụng sự cho mạng mạch Phật pháp trường tồn. Tài sản cúng dường là phục vụ cho Tam bảo.
Trong thời gian gần đây, có một số Phật tử suy nghĩ, thắc mắc về vấn đề cúng dường những vật dụng ngoài tứ sự truyền thống có phù hợp không. Chúng tôi đã nói, nuôi dưỡng, cung phụng tùy theo hoàn cảnh thực tế, nhằm mục đích thanh tịnh. Cuối cùng tài sản cúng dường này phục vụ cho Tam bảo.
HÒA THƯỢNG DANH LUNG – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Phật giáo có truyền thống nhập thế, do đó việc phụng sự đạo pháp, cũng như việc phụng sự xã hội, nên được nhìn nhận không thể nào tách rời. Phật giáo không tách rời xã hội cũng không tách rời dân tộc. Việc chư Tăng tu tập còn có mục đích đem lại lợi lạc cho chúng sinh, cho quần chúng nhân dân.
Phật giáo luôn tạo điều kiện cho mọi người có thể tạo công đức, ủng hộ Phật pháp, duy trì mạng mạch Phật pháp trường tồn. Người có ít thì phát tâm tùy ý. Người có khả năng nhiều thì tùy tâm, cúng dường nhiều. Trong xã hội không ai bị bỏ rơi, ai cũng được đón nhận những lời dạy, phước đức từ Phật giáo.
Phật giáo vốn không phân biệt màu da, sắc tộc hay sự giàu nghèo. Đại chúng tùy tâm cúng dường, phụng sự. Chư Tăng, Ni luôn hoan hỷ đón nhận, tán dương công đức, tạo điều kiện tốt nhất để họ đến với Phật pháp, dù chỉ đến chùa chắp tay, đảnh lễ.
ĐẠI ĐỨC TIẾN SĨ THÍCH TRÍ HUỆ – Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Nhiệm vụ chính của tu sĩ là nối truyền mạng mạch giáo pháp đức Phật để lại trong kho tàng Pháp Bảo. Trọng trách bảo toàn giáo pháp ở thế gian của tu sĩ rất nặng nề.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tập thể chư Tôn đức Tăng Ni, đại chúng Tỳ kheo. Nếu không có sự dấn thân phục vụ của mỗi chư Tôn đức, làm sao có thể tồn tại và phát triển đến hôm nay. Qua bao thăng trầm lịch sử, chư tôn đức thạch trụ thiền môn đã đoàn kết lèo lái con thuyền Phật pháp vượt bao sóng gió.
Bất kỳ giai đoạn nào cũng đều có sự dấn thân phụng sự của tu sĩ. Ngày nay, Giáo hội lại rất cần sự phục vụ, cống hiến sức lực và trí tuệ ấy. Ngoài phụng sự Giáo hội, việc tu sĩ dấn thân độ chúng sanh cần được phát huy tối đa.
Với phương châm “phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”, hình bóng Tăng Ni xuất hiện mọi nơi, từ trên pháp toà cho đến chốn từ thiện, nơi nào chúng sanh cần thì luôn có những vị Bồ Tát với chiếc áo nâu sồng tiên phong mọi lĩnh vực. Tuy phụng sự Giáo hội và phục vụ chúng sanh là hai nhiệm vụ khác nhau nhưng không thể tách rời.
THƯỢNG TỌA TIẾN SĨ THÍCH MINH QUANG – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Cổ đức có câu: “Phật pháp trường tồn do Tăng Ni hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh bởi Đàn việt phát tâm”.
Bổn phận của người xuất gia là tu tập và hoằng pháp lợi sinh, nhưng muốn làm tốt việc hoằng pháp lợi sinh thì phải nhờ vào sự hộ trì đắc lực của các tín đồ Phật tử. Có thể nói, “hoằng pháp” và “hộ pháp” là hai mặt của cùng một vấn đề. Ví như: Chúng ta muốn tổ chức khóa tu mùa hè hoặc một sự kiện nào đó, nếu không có sự yểm trợ về vật chất, tinh thần của các tín đồ Phật tử thì khó có thể thực hiện được.
Số lượng tín đồ Phật giáo nước ta hiện nay tương đối lớn. Mối quan hệ giữa Tăng đoàn và tín đồ cũng vô cùng tốt đẹp. Chúng ta cần tiếp tục đề cao vai trò của “người hộ pháp”, để tiến hành hoạt động Phật sự thuận lợi, ích đạo, lợi đời. Tuy nhiên, chúng ta phải định hướng cụ thể và cho họ biết tầm quan trọng của việc hộ trì chính pháp, hộ trì Tam bảo như kinh Bồ Tát Xử Thai chép: “Đừng coi thường những việc lành nhỏ, cho là không có phúc. Một giọt nước tuy ít mà tích dồn sẽ đầy lu. Phúc đức đến khi đầy đủ là do chứa dồn từng mảy mún mà thành”.