“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…” (Nguyên An)

 

Hôm qua, nói chuyện với thằng em làm thầu xây dựng. Em nói, trả tiền công thợ vào chiều thứ ba, hàng tuần. Hỏi: Sao lại trả vào thứ ba, mà không là thứ bảy, để chủ nhật, thợ còn chở vợ đi mua sắm?

Hắn nói tỉnh queo: Chở vợ đi mua sắm là phước. Chiều thứ bảy có tiền rủng rẻng trong lưng, xúm nhau nhậu. Có khi chẳng đem về cho vợ đồng nào. Phát lương thứ ba, ngày mai thứ tư còn làm để họ hạn chế nhậu, tiền đem về nhà thôi!

Chuyện trả lương này em ấy đã thực hiện vài năm nay. Hóa ra, thằng em cũng chẳng cho thêm công nhân đồng tiền nào, nhưng nội cách trả lương cũng có lòng tốt, là làm việc thiện rồi!

* * *

Đi bệnh viện ở vùng ven, gặp một đứa bé khoảng 10 tuổi, ngồi như cúi rạp xuống thềm bên cạnh người bà khoảng trên 75 tuổi, dáng người khắc khổ. Bà cho biết: Cháu sốt, sáng giờ đi xét nghiệm, giờ đi nhập viện. May mà lúc nãy gặp chú y tá tốt bụng ưu tiên cho nên giờ mới xong, không có chú đó, có mà mòn mỏi ở phòng khám.

Không hiểu tại sao, bộ phận tiếp nhận bệnh nếu thấy bệnh nhân yếu quá có thể quyết định cho nhập viện cấp cứu luôn, để thằng bé đuối sức vì chờ, quả là quá tội. Cứ nghĩ vẩn vơ: Cha mẹ bé đâu, để bà già yếu dẫn đi chữa bệnh?

Nghèo khổ, bệnh tật không phải là chuyện lạ, nhưng cứ lần nào đi bệnh viện cũng thấy cảnh đau lòng. Đứng nhìn bà chậm chạp dẫn đứa cháu lê lết lên khoa, cứ mong, bà sẽ gặp nhiều nhân viên bệnh viện tốt bụng như chú y tá lúc nãy để xoa nhẹ đi nỗi đau của những người nghèo khó, khốn cùng.

* * *

Chợt nhớ đến một tiệm sửa xe ở cạnh đường quốc lộ, gần trường tiểu học, cách đây hơn 20 năm. Thợ là người phụ nữ ngoài 50, không chồng, dáng ụt ịt, nói chuyện cộc lốc nhưng bù lại bà ta sửa xe rẻ, chất lượng bảo đảm; học trò nghèo, sửa in ít bà chẳng lấy tiền. Đang sửa xe cho khách thỉnh tho ảng bà lại lao ra đường quốc lộ . Hóa ra, bà chạy ra dẫn cho đứa học trò nhỏ đang ở vệ đường không dám băng qua đường.

Mấy chục năm sửa xe không biết bà đã dẫn biết bao nhiêu đứa học trò băng qua đường, miễn phí cho bao chiếc xe đạp, chẳng biết mấy đứa nhỏ bây giờ lớn lên có nhớ đến bà sửa xe nhân hậu trên?

* * *

Nhớ nhà văn Sơn Nam, lúc chú ở Gò Vấp tiền bạc cũng không nhiều nhưng hào phóng lắm. Tiền có chút đỉnh trong túi nhưng thấy ai khó khăn là lấy ra cho. Cho đến sạch túi. Chú bảo: Tao có cái kho tiền là mấy cái nhà xuất bản, mấy tòa soạn báo, đến là tụi nó chi tiền ngay, lo chi!

Thiệt vậy, hỏi các cô văn thư tòa soạn báo đều bảo: Một là chú ấy đã có bài viết nhưng chưa đến kỳ nhuận bút, còn hai là cứ cho chú ấy tạm ứng, mai mốt chú viết bài trừ lại. Không mất vào đâu!

Sáng uống cà phê ở thư viện Gò Vấp, thấy mấy chú xe ôm vắng khách, là chú ngoắc họ vô uống cà phê. Có tiền thì trả, không thì cứ đứng dậy đi. Chú ngồi cả bữa có khi trả mười mấy ly cà phê. Có bạn, em cháu nào hảo tâm trả hết giúp chú, còn không thì khỏi bận tâm, ghi sổ với cô chủ quán, bữa nào có tiền trả.

Chú sống một mình ở nhà trọ, cơm hàng cháo chợ. Có bữa đi ăn với tui, ăn xong chú giơ tay ra vẻ ký sổ. Sao để chú ký sổ, tui trả tiền, bà chủ quán vui vẻ nói: Mối mà chú ơi! Ông già này ăn xong đứng dậy là được. Tui cũng chẳng ghi, ông cũng chẳng thèm nhớ. Lâu lâu, ông đưa tiền cũng được mà khỏi đưa tiền cũng không sao.

Bạn có thể thấy nỗi kính trọng, thân thương trong ánh mắt của cô bán cà phê, người chạy xe ôm, bà bán cơm, những người nghèo khó sống chung khu nhà trọ của chú Sơn Nam, đối với chú – một tấm lòng rộng rãi, giàu nhân nghĩa.

* * *

Trưa ở chợ đầu mối Thủ Đức, những hàng rau ở khu lộ thiên hối hả bán vét. Kẻ bưng, người gói, dọn hàng, xe ủi rác đã hoạt động, tiếng tu huýt téc, téc đã vang lên… Chị cố đứng bán mớ rau, củ còn ít ỏi, năn nỉ ỉ ôi anh bảo vệ đang hối chị dọn hàng: Cho bán mấy phút nữa kiếm vài chục ngàn nuôi con, nha chú!

Anh bảo vệ lằn nhằn vài câu rồi đi sang hối hàng khác. Người bán, kẻ mua giằng nhau từng giá một cho mớ hàng cuối của bữa chợ.

Chuyện hay không dừng lại ở đó. Một chiếc xe tải nhẹ 500kg chạy chậm giữa đường, trên thùng xe sơn hàng chữ “Xe phát cơm từ thiện”. Chị lấy ngay túi rau củ đã chuẩn bị sẵn, không nói, không rằng, chị vung tay ném vào thùng xe. Khoảng cách ném cũng khoảng 4m, gói rau củ khoảng 5kg, góc ném hẹp chỉ 20 độ, vậy mà chị ném gọn hơ… như cầu thủ bóng rổ ném bóng ngoài vòng ăn cú 3 điểm.

Nhớ lại lúc nãy, chị ỉ ôi với khách chỉ một, hai ngàn đồng, giờ gói rau làm từ thiện rẻ cũng vài chục ngàn mà chị cho cái một. Nhìn cú ném điệu nghệ của chị là biết chị làm từ thiện thường xuyên. Tự nhiên có cảm tình với chị bán hàng đen thui, nhỏ nhắn này. Tiếc là không kịp lấy điện thoại ra chụp… cú ném ngoạn mục ấy!

* * *

Ngày 12-8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp đón một vị khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh thiệt sớm. Đó là bà Kelly Michelle Koch, một người Mỹ nhưng đã sống 7 năm ở Việt Nam. Bà là bệnh nhân Covid-19 thứ 83 của Việt Nam. Sau khi được các bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Dã chiến Củ Chi tại TP.Hồ Chí Minh tận tình cứu chữa, bà thêm gắn bó với đất nước và con người Việt Nam. Nghe tin Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cần huyết tương từ bệnh nhân khỏi bệnh, để phục vụ việc chữa bệnh Covid-19 cho các bệnh nhân khác, bà lập tức từ TP.Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội để hiến tặng.

“Đây là cách tôi nói lời cảm ơn với quê hương thứ hai của mình”, bà chia sẻ khi được hỏi lý do hiến tặng huyết tương. Một việc làm tốt đáng quý của một người bạn nước ngoài.

Làm việc tốt lành không cần phải có tiền, chỉ cần biết quan tâm đến nỗi khổ của người khác và giúp họ theo cách của mình là tốt rồi.

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” là vậy!

 

 

One thought on ““Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…” (Nguyên An)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *