Chùa Thiên Chánh (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) vừa phối hợp thành công với chính quyền địa phương tổ chức ngày hội “Văn hóa đọc – Nét đẹp tri thức”, thu hút đông đảo Phật tử, người dân, học sinh, sinh viên tham gia.
Trong lần đầu tiên tổ chức, hàng trăm lượt Phật tử, nhân dân địa phương đã đến thưởng lãm ngày hội. Nổi bật trong sự kiện này là hình ảnh con đường đọc sách được nhà chùa xây dựng bằng những gian hàng men theo đường dẫn vào chùa. Với phương châm giúp người dân, tạo điều kiện cho Phật tử tiếp cận văn hóa tri thức văn minh đặc biệt là sách về Phật pháp. Từ đó, tích lũy thêm kiến thức, tăng cường khả năng tư duy và đem lại lợi lạc cho cuộc sống.
Chương trình đã mở ra cơ hội giao lưu giữa bạn đọc yêu mến sách với nhau, tạo điều kiện nâng cao thói quen đọc sách cho Phật tử, được xem là mô hình mới nhằm tuyên truyền đến khắp các tự viện trên toàn quốc. Ngày hội cũng tạo lòng tin đối với cộng đồng dân cư, chính quyền, đoàn thể địa phương, giúp mọi người có thể tiếp xúc và hiểu hơn về Phật pháp.
Từ xưa, sách được xem là phương tiện quan trọng để tiếp cận với tri thức, văn hóa. Càng có nhiều kiến thức, đại chúng càng có khả năng tư duy sâu sắc hơn về cuộc sống, trở thành người thành công hơn trong xã hội. Ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ, tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Một trong những vấn đề nổi cộm là sự phai nhạt văn hóa đọc sách của giới trẻ.
Một chiếc máy tính có thể lưu trữ hàng vạn cuốn sách qua bao năm tháng. Một chiếc smartphone vừa có thể nghe nhạc, xem phim, chơi game, đọc báo rõ ràng tối ưu hơn hẳn một cuốn sách cồng kềnh chỉ có một nội dung không đổi. Người ta thường chỉ đọc sách vào thời gian rảnh, trong không gian yên tĩnh với sức tập trung cao độ. Điều này trở nên khó thực hiện trong nhịp sống vội vã của xã hội hiện nay. Điều đó làm mất đi thói quen đọc sách giấy của nhiều người.
Vì hiểu được những trở ngại của đời sống hiện đại đối với văn hóa đọc nên ngày hội “Văn hóa đọc – Nét đẹp tri thức” được tổ chức tại chùa Thiên Chánh nhằm tạo ra sức ảnh hưởng sâu rộng đến Phật tử, người dân, xây dựng được một mô hình văn hóa nhân rộng đến các tự viện trên toàn quốc. Đặc biệt, giúp cho giới trẻ thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ các giá trị của văn hóa đọc.