Dấu ấn Phật giáo trong chính sách nội trị thời Lý – Trần (Sơn Thạnh)

 

PHẬT GIÁO Ở BUỔI ĐẦU LỊCH SỬ
• •
Ra đời vào khoảng thế kỉ VI trước Công nguyên tại Ấn Độ, Đạo Phật được truyền bá vào nước ta theo hai lộ trình, từ Trung Quốc xuống và từ Ấn Độ sang. Có thể nói, Phật giáo đã du nhập vào quốc thổ Việt Nam từ rất sớm. Trong Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông pháp triều Lý, Hoàng Xuân Hãn có dẫn ra câu chuyện hoàng hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) với nhà sư Trí Không: “Thái hậu hỏi “Phật ở phương nào? Tổ ở thành nào? Phật tới xứ ta từ đời nào? Truyền thụ đạo ấy, ai trước, ai sau?”. Nhà sư Trí Không trả lời “Phật và Tổ là một. Phật truyền đạo cho Ca Diếp, về đời Hán có Ma Đằng đem đạo vào Trung Quốc. Đạt Ma truyền vào Lương, Ngụy. Đạo rất thịnh khi dòng Thiên Thai được lập thành. Dòng ấy còn gọi là Giao Tông. Sau lại có thêm dòng Tào Khê tức là dòng Thiền Tông, hai dòng ấy vào nước ta đã lâu năm”.
Với tinh thần dung hợp và khai phóng, cùng với những quan điểm, tư tưởng gần gũi với truyền thống của người Việt nên đạo Phật nhanh chóng phát triển và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội nước ta, số lượng người theo đạo Phật ngày càng đông.

Sang thế kỉ X, các triều đại Đinh và Tiền Lê có nhiều chính sách khuyến khích Phật giáo. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng triệu tập các cao tăng để định rõ phẩm trật, cử phái đoàn sang Trung Quốc thỉnh kinh truyền bá đạo pháp, phong cho nhà sư Ngô Chân Lưu chức Tăng Thống, ban hiệu là Khuông Việt đại sư.

Đến thời vua Lê Đại Hành, sư Đỗ Thuận được mời làm cố vấn việc triều chính. Vua còn tham khảo ý kiến của thiền sư Vạn Hạnh trước khi đem quân chống nhà Tống. Giới tăng lữ không chỉ đóng góp xây dựng bảo vệ đất nước, mà còn có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, làm cho đời sống tâm linh của người Việt ngày càng thêm phong phú.

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO VỚI CHÍNH SÁCH NỘI TRỊ THỜI LÝ

Thời Lý, Phật giáo trở thành quốc giáo và có những ảnh hưởng nhất định đối với việc hoạch định chính sách nội trị của các đời vua. Các vua triều Lý đều học Phật và thường mời những cao tăng đến để đàm luận về giáo lý và chính sách nội trị. Chính vì vậy, đời sống chính trị của triều Lý mang nhiều màu sắc Phật giáo.

Chế độ tăng quan:

Chế độ tăng quan vốn dĩ đặt ra từ đời Đinh và được các vua đời Lý duy trì. Thỉnh thoảng, các vua Lý cũng đặt lại chế độ tăng quan nhưng vẫn theo quy chế của đời nhà Đinh. Đứng đầu hàng tăng có chức Quốc sư. Sau đó, theo thứ tự trên dưới, có những chức tăng thống, tăng lục, tăng chính, đại hiền quan. Quốc sư đều là những vị học rộng, uyên thâm Phật pháp từ thuở nhỏ, có thể kể đến như: sư Vạn Hạnh, sư Khô Đầu, sư Không Lộ, sư Thông Biện và sư Viên Chiếu.

Sư có chức phận, miễn làm xâu, làm lính; ở chùa lại được hưởng lộc dân chúng cúng dường và vua ban.

Vì thế, muốn được làm sư phải có bằng của triều đình cấp cho, gọi là “độ”. Trong đời vua Lý Thái Tổ, có nhiều lần dân được khuyến khích xuất gia. Năm 1010 và 1019, người ở kinh đô Thăng Long được “độ” để xuất gia. Đến năm 1134, vua Lý Thần Tông lại tổ chức độ tăng lần nữa. Với sự phát triển thịnh vượng của Phật giáo, các chùa cũng được xây dựng ở nhiều nơi, do vua, quan hay dân làng dựng nên. Những chỗ danh lam thì được nhà vua cấp tiền của, ruộng đất, phu hầu xây dựng.

Tinh thần nhân ái, khoan dung trong pháp luật:

Trước triều Lý, Việt Nam chưa có luật pháp thành văn. Triều Đinh, Tiền Lê thường nuôi hổ, đặt vạc dầu để răn đe, xử phạt những ai vi phạm quy định của triều đình. Để quản lý đất nước, năm 1042, vua Lý Thái Tông cho ban hành bộ Hình thư – bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Do ảnh hưởng của đạo Phật, luật pháp triều Lý chứa đựng tinh thần nhân ái, khoan dung đối với nhân dân, bảo vệ, chăm lo tới cuộc sống của dân.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót sai trung thư sửa định luật lệnh châm chước cho thích dụng với thời bây giờ, chia ra môn loại, biên ra nhiều khoản làm sách hình luật của một triều đại”. Chính lòng thương xót của vua Lý đối với dân chúng đã chi phối nội dung luật pháp của nhà nước, ấy là sự dung hợp giữa truyền thống của dân tộc Việt với tư tưởng nhân ái, cứu khổ của đạo Phật.

Với người vi phạm, vua Lý thường lấy lòng khoan dung mà tha thứ. Năm 1028, Lý Thái Tông lên ngôi đã tha tội làm phản cho Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương. Năm 1043, Nùng Trí Cao ở Châu Quảng Nguyên làm phản, sau khi bắt được, vua không những tha tội mà còn ban đô ấn, phong làm Thái bảo và ban cho mấy châu.

Luật triều Lý đặc biệt chú ý tới người già, trẻ nhỏ, coi trọng công tác giáo dục. Pháp luật quy định những người trong độ tuổi từ 70 đến 80, trẻ nhỏ từ 15 đến 10 tuổi nếu phạm tội thì cho phép dùng tiền chuộc tội.

Trong xét xử, các vua Lý thường khoan dung, lấy giáo dục làm chính. Có lần khi đang xét xử, vua Lý Thánh Tông chỉ vào công chúa Động Thiên mà nói “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau không kể tội gì nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”3.

“Yêu dân như con” là đạo trị nước của triều Lý:

Tư tưởng nhân ái, từ bi của đạo Phật hòa quyện với truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam đã tạo nên tâm thế trị quốc của vua quan Lý triều. Các vua Lý có quan hệ gần gũi với nhân dân, coi trăm họ như con, hết mực chăm lo cuộc sống của dân. Họ có lệ thân chinh đi làm lễ cày ruộng tịch điền, kinh lý nắm bắt tình hình cuộc sống của dân. Năm 1010, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đại xá thuế khóa cho thiên hạ trong ba năm, những người già yếu, mồ côi, góa chồng thì được xóa thuế nợ.

Lòng nhân ái của các vua quan triều Lý đã vượt ra khỏi ranh giới giai cấp, địa vị xã hội, vượt qua không gian, xuyên suốt thời gian tồn tại của vương triều. “Mùa đông năm Ất Mùi (1055) trời giá rét, Lý Thánh Tông nói với các quan rằng: ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao tù, chịu trói buộc khổ sở, mà chưa biết phải trái ra sao. Ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân. Vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật thấy làm thương”.

Vua Lý Nhân Tông thường hay mở hội Phật và tha cho những người có tội. Lòng nhân ái, thương người của các vua Lý không chỉ đối với nhân dân Đại Việt mà còn cả với những tù binh Chiêm Thành. Năm 1010, Lý Thái Tổ đã tha cho 28 người Chiêm Thành bị Lê Ngọa Triều bắt trước đó và cấp thuốc men, quần áo, lương thực để họ trở về quê hương.

Tư tưởng “yêu dân như con” trong đạo trị nước của triều Lý không phải là thủ thuật chính trị của giai cấp cầm quyền mà là “phần biểu diễn của lòng từ bi do Phật giáo gây nên”.

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO VỚI CHÍNH SÁCH NỘI TRỊ THỜI TRẦN

Thời Trần, số người mến mộ Phật giáo rất đông, cả trong tầng lớp vua quan quý tộc cũng như giới bình dân xã hội. Do vậy, Phật giáo tiếp tục đóng một vai trò quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xây dựng mô hình thân dân:

Chính trị thời Trần là chế độ chính trị quân chủ quý tộc – chuyên chế, khẳng định chủ quyền dân tộc. Phật giáo được coi là quốc giáo, các nhà sư góp ý kiến và làm một số công việc giúp vua như thảo văn thư, tiếp sứ thần nước ngoài.
Tăng sĩ đời Trần không trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp chính trị nhưng Phật giáo thực sự là yếu tố liên kết nhân tâm quan trọng. Tinh thần Phật giáo khiến các vua Trần áp dụng những chính sách bình dị, thân dân và dân chủ. Vua có quyền lực tối cao nhưng do ảnh hưởng tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nên luôn xem dân như con, chính quyền hoạt động theo nguyên tắc “dân chi phụ mẫu” và “quốc dĩ dân vi bản”, đội ngũ quan lại nêu gương đạo đức để cai trị dân, chăm lo cuộc sống nhân dân.

Tính nhập thế của Phật giáo tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội:

Trúc Lâm là thiền phái ra đời và phát triển dưới triều Trần với đặc tính nhập thế, đạo Phật phụng sự cho đời sống tâm linh và xã hội. Quốc sư Viên Chứng đã nói rõ về những nguyên tắc hướng dẫn đời sống của một nhà chính trị Phật tử: “Đã làm người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm muốn của mình, phải lấy ý dân làm ý mình, trong khi đó không xao nhãng việc tu học của bản thân”.

Lời khuyên của Quốc sư Viên Chứng đối với vua Trần Thái Tông khi vua bỏ ngôi cao lên núi xuất gia, được nhà vua ghi trong bài tựa sách Thiền Tông chỉ nam như sau: Phàm đã là người làm vua, tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân muốn rước bệ hạ về thì bệ hạ sao có thể không về được? Duy có việc nghiên cứu nội điển, xin bệ hạ chớ sao lãng mà thôi.

Lời khuyên này đã thể hiện sự nhập thế sâu sắc của Phật giáo trong đời sống xã hội. Vua Thái Tông nói rằng: “Nhà chính trị phải thực hiện đạo Phật trong xã hội”. Sau này, Trần Nhân Tông cũng đã lĩnh hội rất tốt tinh thần này của Trần Thái Tông và có nhiều chính sách nhằm phát huy tính nhập thế tích cực của đạo Phật trong xã hội. Vua Nhân Tông đi khắp thôn quê phá trừ các dâm từ, khuyên dân thực hành thập thiện.

Tinh thần Phật giáo hỗ trợ chính sách nội trị:

Tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật là cơ sở cho sự đoàn kết nhân tâm, đoàn kết tôn giáo. Khi quân Nguyên đang mạnh, triều thần lắm kẻ hai lòng, có giao thiệp với giặc. Sau giặc thua chạy về Bắc, triều đình bắt được một tráp biểu hàng của các quan. Đình thần muốn lục ra để trị tội, nhưng vua Trần nghĩ rằng làm tội những kẻ tiểu nhân cũng vô ích, bèn sai đem đốt cả tráp đi, cho yên lòng mọi người.

Sự kiện xuất gia của vua Trần Nhân Tông khiến dòng thiền Trúc Lâm trở thành tôn giáo mạnh hỗ trợ triều đại. Cũng chính Thượng hoàng Nhân Tông đã thực hiện chuyến thăm Chiêm Thành (năm 1301) nhằm giao hảo, tạo quan hệ hữu nghị và thể hiện thiện chí hòa bình. Chuyến viếng thăm còn góp phần xiển dương đạo Phật ở một đất nước vốn có truyền thống Phật giáo như Chiêm Thành, mở rộng ảnh hưởng của tư tưởng Thiền xuống phía Nam.

Những năm mất mùa, nhiều người bệnh tật, triều đình hay khuyến cáo những nhà giàu dâng thóc gạo. Triều đình còn sai người chế thuốc để phát cho người bệnh. Vua Trần Minh Tông thường ngự ở phủ Thiên Trường, nhân dân ai đói và bệnh có thể đến đấy để xin thuốc Hồng Ngọc Sương, hai tiền và hai thăng gạo.
Giáo sư Trần Văn Giàu từng viết: “Cho dù bên Ấn Độ, bên Trung Quốc có những nhà sư làm quân sư đắc lực cho một số nhà vua, đó là sáng kiến của những nhà sư ấy theo tinh thần Phật giáo, chớ giáo lý Phật giáo không bàn về chính trị”.

Dưới thời Lý – Trần, Phật giáo phát huy cao độ tinh thần nhập thế, mặc dù toàn bộ hệ thống giáo lý không có mục đích giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc củng cố nhà nước phong kiến, nhưng vẫn được nhà nước phong kiến suy tôn, chọn làm quốc giáo.

Chú thích:
1. Hoàng Xuân Hãn (2003), Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nxb Quân đội nhân dân, tr.355.
2. Ngô Sĩ Liên (1984), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, tr.206.
3. Ngô Sĩ Liên (1984), sđd, tr.273.
4. Hoàng Xuân Hãn (2003), Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nxb Quân đội nhân dân, tr.364.
5. Hoàng Xuân Hãn (2003), sđd, tr.365.
6. Nguyễn Lang (1994), Phật Giáo Việt Nam Sử Luận Tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.223.
7. Nguyễn Lang (1994), Phật Giáo Việt Nam Sử Luận Tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.225.
8. Viện Khoa học xã hội (1998), Đại Việt sử ký toàn thư – bản kỷ – quyển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.71.
9. Trần Thuận (2014), Tư tưởng thời Trần, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.161.
10. Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Nxb TP.HCM.

3 thoughts on “Dấu ấn Phật giáo trong chính sách nội trị thời Lý – Trần (Sơn Thạnh)

  1. Monallobe says:

    Garan, who was willing to give up his long life and suffered from the burning of the holy flame, replaced the Stone of God s Punishment by burning his soul, trying to draw out the light of judgment in the heavens, Otherwise, furosemide and enalapril as soon as we announce the facts, he won t be cut by these fierce furosemide and enalapril mountain people cialis dosage Oral Contraceptives Women

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *