Đeo khẩu trang: Lối ứng xử phù hợp giữa đại dịch (Cao Huy Hóa)

 

Khẩu trang là vật dụng thiết yếu mỗi khi xuất hiện dịch bệnh viêm phổi do virus. Các năm 1910 và 1911, ở Mãn Châu (Trung Quốc), bệnh dịch hạch thể phổi bùng phát và người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang. Đây là công lao của Ngũ Liên Đức – một bác sĩ người Malaysia gốc Hoa nổi tiếng với những đóng góp về sức khỏe cộng đồng, vốn được đào tạo tại Đại học Cambridge (Anh).

Trong hai năm 1918-1919, vì đại dịch cúm hoành hành, chính phủ Mỹ yêu cầu người dân đeo khẩu trang và đã có những cuộc chống đối xảy ra. Sau phương Tây, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên thúc đẩy người dân mang khẩu trang, hạn chế sự lây truyền virus qua không khí. Đến khi vắc xin cúm và chương trình tiêm chủng cộng đồng ra đời, người dân Nhật Bản vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Từ đó, khẩu trang trở thành biểu tượng của nền y tế công cộng tại các nước Đông Á. Mọi người đeo khẩu trang để tránh bệnh cúm và giúp bảo vệ bản thân phần nào khỏi ô nhiễm không khí, giảm thiểu sự lây lan virus trên các tàu điện ngầm đông đúc. Với người Á Đông, đeo khẩu trang là hành vi bảo vệ sức khỏe của bản thân và người khác.

Việc đeo khẩu trang đã có từ ít nhất một thế kỷ và càng phổ biến hơn khi Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát năm 2002-2003. Đại dịch kéo dài khoảng sáu tháng, lan rộng trên 20 quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á và chỉ dừng lại vào tháng 7/2003.
“SARS đã củng cố vai trò của chiếc khẩu trang khiêm tốn như một vật dụng hàng ngày. Di sản của SARS năm 2003 khiến việc đeo khẩu trang bảo vệ cá nhân được công chúng tiếp nhận nhanh hơn nhiều khi COVID-19 xuất hiện”, bà Ria Sinha – nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Hồng Kông chia sẻ. Tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở Hồng Kông vẫn ở mức thấp nhưng hầu như tất cả mọi người đều tự giác đeo khẩu trang. Theo một nghiên cứu ở Hồng Kông vào tháng 3/2020, 99% người được hỏi cho biết họ đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà. “Trước COVID-19, nếu bạn không sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng khi bị ốm hoặc trong thời gian cao điểm của mùa cúm, bạn sẽ gặp phải nhiều ánh mắt khó chịu”, Judy Yuen – PGS Khoa học xã hội Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho biết.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, việc không đeo khẩu trang ở một số quốc gia Đông Á bị xem là chống đối xã hội, vô trách nhiệm, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Tiêu biểu ở Nhật Bản, ngay cả linh vật chống virus COVID-19 đáng yêu của họ là mèo “Koronon”, cũng được khắc họa đeo khẩu trang.
Tại châu Âu và Bắc Mỹ, chỉ những ai gặp vấn đề về sức khỏe mới đeo khẩu trang. Điều này vô tình tạo nên sự kỳ thị của một bộ phận người Mỹ với người châu Á – những người có thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng. Khi đại dịch COVID-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị người dân đeo khẩu trang nhưng dư luận không dễ dàng chấp nhận việc này. Một số người từ chối đeo khẩu trang, viện cớ yêu cầu đó vi phạm tự do cá nhân. Những người cứng rắn nhất trong phong trào chống khẩu trang đã gọi cơ quan khuyến nghị là “vi hiến”, “chuyên quyền”.

Lập luận “quyền cá nhân” chống lại yêu cầu đeo khẩu trang đã có từ lâu. Trong đại dịch năm 1918, chính phủ ghi nhận nhiều báo cáo về “những người lười đeo khẩu trang” bị bắt giữ. Tại San Francisco, có hẳn một “liên đoàn chống khẩu trang”. Hiện nay, xu hướng này vẫn tồn tại, một phần bởi sự thiếu dứt khoát của chính phủ.

Nhiều lãnh đạo các nước phương Tây ban đầu dè dặt do chưa có tiền lệ đeo khẩu trang. Tháng 4/2020, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhận xét việc đeo khẩu trang đòi hỏi “sự điều chỉnh lớn ở đất nước chúng tôi, vì khẩu trang rất xa lạ với văn hóa của chúng tôi”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng đã đeo khẩu trang ở nơi công cộng vào tháng 7 sau bốn tháng chống lại việc này, nhưng ông vẫn tiếp tục hoài nghi.
Sau sáu tháng bùng phát đại dịch, khẩu trang được xem là “công cụ y tế công cộng mạnh nhất” để các quốc gia chống lại COVID-19, ít nhất cho đến khi vắc xin được phát triển rộng rãi.

“Thời điểm này có thể khuyến khích người phương Tây suy ngẫm về các chuẩn mực và giá trị của chính họ. Nếu họ hỏi tại sao người Đông Á đeo khẩu trang, chúng ta nên hỏi người phương Tây tại sao họ không đeo khẩu trang cho đến gần đây và tại sao một số người trong số họ lại chống lại nó. Người Nhật đã làm điều đó trong một thế kỷ!”, Mitsutoshi Horii – Giáo sư Xã hội học Đại học Shumei (Nhật Bản) – nhận xét.
Ước tính, khoảng 40-60% số ca lây nhiễm không có triệu chứng hoặc những biểu hiện bệnh không rõ ràng. Có thể họ không biết mình bị bệnh nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng khẩu trang giúp giảm từ 50-90% sự phát tán các giọt bắn từ miệng tùy thuộc vào một số yếu tố. Ở những người có biểu hiện bệnh không rõ ràng, những giọt bắn nhỏ chứa virus không chỉ phát tán qua hắt hơi và ho mà còn qua hành động nói và hơi thở, do đó việc đeo khẩu trang hàng loạt sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ lây lan virus.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *