Tưởng nhớ Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu – Nhà giáo dục mô phạm thời hiện đại (Thượng tọa Thích Phước Đạt)

 

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu là nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ lịch sử đương đại. Dấu ấn lớn nhất Ngài để lại trong lòng người con Phật là hình ảnh nhà giáo dục mô phạm tiêu biểu thời hiện đại.

“HỌC PHẬT ĐỂ LÀM NGƯỜI”

Xuất thân gia đình khoa bảng và trưởng thành trong môi trường giáo dục học đường chính quy, ngay từ buổi đầu đến với đạo Phật dưới tác động của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung, Ngài đã tạo được cảm tình nhờ phong thái một nhà giáo dục Phật giáo Việt Nam. Đó là hình ảnh người thầy nhiệt tâm vận động giới trẻ học Phật ở cố đô Huế, khi chính Ngài là một trong những người sáng lập ra Đoàn Phật học Đức Dục và Gia đình Phật hóa phổ (sau này là Gia đình Phật tử Việt Nam). Ngài biên soạn bài “Ý nghĩa hoa sen trắng” từ thập niên 1950 và giảng dạy cho bao thế hệ thanh thiếu niên, những người đã trưởng thành, đóng góp cho đạo pháp và đất nước nhiều năm sau này.

Với tâm niệm “học Phật để làm người”, Ngài dành nhiều tâm huyết biên soạn quyển Phật Pháp. Đây là công trình được biên soạn công phu dành cho thanh thiếu niên bước đầu học Phật. Sau này, mỗi khi đọc lại bài viết “Vì sao gia đình Phật tử ra đời” được Ngài viết vào năm 1952, mới thấy rõ nhân cách lớn của vị đạo sư, vị thầy thuyết pháp, nhà giáo dục mô phạm Phật giáo với thế hệ trẻ – nguồn mạch tương lai Phật pháp.

Gia đình Phật tử ra đời “nhằm giới thiệu cho thanh niên một lý tưởng biết sống với ý nghĩa căn bản của con người. Gia đình Phật tử giúp cho các huynh trưởng hiểu biết các em mình, thương các em, biết hy sinh cho các em. Gia đình Phật tử là sợi dây liên lạc thắt chặt tình anh em giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên các nước, giữa thanh niên với thiếu nhi, giúp cho tuổi trẻ hiểu rằng phải biết sống trong tình thân hữu, nâng đỡ dìu dắt hy sinh cho nhau”.

Cũng trong ý nghĩa “học Phật để làm người”, sau 12 năm du học Phật giáo ở Ấn Độ, Ngài trở về Việt Nam với ước nguyện truyền trao chánh pháp từ cội rễ thời Phật tại thế cho thế hệ Tăng Ni và Phật giáo đồ thời đại mới – thời đại bước qua ý thức hệ phân biệt tiểu thừa hay đại thừa. Trong những lần tôi hầu Hòa thượng Chơn Thiện (sư đệ của Trưởng Lão Hòa thượng Thích Minh Châu), khi thầy đang giữ chức Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, thầy từng bảo rằng: “Chúng tôi đi học để học, còn Hòa thượng Thích Minh Châu đi học để chấn hưng Phật giáo Việt Nam”. Chính lời dạy này đã trả lời cho lý do Phật tử Việt Nam hôm nay tôn vinh Ngài – vị thầy thuyết pháp ở đời.

ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN TẠO NỀN TẢNG CHO CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

Kể từ thời Lý – Trần, giáo dục Phật giáo không còn bó hẹp trong khuôn viên nhà chùa mà trở thành nền giáo dục quốc dân. Với chủ trương chấn hưng văn hóa n ước nhà, nhà Lý đã cho lập Quốc tử giám – trường đại học đầu tiên của nước ta vào năm 1076. Trường dạy cả ba trào lưu tư tưởng học thuật Phật – Nho – Lão. Các khoa thi ít nhiều đều hỏi nội dung của ba học thuyết để chọn người tài.

Đến thời hiện đại, giáo dục Phật giáo có bước phát triển lớn. Trưởng lão Hòa thượng được Giáo hội bấy giờ cung cử đứng ra thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh năm 1964 (tiền thân là Viện Cao đẳng Phật học thuộc Giáo hội). Đấy là trường đại học Phật giáo đầu tiên trực thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đào tạo sinh viên Việt Nam tiếp thu nền giáo dục Phật giáo và văn hóa Việt Nam để phụng sự quê hương đất nước và giúp đạo pháp trường tồn. Trưởng lão Hòa thượng là người đặt nền tảng để giáo dục, nghiên cứu Phật học mang tầm vóc và có hệ thống theo xu hướng hội nhập trên cơ sở văn hóa Việt Nam, phù hợp bối cảnh lịch sử.

Dưới sự lãnh đạo của Ngài, Viện Đại học Vạn Hạnh là trường đại học bắt nguồn từ hoài bão, khát khao thực thi lý tưởng xây dựng xã hội nhân văn, cống hiến giá trị bình đẳng, giải thoát của Phật giáo cho cuộc đời. Đó cũng là sự tiếp nối dòng truyền trao trí tuệ của đức Phật cho các Thánh đệ tử qua nhiều thế hệ. Trưởng lão Hòa thượng đã đem trí tuệ được truyền trao góp phần đào tạo bao thế hệ học trò trở thành Phật tử, đóng góp cho đất nước và lưu truyền đạo pháp.

“Giáo dục phải đánh thức cá thể giáo dục, gieo ý thức cho cá thể về sự tự do vô biên của tâm linh, của toàn thể khía cạnh đời sống. Giáo dục phải kêu gọi cá thể lên đường, liên tục lên đường và chối bỏ tất cả những nơi nương tựa yếu đuối. Đại học là nơi nuôi dưỡng những cá thể độc lập sáng tạo tự do không sợ hãi, không nô lệ vào địa vị, tiền tài, danh dự và tham vọng, những cá thể ấy không phải là trí thức tháp ngà, mà phải là những kẻ sáng tạo trong toàn diện đời sống, những kẻ phê phán những giá trị thời đại, những kẻ phê phán truyền thống và xã hội, những người sáng tạo ra những giá trị mới để nuôi dưỡng một cuộc hồi sinh toàn diện cho ý thức và tâm thức. Chỉ khi nào ý thức và tâm thức được chuyển hóa toàn diện thì tất cả sự mâu thuẫn nội tâm và sự mâu thuẫn xã hội mới chấm dứt; chiến tranh không còn lý do tồn tại và giáo dục trở thành ánh sáng chiếu trên con đường sinh thành của văn minh nhân loại. Ý nghĩa của Viện Đại học Vạn Hạnh là sự đánh thức mình trên con đường thiêng liêng ấy”1, Trưởng lão Hòa thượng phát biểu về ý nghĩa ra đời của Viện Đại học Vạn Hạnh.

Với tư cách Viện trưởng, để thực hiện con đường giáo dục đào tạo đã hoạch định, ngoài việc thiết lập cơ sở mới ở số 222 Trương Minh Giảng, Ngài còn thành lập các khoa: Phật học, Văn học và Nhân văn, Phân khoa Khoa học Xã hội, Phân khoa Khoa học Ứng dụng, Trung tâm Ngôn ngữ; xây Đại học là nơi nuôi dưỡng những cá thể độc lập sáng tạo tự do không sợ hãi, không nô lệ vào địa vị, tiền tài, danh dự và tham vọng… dựng hệ thống thư viện; thành lập Tu thư Vạn Hạnh và tòa soạn tạp chí Tư Tưởng.

 

Bên cạnh việc quản trị Viện Đại học, Ngài còn dành thì giờ để phiên dịch và ấn hành 5 bộ kinh tạng Nikaya ra tiếng Việt. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà, nền tảng giáo lý Nguyên thủy được khai mở để dung hợp nền giáo lý Đại thừa qua tư liệu văn bản được xem là cội rễ, tinh túy của đạo Phật. Điều đó đã được người học Phật tiếp nhận trong chương trình đào tạo của đại học Phật giáo.

Với trách nhiệm của một nhà giáo dục, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đem đạo Phật nguyên thủy đi vào sinh hoạt thực tiễn ở Việt Nam, giúp xóa nhòa ranh giới phân biệt Tiểu thừa hay Đại thừa, Nam tông hay Bắc tông, chỉ có duy nhất một con đường tu đạo để làm người. Ngài cũng nêu cao tinh thần vô phân biệt khi thực thi phiên dịch 5 bộ kinh: “Chúng tôi dịch kinh Pali, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những kinh điển có thể xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dầu là Ấn Độ, Trung Hoa, hay Việt Nam”.

Bộ Đại tạng kinh Nikaya được dịch ra Việt ngữ không chỉ góp phần nâng cao giá trị nền Phật học Việt Nam mà còn mở ra chân trời mới cho giáo dục Phật giáo nước nhà. Đó là thành tựu lớn nhất Ngài để lại cho đời và đạo, một thành tựu mà chỉ có nhân cách lớn của nhà giáo dục mô phạm mẫu mực như Ngài làm được, góp phần kiến tạo diện mạo và đặc trưng mới của đạo Phật Việt Nam.

Đó cũng là lời giải đáp vì sao chỉ trong vòng 10 năm, Viện Đại học Vạn Hạnh đã quy tụ nhiều trí thức cao cấp tham gia giảng dạy, thu hút hàng chục nghìn sinh viên và trở thành đại học kiểu mẫu có uy tín trong – ngoài nước. Vì đây là môi trường giáo dục với mục tiêu đào tạo ra con người phụng sự đất nước và đạo pháp. Đó là lý do khi ngày nay, chúng ta – những người con Phật, xuất thân từ các hệ phái khác nhau nhưng cùng nhau tu học, hành đạo trong ngôi nhà chung của một tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

NHÀ GIÁO DỤC MÔ PHẠM GHI DẤU ẤN TRONG NỀN GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Đất nước thống nhất, trong buổi đầu thành lập Giáo hội, thực hiện tôn ý của Trưởng lão Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cung cử Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) vào năm 1981, nhằm đào tạo Tăng tài cho đất nước. Đến năm 1984, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II ra đời tại Phật học viện Vạn Hạnh (ngày nay là Thiền viện Vạn Hạnh), Ngài cũng đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp, đượ c vinh dự vào học Trường Cao cấp Phật học Việt Nam nhờ ân đức lớn của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, nhưng trên hết vẫn là sự kham nhẫn, mẫu mực, hy sinh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu. Ngài lo t ừng bữa cơm, quyển sách, ngọn đèn cho Tăng Ni sinh tu học nội trú.

Đến khi khóa II kết thúc, chúng tôi được giữ lại làm Phó văn phòng trường vào đầu năm 1993. Chúng tôi có dịp hầu cận Ngài, mới thấu hiểu nỗi trăn trở của vị thầy cao cả suốt đời chuyên tâm đào t ạo Tăng Ni trẻ, trong hoàn cảnh khó khăn buổi giao thời.

Số lượng Tăng Ni sinh mỗi khóa ngày càng tăng, trong khi cơ sở cho sinh viên nội trú khó đảm trách được. Chính Ngài đã vận động các tự viện gần Vạn Hạnh chia sẻ trách nhiệm. Ngoài giải quyết Phật sự Giáo hội, Ngài còn đích thân cùng Ban Giám hiệu đến thăm từng cơ sở động viên nguồn kinh phí nuôi dưỡng Tăng Ni sinh.

Vào năm 1997, hệ thống Trường Cao cấp Phật học Việt Nam đổi tên thành Học viện Phật giáo Việt Nam. Đây là dấu ấn lớn của nền Giáo dục Phật giáo Việt Nam. Công đầu vẫn là Trưởng lão Hòa thượng khi Ngài tốn bao công sức để cơ sở chính thức trở thành Đại học Phật giáo Việt Nam ngày nay. Cùng năm này, cơ sở mới Học viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được khánh thành. Đây là tòa nhà 5 tầng xây dựng trên khuôn viên Thiền Viện Vạn Hạnh với sự tài trợ của Thượng tọa Thích Quảng Tâm, Phật tử Đài Loan và các Phật tử trong – ngoài nước. Dưới mái trường này, lần đầu tiên trên lễ đường tốt nghiệp xuất hiện mũ áo Cử nhân Phật học khóa III.

Bằng mối quan hệ Phật giáo với các nước thân hữu, Trưởng lão Hòa thượng cử nhiều Tăng tài đi du học, trong đó có TT. Thích Chơn Thiện, thầy Tâm Đức, Kiên Tuệ, Sư cô Liên Tín, sau đó mở rộng thành phong trào du học Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Ấn Độ, tiếp đến là các nước Nhật Bản, Trung Quốc,…

Có được thành quả như vậy, trong tâm trí mỗi học Tăng, học Ni đều mang ân người thầy cao cả vĩ đại là Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu. Ngày nay, các thế hệ Tăng Ni, Phật tử được Ngài trực tiếp truyền trao đã trở thành những nhà nghiên cứu giảng dạy hay lãnh đạo Giáo hội, trụ trì tự viện,…

Trong phong trào du học này, chúng tôi may mắn được hầu cận trực tiếp Ngài để phụ giúp công việc hành chánh học viện. Dù bận rộn Phật sự Giáo hội, nhưng chưa bao giờ Ngài vắng mặt giờ dạy nào, trừ khi tham gia họp Quốc hội hay bị bệnh. Cái hay nhấ t của Ngài là bố trí thời gian công việc hợp lý, giờ nào việc nấy. Suy cho cùng, điều Ngài muốn dạy chúng tôi nói riêng và đồ chúng nói chung là pháp học bao giờ cũng phải đi đôi với pháp hành.

Vì vậy, Ngài hành thiền như một pháp môn tu học hằng ngày. Giờ thiền dạy đồ chúng được đặc biệt chú trọng nên Ngài hầu như không muốn ai vắng mặt. Ngài dạy chúng tôi: “Vào giờ thiền, quý thầy văn phòng nên chú trọng nhắc nhở Tăng Ni sinh tham gia đầy đủ. Còn sự thiền hành của Trưởng lão Hòa thượng, không chỉ thể hiện khi Ngài tọa thiền mà Ngài thiền cả trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, chẳng khác những ghi chép của kinh điển về oai nghi của một bậc phạm hạnh sáng ngời”.

Bao giờ, Ngài cũng dặn chúng tôi trình chương trình nghị sự trước một ngày cho Ngài xem và chuẩn bị chu đáo cho mỗi phiên họp hay sự kiện lớn nhỏ. Ngay cả ph ần văn nghệ, Ngài cũng ngồi xem để khích lệ ca sĩ như tỏ lòng tri ân cho sự thành tựu buổi lễ. Mỗi khi đi họp, đôi lúc Ngài bảo chúng tôi đánh máy rồi in cho thầy ba bản: một bản là luôn để trong người khỏi sợ thất lạc, còn hai bản để hành lý. Dần dần chúng tôi học được bài học bằng thân giáo của Ngài, học được cả niềm tin bất động đối với ba ngôi Tam bảo, học được câu pháp thoại mà Ngài tâm đắc thường hay khuyến giáo: “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

Sau hội thảo Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại được tổ chức tại Hội trường Thiền viện Vạn Hạnh, Ngài chỉ định giao chúng tôi làm thư ký. Bản thân tôi cũng là sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nên khá thân thiện với tôn khách đó. Khi biết chúng tôi đã học xong chương trình Cử nhân Phật học và ngành Ngữ Văn Việt Nam, hôm sau Ngài gọi lên để hỏi về dư âm hội thảo và những đánh giá của các giáo sư. Điều chúng tôi vui mừng nhất là Trưởng lão Hòa thượng gợi ý: “Trước mắt chú nên học thêm chương trình thạc sĩ Văn chương ở trường nếu chưa có điều kiện du học”.

Theo lời dạy, chúng tôi hoàn nguyện sở học về chuyên ngành Văn học Phật giáo Lý – Trần. Vinh Câu pháp thoại mà Ngài tâm đắc thường hay khuyến giáo: “Tự mình thắp đuốc lên mà đi” dự trong buổi dạy môn Văn học Phật giáo Việt Nam đầu tiên tại học viện, chúng tôi được Ngài và Thượng tọa Thích Đạt Đạo, Cư sĩ Tống Hồ Cầm dự giờ mà không báo trước. Vừa niệm Phật xong là các ngài đi vào dự, sau khi trải qua những giây phút hồi hộp lo âu, chúng tôi tự trấn an và cũng “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Khoảng 20 phút sau, Ngài ra hiệu dừng, mỉm cười: “Thầy cứ thế mà tiếp tục phát huy” như lời khích lệ và ấn khả cho việc tiếp tục truyền trao sứ mệnh trồng người.

Trưởng lão Hòa thượng Minh Châu xứng danh là nhà giáo dục mô phạm kiểu mẫu có một không hai của lịch sử Phật giáo Việt Nam đương đại. Nhờ Ngài, chúng tôi hiểu giáo dục là đem kiến thức và kinh nghiệm truyền trao cho người khác hay thế hệ con em qua nhiều hình thái, môi trường giáo dục khác nhau. Nói theo cách chúng tôi hiểu và thọ ân Ngài: Giảng dạy là sự truyền trao và thọ nhận “pháp học đi đôi pháp hành” thông qua con đường giáo dục Giới định Tuệ.

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chú thích:

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành kính tưởng niệm Hòa thượng Thích Minh Châu, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr.215-216.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *