Trong sự chuyển mình của nước Nhật đầu thời cận đại, giữa bối cảnh phải đối mặt với áp lực của các liệt cường phương Tây, có sự đóng góp thầm lặng mà lớn lao của các nhà giáo dục tiên phong với tư tưởng khai phóng mang tầm chiến lược. Họ, cho dù chỉ là các nhà giáo dạy tại các ngôi trường tư của mình đã tạo ra nhiều thế hệ học trò ưu tú, có cống hiến lớn lao cho Nhật Bản. Trong số các nhà giáo dục vĩ đại đó có ba người thầy: Ogata Koan, Yoshida Shoin và Fukuzawa Yukichi.
OGATA KOAN (1810-1863): MỘT NGƯỜI THẦY LỚN THEO TRƯỜNG PHÁI HÀ LAN HỌC
Ogata Koan sinh ra và lớn lên ở Bichu (ngày nay thuộc tỉnh Okayama). Hiện tại địa danh này là khu phố Ashimori thuộc thành phố Okayama nhưng vào thời Edo (1603- 1867) người Nhật Bản gọi nó là phiên Ashimori. Dòng họ Ogata sống ở đây từ lâu. Cha Koan phải chuyển đến Osaka vì công việc nên ông cũng phải theo cha rời quê hương. Năm đó ông 17 tuổi.
Trong thời niêu thiếu, theo lẽ thông thường lúc bấy giờ, Koan được cha mẹ cho học chữ Hán, đến học ở trường tư luyện kiếm và võ thuật để trở thành võ sĩ (samurai). Tuy nhiên, do sức khỏe yếu và mắc nhiều bệnh, ông thường xuyên nghỉ học. Hoàn cảnh ấy, khiến Koan ngay từ nhỏ đã suy nghĩ nhiều về con người và bệnh tật. Trong đầu cậu bé Koan luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao con người phải chịu đựng bệnh tật?”, “Làm thế nào để có thể chữa khỏi bệnh?”, “Cơ thể con người có cấu tạo như thế nào?”… Để giải đáp những câu hỏi đó, Koan say mê tìm hiểu về y khoa. Vừa may, khi cùng cha chuyển đến Osaka, ông được vào học tại trường tư do Naka Tenyu (1783-1835), một học giả say mê nền y khoa Hà Lan mở ở Osaka. Ngôi trường này không chỉ dạy y khoa Hà Lan mà còn dạy sơ bộ về vật lí và hóa học. Koan học chủ yếu về y khoa. Sau khi được thầy Naka Tenyu truyền thụ đủ đầy, Koan khăn gói lên Edo (Tokyo) tìm thầy mới. Khi đó ông tròn 22 tuổi.
Tại Edo, Koan phải vừa học, vừa làm để trang trải cuộc sống. Ông làm nghề đấm bóp và tiếp đón khách cho những nhà giàu để kiếm chút tiền ít ỏi. Vào thời đó, ở Edo, người nổi tiếng nhất về y khoa Hà Lan là Tsuboi Shindo (1795-1848).
Cũng giống như Naka Tenyu, Tsuboi Shindo mở trường tư tại nhà truyền dạy tri thức cho học trò. Koan vào học ở ngôi trường này 4 năm và trở thành học sinh xuất sắc. Sau khi ra trường, Koan đủ khả năng đọc được những cuốn sách rất khó viết bằng tiếng Hà Lan. Sau đó ông đến Nagasaki. Nhật Bản lúc bấy giờ đang trong thời kì “Tỏa quốc”(Bế quan, tỏa cảng). Do e ngại sự nhòm ngó của nước ngoài, Mạc phủ cấm ngặt sự giao lưu với thế giới. Tuy nhiên, Nagasaki là một ngoại lệ. Đây là nơi duy nhất được Mạc phủ cho phép tiếp xúc với người nước ngoài, giới hạn đối tượng là thương nhân Hà Lan và Trung Quốc.
Ở Nagasaki lúc bấy giờ cũng có một số người Hà Lan sinh sống. Có thể nói Nagasaki lúc bấy giờ giống như con mắt để người Nhật Bản nhìn ra thế giới. Koan ở lại Nagasaki trong hai năm để học tập y khoa và thực tập tiếng Hà Lan. Từ Nagasaki, Koan trở lại Osaka và mở một ngôi trường tư dạy y học lấy tên là Tekijuku. Năm ấy, Koan 29 tuổi. Cũng trong khoảng thời gian này, Koan lập gia đình. Vợ ông là Yae, một người phụ nữ dịu dàng và nhân hậu luôn suy nghĩ sâu sắc. Người vợ đã dành cả đời mình trợ giúp Koan và đối xử thân ái với các học trò như một người mẹ.
Ngôi trường Tekijuku của Koan tiếp nhận các thanh niên ham học từ khắp nơi. Tại đây, trong năm đầu, học sinh phải học tiếng Hà Lan. Trong ngôi trường này chỉ có một thầy giáo duy nhất là Koan. Ông vừa chữa bệnh cho người dân, vừa dạy học. Học sinh trong trường chia làm 8 cấp (lớp). Học sinh mới nhập học được gọi là “Bát cấp sinh”. Những học sinh học lâu nhất sử dụng thành thạo tiếng Hà Lan được gọi là “Nhất cấp sinh”. Mỗi cấp sẽ có một học sinh đứng ra phụ trách gọi là “Hội đầu”. Cũng có một học sinh xuất sắc có uy tín lãnh đạo toàn bộ học sinh giống như trưởng tràng giúp thầy điều hành trường học. Ngôi trường là nơi tập trung những thanh niên ưu tú có chí lớn đến từ khắp nơi trên đất Nhật Bản. Từ ngôi trường này đã xuất hiện những nhân vật nổi tiếng của Nhật Bản thời cận đại như Hashimoto Sanai, Fukuzawa Yukichi, Omura Masujiro…
Koan tự mình viết 12 điều răn đối với các học trò. Trong đó, nội dung điều thứ nhất được ghi rất trang trọng: “Người bác sĩ sống ở trên đời là vì người khác chứ không phải là vì bản thân mình, nhất quyết không được nghĩ đến việc nổi tiếng. Không được nghĩ đến việc cầu lợi nghĩa là phải quên đi chính bản thân mình. Hãy chỉ nghĩ đến việc cứu giúp người khác”. Điều răn trên cũng chính là lý tưởng sống của Koan. Chính vì thế, khi nhận được lệnh của Mạc phủ lên Edo làm bác sĩ riêng cho tướng quân, ông cảm thấy trời đất tối sầm lại. Trở thành bác sĩ riêng của Tướng quân, người có quyền lực cao nhất quốc gia khi đó, là niềm mơ ước của không biết bao nhiêu bác sĩ, vì vị trí đó không chỉ đem lại tiền bạc, danh tiếng mà cả quyền uy nữa. Koan liên tục từ chối nhưng Mạc phủ không chấp nhận, nên khi 53 tuổi ông buộc lòng phải lên Edo. Cuộc sống xa hoa ở Edo không thích hợp với lối sống giản dị, thanh tịnh của Koan nên căn bệnh tim bẩm sinh trở lại hành hạ. Chỉ một năm sau khi lên Edo, sức khỏe Koan suy sụp và ông qua đời khi mới 54 tuổi.
Đã gần 200 năm trôi qua nhưng toà nhà vốn là ngôi trường tư thục của Koan hiện nay vẫn còn. Nó nằm ở quận trung tâm của thành phố Osaka. Nơi đây vốn là một ngôi nhà dân bình thường có ba tầng lầu và không có sân vui chơi thể thao. Tầng hai, vừa là nơi học sinh ngủ, vừa làm phòng học. Học sinh ở đây đã phải học tập và sinh hoạt trong cảnh chật chội suốt thời gian dài.
Những kỉ niệm về ngôi trường sau này đã được Fukuzawa Yukichi ghi lại trong hồi kí: “Cứ mở mắt dậy là đọc sách vì thế trong thời gian ở Tekijuku chưa bao giờ có chuyện được gối đầu. Buổi tối thường ngủ ngay cạnh bên bàn”. Đọc những dòng này có lẽ chúng ta sẽ phần nào hiểu được lòng nhiệt tình và hoài bão của một thế hệ thầy và trò trong ngôi trường Tekijuku và của người Nhật thời kỳ Duy tân ngày ấy.
YOSHIDA SHOIN (1830-1859): NGƯỜI THẦY MANG CHÍ LỚN
Khi nói tới lịch sử Nhật Bản thời Minh Trị, người ta không thể không nhắc đến các nhân vật lịch sử như Takasugi Shinsaku, Kido Takayoshi, Yamagata Aritomo, Ito Hirobumi… những nhân vật lãnh đạo xuất sắc của phong trào Minh Trị duy tân. Những nhân vật này đều xuất thân ở phiên Chosu và học chung một thầy là Yoshida Shoin. Vì thế, dù cuộc đời ngắn ngủi và không trực tiếp tham gia vào Minh Trị duy tân, người ta vẫn nói chính Yoshida Shoin là người đã lãnh đạo phong trào thông qua các học trò.
Shoin ngay từ nhỏ đã tỏ rõ là người ưu tú với tư chất đặc biệt. Khi 12, 13 tuổi ông đã tiến hành giảng bài trước mặt phiên chủ. Biết được sự thất bại của Trung Quốc trước các “liệt cường” phương Tây trong cuộc chiến tranh thuốc phiện, ông cảm nhận được thời thế đã thay đổi. Vì thế, vào năm 1850 ông đến Kyushu để học về quân sự phương Tây. Sau đó ông lên Edo (Tokyo) rồi cùng bạn thân đến học ở vùng Đông Bắc Nhật Bản.
Năm 1853, khi Perry đưa thuyền chiến đến Nhật Bản, Shoin cùng với thầy dạy Sakuma Shozan đã quan sát tận mắt và vô cùng sửng sốt trước sức mạnh của nền văn minh Mĩ. Ông nhận thức được rằng Nhật Bản nếu không thay đổi chắc chắn sẽ có số phận như Trung Quốc. Khác với người thầy chỉ tìm hiểu văn minh phương Tây qua sách vở, Shoin quyết chí ra nước ngoài tìm hiểu nền văn minh phương Tây.
Nghe tin có tàu của Nga đến Nagasaki, ông và bạn vội vàng đến nơi nhưng tàu đã nhổ neo. Kế hoạch xuất ngoại đầu tiên thất bại. Vào thời bấy giờ trốn ra nước ngoài là hành động bị Mạc phủ khép vào trọng tội nhưng bất chấp nguy hiểm, Shoin vẫn tiếp tục kế hoạch rời Nhật Bản.
Năm 1854, Perry lại đến Nhật Bản lần thứ hai. Shoin cùng với hai người bạn thân tích cực chuẩn bị xuất ngoại. Shoin đề nghị Perry giúp đỡ. Tuy nhiên lúc đó Perry đang trong quá trình thương lượng với Mạc phủ và không muốn làm mất lòng Mạc phủ nên từ chối. Kế hoạch trốn đi nước ngoài không thành, Shoin tự thú với Mạc phủ. Perry, khi nghe tin Mạc Phủ phạt Shoin và bạn, đã đưa ra yêu cầu giảm nhẹ. Một số chức dịch cao cấp của Mạc phủ cũng phản đối tử hình Shoin vì thế ông chỉ bị ném vào ngục. Sakuma Shozan, thầy dạy của Shoin cũng bị bỏ tù vì liên đới.
Ý chí và hành động của Shoin và bạn ở vào thời điểm đó ít có người đồng cảm. Nhật Bản đương thời còn đang ở vào thời kì “Tỏa quốc”. Người Nhật Bản khi ấy không biết nhiều về văn minh phương Tây. Những chức dịch của Mạc phủ khi được Perry đưa lên tàu và mời rượu vang đã kinh hãi vì nghĩ rằng người Tây Dương dã man uống cả máu người.
Nhà văn người Anh Robert Louis Balfour Stevenson (1850-1894) trong cuốn sách có tựa đề “Familiar Studies of Men and Books” có dành hẳn một chương viết về Yoshida Shoin. Trong tác phẩm này nhà văn Stevenson đặc biệt tập trung khắc họa cảnh Shoin và bạn trong đêm tối dùng chiếc thuyền nhỏ lướt trên mặt biển cuộn sóng dữ dội để cập vào chiến hạm của Perry với ý định bí mật lên đường sang Mĩ. Cuốn sách cũng giúp người đọc hiểu thêm về cuộc đời cũng như tư tưởng vượt thời đại của Shoin.
Trong thời gian ở tù, Shoin bị Mạc phủ giam chung với tội phạm giết người, trộm cướp nhưng bằng tài năng và nhân cách của mình ông đã cảm hóa được họ. Sau khi mãn hạn tù Shoin mở một ngôi trường tư lấy tên “Matsu Son Juku” và nỗ lực đào tạo học trò. Những học trò của Shoin có tư tưởng phản đối Mạc phủ ký các điều ước bất bình đẳng với nước ngoài. Shoin cũng lên tiếng chỉ trích Mạc phủ, coi Mạc phủ là lực cản của Nhật Bản và không che giấu ý chí lật đổ Mạc phủ. Lo sợ trước ảnh hưởng của Shoin và những người đồng chí, Mạc phủ đã tiến hành đàn áp dữ dội vào năm 1858. Trong cuộc đàn áp lớn này, Shoin bị bắt và sau đó bị xử tử.
Yoshida Shoin chết khi mới 29 tuổi nhưng với tư cách là nhà tư tưởng ông đã để lại rất nhiều trước tác. Những học trò do ông trực tiếp dạy dỗ về sau cũng trở thành các nhà lãnh đạo của phong trào Duy tân đánh đổ Mạc phủ và đưa Nhật Bản vào con đường hiện đại hóa. Ngày nay, khi bạn đến thăm thành phố Hagi ở tỉnh Yamaguchi, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy căn phòng nơi Shoin đã từng sống. Ở đây bạn sẽ được nghe người dân trong vùng nhắc lại những câu nói nổi tiếng của Shoin: “Để lập chí đừng sợ khác người”, “Trăm năm cũng chỉ là chớp mắt”, “Có chí vạn sự khắc thành”…
FUKUZAWA YUKICHI (1835-1901): “VOLTAIRE” CỦA NHẬT BẢN
Fukuzawa sinh năm 1835 tại Osaka. Ông là con trai thứ trong gia đình võ sĩ bậc thấp Fukuzawa Momosuke ở phiên Nakatsu. Một năm sau ngày cha ông mất, mẹ ông đưa các con về quê hương Nakatsu nhưng do đã sống một thời gian dài ở Osaka nên ông không quen với cuộc sống ở Nakatsu.
Xã hội Nhật Bản đương thời phân chia địa vị “sĩ, nông, công, thương” rất ngặt nghèo. Ngay trong giới võ sĩ cũng phân làm võ sĩ lớp trên và võ sĩ lớp dưới. Bởi thế con cái của giới võ sĩ mặc dù chơi đùa cùng nhau nhưng vẫn phân biệt thứ bậc. Fukuzawa Yukichi xuất thân trong gia đình võ sĩ lớp dưới nên ông cảm nhận rõ sự phân biệt đối xử ngay từ nhỏ. Điều này làm ông sớm căm ghét chế độ phong kiến cùng những tôn ti thứ bậc đi kèm.
Lên 5 tuổi, Fukuzawa Yukichi được cha mẹ cho đi học chữ Hán nhưng nghe theo lời khuyên của anh trai ông khăn gói đến Nagasaki học Hà Lan học trong một năm. Chỉ một thời gian sau nhờ chăm chỉ học tập Fukuzawa Yukichi đã có thể đọc được các sách viết bằng tiếng Hà Lan. Sau một năm ở Nagasaki, ông đến Osaka và vào học trường tư của học giả Ogata Koan (nhân vật đầu bài). Tại ngôi trường này Fukuzawa Yukichi đã học Hà Lan học dưới sự chỉ dạy của Koan trong vòng ba năm.
Ogakata Koan không chỉ dạy y khoa mà dạy tất cả các môn khoa học của phương Tây thông qua dạy tiếng Hà Lan. Nhờ học giỏi toàn diện các môn học như y học, dược học, vật lý học và tỏ rõ khả năng lãnh đạo, sau một năm nhập học, Fukuzawa Yukichi được bầu làm trưởng tràng đứng đầu 80 học sinh trong trường.
Năm 1858, nhận lời mời của vị quản gia phiên Nakatsu, ông lên Edo (nay là Tokyo) mở trường dạy Hà Lan học. Số học sinh khóa đầu tiên của trường có 10 người. Đây chính là tiền thân của trường Khánh Ứng Nghĩa Thục (Keio Gijuku) sau này.
Một ngày nọ, Fukuzawa Yukichi đi ra ngoài ngắm hàng hóa bày trong các cửa hàng của người nước ngoài mở ở Yokohama. Trên đường đi, ông gặp nhiều người nước ngoài đang trò chuyện. Vốn nghĩ mình có thể hiểu được tiếng Hà Lan, ông vô cùng sửng sốt khi nhận ra ông không thể hiểu được những người nước ngoài ở xung quanh nói gì. Ông thử dùng tiếng Hà Lan để nói chuyện với họ nhưng những người nước ngoài ngơ ngác. Sự thể làm ông kinh ngạc. Qua dò hỏi ông biết thứ ngôn ngữ mà người nước ngoài ở đây dùng là tiếng Anh. Từ đó ông cấp tốc tập trung học tiếng Anh.
Dịp may đã đến, khi vào năm 1860 Mạc phủ cử một phái đoàn sang Mĩ để trao đổi về văn bản chính thức mang tên “Hiệp ước hữu hảo thông thương Nhật- Mĩ”. Phái đoàn đi bằng tàu mang tên Pohatan nhưng đi kèm còn có một quân hạm khác 00do Mạc phủ mua từ Hà Lan có tên Kanrinmaru. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để đi ra thế giới quan sát và học tiếng Anh, Fukuzawa Yukichi đã thỉnh cầu thuyền trưởng và được chấp nhận lên tàu với tư cách thuyền viên. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển khơi, cuối cùng đến ngày 26 tháng 2 năm 1861, Kanrinmaru cũng cập bến, đây là chuyến đi vượt Thái Bình Dương đầu tiên của người Nhật.
Trong hai tháng ở San Francisco, Fukuzawa Yukichi đã được người Mĩ tiếp đón, đưa đi thăm nhiều nơi, khám phá nhiều điều mới lạ. Những điều Fukuzawa Yukichi chứng kiến ở Mĩ khác xa với những gì ở Nhật khiến ông vô cùng kinh ngạc. Trong tác phẩm hồi kí “Phúc Ông tự truyện”, ông đã ghi lại những điều làm ông sửng sốt như: nền phòng trải thảm lộng lẫy, nước uống được rót vào cốc, người Mĩ có thói quen đi dép trong phòng, tiếng nổ của rượu sâm banh khi mở nút chai.
Điều làm cho Fukuzawa Yukichi ngạc nhiên không phải chỉ là đồ ăn, thức uống mà cả những chuyện như tập quán nam trả tiền cho nữ, nam cầm tay nữ khi khiêu vũ cũng làm ông ngạc nhiên đến choáng váng vì nó khác xa những tập quán ở xã hội Nhật Bản đương thời.
Từ năm 1861 đến 1862, với tư cách là thành viên phiên dịch cho sứ đoàn Mạc phủ ông đã chu du khắp sáu nước Pháp, Anh, Hà Lan, Nga, Bồ Đào Nha, Phổ trong sáu tháng. Trong thời gian này, ông tận mắt tham quan, học tập các bảo tàng, bệnh viện, trường học, nhà ga, các thiết bị quân sự của các nước.
Năm năm sau (1867), trong vai trò là một thành viên của sứ đoàn ngoại giao của Mạc phủ ông lại đến Mĩ lần nữa. Lần này ông không chỉ đến San Francisco mà còn đến New York, Washington. Ông mua rất nhiều sách và người ta nói rằng những sách đó sau này là các cuốn sách ông cho học sinh trường Khánh Ứng Nghĩa Thục đọc.
Chứng kiến sự giàu có văn minh của Mĩ và các nước châu Âu, trở về Nhật Bản, Fukuzawa Yukichi quyết chí tiến hành các hoạt động khai sáng, mở mang dân trí thúc đẩy quá trình hiện đại hóa Nhật Bản. Năm 1868 ông đổi tên trường học ở Edo (Tokyo) thành Khánh Ứng Nghĩa Thục. Ông cũng là người lập ra tờ “Thời sự tân báo” và viết rất nhiều sách. Những cuốn sách ông viết như “Tây Dương sự tình” (1867), “Thế giới quốc tận” (1869), “Vạn quốc lịch sử”… đã trở thành các cuốn sách bán chạy đương thời và được dùng như sách giáo khoa trong trường học. Trong số các cuốn sách của Fukuzawa Yukichi, nổi tiếng và có sức ảnh hưởng vang dội nhất có lẽ là cuốn “Khuyến học”.
Cuốn sách này được phát hành tới mấy chục vạn bản, được bán hết một cách nhanh chóng và người ta đồn rằng đương thời còn có rất nhiều bản in lậu, in giả. Cũng chính trong tác phẩm này ông đã viết những câu nổi tiếng: “Trời không tạo ra người ở trên người, trời cũng không tạo ra người ở dưới người”. Câu nói chứa đựng tư tưởng về sự bình đẳng này được cho rằng xuất phát từ Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ.
Trong “Khuyến học” ông cho rằng “hiền nhân” và “ngu nhân” khác nhau là do học hành. Vì thế học hành là vô cùng quan trọng. Fukuzawa Yukichi cho rằng học vấn và giáo dục không phải là thứ vì nhà nước mà là thứ vì sự lập thân của cá nhân.
Năm 1885, Fukuzawa Yukichi công bố “Thoát Á luận” trên báo. Trong luận văn này ông viết: “Tinh thần của quốc dân Nhật trước đó đã đạt trình độ văn minh phương Tây nhưng Thanh và Triều Tiên thì lạc hậu trước văn minh hóa vì thế Nhật Bản không có thời giờ rảnh rỗi để chờ đợi hai nước văn minh hóa và cùng làm cho châu Á phồn vinh. Chúng ta không cần phải bắt tay những người bạn xấu là Thanh và Triều Tiên mà hãy tiếp cận với Thanh và Triều Tiên trong tư cách là một thành viên của các nước văn minh phương Tây”.
Tiếp theo, vào năm 1894, khi cuộc chiến tranh Nhật – Thanh nổ ra, ông có viết trên báo rằng “Cuộc chiến tranh Nhật – Thanh là cuộc chiến tranh giữa văn minh và dã man”. Ông viết: “Chiến tranh mặc dù xảy ra giữa hai nước Nhật – Thanh nhưng căn nguyên của nó là cuộc chiến giữa người nhắm tới tiến bộ văn minh khai hóa và kẻ ngăn cản tiến bộ chứ không phải cuộc chiến tranh giữa nước này với nước kia. Người Nhật đối với người Trung Quốc không hề có ý căm ghét hay thù địch. Tuy nhiên họ khi nhìn sự tiến bộ của văn minh hóa đã không chỉ không cảm thấy hạnh phúc mà ngược lại còn phản kháng, nhằm ngăn cản sự tiến bộ vì thế chiến tranh trở thành không tránh khỏi”.
Những luận điểm này của ông về sau đã bị chính người Nhật chỉ trích và những người châu Á khác phản đối. Những nhận xét của ông về người châu Phi trong tác phẩm “Thế giới quốc tận” thậm chí đã tạo ra các ý kiến phê bình gay gắt sau này.
Dẫu vậy, với những đóng góp to lớn cho nước Nhật trên nhiều lĩnh vực: chính trị, văn hóa, giáo dục… ông được người Nhật yêu mến, kính trọng gọi là “Voltaire” của Nhật Bản. Chân dung của ông từng được in trên tờ giấy bạc một vạn Yên, tờ tiền giấy có mệnh giá lớn nhất trong hệ thống tiền tệ Nhật Bản hiện nay.