Lễ hội Okombok là một trong ba lễ hội lớn của người Khmer ở Nam bộ gồm những hoạt động như: Cúng trăng, Okombok, thả đèn hoa đăng và đua ghe ngo…
Nguồn gốc của “ombok”
Ngày xưa, người Khmer ở Nam bộ canh tác một năm chỉ một vụ lúa mùa, cho đến những thập niên cuối của thế kỷ XX mới xuất hiện giống lúa thần nông ngắn ngày (từ lúc gieo giống đến khi gặt chỉ từ 100 đến 150 ngày). Khi vào cuối vụ, người Việt thường gọi là giáp hạt, còn người Khmer gọi là “khe om not” (tháng đói). Vào thời gian này người Khmer thường gặp rất nhiều khó khăn trong lương thực, nên họ mới tìm ra loại giống ngắn ngày hơn để giải quyết nạn đói, như giống lúa “sà quay” chẳng hạn.
Giống lúa này chín vào khoảng tháng 10 âm lịch (theo lịch người Việt), tuy nhiên lúc ấy lúa ngoài đồng chưa chín hẳn còn gạo trong nhà thì đã hết, người Khmer mới nghĩ ra cách làm cho lúa non có thể giã được bằng chày với cối bằng cách rang lúa cho khô rồi mới giã. Mãi đến thập niên 80 của thế kỷ XX, người Khmer vẫn rang lúa để giã lấy gạo.
Lúa ngoài đồng được đem về “ben” (tiếng Việt gọi là đạp) thành lúa hạt rồi đem đi rang. Rang đến khi hạt lúa trong chảo vừa nổ thì cho vào cối “bok” (giã). Trong lúc đó, có hạt lúa còn quá non không đủ cứng để tróc vỏ thành hạt gạo mà bị bể, dẹp, nhưng khi ăn vào ta lại thấy có mùi thơm rất ngon. Món “Ombok” được tình cờ phát hiện như thế.
Khi đã tìm ra một món ăn lạ và ngon như ombok, người ta mới nghĩ ra việc cúng kiến đến vị thần nào đó, mà thần mặt trăng là một trong những mục tiêu lựa chọn. Khác với lễ hội tôn giáo thông thường với mục đích cuối cùng là mong ước dành dụm phước báu. Trong lễ hội Okombok, người Khmer cầu mong có nhiều của cải, vật chất, vàng bạc, ngọc ngà châu báu, để cuộc sống ấm no hơn, tươi đẹp hơn.
Tôi xin nêu truyền thuyết về chú thỏ Bồ tát mà các lục Achar trước khi tổ chức Okombok hay kể cho các em nhỏ:
Thuở xa xưa, có một chú thỏ Bồ tát rất thích thú với vầng trăng. Cậu ta mơ ước mình được lên ở trên cung trăng. Vào ngày rằm nọ, chú thỏ ngước nhìn ánh trăng và ao ước: “làm thế nào để mình được lên tận cung trăng được, ở đó có lẽ vui lắm”. Tình cờ lúc đó, Ngọc Hoàng đã phát hiện ra nguyện vọng của chú thỏ nhưng ngài cũng phải thử xem chú thỏ này có tấm lòng ra sao. Ngọc Hoàng bèn hóa thân thành một ngài đạo sĩ đang trong cảnh đói khát, nếu không có gì ăn sẽ chết đói và xuất hiện trước mặt thỏ Bồ tát. Chú thỏ Bồ tát có lòng vị tha thích giúp đỡ mọi người chẳng màng đến tính mạng của mình, bèn nghĩ ra cách để cứu sống Ngài đạo sĩ mặc cho bản thân mình hy sinh chỉ với mong muốn kiếp sau được đầu thai trên cung trăng. Nghĩ xong chú thỏ Bồ tát liền nhảy vào đống lửa cạnh đó để tự thiêu, nguyện để có thịt cho Ngài đạo sĩ ăn mà Ngài không phải mang tội sát sinh. Ngọc Hoàng rất bất ngờ và xúc động về hành động cao cả của chú thỏ nên người ra lệnh cho quân thần khắc hình con thỏ trên cung trăng theo mong ước của chú thỏ Bồ tát. Từ đó về sau, mỗi khi trăng xuất hiện, vầng trăng to dần thì luôn hiện hình con thỏ trên cung trăng làm cho các em nhỏ tò mò thắc mắc và tràn đầy thích thú.
Chú thỏ Bồ tát ấy là tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca
Trong dân gian còn lưu lại truyền thuyết về mặt trăng như sau: Ngày xửa ngày xưa các thần mưa, thần gió, thần mặt trời và thần mặt trăng là anh em một nhà. Tuy là anh em nhưng các thần mưa, thần gió, thần mặt trời có tính khí hung hăng khác thường. Thần mưa làm cho con người bị lũ lụt, khổ cực.
Thần gió gây ra giông bão làm cho con người tan nhà nát cửa. Thần mặt trời làm cho con người oi bức, nóng nực. Duy chỉ có thần mặt trăng là có tính tình ôn hoà, mát dịu. Những đêm trăng sáng, ánh sáng mát dịu của trăng làm cho các em nhỏ thích thú vui đùa dưới ánh trăng cho nên các em rất yêu thích Thần mặt trăng.
Truyền thuyết này có lẽ đã tác động đến tiềm thức của các em từ lúc còn nhỏ, sau này lớn lên sẽ làm việc gì đó để cho lớp trẻ vui vẻ với ánh trăng như niềm khao khát của mình thuở nhỏ. Phải chăng đó là nguồn gốc ra đời của lễ hội cúng trăng ngày nay? Lẽ dĩ nhiên, ban đầu chỉ là lễ cúng trăng đơn sơ, về sau khi nhà nước quan tâm, giúp đỡ thì quy mô mới lớn hơn và hoành tráng như ngày nay.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG DIỄN RA TRONG LỄ HỘI
1. Cúng trăng
Vào ngày rằm tháng kaddâk (tháng 10 âm lịch người Việt), mọi người chuẩn bị ombok, hoa quả, trái cây, đồ cúng, vật cúng rồi thông báo cho các em thiếu nhi biết để tập trung về một nơi có sân rộng rãi để tổ chức lễ hội. Họ làm “rean tê va da” (giàn thiên) rồi bày các đồ cúng, vật cúng như: sla thor, baysây, dừa tươi, chuối chín, trái cây nhiều thứ, đặc biệt là phải có ombok (cốm dẹp), trống, cồng, nhang, đèn, rồi mọi người chờ đến khi trăng mọc.
Khi trăng mọc lên khỏi ngọn cây, có người hô lên: Trăng đã mọc rồi! Liền đó ba hồi trống cồng vang lên, mọi người bắt đầu làm thủ tục cúng trăng. Câu đầu tiên người ta đọc cung thỉnh đức Chí Tôn rồi đọc câu cung thỉnh mặt trăng: Chúng tôi cung thỉnh mặt Trăng với những lễ vật được bày trí ở đây, mong cho mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, người dân được mùa, mọi người được ấm no, hạnh phúc, niềm vui đến với mọi nhà”.
Mọi người cùng nói: Sadhu (lành thay) ba lần.
2. Okombok
Sau lễ cúng trăng là okombok (ăn cốm dẹp). Các cụ tập hợp các em nhỏ lại và bắt đầu tổ chức đút cốm dẹp, thông thường thì đút cho những em nhỏ nhất trong tốp để xem bọn trẻ có phản ứng ra sao, đương nhiên các cụ cũng hướng dẫn cách nói trước cho các em. Người chủ trì đút cốm dẹp chọn một em nhỏ nhất và đút trước, khi trong miệng đã có cốm dẹp thì cho các em nói về nguyện vọng của mình trong buổi lễ hôm nay, có em nói con muốn có ngọc ngà, châu báu, vàng bạc, nhà cao cửa rộng, của cải đầy nhà. Có em ngây thơ hơn nói con muốn có một cặp trâu để cưỡi, một chiếc máy đuôi tôm để chạy dưới sông, có ruộng nhiều… tất cả những mơ ước đó là nhu cầu cuộc sống của mỗi con người. Còn các em lớn thì có cách suy nghĩ chững chạc hơn như muốn cha mẹ sum vầy, gia đình hạnh phúc, anh em hòa thuận, đời sống có của ăn của để, không bệnh tật… Xem ra tất cả đều là những ước nguyện chính đáng của con người.
Xong phần thủ tục okombok, các em nhỏ cùng nhau vui đùa hoặc chơi các trò chơi dân gian như dấu khăn, kéo co, chap kôn khleeng…. Người lớn thì họp nhau uống trà, kể chuyện cổ tích hoặc bàn tán việc làm ăn đến khuya thì nhà ai nấy về.
3. Thả đèn hoa đăng
Người ta làm chiếc “protip” để thả theo dòng nước gọi là “lôi protip” (thả đèn hoa đăng) mang theo đồ cúng, nhang, đèn, bánh trái nhằm gởi đến những người thân đã khuất ở bên kia thế giới.
Tiếp đó mọi người cùng thả đèn hoa đăng trôi theo dòng nước lung linh.
Tục “lôi protip” này đã phát triển thành “tuk phka” (ghe bông), hằng năm có tổ chức thi ở Gò Quao, Kiên Giang, mãi về sau, ghe bông đã xuống cấp không còn tham gia thi đấu, thay vào đó là các bè thủy lục như hiện nay.
4. Đua ghe ngo
Đua ghe ngo là môn thể thao đặc sắc của người Khmer ở Nam bộ. Lễ hội Okombok thật ra tổ chức chỉ có một ngày là vào ngày rằm, nhưng do có thi đấu ghe ngo nên hiện nay lễ hội này kéo dài đến 3 ngày mới thực hiện hết các thủ tục thi đấu ghe ngo của mỗi lần diễn ra lễ hội.
Ngày xưa, việc thi đấu ghe ngo không tổ chức giải như hiện nay và chỉ thi đấu khi có sự thách đấu của các chùa với nhau. Họ quy định trong thi đấu là chỉ khi nào chiếc ghe vượt lên hết một thân ghe thì mới được xem là thắng cuộc và đường đua thì rất dài không có khoảng cách như hiện nay. Đối với những chùa trực thuộc Hòa thượng, khi thi đấu với nhau thì ghe của chùa trực thuộc đó phải biết lễ nghĩa, tức là chỉ được hòa chứ không được thắng ghe của chùa Hòa thượng để tỏ lòng kính trọng. Lễ hội Okombok là lễ hội mang tính dân gian rõ nét nhất, là lễ hội chỉ có trong đồng bào Khmer ở Nam bộ và ở Campuchia. Có thể nói lễ hội này là mốc thời gian cao điểm hoạt động thể thao dân tộc của đồng bào Khmer ở Nam bộ. Trong quá trình phát triển của mình, lễ hội Okombok đã vượt ra khỏi phum srok, chùa chiền của người Khmer và mang tầm khu vực ở Việt Nam, tầm quốc gia như ở Campuchia. Lễ hội đã tập hợp lượng người tham gia lớn nhất trong đồng bào Khmer ở Nam bộ là do có cuộc thi đấu thể thao đua ghe ngo rất đặc sắc.
Lễ hội diễn ra đã thu hút rất đông người dân địa phương tham gia, làm cho lễ hội Okombok không còn là lễ hội riêng của người Khmer nữa mà nó là lễ hội chung của các dân tộc tại địa phương.