Tu viện Vĩnh Nghiêm: Hương xưa còn đọng đất này (Thượng tọa Thích Giác Dũng)

 

GIAN NAN LÚC KHỞI ĐẦU

Câu chuyện bắt đầu từ một địa danh đã thuộc về dĩ vãng tuy thời gian chưa đi qua một kiếp người: Xã Tân Thới Hiệp, tổng Bình Thạnh Trung, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 12, TP.HCM). Nơi đây, Hòa thượng Thích Tâm Giác (1917-1973) đã mua 12 hecta (120.000m2) để xây dựng tu viện và làm nghĩa trang Vĩnh Nghiêm. Công việc đang tiến hành, vô thường chợt đến, ngày 20/10 năm Quý Sửu (14/11/1973), Hòa thượng viên tịch. Thể theo di nguyện của Ngài, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000), đồng khai sơn và Trụ trì đời thứ hai của Tổ đình Vĩnh Nghiêm, đã an táng và xây dựng lăng mộ cúng dường  Ngài tại vị trí đầu khu đất (ngày nay thuộc góc đường HT 31 và Lê Văn Khương).

 

Năm tháng qua mau, vật đổi sao dời, sau năm 1975, chính quyền địa phương (bây giờ gọi là xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn) trưng dụng phần lớn khu đất của chùa để thành lập hợp tác xã nông nghiệp, làm trường Tiểu học Nguyễn Trãi, trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản, Phòng Giáo dục Quận 12, chỉ để lại cho chùa 20.000m2. Trong đó, 4000m2 được dùng để canh tác lấy hoa lợi mua nhang đèn cúng Phật, còn 16.000m2 chia đều cho 16 nhân khẩu lúc bấy giờ của chùa Vĩnh Nghiêm.

 

Sau năm 1975 là thời gian khó khăn. Không phải khó khăn mà cực kỳ khó khăn, cực kỳ gian khổ của đất nước và dân tộc. Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian khổ đó, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm cùng các đệ tử đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm với mảnh đất. Hằng ngày, Ngài cùng các đệ tử đạp xe từ chùa Vĩnh Nghiêm lên đây (khoảng 14km) để cuốc đất trồng rau. Đường ngày xưa là đường đất, nếu nói gian khó hơn đường vào đất Thục thì hơi cường điệu nhưng chắc chắn ổ gà và ổ voi thì không thua gì đường vào Ba Thục. Thỉnh thoảng mệt quá, thầy trò nghỉ đêm lại niệm Phật đường (tòa nhà này được xây năm 1951, khi Hòa thượng Tâm Giác mua đã có). Một hôm trên đường về, đệ tử chở Hòa thượng bằng xe đạp, chạy một hồi sao bỗng thấy nhẹ quá, quay lại thì không thấy Ngài đâu hết. Đệ tử quay đầu xe lại tìm và phải chạy một hồi thật xa mới thấy Hòa thượng đang ngồi bệt dưới đất! Hỏi ra mới biết, xe chạy qua ổ gà bị xốc, hất văng Hòa thượng xuống đất. Một phần vì cuốc đất cả ngày mệt quá, một phần vì đói, một phần vì đau nên Hòa thượng không còn hơi sức đâu mà kêu với than! Hôm nay, hằng ngày chạy qua cung đường này, nghĩ đến tình cảnh khi xưa của Thầy Tổ, tự nhiên đôi mắt cay cay.

 

Cũng trong thời gian này, tháng 1 năm 1978 Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và Hòa thượng Thích Thanh Lương (tỉnh Nam Định) là hai vị Tăng sĩ đầu tiên từ đất Bắc vào Nam thăm Tổ đình Vĩnh Nghiêm kể từ ngày đất nước thống nhất. Hòa thượng Bảo Nghiêm cùng Hòa thượng Thanh Lương cũng có một tuần lễ canh tác trên mảnh đất của Tu viện. Hòa thượng Bảo Nghiêm kể lại: “Sáng ăn vài bát ngô (bắp) xong đạp xe cùng với Hòa thượng Thanh Kiểm lên cuốc đất trồng rau. Trưa ăn qua loa bát mì hay củ khoai xong cuốc đất tới chiều lại đạp xe về”. Hai vị cũng có khoảng một tuần trải nghiệm “Nông thiền” cùng Hòa thượng Thanh Kiểm trên mảnh đất này. Còn Hòa thượng Thanh Kiểm thì ròng rã hơn 5 năm!

 

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Khó khăn theo năm tháng ra đi. Đất nước bước vào vận hội mới, hòa nhập kinh tế thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm lại trở về thư phòng bên nghiên mực, lặng lẽ dịch từng trang kinh Phật, thổi hương thơm vào đời nuôi dưỡng tâm hoa bao thế hệ, thắp sáng ngọn đèn trí tuệ soi đường bao kẻ cùng tử tha phương! Còn mảnh đất đã in bao dấu ấn năm xưa, Ngài trao lại cho thế hệ sau. Một lần nữa, đất và người tiếp tục viết nên bao kỷ niệm buồn vui. Thầy Thanh Phong (Trụ trì đời thứ ba của Tổ đình Vĩnh Nghiêm), thầy Đức Thiện (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự  – Giáo hội Phật giáo Việt Nam ), thầy Giác Hiệp (Ủy viên Hội đồng Trị sự – Giáo hội Phật giáo Việt Nam), thầy Nguyên Thành (Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên), thầy Chiếu Tạng (Trụ trì chốn Tổ Trung Hậu, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam  Thành phố Hà Nội), thầy Thiện Hiền, thầy Chiếu Đăng, thầy Nguyên Chân, thầy Nguyên Đạo, thầy Nguyên Cao, thầy Tâm Đạt,… bắt đầu trồng cây gây rừng.

 

Hằng ngày, thầy Thanh Phong phải chạy xe gắn máy lên Trảng Bom mua cây giống  về  trồng. Vì xe đã xuống cấp nên mỗi lần đi Thầy phải mua một miếng đá lạnh gói vào một cái khăn, áp vào máy cho mát máy để chạy, lúc về cũng vậy. Ngày ấy chưa có điện, nước nên các huynh đệ phải tự đào giếng xong kéo nước giếng lên tưới cây. Trồng, tưới được đầu này thì chết đầu kia. Ban trưa ở lại thì lấy nước giếng đọng lại trong các lu nước của niệm Phật đường để nấu mì. Cứ như vậy, xoay đi vần lại, phải mấy năm trời mới phủ xanh được mảnh đất 20.000m2 khi xưa. Hòa thượng Thích Thanh Kiểm một lần nữa xin xây dựng tu viện. Công việc đang tiến hành thì ngày 30/12/2000 (mùng 5 tháng Chạp năm Canh Tý) Ngài viên tịch. Kế tiếp đèn Thiền, thực hiện di nguyện của Thầy Tổ, thầy Thanh Phong lại tiếp tục hoàn thiện các thủ tục xây dựng cho đến năm 2009 thì được cấp giấy phép. Cũng trong năm này, sau hơn 15 năm du học ở Nhật, tôi về nước và được Tổ đình giao trách nhiệm trông coi việc xây dựng Tu viện. Thầy Thanh Phong và tôi trao đổi rất nhiều vấn đề về việc xây dựng: danh xưng, quy mô, chức năng,… Cuối cùng, chúng tôi thống nhất lấy tên gọi Tu viện Vĩnh Nghiêm để đền đáp công ơn của Thầy Tổ, thống nhất xây dựng một ngôi tự viện mang dấu ấn văn hóa Đại Việt. Nghe thì thật vang nhưng tôi nghĩ bản thân mình sẽ không bao giờ làm được vì không có kinh phí và khu đất quá lớn. Sau khi mở đường, khu đất còn lại thực tế 17.000m2 thuộc phường Hiệp Thành, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhân duyên hi hữu: Đang lo vẽ sơ đồ, bố trí các công trình xây dựng thì một hôm thầy Thanh Phong cho hay anh Phan Anh Dũng phát tâm cúng một số kinh phí mua nguyên liệu để dựng Phật điện.

 

KỲ CÔNG VÀ TÂM HUYẾT

Ngày 26/9/2009 (8/8/Kỷ Sửu) khởi công. Số tiền khi xưa Nhà nước đền bù cho Tổ đình để di dời cổng Tam quan, thầy Thanh Phong giao hết cho tôi xây dựng Tu viện, vừa xây được nền móng giảng đường cùng trai đường thì hết tiền. Tôi bèn vác túi đi xin. Xin không được lại đi mượn, mượn những người bạn thân thiết trong Đạo lẫn ngoài đời nhưng mượn cũng không xong. Thế là công trình phải mất hai năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”!

 

Cuộc đời tôi sinh ra không phải dưới một ngôi sao tốt hay ngôi sao xấu mà sinh đúng  chữ Duyên: Chữ Duyên trong Nhân duyên của nhà Phật. Năm 2012, mẹ tôi qua đời. Trước khi ra đi, mẹ tiến cúng toàn bộ tài sản để xây dựng Tu  viện, và theo lời dặn dò của mẹ, các anh, em của tôi mỗi người một tay, góp công góp của để tiếp tục công việc xây dựng cho tới khi hoàn thành. Lần tái khởi động này cũng được sự tiến cúng của chư Tăng, Ni và Phật tử gần xa nên Tu viện được hoàn thành mỹ mãn như ngày nay. Viết tới đây, tôi càng nhớ thương sư huynh tôi. Năm 10 tuổi tôi vào cửa Không tập sự, ba năm sau thế sự thăng trầm, Thầy tôi đi xa, sư huynh đã  cưu mang và mớm cho tôi từng con chữ. Chữ nghĩa tôi có được ngày hôm nay phần nhiều là do sư huynh chỉ dạy hơn 40 năm trước. Khi xây dựng Tu viện, biết tôi gặp khó khăn, đi mượn nhưng không được, phải ngưng thi công trong vòng hai năm; thế là, cứ vài tháng, dành dụm được bao nhiêu sư huynh lại mang lên cho tôi xây dựng Tu viện. Đều đặn như thế cho tới ngày Tu viện hoàn thành.

 

Với mong muốn tạo nên một công trình văn hóa – tâm linh lưu lại muôn đời, ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của đồng bằng sông Hồng, vừa uy nghi vừa tinh tế. Công trình được thực hiện tỉ mỉ, chu đáo với những hoa văn chạm trổ đậm nét truyền thống, như: mai, lan, cúc, trúc, long, lân, quy, phụng,… nhưng vẫn phải toát  lên nét hiện đại. Ví như hình ảnh “phi thiên” vốn phổ biến ở nhiều di tích dọc con đường tơ lụa, mang dấu ấn văn hóa Trung – Ấn nhưng trong công trình Tu viện Vĩnh Nghiêm lại được chạm trổ theo khuôn mặt Việt Nam và mặc áo tứ thân. Các bức tượng cũng được chế tác trong nước bởi bàn tay người thợ Việt, dù kinh phí có cao hơn những nơi khác. Tôi hằng mong mỏi tạo ra ngôi chùa thuần Việt và do chính người Việt tạo nên. Năm năm, mười năm hay trăm, nghìn năm sau, chắc chắn những người dân Việt sẽ mãi tự hào về công trình văn hóa Phật giáo mang tâm hồn Việt.

 

Những hoành phi, câu đối cũng được cân nhắc kỹ lưỡng giữa chữ Hán và chữ Việt, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa đa số và thiểu số… Với mong muốn “văn dĩ tải đạo”, chữ Việt được lựa chọn. Bởi hiện nay, chữ Quốc ngữ đã trở thành ngôn ngữ chính thức của dân tộc và người hiểu chữ Hán giờ như sao mai buổi sớm. Hoành phi câu đối ngoài việc để trang trí còn có chức năng chuyển tải nội dung Phật pháp. Phật tử tới chùa đọc hiểu câu kinh, lời hay ý đẹp thì mới có ích trong việc tu tâm dưỡng tính. Hơn bảy trăm năm trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) đã tiên phong trong việc sử dụng chữ Nôm thông qua tác phẩm Cư Trần Lạc Đạo Phú. Những câu văn biền ngẫu của Ngài thật hay, đối rất chỉnh. Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương Di Đà là tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.

 

Lại nói đến chữ duyên. Bắt tay vào xây dựng lại, phải cần một nguồn kinh phí khá lớn. Tôi quyết định chỉ xây dựng các công trình chính như Phật điện, Tổ đường, giảng đường, trai đường,… Còn Đông đường và Tây đường (Tăng xá) sẽ thi công vào giai đoạn hai. Nhân một hôm, ngoài sân bay, tình cờ gặp Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (Chủ tịch Hội đồng Trị sự – Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Ngài dạy tôi: “Đất rộng, có điều kiện nên xây dựng Tăng xá để làm chỗ đào tạo Tăng tài, đúng với tên gọi Tu viện Vĩnh Nghiêm”. Lời Hòa thượng chỉ dạy thật vô cùng quý giá, giúp tôi có thêm động lực tiếp tục xây dựng hai dãy Tăng xá: Đông đường và Tây đường với 32 phòng ở cho chư Tăng. Khi vừa xây xong, Hòa thượng Thích Trí Quảng (Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) ghé thăm. Sau khi biết khi xưa tôi học chuyên ngành Luật học Phật giáo tại Nhật Bản, Ngài dạy nên mở khoa Luật học Phật giáo tại đây vì Luật học là ngành cần thiết cho mọi hoàn cảnh. Ngày 23/4/2020, khoa Luật học Phật giáo (tại Học viện) được thành lập và tôi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa. Khoa Luật học Phật giáo sẽ chính thức hoạt động vào tháng 12/2020 và Tăng sinh khoa này nội trú tại Tu viện (cơ sở 3 của Học viện). Viết tới đây, tôi không thể diễn tả được tất cả niềm vui của mình. Được Thầy Tổ gia hộ, chư tôn Thiền đức đương thời giáo huấn, tôi mới hoàn thành được một việc làm có ý nghĩa to lớn như vầy khi bóng đã về chiều! Từ ngày cắt bỏ mái tóc xanh đến nay đã gần 50 năm, tôi như viên bi, lăn hết cảnh chùa này sang cảnh chùa khác, lớn có nhỏ có, trong Nam có ngoài Bắc có. Do lăn lóc nhiều quá, viên bi không còn tròn trịa như xưa, không còn lăn được nữa hay vì đã đến tuổi Nhĩ thuận, không còn sức khỏe để lăn, tôi dừng chân chốn này. Có lẽ đất đã chọn người. Trên mảnh đất này, tôi cảm nhận được hương ảnh, tâm nguyện, cả mồ hôi và công sức của Thầy Tổ, của huynh đệ bao thế hệ. Tôi nhớ đến Sư phụ – Người đã đưa tôi vào Đạo, nhớ đến cha mẹ đã cho tôi vào đời, nhớ đến anh, em đã giúp tôi hoàn thành tâm nguyện của Thầy Tổ để lại. Tôi thành tâm tri ân Phật tử thập phương và bao anh em thợ đã ngày đêm xây dựng nên Tu viện này. Hương xưa vẫn đọng chốn này và sẽ nuôi dưỡng tâm hoa hậu thế.

 

Phương Ngoại am, ngày 15 tháng 11 năm 2020 (1/10 Canh Tý) Sơ đại Tu viện trưởng Giác Dũng

Chú thích:

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Giác Dũng: Trưởng khoa luật Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Trụ trì tu viện Vĩnh Nghiêm.

1. Thời đó lương thực cực kỳ thiếu thốn. Thường ngày phải độn bo bo, bột mì, khoai lang, khoai mì với cơm. Chỉ có ngày Mùng Một Tết nấu cơm trắng để cúng ông bà tổ tiên thì con cháu mới được ăn cơm không độn! Có sống trong thời gian đó, người ta mới thực sự hiểu thế nào là “Gạo châu củi quế”!

2. Sau khi mở đường, khu đất còn lại thực tế 17.000m2 thuộc phường Hiệp Thành, Quận 12, TP.HCM.

 

 

Lễ Khánh thành Tu viện Vĩnh Nghiêm
và Lễ Húy kỵ Hòa thượng khai sơn Thích Tâm Giác

Lễ chính vào lúc 9h00 ngày 04/12/2020 (20/10 Canh Tý)

———————————

Thứ Hai : 30/11/2020 (16/10/Canh Tý)

7:00 : Thượng bảng + kết giới

8:00 : Thỉnh Tổ +  Nghinh sư an vị

10:00 : Cúng Tổ biệt khoa

11:00 : Thọ trai

15:00 : Phát tấu

17:00 : Dùng cơm

18:30 : Dâng lục cúng

Thứ Ba : 01/12/2020 (17/10/Canh Tý)

  7:00 : An vị, Khai kinh

  8:00 : Cúng Phật

  9:00 : Tụng kinh Dược Sư

10:00 : Cúng Tổ

11:00 : Thọ trai

13:00 : Phần sài sát thổ

14:00 :  Điền hoàn long mạch

15:00 :  Khao binh thiết tướng

16:00   : Tụng kinh Dược Sư

17:00 : Dùng cơm

18:30 : An trấn hỏa đàn

Thứ Tư : 02/12/2020 (18/10/Canh Tý)

7:00 : Sám tạ long thần

8:00 : Tụng kinh Dược Sư

9:30 : Khánh tạ Tam bảo

11:00 : Thọ trai

14:00 :  Tụng kinh Dược Sư

15:30 : Tụng kinh Dược Sư

17:00 : Dùng cơm

18:30 : Hô thần khai quang

Thứ Năm : 03/12/2020 (19/10/Canh Tý)

7:30 : Tụng kinh Dược Sư

9:30 : Cúng Phật + Cúng Tổ

11:00 : Cúng dường trai tăng

14:00 :  Tụng kinh Dược Sư

15 :00 : Nhiễu tháp Tổ

16 :00 : Mông Sơn Thí thực : Hòa thượng Lệ Trang

17:00 : Dùng cơm

Thứ Sáu : 04/12/2020 (20/10/Canh Tý)

10:00 : Lễ khánh thành

11:00 : Cúng dường trai tăng

18 :00 : Hoàn mãn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Ảnh: Đăng Huy.

2 thoughts on “Tu viện Vĩnh Nghiêm: Hương xưa còn đọng đất này (Thượng tọa Thích Giác Dũng)

  1. appoizida says:

    Type 2 Myocardial injury with necrosis, in which a condition other than coronary artery disease CAD contributes to an imbalance between myocardial oxygen supply or demand buy cialis online without a prescription Associated electrolyte abnormalities need to be identified, including hypochloremia, hypokalemia, and hypocalcemia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *