Cái đẹp có dính líu gì đến lòng nhân ái? Nhiều người còn cho rằng: Người đẹp thường tính xấu, người xấu thường có lòng tốt. Họ quan niệm rằng: Ông trời có cho ai toàn diện đâu. Sức khỏe, nhan sắc, trí thông minh và tiền bạc ít đi chung với nhau. Người nhiều sắc đẹp thì sẽ giảm thứ khác như trí thông minh, tiền bạc, sức khỏe… Điều ấy có đúng chăng?
CÀNG BUÔNG XẢ, CÀNG ĐẸP NGỜI NGỢI…..
Đi đám cưới, cứ nghĩ sẽ chẳng gặp ai quen, vậy mà tình cờ gặp lại chị, người quen cũ. Chị nói chuyện thân thiện, bình dị chẳng quan cách dù trước khi về hưu là một lãnh đạo cấp sở. Nhiều nhân viên cũ đến chạm ly, chào hỏi dù chị đã về hưu mười mấy năm. Nghe chị nói, lúc này thường xuyên làm công tác xã hội. Có lẽ do thường xuyên làm từ thiện nên chị đi đứng nhanh nhẹn so với tuổi, khuôn mặt sáng láng, phúc hậu.
Nhớ có sách viết: “Đặc thù của tướng mạo có quan hệ với sự di truyền của bố mẹ, đẹp hay xấu đều do ảnh hưởng nửa đời trước của chính mình, nghĩa là ảnh hưởng từ nghiệp lực kiếp trước; nửa đời sau của một kiếp người, chính là mình tự quyết định”.
Nhưng mà cần gì đến nửa đời sau, mới biết nghiệp lực ảnh hưởng tướng mạo, gương mặt của mình. Ngay trong bữa tiệc cũng đã nhận thấy. “Rượu vào lời ra”, ông bà ta xưa đã nói. Rượu còn là nguyên nhân dẫn đến các chuyện xấu, tội ác như đánh nhau, giết người, hiếp dâm, đốt nhà. Nhưng gần nhất là khuôn mặt xấu ỉn: Mặt đỏ, mắt lờ đờ, mũi sưng, miệng méo, khà hơi thúi, đi đứng loạng choạng…
* * *
Lâu lắm mới gặp chị bạn. Chị trắng ra, phởn phơ và đẹp hơn dù chẳng son phấn điểm tô gì. Chị nói: Lúc này “buông thả” rồi. Vui lắm! Nhớ chị là vợ đại gia, hai đứa con đều du học Mỹ, ở nhà chỉ lo bếp núc và… giữ chồng. Nay chị nói “buông thả” xả, tự nhiên nghĩ đến, chị chắc có người tình!!!
Hỏi dò vòng quanh: Chị lúc này cũng đi đánh tennis, ăn uống tiệc tùng, nhảy đầm… với nhiều bạn mới, à?
“Tôi làm sao mà chơi thứ đó, lúc này ở nhà đọc sách, rảnh rảnh thì đi chùa, làm từ thiện. Chồng ư, tôi không thèm ghen nữa, tới bữa tối về hay không cũng không bận tâm. Mà khi không bận tâm, không ghen tuông gì, thì ông ấy lại ngoan, nghiêm túc, mới ngộ. Chẳng biết sao!”.
Té ra từ khi thường xuyên đi chùa, đọc kinh sách, hàn huyên tâm sự với bạn đồng tu, chị đã biết sống buông xả. Tâm lành nên tướng đẹp, người thanh thoát; chuyện xấu của người chồng bê tha cũng ngẫu nhiên giảm bớt…
Nhắc chị phải dùng từ buông xả, chứ chẳng phải buông thả, chị cười hè hè: Buông nào cũng là buông mà! Tôi tin, lúc nói chuyện với người khác, chị lại nói sai từ buông xả thành buông thả cho xem.
* * *
Hắn là bạn tôi từ thuở thanh niên. Hắn uống rượu đế và hút thuốc rê nhiều lắm! Tửu lượng một lít rượu đế chẳng nhằm nhò gì, còn thuốc rê thì vấn luôn tay. Vậy mà lấy vợ vài năm, là bỏ rượu, bỏ thuốc. Không hiểu vợ hắn rù rì, cấm vận ra sao mà bỏ rượu, bỏ thuốc hay thiệt! Sức mạnh tình yêu… dữ dội thiệt!
Nghe kể, một ngày của vợ bạn là đi chợ, nấu ăn cho chồng; rảnh về bấm huyệt cho mẹ già và vài phụ nữ lớn tuổi neo đơn bệnh tật. Tất nhiên không lấy xu nào. Là cô giáo đã về hưu, lúc rảnh rỗi, vợ bạn dạy thêm ở nhà, lấy giá rất rẻ, giúp học sinh nghèo. Mỗi tháng chỉ 150 ngàn đồng một đứa. Tối lên chùa, một cái chùa hẻo lánh, nhỏ xíu gần nhà đọc kinh.
Thời buổi chộn rộn đất đai, vợ bạn cũng bỏ vốn ra mua vài đám đất. Phước chủ may thầy hay sao mà thắng đủ. Mua rẻ bán khá, cũng kiếm được một ít lưng vốn mua sắm, dành dụm và đi làm từ thiện. Nghe chồng biểu nghỉ cho khỏe, đừng vướng rồi si mê quá, mệt, chưa kể sa vào chuyện xấu, do quá tham lam! Vậy là vợ nghe chồng, ngưng kinh doanh. Gặp người phụ nữ khác, không trọng chồng, chắc là gia đình xào xáo rồi, vì lý do đang làm ngon ăn mà chồng cản.
Chụp hình kỷ niệm 60 năm cuộc đời, đầy đủ gia đình, con cháu, dâu rể, vợ bạn mặc bộ áo lam ngồi giữa. Hỏi: Ai cũng mặc đồ tây, mặc đầm, mặc gì lạ vậy? Vợ bạn trả lời hiền queo: Chuẩn bị đi chùa, con đòi chụp hình chung, nên bận vậy chụp luôn, có sao đâu!
Có chứ, có một gương mặt vợ bạn đẹp phúc hậu, thần thái thanh thoát, dù đã ở tuổi 60. Có lẽ do nếp sống đơn giản, thiện lành, lo cho chồng con, không bon chen nên nét đẹp từ tâm tỏa ra ngoài chăng?
TỪ THIỆN, NÉT ĐẸP TỪ TÂM
Bão lũ đang hoành hành ở miền Trung. Hình ảnh người chồng quỳ mọp than khóc cầu trời vì vợ mang thai bị mất tích trong lũ, cảnh đào bới khi đi tìm những người mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế), 22 người lính ở Quảng Trị… càng làm lòng người đau xót.
Với tinh thần “Máu chảy, ruột mềm” và “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, nhiều nhóm từ thiện đã lên đường ra miền Trung. Nhiều đoàn đến từng nhà, trao quà tận tay để giúp người hoạn nạn. Nỗi đau thương tang tóc của đồng bào vùng lũ đã vơi bớt khi có những tấm lòng vàng đến với họ.
Một người bạn đi từ thiện cho biết: Dù cơn bão đã đi qua, nhưng vẫn còn thấy dấu tích của nó. Nhiều nhà chưa lợp lại mái, cột điện ngã đổ, dây điện lòng thòng dưới nước vẫn chưa được dựng dậy… Những biển quảng cáo lộ thiên trơ trọi khung sắt, bị vặn xoáy như quần áo xoắn lại khi giặt. Nhiều nhà tốc mái đã đành, bão cuộn cánh quạt trần lại vẹo queo…
Thật ấm lòng khi thấy nhiều đoàn xe khắp nơi đến đây làm từ thiện. Có xã, xe chở hàng từ thiện vào đã gặp 3, 4 đoàn đang phát quà. Nhiều đoàn đi theo sự vận động của các tổ chức từ thiện khác nhau. Bạn cùng công ty, nhóm tiểu thương ở chợ, bạn học chung trường đại học, Phật tử trong những ngôi chùa… Có quá nhiều gương mặt đẹp rạng ngời từ tâm, từ nhiều nơi nhưng đều đến một điểm chung là miền Trung ruột thịt đang oằn mình chống chọi cơn lũ dữ.
Đoàn chúng tôi giúp hơn 300 triệu đồng, cho 200 hộ, một ít quà cho hai trường học và một ngôi chùa. Số tiền 300 triệu đồng nghe cũng kha khá với một nhóm người nhỏ, nhưng phát một hộ chỉ tròm trèm một triệu đồng, chẳng thấm đâu vào đâu. Thôi thì của ít lòng nhiều!
Đi làm từ thiện mà ho khục khặc, răng lại đau nhức, ăn uống chả muốn gì cũng chẳng thấy ngon, ngủ lại chẳng được. Đêm dài qua một cách kỳ lạ. Dẫu biết, sinh, lão, bệnh, tử như lẽ thường nhưng sao vẫn chưa thoát được nỗi vấn vương. Đi từ thiện đến với những cảnh đời khốn khó mới thấy nỗi khổ ăn ngủ, cái đau thân thể hằng ngày chẳng thấm vào đâu và tự nhiên cái đau, nỗi vấn vương ấy lại biến mất!