Chùa Sắc Tứ Long An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (Đại đức Thích Tuệ Tánh)

 

Chùa Sắc tứ Long An hay còn gọi là Long An Cổ Tự. Chùa được xây dựng vào năm 1855, tọa lạc tại ngã ba Rạch Tràm, thuộc ấp Bình Sơn, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Là một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng do họ Trần khai lập. Năm 1924, do ảnh hưởng chiến tranh, chùa bị hư hoại, qua nhiều lần tôn tạo, hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật ghi lại dấu ấn của một vị Hòa thượng đã từng làm nên danh hiệu Sắc tứ – Hòa thượng Võ Ngộ Thông, tục gọi là Hòa thượng Sâm. Dân gian truyền tụng Võ Ngộ Thông là người rất giỏi y dược, thông hiểu phong thủy, có tài thuyết giảng, thu phục người khác. Khoảng năm 1900, sư Tâm Ngoạn già yếu, nên gọi Võ Ngộ Thông về chùa Long An để tập sự làm trụ trì.

Năm Đinh Tỵ (1917) ngài hương cả trong vùng xuất tiền trùng tu chùa Long An. Cũng trong năm này, chùa làm lễ khánh thành, chính quyền địa phương Cai Lậy báo cáo lên tỉnh Mỹ Tho, tổ chức “khai bằng” danh hiệu Hòa thượng cho sư Võ Ngộ Thông. Cũng dịp này, Hòa thượng Ngộ Thông đã thuê nhóm thợ Tài Công Xuyên ở Gò Công lên đắp bộ tượng Phật, Bồ tát, các vị Thiện thần bằng hồ vữa để thờ tại chùa. Bộ tượng được đắp thủ công không sử dụng khuôn nên còn mang đậm phong cách tượng mục đồng. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho khách hành hương đến chùa tiện lợi, Hòa thượng vận động xin đất rồi thuê nhân công đắp một con đường dài hơn 2km từ lộ Đông Dương (tức Quốc lộ 1A hiện nay) vào chùa, dân địa phương gọi là lộ Hòa thượng, hiện nay vẫn còn sử dụng.

Sau lễ khánh thành chùa Long An, vào năm Mậu Ngọ (1918), Hòa thượng Võ Ngộ Thông đến chùa Sắc tứ Trường Thọ (Gò Vấp) lạy Hòa thượng Tâm Thông cầu pháp y chỉ, được pháp hiệu là Bửu Minh. Sau mấy tháng ở Kinh đô, hai thầy trò Hòa thượng trở về chùa, thiết lập đại lễ khánh hạ và đổi hiệu chùa là “Hoàng ân Sắc tứ Long An cổ tự”.

Năm 1935, thuận thế vô thường Hòa thượng viên tịch, vào lúc này cũng là thời kỳ chiến tranh đói khổ nên ngôi chùa trở thành nơi tụ hội tâm linh cho nhân dân trong vùng. Có những thời điểm, chùa không có Sư kế tự nên dân làng tự cử người thay nhau hương khói.

Vào khoảng năm 1968, có Thầy Quảng Minh, thế danh Nguyễn Văn Ngộ người địa phương xuất gia về trông coi và trụ trì. Đến khi đất nước độc lập năm 1975 Thầy trở về gia cảnh đời thường. Vào thập niên 90, Thầy Quảng Minh tái xuất gia trở lại và ở chùa chăm lo ngôi Tam Bảo cho đến năm 2008 Thầy trở về quê cất am tịnh tu.

Năm 2008, được sự cho phép của Ban Trị sự và sự đồng thuận của chính quyền các cấp, Đại đức Thích Phước Nhân được bổ nhiệm về Trụ trì chùa Sắc tứ Long An cho đến nay. 

Để tạo thuận lợi cho Tăng chúng và Phật tử tu học cũng như hoạt động Phật sự của chùa, năm 2009 Đại đức trụ trì đã mở rộng thêm 5.500m2 đất xung quanh chùa. Khi thủ tục hoàn thành Đại đức cho tiến hành xây dựng Tăng xá, Giảng đường, cổng tam quan, trùng tu lại khu vườn tháp Tổ và các công trình phụ khác.

Năm 2016, được sự phát tâm của gia đình Phật tử Diệu Hồng – Phạm Thị Bích Vân (TP.HCM), Đại đức Thích Phước Nhân đã tiến hành Đại trùng tu ngôi Chánh điện chùa Sắc tứ Long An theo kiến trúc nhà 3 gian hai chái, với kết cấu 5 nốc, dài 60m, ngang 15m. Tổng cộng có 84 cây cột làm bằng gỗ căm xe; mái lợp ngói âm dương, các đầu đao trang trí hoa văn hình cá hóa long; nền chùa lát gạch tàu hình lục giác; vách tường đôi và được trang trí theo kiến trúc Pháp.

Bên trong ngôi Chánh điện bệ trên cao thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca làm bằng gỗ thếp vàng; phía trước bệ dưới là các pho tượng Phật Thích Ca, Tôn giả Ca Diếp, A Nan, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu đều là những pho tượng cổ của chùa được làm từ thời Hòa thượng Võ Ngộ Thông trước đây. Tả, hữu là ban thờ Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền; dọc hai bên là dãy ban thờ Thập bát La hán và Thập điện Diêm vương. Các khung bao lam, liểng đối, các bức Đại tự đều được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng rất tinh xảo.  

Phía sau điện Phật là Khám thờ di ảnh và long vị Hòa thượng Võ Ngộ Thông được chạm trổ rất tinh tế.

Giữa Chánh điện và Tổ đường là gian nhà trống để lấy ánh sáng. Tổ đường thờ di ảnh Tổ sư Đạt Ma, tôn tượng Lục tổ Huệ Năng và long vị, di ảnh chư Hòa thượng tiền bối. Ngôi Hậu Tổ thờ di ảnh Hòa thượng Thích Minh Trí – Bổn sư của Đại đức Trụ trì cũng là người trực tiếp nhận ngôi chùa Sắc tứ Long An và giao lại cho Đại đức Thích Phước Nhân đảm trách thừa hành Phật sự. Gian nhà Hậu Tổ còn được an trí ban thờ Gia phả Họ Trần – là những người phát tâm thành lập ngôi Chùa và Ban thờ chư hương linh bá tánh. 

Ngôi Chánh điện được xây dựng trong vòng 2 năm thì hoàn thành. Lễ hoàn công vào ngày 09/12/2018 (nhằm ngày 03 tháng 11 năm Mậu Tuất) trong niềm hân hoan của tứ chúng gần xa và người dân quanh vùng.

Ngoài việc trùng hưng Tam bảo, Đại đức Thích Phước Nhân còn tham gia sinh hoạt Giáo hội và tích cực hướng dẫn Phật tử tu tập, thực hành các công tác từ thiện, an sinh xã hội, góp phần vào công cuộc phát triển chung của đất nước.

Chùa Sắc tứ Long An trong 200 năm hình thành và phát triển, ngôi chùa luôn là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho Phật tử gần xa nương tựa tu học Phật pháp, là thắng duyên cho chư Tăng hoàng pháp độ sanh.

Quốc Khanh

LỊCH SINH HOẠT ĐẠO TRÀNG TẠI CHÙA

(Ngày âm lịch hàng tháng)

– Khóa tu niệm Phật ngày 21.

– Ngày mùng 08 – đạo tràng Pháp hoa tụng kinh Pháp hoa và Tu học.

– Chủ Nhật hàng tuần, khóa sinh hoạt thiếu nhi và dạy giáo lý.

– Chiều Chủ Nhật hàng tuần tổ chức dạy các lớp võ thiếu lâm cổ truyền cho các em thiếu nhi.

Liên lạc: Chùa Sắc tứ Long An

ĐC: Ngã ba Rạch Tràm, ấp Bình Sơn, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

ĐĐ. Thích Phước Nhân – ĐT: 0907840566

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *