Đóng góp của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” cho đạo pháp và dân tộc (Đại đức Thích Thiện Mãn)

Thiền phái Trúc Lâm ra đời vào thế kỷ XIII, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập mang bản sắc Việt, có tôn chỉ đường lối hoạt động riêng và phù hợp với tâm thức người dân Đại Việt. Thiền phái đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển đạo pháp; góp phần vào công cuộc kiến thiết quốc gia, hướng Đại Việt trở thành quốc gia hùng cường và phù hợp với xu hướng phát triển của dân tộc. Một trong những học thuyết do Thiền phái Trúc Lâm chủ trương xây dựng và vận động vào đời sống thực tiễn, làm cho đạo pháp hưng thịnh dài lâu, giúp Đại Việt hùng cường so với các quốc gia khác, chính là học thuyết “Cư trần lạc đạo”.

TIỂU SỬ VUA TRẦN NHÂN TÔNG

Trần Nhân Tông (1258-1308) sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ, tinh anh đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Thế danh Ngài là Trần Khâm, vị vua thứ ba nhà Trần, con của vua Trần Thánh Tông và hoàng hậu Thiên Cảm. Ngài rất thông minh, hiếu học, xem nhiều kinh sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển. Những lúc nhàn rỗi, Ngài thường mời các thiền khách đến bàn hỏi về tâm tông. Ngài tham học với Thượng sĩ Tuệ Trung, đạt sâu tới chỗ thiền tủy và kính Thượng sĩ làm thầy.

Ở ngôi vua 14 năm, Ngài nhường ngôi cho con vào năm 1293, từ đó chuyên tâm tu hành, cử sứ giả sang Trung Quốc thỉnh Đại tạng kinh về tôn trí tại phủ Thiên Trường. Năm 1299, Ngài lên núi Yên Tử xuất gia, lấy pháp hiệu Hương Vân Đầu Đà, sau đổi thành Trúc Lâm Đầu Đà, là sơ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Năm 1301, Ngài du hành khắp nơi, khuyên người dân tu thập thiện, bỏ các tập tục cúng bái tà thần và dâm thần, chẩn cấp người nghèo, thuyết pháp hóa đạo; mở khóa hạ an cư, giảng dạy Đại Huệ ngữ lục, biên soạn kinh sách. Năm 1308, Ngài truyền y bát cho Pháp Loa kế thế làm Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, về kinh đô Thăng Long viếng các chùa Siêu Loại, Cổ Pháp, Sùng Nghiêm Ngài thị tịch năm 1308, thọ 51 tuổi.

Ngài để lại cho đời nhiều tác phẩm như: Đại Hương Hải Ấn thi tập, Thiền Lâm thiết chủy ngữ lục, Trúc Lâm hậu lục, Thạch thất mị ngữ, Tăng già toái sự, Tuệ Trung Thượng sĩ hành trạng, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Cư trần lạc đạo phú,… Nhưng rất tiếc hiện nay chỉ còn lại hai tác phẩm: Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca.

ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP

Khác với các thiền sư Trung Hoa “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật”, thiền sư Thường Chiếu (đời nhà Lý) chủ trương tư tưởng “tùy tục”. Sang thời Trần, vua Trần Thái Tông y theo lời dạy của Pháp sư Phù Vân “tâm tịch nhi tri, thị danh chơn Phật” (lòng lặng mà biết, đó chính là chân Phật) cùng với việc hấp thu tư tưởng kinh Kim Cang và Kim Cang tam muội chú giải đã hình thành cơ sở lý luận “biện tâm”, thực thi đời sống hướng nội trước bối cảnh cả dân tộc ra sức chấn hưng đất nước. Về sau, Tuệ Trung thượng sĩ chủ trương tư tưởng “hòa quang đồng trần”. Chính những tư tưởng đó đã vạch lối hình thành tư tưởng “cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông và đi vào thực tiễn,mà sau này trở thành tư tưởng chính của Thiền phái.

Học thuyết Cư trần lạc đạo được xây dựng trên nền tảng các bản kinh Đại thừa như: Kim Cương, Hoa Nghiêm, Bát Nhã…. toát lên tinh thần tùy duyên nhập thế, đạt đạo ngay trong nếp sống thực tại, sống tích cực cống hiến cho đạo và đời. Bài kệ kết thúc bài phú Cư trần lạc đạo thâu tóm toàn bộ tư tưởng của Thiền phái:

居塵樂道且隨緣,
饑則飧兮困則眠。
家中有宝休寻覓,
对景無心莫問禪。

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề thốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch là:

Cư trần lạc đạo hãy tùy duyên,
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền.
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm,
Vô tâm trước cảnh, hỏi chi thiền.

Bài kệ đã toát lên nếp sống nhập thế năng động, hòa mình với đời, không câu chấp, hành động tùy duyên, không tìm cầu tha lực, không nô lệ vào bất cứ cái gì dù thiền hay Phật. Sự thực tập đó được Sơ Tổ áp dụng chính ở Ngài và truyền dạy lại cho đệ tử.

Với tinh thần tùy duyên nhập thế, Thiền phái đã khích lệ tinh thần: “Mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, hưu biệt tại gia xuất gia; bất cầu tăng tục chỉ yếu biện tâm” (Không phân biệt là sống giữa đời thường hay sống ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia; tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm), tức là ai cũng có khả năng tu tập trở thành Phật giữa đời này. Chính điều đó đã khích lệ mọi người tu tập, số lượng Tăng Ni lẫn tín đồ Phật tử trở thành thành viên Giáo hội đông đảo. Chính từ đó, các Thiền sư, thiền gia, nam nữ tín đồ đã cống hiến hết mình cho Phật giáo nước nhà, để lại nhiều tác phẩm văn học, triết học, sử học; trong đó có tác phẩm Cư trần lạc đạo phú.

Việc tổ chức mô hình Giáo hội Phật giáo Nhất tông đặt trụ sở Trung ương Giáo hội tại chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc thống nhất từ Trung ương(triều đình) đến địa phương, từ tư tưởng cho đến hình thức sinh hoạt đã phát triển Giáo hội lên một tầm vóc mới, phục vụ cho công cuộc chấn hưng Phật giáo và phát triển đất nước. Bằng nhãn quan của nhà lãnh đạo, sơ Tổ Trúc Lâm đã quyết định truyền y bát cho Pháp Loa làm đệ nhị Tổ và giao trọng trách lãnh đạo Tăng già vào năm 1307.

Trong vòng 22 năm lãnh đạo Giáo hội, Nhị Tổ Pháp Loa đã tổ chức 13 giới đàn, tiếp độ khá đông hàng vương thân quốc thích, trong đó có Tuyên Từ hoàng thái hậu và cung phi Thiên Trinh Trưởng. Số đệ tử xuất gia khoảng 15.000, đệ tử đắc pháp khoảng 3.000 người. Nhị Tổ còn tổ chức công tác kiểm Tăng, cấp chứng điệp, tăng tịch, thi cử sát hạch Tăng Ni vào thời Trần dưới sự lãnh đạo của Giáo hội nhằm trang nghiêm Giáo hội và   đạo pháp trường tồn đất nước hưng thịnh. Công tác quản lý Tăng Ni, tự viện hằng năm được kiểm tra   thống kê, cấp thẻ theo quy định cụ thể.

Để đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni và Phật tử, Nhị Tổ đã khai sơn các ngôi chùa, xây bảo tháp, kiến tạo 200 tăng xá.

Giáo hội Trung ương cũng ra sức biên soạn các giáo trình và phổ biến cho các đ?oạo tràng khắp cả nước. do Nhị Tổ Pháp Loa biên soạn, Tam Tổ Huyền Quang hiệu đính. Chính nhờ vậy mà các hành giả an cư có điều kiện nghiên cứu, học tập các bộ kinh quan yếu của hệ thống kinh điển Đại thừa như kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Bát Nhã… nâng cao trình độ thẩm thấu giáo nghĩa Phật đà, hướng đến trưởng dưỡng nội tâm, thành tựu Phật tâm ngay giữa đời này. Một khi giới đức được nghiêm tịnh, tâm thức đ?nhịnh tĩnh, trí tuệ khai mở, thì tự thân mỗi cá nhân sẽ tự hoàn thiện cho chính mình và có khả năng đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội. Chính nhờ nỗ lực giảng dạy đó, mà các hành giả tiếp thu thực thi thiền – giáo song hành để chứng ngộ; có nhân duyên thể nhập học thuyết Cư trần lạc đạo trong việc phục vụ cho những đường lối hoạt động của Giáo hội Trúc Lâm, góp phần xây dựng đ?tất nước phồn vinh, đạo pháp trường tồn. Giáo hội đẩy mạnh tổ chức các   khoá niệm cầu an, cầu siêu chẩn tế “Diệm khẩu thí pháp hội” bằng tất cả lòng từ bi và lợi lạc quần sinh.

ĐÓNG GÓP CHO QUỐC GIA

Phật hoàng Trần Nhân Tông đã “đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ dâm từ và dạy dân thực hành thập thiện”. Như vậy, Trần Nhân Tông Ngài muốn xây dựng một nền đạo đức Phật giáo làm nền tảng cho xã hội Đại Việt. Sơ Tổ muốn xây dựng mẫu người Phật tử lý tưởng, đạo đức nhân cách hoàn thiện, góp phần bảo vệ và phát triển đất nước hưng thịnh. Khi đó, mỗi người đều cảm nhận yêu nước chính là yêu đạo, yêu gia đình, hiếu kính cha mẹ … tùy vào khả năng của mình mà đóng góp cho đất nước, cho đạo pháp.

Vua Trần Thánh Tông đã khích lệ tinh thần con trai mình (Trần Nhân Tông) và tôn thất rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng ứng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”1, hãy xem chiến trường như thiền đường, cùng nhau đoàn kết kháng chiến thắng quân Nguyên  – Mông hùng mạnh, chung tay góp sức xây dựng nền hòa bình cho nước nhà. Sơ Tổ Nhân Tông cũng nỗ lực thiết lập hòa bình ở biên giới phía Nam Tổ quốc, giáp với Chiêm Thành, cũng như cầm quân bình định giặc Ai Lao quấy rối ở biên giới phía Tây. Ngài đã gả con gái của mình (công chúa Huyền Trân) cho vua Chế Mân (Chiêm Thành) nhằm tạo ra mối giao hảo với Chiêm Thành. Nhờ chính sách ngoại giao, vua Nhân Tông đã sáp nhập hai châu Ô và Lý vào bản đồ Việt Nam, tạo tiền cho việc thực thi con đường Nam tiến sau này.

Vua Trần Nhân Tông vừa là người lãnh đạo quốc gia cũng là người lãnh đạo Giáo hội, dùng chánh pháp cai trị dân và quản dân, xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường. Ngài không những khuyên mọi người tu tập đạo đức mà còn khích lệ tham gia việc tái thiết quốc gia, “Dựng cầu đó, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu”. Bên cạnh đó, việc vận dụng tinh thần từ bi, vô ngã vị tha vào các chính sách pháp luật quốc gia như: không tử hình những người trên 70 tuổi và dưới 15 tuổi; phóng thích tội nhân vào những dịp lễ lớn… đã tạo nên sự bình an trong xã hội, kiến lập Phật quốc ngay cõi nhân gian.

Trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử Đại Việt, đặc biệt từ khi Thiền Phái Trúc Lâm hình thành đã thắt chặt hơn với tâm tư, tình cảm nhân dân, thể hiện đạo lý tình người và tạo ra sức mạnh toàn dân chống giặc ngoại xâm và phát triển đất nước phồn thịnh. Tư tưởng của thiền phái còn để lại cho hậu thế một giá trị văn hóa tư tưởng triết lý, ảnh hưởng đến đạo đức nhân sinh của dân tộc. Đó chính là sự gắn bó keo sơn không thể tách rời giữa Phật giáo và dân tộc mà ngày nay phương châm hoạt động của GHPGVN được thể hiện tại Hiến chương ”Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội “. Và trong bối cảnh hội nhập phát triển, xu thế công nghệ kỹ thuật tiên tiến, Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ VIII (2017-2022) chủ trương “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” trên tinh thần nhập thế phát triển, lợi ích đạo pháp và cả dân tộc, xây dựng đạo đức con người mãi rạng ngời giữa cuộc đời này.

 

Chú thích:

1. Hồ Bạch Thảo, “Đại Việt dưới thời vua Trần Thánh Tông”, http://nghiencuuquocte.org/2020/09/13/dai-viet-duoi-thoi-vua-tran-thanh-tong-p1, đăng ngày 13/9/2020, truy cập ngày 09/12/2020.

Thư Mục Tham Khảo:

1. Thích Minh Cảnh (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập VII, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

2. Thích Phước Đạt (2016), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

3. Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Thích Phước Sơn (1995), Tam Tổ thực lục, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

5. Thích Thanh Từ (1999), Thánh đăng lục giảng giải, Nxb. Tp. HCM.

6. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *