Trong giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh (1533-1788), Phật giáo Đàng Trong là một bộ phận của Phật giáo Đại Việt. Chủ nhân xứ Đàng Trong lúc bấy giờ là di dân từ nhiều phương tụ về, đa dạng về nhân chủng lẫn văn hóa. Do đó, Phật giáo phát triển trên vùng đất này cũng mang những sắc thái riêng và đóng góp rất quan trọng ngay từ buổi đầu khai hoang mở cõi.
DẤU ẤN PHẬT GIÁO TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG DI DÂN ĐI MỞ CÕI
Phật giáo gắn liền với quá trình mở cõi vào Nam của người Việt. Bởi lẽ, đạo Phật là tôn giáo của từ bi, trí tuệ và là nơi che chở cho tâm hồn di dân Việt tha hương trên hành trình chinh phục vùng đất mới, lạ lẫm, đầy thách thức.
Phật giáo là chất keo kết dính cộng đồng Đàng Trong. Chúa Tiên từng trăn trối với Nguyễn Phúc Nguyên rằng: “Đạo làm tôi phải trung, làm trai phải hiếu, tình anh em bè bạn lấy tin yêu làm đầu, không được quay ngoắt tráo trở để mất nhân tâm”. Chiến lược nhân tâm đã trở thành vấn đề mấu chốt cho việc dựng nghiệp ở Nam Hà, là chìa khóa thành công: “Yên chỗ ở cho dân, theo phong tục của người dân, mở mối lợi, trừ mối hại, đó là việc đầu tiên trong việc vỗ trị xứ Thuận Quảng vậy”1. Có thể nói, chiến lược nhân tâm của họ Nguyễn đã rất thành công, xây dựng xứ Đàng Trong thành một khu vực cát cứ hùng mạnh.
Trên cơ sở đó, trong quá trình mở cõi, tên đất, tên làng được người dân mang theo vào miền đất mới cũng gắn liền với Phật giáo, ngay từ vùng đất đầu tiên là xứ Thuận Hóa, với cách đặt tên làng Ưu Đàm (huyện Quảng Điền) hay làng Phù Trà (huyện Hương Trà). Trong đó, Phù Trà là đọc trại âm từ Phù Đồ (stupa) tức tháp Phật giáo hay các làng Pháp Kệ, Linh Sơn ở Tiên Bình. Đi dần vào Nam, các yếu tố Phật giáo không chỉ gắn liền với tên làng mà còn là tên núi, tên sông. “Gia Định thành thông chí” của tác giả Trịnh Hoài Đức có nhắc đến Bối Diệp giang, mà tên dân gian là sông Lá Buông hay Nữ Tăng sơn mà ngày nay là núi Thị Vải ở đất Bà Rịa – Vũng Tàu.
Xuôi về miệt sông nước phía Nam, đặc biệt là ở Hà Tiên, hàng loạt tên cảng thị, cồn bãi cũng chịu ảnh hưởng các yếu tố Phật giáo như: Bồ Đề cảng đặt tên theo giống cây mà Đức Phật đã ngồi khi thành đạo. Uất Kim Dữ đặt tên theo một loài hoa chỉ dùng để cúng Phật, ngày nay dân gian gọi đó là Hòn Nghệ. Hay Ưu Đàm giang đặt theo một loài hoa thiêng của Phật giáo, hoa nở khi Đức Phật ra đời, ngày nay địa danh đó được gọi là Cây Sung. Đặc biệt, một địa điểm đã đi vào thơ ca của Tao Đàn Chiêu Anh Các, được nhắc đến trong Hà Tiên thập vịnh là Tiêu tự thần chung. Tiếng chuông chùa Tiêu nằm trên ngọn núi được đặt tên là Địa Tạng sơn. Ngoài các tên chữ liên quan mật thiết với Phật giáo, trong đời sống của lưu dân còn có những tên xóm ấp nôm na rất dễ mến như: xóm chùa, ấp chùa, bến chùa, ngã ba chùa, ngã tư chùa,…
Mặt khác, tu sĩ Phật giáo trong quá trình đi cùng di dân khai khẩn miền đất mới cũng không ngại việc cùng dân khai hoang. “Tổ Phật Ý cùng theo sư huynh, bạn đạo cũng theo dân vào rừng đốn cây, chặt lá”2. Chính sự gắn bó ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho dân Việt vững bước trên bước đường khai khẩn. Khi ngôi chùa nơi vùng đất mới được định hình, sinh hoạt trong các tùng lâm tự viện cũng có những khác biệt so với Phật giáo thuở trước. “Tổ Phật Ý phân công mỗi người nửa tháng theo dân vào rừng đốn củi, hái rau trái về ăn”3. Phật giáo trong quá trình đó cũng cùng người dân phát triển, mở rộng các phương thức sản xuất kinh tế.
Trong hệ thống chùa chiền Đàng Trong, chúng ta có thể phân thành thứ nhất là chùa của vua, tức là các ngôi Quốc tự do triều đình thành lập, được xem như cơ sở thờ tự quốc gia mà nổi tiếng nhất là Thiên Mụ. Thứ hai là hệ thống chùa của nhà quan, tức là các tự viện do quan lại, vương tôn, quý tộc hiến đất hay bỏ của cải ra xây dựng. Cuối cùng là hệ thống chùa làng do nhân dân góp công, góp của xây dựng nên. Chùa làng luôn được ghi nhận là xuất hiện trước trong lịch sử. Vì vậy, có thể nói trong quá trình mở cõi, những di dân đầu tiên luôn mang hình bóng ngôi chùa và khi định cư thì chùa sẽ xuất hiện trong sinh hoạt của người dân ở vùng đất mới.
Vì nhiều lý do, trong đó có sự ác liệt của chiến tranh, con người mới phải từ bỏ quê hương, xứ sở để mưu cầu cuộc sống bình yên nơi vùng đất mới. Ở một khía cạnh nào đó, Phật giáo giữ vai trò xoa dịu nỗi đau chiến tranh và mất mát của nhân dân. Là tôn giáo nhập thế sâu sắc, Phật giáo Việt Nam thực hiện trọn vẹn sự hoằng pháp lợi sanh, cùng dân tộc vượt qua khó khăn. Xin nêu một ví dụ điển hình: “Năm 1673, chiến tranh Trịnh – Nguyễn lần thứ 7. Sau khi quân Trịnh rút về Đàng Ngoài, Hiệp Đức hầu Nguyễn Phước Chiểu lập đàn cầu siêu chiến sĩ trận vong”4. Về phương diện đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ hóa giải vết thương chiến tranh, xoa dịu tâm hồn những con người bất hạnh do chiến loạn mang lại.
TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, GIÁO DỤC Ở ĐÀNG TRONG
Đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam khoảng giữa thế kỷ XVI đầy biến động, sự tồn tại của thế lực Nguyễn Hoàng thật quá cam go. Để thoát hiểm, ông chỉ còn cách duy nhất là thoát khỏi Bắc bộ để đi về phương Nam. Vượt qua dãy Hoành Sơn tìm sinh lộ, tuy nhiên, sinh lộ đó lại nằm trên một vùng “tử địa” bởi lam sơn chướng khí cũng như dân tình biên viễn khó thu phục. Không phải họ Trịnh không nhận ra ý đồ của Nguyễn Hoàng, nhưng có thể do quá tin tưởng vào chốn ác địa sẽ sớm đè bẹp thế lực đang đào thoát của dòng họ Nguyễn. Hơn nữa, Nguyễn Hoàng lại còn bị kiềm tỏa bởi Quảng Nam của Bùi Tá Hán, rồi Nguyễn Bá Quýnh.
Vấn đề có tính chiến lược của họ Nguyễn, ngay từ buổi đầu, là phải xác lập nền tảng tư tưởng thống nhất để cố kết xã hội, làm chất keo kết dính cộng đồng, định hướng tinh thần cho quốc gia lãnh thổ mà vẫn không vượt ra ngoài và không rập khuôn máy móc những “khuôn vàng thước ngọc” trong định chuẩn xã hội Nho giáo đương thời từ miền Bắc. Phật giáo đã đảm đương thành công sứ mạng cao cả đó. Và “các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cảm thấy cần phải đưa ra một cái gì đó khác với tín ngưỡng người Chăm, để củng cố, cai trị di dân người Việt về mặt tinh thần và tâm lý”5.
Là sự lựa chọn của chính quyền, tuy nhiên Phật giáo Đàng Trong vẫn rất gần gũi với nhân dân. Phong tục tập quán của người dân Việt trên vùng đất mới chịu ảnh hưởng từ những nét sinh hoạt Phật giáo nhiều như vậy. Sự cung kính với Phật được thể hiện qua những việc rất chân chất “những bông lúa chín đầu tiên, những quả cau chín đầu tiên đều được mang cúng Phật”6.
Bất kỳ những gì địa phương có đều dành để cúng dường chùa chiền, không cần kiểu cách đúng mô thức. Thiền sư Thạch Liêm ghi chép lại rằng: “chưa sáng, dân quan nam nữ đã đứng chật dưới thềm, bưng đội tiền bạc, trầu cau, trái cây đến lễ bái, tục gọi đi lễ mừng”7.
Tập tục đi lễ mừng vào ngày sóc, ngày vọng của lưu dân Việt đến nay phần nào vẫn còn lưu giữ như: đội gạo lên chùa trong những dịp rằm lớn, đặc biệt là rằm tháng mười âm lịch để mừng lúa mới hay cúng trầu cau ở các chùa miền Nam hiện nay.
Nhằm khuyến khích khai khẩn và sản xuất, Nguyễn Cư Trinh đã dùng những hình ảnh Phật giáo để nói lên điều ấy qua tác phẩm Sãi Vãi. Tác phẩm vừa mang tính hài hước trong cuộc đối đáp của ông sãi và bà vãi vừa mang ý nghĩa sâu xa. Mặt khác, chúng ta hay dễ nhầm lẫn tác phẩm này là một áng văn phê phán Phật giáo nhưng chưa tìm hiểu kỹ nét văn hóa Phật giáo trong đó. Danh từ Sãi tức chỉ người cư sĩ tại gia nhưng sống ở chùa để hương khói vai trò như ông Từ của đình làng, hay vãi là người nữ cư sĩ cũng ở chùa để làm công quả. Chính những tác phẩm tiêu biểu đó làm nên một nền văn học Đàng Trong ảnh hưởng ít nhiều từ Phật giáo.
Bên cạnh văn học, trang phục của người Đàng Trong cũng có những thay đổi. Chính Lộc Khê hầu Đào Duy Từ trong khi bày mưu định kế chống cự với họ Trịnh, đã khuyên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên bắt dân thay đổi tập tục cho khác hẳn dân Bắc, như bỏ nón thượng, đội nón chóp, bỏ tóc bao mà búi tó, bỏ váy để mặc quần. Ngoài ra, cách mặc của người Đàng Trong cũng bị ảnh hưởng một phần từ Phật giáo. Từ áo vạt khách của người Hoa, Phật giáo nối dài vạt trước phủ kín ngang hông tạo thành áo vạt hò. Khi có lệnh của chúa Nguyễn, bỏ áo tứ thân thay bằng áo năm thân, loại áo mới này cũng ảnh hưởng trực tiếp từ vạt hò của Phật giáo. Chính cách mặc áo ngũ thân đó, người nước ngoài mới nhận xét “quan lại Nam Hà ăn mặc theo lối Nhật”8.
Đồng thời, trang phục của các bậc trưởng lão Phật giáo có quan âm cân, sau này trở thành nón của các bậc mệnh phụ ở Đàng Trong. Áo nhật bình được chư Tổ Phật giáo sáng tạo ra trong thời kì này và ảnh hưởng trực tiếp đến trang phục cung đình sau này.
Âm nhạc là một trong những yếu tố quan trọng nữa làm nên văn hóa Nam Hà và cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo, như thiền sư Thạch Liêm trả lời một vị cư sĩ: “trong mười thứ cung dưỡng âm nhạc là một vậy”9.
Trong đời sống dân gian của cư dân Đàng Trong, hình ảnh bà mẹ xứ sở Po Ina Nagar cho chúng ta một điểm mở. Theo sự tích, bà không chấp nhận việc người chồng thường xuyên đưa quân xâm lấn các nước lân bang, sau nhiều lần ngăn cản nhưng bất thành, bà quyết định đưa hai con vượt biển về quê xưa Nha Trang xây dựng vương triều tại đây. Điều đó chứng tỏ, tư tưởng từ bi, khoan dung, tôn trọng sự sống và tự do của các nước lân bang trong bà luôn tỉnh thức và thấm đượm tinh thần Phật giáo. Hay chẳng hạn, các tu sĩ Phật giáo miền Trung thường diễn đạt rất dạt dào, ngân nga và thiết tha khi so sánh với cách diễn đạt từ những vùng khác trong nước.
Đây có thể là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của âm nhạc triều đình Huế, phần lớn do sự sáng tạo của Đào Duy Từ và âm nhạc tế lễ Chiêm Thành vào cách “tán Phật” tại miền Trung.
Không phải ngẫu nhiên, mô hình kiến lập quốc gia theo kết cấu “Đất vua – Chùa làng – Phong cảnh Bụt” được giới lãnh đạo quốc gia và Phật giáo từ xưa đến nay nỗ lực xây dựng, nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, cũng là bảo vệ đạo pháp và văn hóa nước nhà. Ba thành tố đó thực chất chỉ là một, bởi suy cho cùng đất là của vua, trong đó mỗi làng đều có chùa do dân xây dựng, chùa do sư ở và trông coi đời sống đạo cho Phật tử.
Nhìn nhận lại lịch sử dân tộc, Phật giáo Việt Nam ngoài việc chăm lo giáo dục đạo đức còn đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trong việc học chữ. Từ thời kỳ đầu xây dựng nền độc lập, thuở Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần, chốn già lam tịnh địa ngoài phạm trù tín ngưỡng còn trở thành lớp học chữ. Trẻ em đến chùa không phải để xuất gia. Mái chùa bấy giờ là nơi dạy kiến thức thế tục lẫn Phật học, chăm chút, nuôi lớn tài năng cho bao thế hệ danh nhân.
Trong bối cảnh Đàng Trong lúc bấy giờ, Phật giáo Việt Nam vẫn mang nặng trách nhiệm giáo dục. Bởi nhiều thế hệ di dân muốn từ bỏ những quan niệm Nho học do giới sĩ phu Bắc Hà cho là khuôn vàng thước ngọc, từng khiến họ khốn khổ. Người Đàng Trong coi trọng tính cởi mở mà chính người ngoại quốc cũng phải nhìn nhận: “Họ thậm chí khen ngợi tập quán của người ngoại quốc, và với thái độ rất lịch sự, họ khâm phục những học thuyết xa lạ, đặt chúng lên trên cả giáo điều của họ, khác hẳn với người Trung Quốc luôn tự phụ về phong tục và giáo điều quốc gia”10.
Vì vậy, nền giáo dục Nho học khoa cử không được những di dân này ưa thích. Thực tế lịch sử cho thấy, mãi đến triều vua Minh Mạng, năm 1826, đất Nam Kì mới có tiến sĩ đầu tiên là Phan Thanh Giản. Mặt khác, thuyết chính danh định phận của Nho học phần nào mâu thuẫn với lợi ích cầm quyền của chúa Nguyễn nên cũng bị hạn chế. Giới trí thức Nho học Đàng Trong ít ỏi khiến Nho học không thể phát triển rộng rãi. Vì vậy, nhiệm vụ giáo dục được giao về cho Phật giáo. Từ khi theo chân di dân vào vùng đất mới, một hệ thống giáo dục đặc biệt của Phật giáo đã ra đời.
Ngoài nhiệm vụ làm thầy dạy học chữ, các vị sư còn kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác trong đời sống cư dân Đàng Trong như: thầy thuốc, thầy tướng số. Những nhà truyền giáo phương Tây cũng nhìn nhận: “các nhà sư ở đây được coi là những thầy thuốc giỏi nhất”11. Do đó, có thể phác họa diện mạo Phật giáo Đàng Trong bấy giờ, chư Tăng vừa là bậc thầy tâm linh, thực hiện các nghi thức tâm linh, vừa là thầy đồ dạy học nơi làng quê và cũng là thầy thuốc trị bệnh, cứu người. Những vai trò đó giúp Phật giáo và di dân Đàng Trong gắn bó mật thiết với nhau, tạo nên chỗ đứng đặc biệt cho Phật giáo.
Tóm lại, Phật giáo về bản chất không đề cao yếu tố thần quyền để ban phước giáng họa, mà chỉ hướng đến việc nhìn nhận khổ đau trong đời sống thực tại và con đường diệt khổ. Với tính chất nhân văn đó, Phật giáo dễ dàng được người Việt tiếp nhận, nhất là khi con người bị vây khốn bởi những áp lực tinh thần, không nơi bám víu nương tựa.
Phật giáo đến với dân tộc Việt Nam bằng con đường hòa bình, không đi vào đất Việt qua bạo lực. Nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, Phật giáo cũng là chỗ dựa vững chắc cho người dân Việt. Do đó, trong công cuộc “mở cõi” với nhiều gian lao trắc trở, Phật giáo vẫn là nơi nương tựa vững chắc về mặt tinh thần, giúp họ sớm an cư lạc nghiệp. Trong quá trình đó, Phật giáo đã tác động đến đời sống cư dân vùng đất mới, đồng thời kết hợp với yếu tố bản địa để sinh ra những nét đặc trưng riêng. Giá trị tốt đẹp của Phật giáo từ thuở khai hoang ấy đã được những di dân lưu giữ đầy trân trọng, để truyền lại cho thế hệ sau và đến ngày nay.
Chú thích:
1. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 1977, trang 126.
2. Thiền Hòa tử Huệ Chí, Buổi đầu của Phật giáo Gia Định – Sài Gòn, Kỷ yếu Hội thảo 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
3. Thiền Hòa tử Huệ Chí, Sđd, trang 58.
4. HT. Thích Hiển Pháp, Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn-TP.HCM, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, trang 21.
5. Li Tana, Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII (Nguyễn Nghị dịch), Nxb Trẻ, 2016, trang 222.
6. Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Nxb Khoa học Xã hội, 2015, trang 57.
7. Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Nxb Khoa học Xã hội, 2015, trang 65.
8. A.M.Rochon, Miêu tả về Đàng Trong, Đàng Trong thời chúa Nguyễn (Nguyễn Duy Chính dịch), Nxb. Hội nhà văn, 2017, trang 40.
9. Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Nxb. Khoa học Xã hội, 2015, trang 65.
10. C.Borri, Xứ Đàng Trong (Thanh Thư dịch), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, trang 85.
11. John Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 – 1793 (Nguyễn Thừa Hỷ dịch), Nxb Thế giới, 2002, trang 139.
Tài liệu tham khảo:
1. A.M.Rochon (2017), Miêu tả về Đàng Trong, Đàng Trong thời chúa Nguyễn (Nguyễn Duy Chính dịch), Nxb Hội nhà văn Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh (2002), Kỷ yếu Hội thảo 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP.HCM.
2. Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb TP.HCM.
3. C.Borri (2019), Xứ Đàng Trong (Thanh Thư dịch), Nxb Tổng hợp TP.HCM.
4. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
5. John Barrow (2018), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 – 1793 (Nguyễn Thừa Hỷ dịch), Nxb Thế giới.
6. Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học.
7. Phan Huy Lê (2017), Lịch sử và văn hóa Việt Nam những hướng tiếp cận bộ phận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Phan huy Lê (2018), Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
9. Li Tana (2016), Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII (Nguyễn Nghị dịch), Nxb Trẻ.
10. Sơn Nam (2014), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ.
11. HT Thích Hiển Pháp (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn -TPHCM, Nxb TP.HCM.
12. Thích Đại Sán (2015), Hải ngoại kỷ sự, Nxb Khoa học Xã hội.
13. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập I, Nxb Thuận Hóa, Huế.
14. Trần Thuận (2019), Phật giáo Việt Nam góc nhìn lịch sử văn hóa, Nxb Tổng hợp TP.HCM.
It is fair that you transfer the East Asia laboratory to the name of Xingchen Technology, and you can absolutely chinese viagra alternative refuse buy real cialis online