Thư toà soạn 358

 

Kính thưa quý độc giả,

 

Nhân kỷ niệm 712 năm Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 – 2020),

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo chọn chủ đề “Cư trần lạc đạo” cho số báo 358.

Lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng đã ghi nhận công lao to lớn đối với dân tộc và đạo pháp của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, một vị vua minh quân, một nhà văn hoá lỗi lạc, một bậc tu hành thâm chứng Phật pháp và là nhà chính trị tài ba kiệt xuất đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại quân Nguyên – Mông, xây dựng nền tự chủ cho quốc gia, dân tộc Đại Việt, thống nhất các tổ chức Thiền phái Phật giáo, xây dựng và phát triển một tổ chức Phật giáo của Việt Nam được thống nhất lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Về phương diện văn hóa, Phật hoàng Trần Nhân Tông trước tác nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm, chứa đựng những tư tưởng mang giá trị minh triết của thời đại. Trong đó, tiêu biểu là học thuyết Cư trần lạc đạo.

Cư trần lạc đạo phản ánh tinh thần nhập thế sâu sắc, thể hiện triết lý sống hài hòa giữa đạo và đời. Đề cao sự hiện hữu tự nhiên của Phật tính trong mỗi con người, góp phần khẳng định sức sống mãnh liệt của Phật giáo trong quá trình đồng hành cùng dân tộc xuyên suốt từ đó đến nay, đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử vẫn còn nguyên giá trị.

Với tinh thần công thành thân thoái, Ngài đã lên ngôi Thái Thượng Hoàng, truyền ngôi cho thái tử Anh Tông kế nghiệp, thực hiện những bước vân du hóa đạo khắp nhân gian Đại Việt. Điều này càng làm sáng tỏ hơn tinh thần Cư trần lạc đạo, ở đời mà vui đạo, là giác ngộ ngay giữa cuộc đời, xây dựng nhân gian Tịnh độ, Cực lạc tại trần gian bằng con người và tâm thanh tịnh. Tu tâm dưỡng tính, tin Phật tại Tâm, Tâm là Phật, ngộ Phật ngộ Tâm viên dung một thể.

Trong quá trình hành đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hoàn thiện hệ thống giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm, đưa tinh thần này trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của thời đại nhà Trần, giai đoạn mà Phật giáo là Quốc giáo. Đây cũng là đóng góp quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Phật giáo Việt Nam sau này.

Ngoài chủ đề chính, số 358 còn gửi đến quý độc giả những bài nghiên cứu Phật học và lịch sử Phật giáo có giá trị, như: Phật giáo Đàng Trong phát triển theo quá trình mở cõi, Dấu ấn Phật giáo thời Trần trong lịch sử và văn hóa Việt Nam…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *