PHẬT GIÁO MAHAYANA VÀO PHÙ NAM
Phật giáo ra đời tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Đến thế kỷ III trước Công nguyên, được sự ủng hộ của nhà vua Ashoka, các đoàn truyền giáo từ Ấn Độ theo nhiều con đường khác nhau cả trên bộ lẫn trên biển, theo Tăng đoàn hay thương thuyền để truyền bá giáo lý của nhà Phật như vùng phía Tây Bắc của Shravasti (Uttar Pradesh), Pataliputra (Patna ngày nay) ở Ấn Độ; Taxila (Pakistan ngày nay); Sri Lanka (Ceylon); khu vực Trung Á; Trung Hoa; Myanmar; Thái Lan1,… Con đường truyền đạo của các phái đoàn này theo hai hướng, dọc theo các con đường thương mại quan trọng của thế giới cổ đại. Một nhánh sử dụng ngôn ngữ Sanskrit theo con đường tơ lụa từ Trung Á truyền sang Đông Á, hình thành nên dòng truyền thừa Mahayana (Bắc Tông) hiện nay đang phổ biến ở Trung Á, Đông Bắc Á2. Trong khi đó, một nhánh truyền thừa sử dụng ngôn ngữ Pali, theo con đường hàng hải đến khu vực Đông Nam Á, có ảnh hưởng lớn tại Sri Lanka, Myanmar (Burma), và Thái Lan3. Dòng truyền thừa này được thống nhất gọi tên là Theravada (Nam Tông).
Bảy thế kỷ sau khi Phật nhập Niết bàn, khoảng trống của Ấn Độ trên bản đồ truyền bá Phật giáo thế giới đã nhanh chóng được thay thế bởi Sri Lanka. Sau Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ III (thế kỷ thứ III trước Công nguyên), Đại đức Mahinda – con trai của vua Ashoka đã mang theo bộ kinh Tam tạng bằng tiếng Pali vừa được hoàn thành và một nhánh cây được chiết ra từ gốc Bồ Đề nơi Thích Ca Mâu Ni giác ngộ đến Sri Lanka. Sri Lanka trở thành một trung tâm truyền bá mới của dòng truyền thừa Theravada tại Đông Nam Á.
Bên cạnh các đoàn truyền đạo của Tăng đoàn, Phật giáo còn được truyền bá theo chân của các thương nhân Ấn Độ đến làm ăn buôn bán tại Đông Nam Á. Khi kỹ thuật hàng hải chưa phát triển, tàu thuyền buôn bán còn phải dựa vào sức gió, các thương nhân này theo mùa gió đến buôn bán tại Đông Nam Á. Ở Ấn Độ Dương từ tháng Tư, gió Tây – Nam thổi về hướng Đông – Bắc thuận lợi cho thuyền buôn từ Địa Trung Hải và vịnh Ba Tư đến Ấn Độ rồi chuyển tiếp sang Đông Nam Á và Trung Hoa để về lại Ấn Độ. Thuyền buôn phải chờ đến tháng Giêng năm sau khi gió chuyển hướng thổi từ Đông bắc về hướng Tây nam. Khi kỹ thuật hàng hải chưa phát triển, các chuyến hải trình chủ yếu dựa vào sức gió, thuyền buôn từ Ấn Độ sang Đông Nam Á đôi khi mất một vài năm mới hoàn tất vì phải chờ cho đến mùa gió và dành thời gian buôn bán, trao đổi phẩm vật từ nơi này đến nơi khác. Chính vì thế các bến cảng cho thương nhân neo thuyền đợi mùa gió thuận là hết sức cần thiết trong hoạt động thương mại bấy giờ. Thời gian lưu lại hàng tháng ở mỗi địa điểm nhất định đã tạo cơ hội hình thành các khu định cư của thương nhân người Ấn dọc theo các vùng duyên hải Đông Nam Á trong các năm đầu Công nguyên.
Bên cạnh hoạt động buôn bán, các thương nhân này còn thực hành các tín ngưỡng tôn giáo của mình. Do đó Phật giáo và Hindu giáo đã thâm nhập vào Đông Nam Á một cách hết sức tự nhiên theo chân các chuyến hải trình thương mại. Có thể nói rằng con đường du nhập của Phật giáo và Hindu giáo đã song hành với con đường thương mại trên biển thời cổ đại, nối liền Ấn Độ và Trung Hoa qua khu vực Đông Nam Á. Và trên các thương thuyền từ Ấn Độ còn có sự đồng hành của các Tăng sĩ để cầu nguyện và cúng dường Tam bảo.
Nhưng sự vận động của Phật giáo tại Đông Nam Á thời cổ đại không chỉ như vậy. Từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên đến thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, Phật giáo được truyền qua Đông Nam Á theo đường biển có cả hai dòng truyền thừa Theravada và Mahayana. Trong đó, dòng truyền thừa Mahayana xuất phát từ tư tưởng Bát Nhã ở miền Nam Ấn Độ sau đó chín muồi ở Tây Bắc Ấn, vốn sử dụng tiếng Sanskrit làm chủ đạo6. Từ Tây Bắc Ấn, Mahayana theo con đường tơ lụa đến khu vực Đông Á. Dưới thời kì của vua Kanishka của đế quốc Kushan (Trung Á), Phật giáo Mahayana đã được truyền sang Sumatra, Java (Indonesia), Campuchia,… và có thể vùng Burma (Myanmar); Pegu (Myanmar); Dvaravati (Nakon Pathom ở Tây Thái Lan)… du nhập Mahayana từ vương quốc Magadha (Bihar, Ấn Độ)7. Nhưng ở vùng Nam Ấn Độ còn có các trung tâm truyền thừa Mahayana khác là Amaravati và Nagarjunakonda. Từ các trung tâm này, dòng truyền thừa Mahayana nhanh chóng được du nhập vào Đông Nam Á. Ở Việt Nam, tiêu biểu có các trung tâm Phật giáo Mahayana ở Phù Nam, Đồng Dương và Luy Lâu (Việt Nam)8. Các hiện vật Phật giáo theo phong cách Amaravati được phát hiện ở Phù Nam9 và Đồng Dương10 đã khẳng định sự có mặt của dòng truyền thừa Mahayana bên cạnh dòng truyền thừa Theravada ở Đông Nam Á ngay từ buổi ban đầu Phật giáo được du nhập.
PHẬT GIÁO MAHAYANA Ở PHÙ NAM (VIỆT NAM) QUA CÁC HIỆN VẬT TIÊU BIỂU
Phù Nam là một đế quốc cổ đại ở Đông Nam Á có lãnh thổ trải dài từ Đông Nam Á lục địa kéo dài đến hải đảo. Nhiều thành quả khảo cổ học và sử học hiện nay xác định trung tâm đế chế nằm ở vùng Tây Nam Bộ Việt Nam và Đông Nam của Campuchia. Hai trung tâm chính trị kinh tế quan trọng của đế quốc này là Angkor Borei và Óc Eo. Do sự trải dài về mặt lãnh thổ, các di sản của đế quốc Phù Nam cũng trải dài theo chiều kích không gian lãnh thổ như vậy.
Tuy nhiên, do tổ chức chính trị theo mô hình Mandala nên các trung tâm nằm trong đế chế có điều kiện phát triển riêng về tôn giáo và nghệ thuật. Cho nên cùng là hiện vật cùng thuộc đế quốc Phù Nam nhưng lại mang vóc dáng riêng, thể hiện trình độ tạo tác và thế gian quan, nhân sinh quan của những nghệ nhân bản địa. Các di vật khảo cổ được phát hiện tại vùng đất Nam bộ của Việt Nam trong thời kì Phù Nam cũng như hậu Phù Nam đã cho thấy đời sống Phật giáo phong phú và đa dạng ở đây.
Trong đợt khai quật năm 1987 – 1988 ở di tích Bình Tả, Long An, một mảnh minh văn bằng vàng đã được tìm thấy. Theo bản dịch công bố năm 1992 của Hà Văn Tấn, minh văn này có tất cả 5 dòng, trong đó 2 dòng đầu là trong Pháp thân kệ và kinh Pháp cú11. Minh văn này được viết bằng chữ Pàli lai, có dấu vết của cả chữ Sanskrit và văn tự Deccan khoảng thế kỷ VIII – IX. Hà Văn Tấn cũng cho rằng Pháp thân kệ thường được đưa vào các stùpa – tháp xá lợi.
Đồng thời, hệ thống tượng Phật giáo ở Nam bộ trong thời kì đế quốc Phù Nam lại có sự đa dạng với nhiều phong cách nghệ thuật và chất liệu khác nhau. Nhóm tượng Phật làm bằng chất liệu gỗ là nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc tượng Phật giáo của Phù Nam. Phần lớn các tượng gỗ này đều theo phong cách Amaravati và Gupta của Ấn Độ.
Nếu các tượng Phật bằng chất liệu gỗ chủ yếu ở thế đứng thì nhóm tượng Phật bằng đá lại có sự đa dạng hơn với nhiều tư thế khác nhau.
Trong khi đó, các bức tượng bằng đồng được tìm thấy ở văn hóa Óc Eo lại có tiếp nhận phong cách nghệ Gandhara ở Tây Bắc Ấn, vốn gần gũi với nền văn hóa Hy Lạp.
Một điểm nổi bật trong nghệ thuật Phật giáo Phù Nam (Óc Eo) là các pho tượng về Bồ tát. Bồ tát là hạnh tu đặc trưng của dòng truyền thừa Mahayana. Khác với truyền thừa Theravada, Mahayana hướng đến sự giải thoát mang tính đại chúng. Chúng sinh đều có thể tu tập, giải thoát để hướng đến các hạnh tu hành, thoát khỏi bể khổ. Bồ tát là biểu trưng cho khả năng tu thành chính quả của chúng sinh theo truyền thừa Mahayana. Hiện nay nhiều bảo tàng ở trong nước và thế giới có lưu giữ các pho tượng Bồ tát của nền văn hóa Óc Eo đạt đến độ tuyệt hảo về mặt thẩm mỹ, trở thành một trong những pho sử bằng hiện vật của nền văn minh đạt đến trình độ nghệ thuật cao của những cư dân Óc Eo – Phù Nam.
Năm 1919, một pho tượng Bồ tát Quán thế âm (Bodhisattva Avalokiteshvara) được tìm thấy ở một con kênh thuộc Mỹ Tú, Sóc Trăng. Bức tượng này hiện trưng bày tại đại sảnh của Bảo tàng Gourmet, Paris. Pho tượng thể hiện hình tượng Bồ tát Quán thế âm trong hình dạng đàn ông của Mahayana Ấn Độ hai tay cầm bình cam lồ và đóa sen quen thuộc của tượng Bồ tát. Niên đại của bức tượng này được xác định vào khoảng thế kỷ thứ VII theo phong cách Phnom Da – theo tên một ngọn núi gần Angkor Borei (Campuchia), kinh đô của đế quốc Phù Nam. Điều đặc biệt của pho tượng này là Quán thế âm đứng trên hai đài sen. Trong khi các pho tượng Bồ tát ở các nền văn hóa cùng thời khác thường không đứng trên đài sen hoặc nếu có thì chỉ trên một đài sen.
Mô típ này cũng tìm thấy ở nghệ thuật Phật giáo các nước Đông Á qua một vài văn vật Phật giáo nhưng muộn hơn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua đó, có thể thấy pho tượng tìm thấy năm 1919 là một trong những tác phẩm nghệ thuật ra đời sớm nhất của mô típ này còn mang đậm dấu ấn của văn hóa Ấn Độ qua bàn tay của người nghệ nhân Phù Nam ở Việt Nam. Nó phản ánh sự hấp thu trực tiếp Phật giáo từ cội nguồn của tôn giáo này nhưng được thổi hồn bởi những cư dân bản địa. Bức tượng vừa đạt đến sự thanh thoát của một tác phẩm nghệ thuật vừa thể hiện được tinh thần từ bi, bác ái của Đức Quán thế âm.
Có thể nói, qua các di vật Phật giáo tìm thấy được ở không gian văn hóa Óc Eo thời kì đế quốc Phù Nam đã minh chứng hùng hồn cho sự du nhập và tồn tại của Phật giáo Mahayana ở vùng đất này. Việc tồn tại các phong cách nghệ thuật khác nhau trên các di vật Phật giáo cũng phản ánh sự đa dạng của con đường du nhập Mahayana vào miền Nam Việt Nam. Trong số đó, bức tượng Bồ tát Quán thế âm (Bodhisattva Avalokiteshvara) được tìm thấy ở Sóc Trăng năm 1919 đang lưu giữ ở Bảo tàng Gourmet, Paris là một trong những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo vô cùng đặc sắc, cho thấy trình độ tạo tác và quan điểm thẩm mỹ của nghệ nhân bản địa. Tuy nhiên, hiện nay do sự thiếu sót của chúng ta mà bức tượng này thường xuyên bị gán cho chỉ dẫn nguồn gốc từ Campuchia. Một điều rất đáng tiếc trong việc quảng bá nghệ thuật Phật giáo Việt Nam thời cổ đại. Cần có những động thái kịp thời để nhận thức về những nền nghệ thuật Phật giáo đã từng tồn tại ở Việt Nam, trong đó có Phù Nam ngày càng đúng đắn và đầy đủ, phù hợp với những gì mà lịch sử đã diễn ra.
Chú thích:
1. Benjamin Z. Kedar and Merry E. Weisner-Hanks (2015), The Cambridge World History Volume 5: Expanding Webs of Exchange and Conflict, 500CE-1500CE, Cambridge University Press, p.450-451.
2. Benjamin Z. Kedar and Merry E. Weisner-Hanks (2015), p.452.
3. Benjamin Z. Kedar and Merry E. Weisner-Hanks (2015), p.452.
4. Kanai Lal Hazra (1982), History of Theravada Buddhism in South-East Asia, Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd, New Delhi, India, p.50.
5. Nguyễn Văn Kim (2005), “Óc Eo – Phù Nam: Vị thế lịch sử và các mối quan hệ khu vực”, tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, KHXH&NV, tập XXI, số 1 năm 2005, tr.45-46.
6. Thánh Nghiêm – Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo Thế giới, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.146.
7. Karuna Kusalasaya, Buddhism in Thailand – Its past and its present, Buddha Dharma Education Association Inc, p.12.
8. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, tr.26.
9. Đặng Văn Thắng chủ biên (2016), Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM, tr.102.
10. Ngô Văn Doanh (2015), Phật viện Đồng Dương một phong cách nghệ thuật của Champa, Nxb. Văn hóa văn nghệ, tr. 45-49.
11. Hà Văn Tấn (2019), Chữ trên đá, chữ trên đồng minh văn và lịch sử, Nxb. Tri thức, tr.55.
12. https://www.metmuseum.org/toah/hd/gand/hd_gand.htm.