Trung tâm Phật giáo Phù Nam qua thư tịch lịch sử Trung Hoa và một số cổ vật văn hóa Óc Eo (Thanh Lương)

Phù Nam là tên gọi của một quốc gia cổ đại, tồn tại trong khoảng Thế kỷ I – VII sau Công nguyên (Sau công nguyên), thuộc khu vực Đông Nam Á ngày nay. Cương vực của vương quốc này nằm ở hạ lưu và châu thổ sông Mekong. Cần lưu ý, phải phân biệt rõ cương vực của “vương quốc Phù Nam” và “đế quốc Phù Nam”, tức các vùng lãnh thổ chịu sự lãnh đạo của vương quốc Phù Nam. Phần cương vực của đế quốc Phù Nam bao gồm Nam Bộ Việt Nam, Campuchia, Thái Lan cùng phần Bắc – Trung bán đảo Mã Lai1.

Với vị trí địa lý đặc biệt nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, thuận tiện cho các đoàn hải thương, Phù Nam đã trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất khu vực ở thời kỳ tồn tại của mình. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Phật giáo tại Phù Nam như một lẽ tất yếu trong quá trình truyền giáo từ Ấn Độ. Thư tịch cổ Trung Hoa và hiện vật khảo cổ thuộc về văn hóa Óc Eo là những bằng chứng trực tiếp thể hiện sự phồn thịnh của một Trung tâm Phật giáo Phù Nam ở Đông Nam Á.

DẤU TÍCH HƯNG THỊNH CỦA PHẬT GIÁO PHÙ NAM QUA THƯ TỊCH CỔ TRUNG HOA

Hiện nay, việc nghiên cứu lịch sử Phù Nam chủ yếu qua hai nguồn chính là thư tịch cổ Trung Hoa ghi chép về quốc gia này và thông qua các nghiên cứu khảo cổ học về văn hóa Óc Eo và Phù Nam. Thời điểm Phật giáo truyền bá vào Phù Nam có lẽ không thể xác định hoàn toàn chính xác. Thông qua một số ghi chép trong sử Trung Hoa chỉ có thể biết rằng vào khoảng thế kỷ thứ III Sau công nguyên, Đạo Phật lúc này đã được truyền bá ở Phù Nam.

Trong Tục Cao tăng truyện của Huệ Hạo (慧皎)2 có nói đến việc một nhà sư Ấn Độ tên Ma Ha Kỳ Vực trên đường đi chu du và truyền đạo đã đến Phù Nam3. Sự kiện này diễn ra vào cuối triều vua Tấn Huệ Đế (290 – 306). Các thư tịch cổ Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Tấn Thư, Tống Thư,… có nhiều ghi chép về Phù Nam và các phái đoàn cống sứ sang giao hiếu. Trong tài liệu này, Phù Nam được mô tả là một quốc gia chuyên chế có vua, phong tục khác lạ, chịu nhiều ảnh hưởng từ các vị vua đến từ Ấn Độ, như Lương thư có ghi truyện Kiều Trần Như vốn là người theo đạo Bà La Môn được lời thần phán làm vua Phù Nam nên đi sang phương Nam và được người Phù Nam đón về làm vua.

Sau đó, tư liệu có ghi chép Kiều Trần Như cải cách chế độ dùng phép nước Thiên Trúc4 hoặc chuyện vua Phù Nam có khả năng viết sách nước Thiên Trúc, tương tự như kinh Phật và luận về việc Thiện5. Tuy nhiên, hầu như Tam Quốc Chí, Tấn Thư, Tống Thư không đề cập các vấn đề liên quan đến Phật giáo. Nam Tề thư có ghi chép về việc vua Phù Nam là Jayavarman6 cử vị sư tên Sakya Nagasena7 đi sứ sang gặp Tề Vũ Đế vào năm Vĩnh Minh thứ 2 (484). Sứ giả Phù Nam dâng biểu văn tố cáo Lâm Ấp cướp đoạt tài sản cá nhân cũng như cướp phá Phù Nam, nên xin Vũ Đế đem quân sang giúp hoặc cho quan quân ở biên giới giúp đỡ và xin dâng cống tượng Long Vương bằng vàng, tượng Phật bằng gỗ Bạch Đàn,…

 Bên cạnh đó, Na Gia Tiên còn dâng thư cho vua kể về chuyện phong tục tập quán ở Phù Nam như thờ thần Ma Hê Thủ La8, Phật pháp hưng thịnh, muôn dân ấm no. Theo lời trong thư ghi: Thần Ma Hê Thủ La dựa vào đó giáng anh linh, Quốc thổ thảy được nhờ; Nhân dân đều an ninh. Bởi được ơn rủ khắp; Nên quy phụ tâm thành…. Phật hóa khắp mười phương…9. Phật giáo ở Phù Nam lúc này đã có vị trí rất cao trong xã hội, chỉ đứng sau Bà La môn.

Sau này đến thời vua Phù Nam là Rudravarman lại sai sứ sang dâng tặng một tượng Phật gỗ chiên đàn của Ấn Độ. Việc giao lưu Phật pháp giữa Phù Nam và Trung Quốc thời kì này cũng được ghi lại trong Tục cao tăng truyện, với những đoạn chép Vị sư Tăng già Ba La10 người Phù Nam, tinh thông Phật pháp, đã dịch những bộ sách như A Dục vương Kinh và Giải thoát đạo luận. Một vị cao Tăng khác tên là Mạn Đà la11 đã dịch một số tác phẩm như Pháp giới thể tính kinh, Bản vân kinh và Văn Thù Bát Nhã Kinh12. Lương Vũ Đế từng có sắc chiếu bảo Trương Phạm đến Phù Nam thỉnh kinh và mời danh Tăng sang giảng dạy Phật pháp. Vua Phù Nam đã phái Paramartha13 sang Trung Hoa và mang theo 240 bộ kinh với hơn 2 vạn quyển kinh. Những sự kiện này được ghi chép trong Lịch đại Tam bảo ký và Tục Cao tăng truyện14. Lương thư ghi chép về sứ đoàn cuối cùng của Phù Nam như sau: “Năm Đại Đồng thứ năm (539), sai sứ sang cống tê giác sống. Lại nói, nước ấy có tóc của Phật… chiếu cho sa môn Thích Vân Bảo theo sứ đến đón về”15.

Những ghi chép trong thư tịch cổ Trung Hoa cho thấy Phật giáo ở Phù Nam có một giai đoạn rất hưng thịnh, ít nhất là từ sau thế kỉ III Sau công nguyên. Nơi đây là một điểm đến của các nhà sư Ấn Độ hoặc Trung Quốc trên hành trình “giao lưu Phật pháp” theo hải lộ. Việc Phù Nam cử sứ đoàn mang tặng một số lượng lớn kinh Phật và đưa các sư Ấn Độ sang giúp dịch sách đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Phật giáo ở Trung Quốc thời Nam – Bắc triều.

Tượng Phật gỗ Giồng Xoài (niên đại văn hóa Óc Eo, thế kỷ IV – VI) Nguồn: baoangiang.com.vn

NHỮNG CHỨNG TÍCH KHẢO CỔ VỀ VỀ TRUNG TÂM PHẬT GIÁO MỘT THỜI TẠI PHÙ NAM

Ngoài những ghi chép trong thư tịch cổ Trung Hoa, Trung tâm Phật giáo Phù Nam còn biểu hiện khá rõ ràng thông qua các bia ký, hiện vật, kiến trúc tôn giáo được tìm thấy trong các cuộc khảo cổ về văn hóa Óc Eo trên khắp Đông Nam Á. Tượng Phật là một trong những loại hiện vật đã được tìm thấy trong các di chỉ liên quan tới văn hóa Óc Eo. Gỗ và đá là hai loại chất liệu thường dùng để điêu khắc tượng. Cuối những năm 30 thế kỉ XX, L.Malleret đã công bố tìm thấy 4 pho tượng gỗ ở vùng Đồng Tháp Mười, có niên đại khoảng thế kỷ IV – VII.

Các cuộc khai quật khảo cổ sau năm 1975 cũng tìm thấy ít nhất 15 tượng gỗ ở các vùng thuộc văn hóa Óc Eo như ở Giồng Xoài, Gò Tháp. Có tám tượng Phật bằng đá cũng được tìm thấy, tuy nhiên không thể xác định niên đại cụ thể mà phỏng đoán bằng phương pháp so sánh, đối chiếu ước chừng vào khoảng thế kỉ V -VII. Ngoài ra, còn một tượng Phật bằng đồng, ước tính niên đại thế kỉ V Sau công nguyên.

Tượng Phật đá Khánh Bình
(niên đại văn hóa Óc Eo, thế kỷ VI – VII) Nguồn: baoangiang.com.vnVề hình thức, các tượng này được tạc theo các trường phái nghệ thuật khác nhau: Amarvati, Mathura, Gandhara và Gupta với hai tư thế chính là thế đứng và thế ngồi kiết tọa17. Ngoài ra, ở gò Minh Sư cũng phát hiện dấu hiệu của xưởng làm tượng Phật bằng gỗ: “Nhiều tượng Phật gỗ được phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đìa, làm ruộng với số lượng lớn, sự phong phú và đa dạng về kích thước và kiểu dáng vừa phản ánh sự tiếp thu các ảnh hưởng của nghệ thuật mới, vừa bộc lộ nét bản địa chân chất, giản dị trong chất liệu tạc tượng là nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào tại chỗ. Chất liệu gỗ mù u làm nên các pho tượng này vừa bền vững đồng thời vẫn thỏa mãn được sự sáng tạo, tính đa dạng của nghệ nhân Óc Eo, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo ở đây. Thế kỷ V – VII là thời kỳ phát triển rực rỡ của điêu khắc Phật giáo bản địa mà sưu tập tượng Phật bằng gỗ ở vùng Đồng Tháp là một minh chứng”18. Qua những thông tin có thể thu thập từ những tượng Phật được tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Óc Eo, Phật giáo khoảng từ thế kỉ V – VII đang trong giai đoạn khá hưng thịnh và Phù Nam là một trung tâm Phật giáo lớn.

Trong đợt khai quật Gò Xoài thuộc cụm di tích Bình Tả (Long An) đã phát lộ ra một kiến trúc tôn giáo, được mô tả là “một di tích kiến trúc xây bằng gạch, có dạng gần vuông với mỗi cạnh dài khoảng 20m, nền móng của kiến trúc có cấu tạo rất rắn chắc và phức tạp gồm nhiều loại vật liệu khác nhau như đá cuội bazan, sỏi đỏ, cát trắng, cát hồng… Kiến trúc Gò Xoài có hố thờ hình vuông, cạnh 2.2m, sâu trên 2,5m, ở gần đáy hố thờ đã phát hiện tro xương và một sưu tập hiện vật quý giá gồm nhiều mảnh vàng nhỏ, mỏng khắc chạm hình hoa sen và những linh vật như rùa, rắn, voi, những chiếc nhẫn, mề đay bằng vàng chạm đá quý,…”19.

Trong số hiện vật, các nhà khoa học đã phát hiện một bản minh văn trên lá vàng viết bằng ngôn ngữ Pali lai (Hybrid Pali) có dấu vết sankrit và văn tự Deccan, có niên đại thế kỷ VIII – IX20. Nội dung của bản minh văn này được giáo sư Hà Văn Tấn dịch lại chính xác và công bố tại Hội nghị Khảo cổ học năm 1993. Đây là bài “Pháp thân kệ” – một bài kệ tóm tắt tư tưởng cơ bản của Phật giáo do Tỳ kheo Asjavit21 đã đọc cho Sariputra22. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, bài “Pháp thân kệ” thường dùng trong nghi lễ đưa vào các Stupa23 và bản thân lá vàng này có thể xem như một loại “Xá lị”24. Vì vậy, kiến trúc Gò Xoài có thể là một Stupa Phật giáo. Khi nghiên cứu văn bản học của bản minh văn này và so sánh với bản Pháp thân kệ khác được tìm thấy ở một di tích Champa có niên đại thế kỷ VI – VII thì kết quả cho thấy hai văn bản này chỉ khác nhau một vài điểm nhỏ. Như vậy, có thể ước đoán, stupa (phù đồ, bảo tháp) ở Gò Xoài có thể đã tồn tại từ thời kỳ Phù Nam.

Tóm lại, Phù Nam trong giai đoạn từ cuối thế kỉ III đến thế kỉ VI là một trung tâm Phật giáo lớn ở khu vực Đông Nam Á nhờ vào vị trí trung gian giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Thư tịch cổ Trung Hoa đã ghi chép lại sự giao lưu Phật giáo giữa Ấn Độ – Phù Nam – Trung Hoa thông qua các hoạt động của các đoàn sứ giả, chuyến đi của các nhà sư và việc tặng các lễ vật như tượng Phật, kinh sách,…. Bên cạnh đó, các tài liệu khảo cổ được tìm thấy trong các di chỉ của văn hóa Óc Eo cũng góp phần làm rõ hơn sự phát triển của Phật giáo Phù Nam trong giai đoạn này. Sự đa dạng và tính nghệ thuật cao của các pho tượng Phật theo nhiều trường phái điêu khắc khác nhau được tìm thấy đã cho thấy Phù Nam từng là một trung tâm Phật giáo rất phát triển.

 

Chú thích:

1. Đặng Văn Thắng (2019). Khảo cố học Óc Eo và Phù Nam, Nxb ĐHQG TP.HCM, tr.136.
2. Chữ 慧 có âm Hán Việt là Huệ và Tuệ, 皎 có các âm Hán Việt là Hiệu, Hạo và Kiểu. 慧 thường được dịch là Huệ Hạo, Huệ Kiểu hoặc Tuệ Kiểu. Không rõ âm đọc đúng nhất
3. Trần Thuận (2016). Sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở vùng đất Nam Bộ trong bối cảnh quan hệ giữa Phù Nam với Ấn Độ và Trung Hoa. Kỷ yếu HTKHQT Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và hội nhập, Nxb ĐHQG TP.HCM.
4. Lương Ninh (2005). Vương quốc Phù Nam lịch sử và văn hóa. Nxb Văn hóa thông tin. Tr.213.
5. Lương Ninh (2005). Vương quốc Phù Nam lịch sử và văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin, tr.213.
6. Xà Da Bạt ma.
7. Thích Na Gia Tiên, vốn là người Ấn Độ trên đường đi từ Trung Quốc ngang qua Lâm Ấp bị cướp nên sang Phù Nam nhờ giúp đỡ.
8. Có thể là Đại tự tại Thiên Vương trong Phật giáo, theo https://langnghiem.com/dai-tu-tai-thien-vuong/.
9. Châu Hải Đường dịch và biên soạn (2018). An Nam truyện ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa. Nxb Hội nhà văn, tr.258-259.
10. Sanghapala.
11. Mandra, tên tiếng Trung là Hoằng Nhược.
12. Trần Thuận (2016), Sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở vùng đất Nam Bộ trong bối cảnh quan hệ giữa Phù Nam với Ấn Độ và Trung Hoa. Kỷ yếu HTKHQT Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và hội nhập. Nxb ĐHQG TP.HCM.
13. Tên tiếng Trung là Chân Đế. Ngài vốn là người Ấn Độ, tu tập chủ yếu theo truyền thống Du Già Hành Phái (tức Duy Thức), được coi là vị học giả có uy tín nhất thời đó về Vô Tướng Duy Thức. Khi sang đến Trung Quốc, ngài đã giúp dịch kinh Phật sang tiếng Hán và có đóng góp rất lớn trong cả toàn bộ công cuộc Dịch Kinh. Chân Đế được xếp vào trong Tứ Đại dịch giả cùng với Cưu Ma La Thập, Huyền Trang và Bất Không.
14. Trần Thuận (2016). Sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở vùng đất Nam Bộ trong bối cảnh quan hệ giữa Phù Nam với Ấn Độ và Trung Hoa. Kỷ yếu HTKHQT Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và hội nhập. Nxb ĐHQGTP.HCM.
15. Châu Hải Đường dịch và biên soạn (2018). An Nam truyện ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa. Nxb Hội nhà văn, tr.272.
16. Lê Xuân Diệm – Đào Linh Côn – Võ Sĩ Khải (1995). Văn hóa Óc eo những khám phá mới. Nxb Khoa học Xã hội. tr.273.
17. Đặng Văn Thắng (2019). Khảo cố học Óc Eo và Phù Nam. Nxb ĐHQG TP.HCM. Tr.98.
18. Nguyễn Thị Hậu, “Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) trong bối cảnh văn hóa Óc Eo”, http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3127/68470/khu-di-tich-go-thap-djong-thap-trong-boi-canh-van-hoa-oc-eo.html.
19. Kiến trúc đền tháp trong văn hóa Óc eo. http://ditichquocgia.angiang.gov.vn/oceo/index.php/thong-tin-tu-li-u/danh-m-c-tham-kh-o/17-ki-n-truc-d-n-thap-trong-van-hoa-oc-eo.
20. Lê Xuân Diệm – Đào Linh Côn – Võ Sĩ Khải (1995). Văn hóa Óc eo những khám phá mới. Nxb Khoa học Xã hội, tr.439.
21. Phiên âm Hán đọc là Mã Minh.
22. Phiên âm Hán đọc là Xá Lợi Phất.
23. Phù Đồ hay kiến trúc dạng tháp của Phật giáo.
24. Hà Văn Tấn, Từ minh văn trên lá vàng ở Gò Xoài (Long An) bàn thêm về Pháp thân kệ. Thông báo tại hội nghị Khảo cổ học hàng năm. tháng 9-1993.

Tài liệu tham khảo:

1. Châu Hải Đường dịch và biên soạn (2018), An Nam truyện ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa. Nxb Hội nhà văn.
2. Đặng Văn Thắng (2019). Khảo cố học Óc Eo và Phù Nam. Nxb ĐHQG TP.HC
3. Hà Văn Tấn, Từ minh văn trên lá vàng ở Gò Xoài (Long An) bàn thêm về Pháp thân kệ.Thông báo tại hội nghị Khảo cổ học hàng năm, tháng 9-1993.
4. Lê Xuân Diệm – Đào Linh Côn – Võ Sĩ Khải (1995). Văn hóa Óc eo những khám phá mới. Nxb Khoa học Xã hội.
5. Nguyễn Văn Kim (2005). Óc Eo – Phù Nam vị thế lịch sử và các mối quan hệ khu vực. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, KHXH&NV. Số 1.
6. Phan Huy Lê, Qua di tích văn hóa óc eo và thư tịch cổ thử nhận diện nước Phù Nam, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 11-2007.
7. Thông Thanh Khánh. Tính chất phật giáo Đại thừa Phù Nam. https://thuvienhoasen.org/a32488/tinh-chat-phat-giao-dai-thua-phu-nam.
8. Trần Thuận (2016), Sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở vùng đất Nam Bộ trong bối cảnh quan hệ giữa Phù Nam với Ấn Độ và Trung Hoa. Kỷ yếu HTKHQT Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và hội nhập, Nxb ĐHQG TP.HCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *