Nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ qua bốn trụ đá của Asoka (Thích Thiện Đức)

Tháp Ananda và trụ đá Asoka tại Kolhua, Vaiśālī, bang Bihar (wikipedia.org)

n Độ là một trong những nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại, khởi nguồn từ thời kỳ văn hóa Harappa (khoảng năm 3300-1300 Trước công nguyên), tại vùng tây bắc tiểu lục địa Ấn Độ. Với lịch sử tồn tại trên 5000 năm cùng nhiều thành tựu văn hóa rực rỡ, Ấn Độ là quốc gia có nhiều tôn giáo, trong đó chi phối nhiều nhất là Phật giáo và Ấn Độ giáo (Hindu). Đây là cơ sở cho sự phát triển nền nghệ thuật Ấn Độ trên mọi phương diện, nhất là lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Trong đó, nghệ thuật Phật giáo được hình thành sau khi bậc Đạo sư khai sáng Thích-ca Mâu-ni (Śākyamuni) nhập diệt. Thời kỳ Maurya với vị minh quân nổi tiếng – Asoka đã đặt nền móng đầu tiên và quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật Phật giáo.

1. KHÁI QUÁT VỀ NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO

Nghệ thuật là sự sáng tạo ra sản phẩm vật thể hay phi vật thể, hàm chứa những tư tưởng, văn hóa, thẩm mỹ có giá trị cao, làm kích thích tư duy, cảm xúc, niềm tin hay ý tưởng của người thưởng thức thông qua giác quan. Trong đó, mục đích của nghệ thuật tôn giáo là sự truyền bá, giải thích và tôn vinh niềm tin tôn giáo. Nghệ thuật Phật giáo hình thành sau sự ra đời của Đạo Phật. Đó là sự phản ánh các khái niệm Phật giáo dưới những hình thức nghệ thuật khác nhau, nhất là các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, hội họa có liên quan đến Tam Bảo. Bắt đầu từ thời sơ khai cách đây hơn 2.500 năm, từ đó phát triển thành một hệ thống biểu tượng đa dạng và phức tạp, với khởi thủy ở tiểu lục địa Ấn Độ, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn (563-483 Trước công nguyên).

Nền nghệ thuật Phật giáo được chia làm hai thời kỳ: Phi Thánh tượng và Thánh tượng. Thời kỳ phi Thánh tương (thế kỷ V Trước công nguyên -I), hình tượng Đức Phật được thể hiện qua nhiều biểu tượng. Giai đoạn hưng hịnh của nền nghệ thuật Phật giáo đầu tiên là vào thời đế chế Mauryan, với sự trị vì của Asoka (263-232 Trước công nguyên), vị vua Phật tử nổi tiếng đã có công rất lớn trong việc truyền bá Phật giáo tại Ấn Độ và phổ biến ra khắp thế giới. Thời kỳ Thánh tượng (Từ thế kỷ I Công nguyện đến nay), hình tượng Phật đầu tiên xuất hiện vào khoảng thế kỷ I Công nguyên tại Gandhāra và Mathurā. Từ đó, nghệ thuật Phật giáo được phổ biến đến các vùng Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á cùng với sự ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau, phát triển trở nên phong phú, đa dạng, tinh tế và phức tạp3.

Bánh xe Asoka được in giữa nền trắng của quốc kỳ Ấn Độ (wikipedia.org)

Maurya, nền mỹ thuật Phật giáo đầu tiên

Maurya (322-185 Trước công nguyên) hay triều đại Khổng Tước, là một đế chế hùng mạnh với lãnh thổ rộng lớn trên lục địa Ấn Độ thời cổ đại. Kinh đô đặt tại Pataliputra (Hoa Thị Thành), xứ Magadha (Ma Kiệt Đà). Vị vua khai sáng triều đại là Chandragupta Maurya (321-297 Trước công nguyên) đã lật đổ vương triều Nanda (345-322 Trước công nguyên) và đánh tan đế quốc Seleucid của người Macedonia. Người kế tục đế chế sau cùng là Asoka (268-232 Trước công nguyên), vị vua nổi tiếng nhất với những đóng góp to lớn cho Ấn Độ nói chung và Phật giáo nói riêng. Đế chế Maurya là thời kỳ mở đầu cho nền mỹ thuật Phật giáo, mang đặc điểm ba phong cách chính: Phong cách trang trọng cung đình, phong cách rừng núi bản địa, phong cách điêu khắc nổi bật và tinh xảo6.

Quốc huy Ấn Độ
lấy ý tưởng từ trụ đá Asoka (wikipedia.org)

Asoka, người mở đầu cho nền nghệ thuật Phật giáo

Asoka là hoàng đế thứ ba của triều đại Maurya, sau Chandragupta Maurya và Bindusāra. Ông được xem là vị vua vĩ đại nhất Ấn Độ, hoàng đế đầu tiên cai trị một đế chế rộng lớn nhất từ trước đến nay.Asoka rất tích cực, nhiệt thành ủng hộ Phật pháp và đưa Phật giáo trở thành quốc giáo. Những đóng góp rất to lớn và hết sức quan trọng của Asoka là bảo trợ Đại hội kết tập Kinh điển lần thứ 3, chủ tọa đại hội là Trưởng lão Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu), với sự ra đời của bộ Kathāvathu (Luận sự7) rất nổi tiếng, góp phần vào việc chấn chỉnh và hưng thịnh Phật giáo. Asoka đã đem Phật giáo vượt ra khỏi lãnh thổ đến khắp châu Á bằng chín phái đoàn truyền giáo, trong đó nổi bậc là hai người con của ông, Mahindra qua Sri Lanka truyền bá Phật giáo, đặt nền móng cho Phật giáo Nam truyền tại quốc đảo này. Sanghamitrā là người truyền giới Tỳ kheo Ni sang Sri Lanka và đem cây Bồ đề con được chiết ra từ cây Bồ đề tại Bodh Gaya sang trồng tại đây8.

Nền nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ vĩ đại và hoành tráng được khởi đầu từ thời Asoka trị vì. Điển hình của nghệ thuật thời kỳ này là những sắc lệnh được khắc vào đá, các hang động, các trụ đá với sự hòa điệu của kiến trúc điêu khắc Phật giáo và yếu lý kinh Veda (Vệ Đà). Đặc biệt, các đầu trụ đá là những di vật còn sót lại cung cấp cho chúng ta về kiểu mẫu của mỹ thuật thời kỳ Maurya. Nghệ thuật điêu khắc đá rất thịnh hành, trở thành phương tiện tuyệt hảo và mang tính bản xứ của người Ấn Độ. Kiến trúc các trụ đá hay những chiếc cột vũ trụ, trục thế giới (Axis Mundi), là đỉnh cao của truyền thống tôn giáo tiền Phật giáo9 và nghệ thuật Phật giáo thời kỳ đầu tiên.

Bức phù điêu mô tả Đức Phật từ cõi trời trở về thế gian (wikipedia.org)

Đặc điểm các trụ đá Asoka

Các trụ đá được phân tán trên khắp Ấn Độ. Chúng được tạo dựng tại những địa điểm quan trọng liên quan đến cuộc đời Đức Phật. Các trụ đá cao khoảng 12m – 15m, nặng khoảng 50 tấn. Mỗi trụ bao gồm hai phần: Đầu và thân trụ. Phần đầu trụ lại gồm tượng một hay nhiều con thú đứng hay ngồi trên một cái đế hình vuông hoặc tròn. Dưới đế là một cái chuông úp với dáng uốn cong về phía đáy, được cách điệu hình cánh sen. Phần thân trụ là một khối hình trụ tròn xoay, càng lên cao thì hơi nhỏ lại, được đẽo từ đá nguyên khối và mài láng bóng. Phần đầu trụ được đẽo từ một khối đá khác với thân trụ, hai phần được nối lại vào nhau bởi các chốt kim loại.

Các trụ đá được tạo bằng sa thạch, tùy xuất xứ mà có màu sắc khác nhau. Sa thạch màu đỏ và trắng tại vùng Mathura, sa thạch cứng hạt mịn có màu được tạo ra với những đốm đen nhỏ khai thác tại Chunar gần Varanasi. Sự đồng nhất về phong cách nghệ thuật trong các trụ đá cho thấy tất cả được điêu khắc bởi các nghệ nhân cùng một khu vực. Các nhà nghiên cứu cho rằng, vào giai đoạn trị vì Ấn Độ, vua Asoka đã tạo dựng rất nhiều trụ đá và trụ nào cũng có phần đầu là tượng các con thú. Nhưng chúng đã bị chôn vùi bởi các yếu tố chính trị, thiên nhiên. Đặc biệt, vào thế kỷ XIII, khi quân Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ đã ra lệnh phá hủy các trụ đá cũng như các Thánh tích quan trọng khác của Phật giáo. Hiện nay, các nhà khảo cổ chỉ khám phá được 19 trụ đá có khắc chỉ dụ và 7 trụ đá còn phần đầu tượng thú, còn lại có nhiều trụ với những phần không đầy đủ10.

Sắc lệnh bằng ký tự Brāhmī khắc trên thân trụ đá tại Sārnāth (wikipedia.org)

Các sắc lệnh và ngôn ngữ

Hiện nay, các nhà khảo cổ tìm thấy được 33 sắc lệnh của nhà vua khắc trên đá, trên vách hang động và trên các trụ đá. Các sắc lệnh này được tìm thấy tại Ấn Độ, Nepal, Afghanistan, Pakistan và Bangladesh. Trong đó, có khoảng 20 sắc lệnh có cùng nội dung được lặp lại nhiều lần, trên 10 sắc lệnh khắc một lần nội dung.

Ngôn ngữ được sử dụng là hệ văn tự cổ gồm bốn văn hệ cho ba ngôn ngữ khác nhau. Phần quan trọng và chiếm đại đa số là ngôn ngữ Prakit, một số khắc bằng ngôn ngữ Hy Lạp, Aramaic và vài sắc dụ khắc bằng cả hai ngôn ngữ Hy Lạp và Aramaic. Ngôn ngữ Prakit được viết dưới hai dạng văn hệ Brāhmī và Kharosthi (gần với Sanscrit)11.

Trên các sắc lệnh, Asoka tự xưng mình là Devānāmpriya Priyadarśin (vua lòng thương nhìn đời). Nội dung các sắc lệnh nói về chính sách cai trị đất nước là dùng ánh sáng chân lý của chánh pháp, lấy giáo lý làm nền tảng căn bản đạo đức: “Bây giờ đối với người con yêu của các thần linh, chinh phục bằng Phật pháp là chinh phục vinh quang nhất”12.

Mục đích vua Asoka hướng đến là xây dựng đời sống đạo đức, đem lại hạnh phúc, an lạc cho toàn dân, bảo vệ đời sống của các sinh vật và môi trường, chính sách bình đẳng tôn giáo. Cuối cùng và quan trọng hơn hết là ông muốn cho Chánh pháp được truyền bá khắp nơi trong nước và mọi nơi trên thế gian.

Trụ đá và sắc lệnh của Asoka tại Lumbinī, Nepal (ảnh trên).
Trụ đá ngày nay, bị gãy đôi – nơi ghi dấu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh (wikipedia.org)

2. BỐN TRỤ ĐÁ CỦA ASOKA TRỤ ĐÁ TẠI LUMBINĪ

Lumbinī (Lâm Tỳ Ni), là nơi đản sanh của Đức Phật, một Thánh địa ở vùng Rupandehi thuộc Nepal, tọa lạc dưới chân Himalaya, cách 25km về phía đông của thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ), kinh thành xưa nơi Đức Phật trước khi xuất gia đã sinh sống. Năm 249 Trước công nguyên, vua Asoka đến viếng thăm và chiêm bái Lâm Tỳ Ni. Ông đã cho dựng trụ đá để đánh dấu nơi Đức Thế Tôn xuất hiện. Sắc lệnh khắc trên trụ đá có nội dung: Người Con Yêu Của Các Thần Linh, Vua Lòng Thương Nhìn Đời, vào năm 20 sau khi lên ngôi đã đến chiêm bái nơi đây, nơi Đức Phật Śākyamuni (Thích Ca Mâu Ni) ra đời. Một tường rào đá và trụ đá được dựng lên để tôn vinh Đức Thế Tôn đã sinh ra tại đây; làng Lumbinī được giảm thuế và chỉ đóng một phần tám lợi tức13.

Ban đầu, trên đầu trụ đá này có tượng một con ngựa, nhưng sau đó bị hư bể, chỉ còn thân trụ, cao 6,7m. Theo Đại Đường Tây vực ký, Huyền Trang (602-664) có đến chiêm bái Lumbinī vào thế kỷ VII, ngài mô tả trên đầu trụ có con ngựa, nhưng về sau trụ bị sét đánh nên đầu có con ngựa bị hư mất. Nhờ bộ ký sự này, năm 1896, các nhà khảo cổ Nepal đã khai quật và phát hiện trụ đá Asoka, sau gần 15 thế kỷ Lumbinī bị rơi vào quên lãng, hoang phế kể từ lúc các Thánh địa Phật giáo bị tàn phá dưới bàn tay quân xâm lược Hồi giáo vào nửa cuối thế kỷ XIII14. Trụ đứng gần đền thờ Hoàng hậu Māyādevī (Mada), người đã hạ sinh Thái tử Siddārtha Gautama, khắc dòng chữ xác nhận khu vực nơi Đức Phật sinh ra, khoảng năm 563-483 Trước công nguyên, ngài thọ 80 tuổi. Năm 1997, Lumbinī được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo.

Tượng 4 sư tử tại Sārnāth (trên)
và Tượng 4 sư tử tại Sanchi
(wikipedia.org)

Trụ đá tại Sārnāth

Sārnāth (Lộc Uyển), gần thành Vāranāsī, tức Banāras (Ba La Nại). Đây là nơi đánh dấu sự kiện quan trọng, lần đầu tiên Đức Thế Tôn Chuyển Pháp luân và Thành lập Tăng đoàn sau khi hóa độ năm vị đệ tử chứng đắc Thánh quả. Ngôi Tam Bảo (Triratna), tức Phật bảo (Buddha), Pháp bảo (Dharma), Tăng bảo (Shagha) được chính thức ra đời15. Đây là trụ đá có phần đầu gồm 4 con sư tử nổi tiếng và đặc biệt nhất trong các trụ đá của Asoka, còn được gọi là trụ đá đầu sư tử của Asoka. Trụ đá có niên đại khoảng năm 250 Trước công nguyên, nhưng bị gãy đổ không còn nguyên vẹn, trên thân trụ có khắc sắc lệnh của Asoka với nội dung Cấm hành vi ly gián Tăng đoàn. Sắc lệnh này cũng được tìm thấy ở Kauśāmbī và Sāncī, tức đều cùng nội dung đề cập đến vấn đề chia rẽ nội bộ Phật giáo: “Người Con Yêu Của Các Thần Linh ra lệnh cho các quan chức cấp cao tại Kauśāmbī rằng: Bất cứ ai làm chia rẽ Tăng chúng mà hiện nay đang thống nhất thì không được chấp nhận ở trong Tăng chúng. Bất cứ ai, dù tăng hay ni mà làm chia rẽ Tăng chúng thì buộc phải mặc y phục trắng và không được ở trong tu viện nào”16.

Phần đầu trụ đá được tạo từ nguyên một khối sa thạch Chunar có màu nâu đẹp dị thường, được mài láng bóng với chất đánh bóng thời kỳ Maurya, cao 2,15m. Trụ có ba phần: Trên cùng là bốn con sư tử đứng tựa lưng vào nhau, đặt trên một trụ ngắn tròn. Trên bề mặt trụ ngắn có 4 bánh xe có 24 nan, xen kẽ với 4 con vật xung quanh với tư thế di chuyển là con voi, con ngựa, con bò đực và con sư tử. Phần dưới cùng là một đế hình cái chuông úp ngược được cách điệu tạo nên những cánh hoa sen17

Bốn đầu sư tử quay mặt về 4 hướng tượng trưng cho chánh pháp Đức Phật tại Sārnāth, nơi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên, từ đó truyền bá bốn phương. Bánh xe tượng trưng cho bánh xe Pháp (Dharma cakra), thường gọi là bánh xe Asoka của Phật giáo được luân chuyển khắp thế gian. Bốn con thú tượng trưng cho bốn giai đoạn cuộc đời của Đức Phật: Con voi là ý niệm về giấc mộng của hoàng hậu Māyādevī khi thấy voi trắng chui vào hông phải và thọ thai thái tử; con bò đực tượng trưng cho thời kỳ thái tử Tất Đạt Đa ở hoàng cung; con ngựa tượng trưng cho sự ra đi tìm chân lý giải thoát khổ đau cho nhân loại; con sư tử tượng trưng cho đại hùng, lực, bi, trí, pháp âm vi diệu của Đức Phật18.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau nên trụ đá bốn đầu sư tử còn mang một ý nghĩa khác: Bốn con thú kết hợp với bốn hướng tượng trưng cho vị thần linh của Hindu giáo. Thần bò của của đạo Bà la môn hay Ấn giáo, voi là bánh xe của vua trời Đế Thích (Indra), sư tử của thần Durga. Đặc biệt, con ngựa kết hợp với Surya, vị thần mặt trời đi ngang qua bầu trời bằng chiếc xe ngựa19.

Ngày 26/01/1950, sau khi Quốc hội thông qua, Ấn Độ đã chọn Bốn đầu sư tử của trụ đá Asoka tại Sārnāth làm Quốc huy. Phần đế hình chuông úp cách điệu hoa sen được lược đi, thay vào đó là hàng chữ Satyameva jayate (chỉ có chân lý chiến thắng). Còn bánh xe Asoka gồm 24 nan hoa được đặt vào vị trí trung tâm quốc kỳ Ấn Độ (22/7/1947).

Trụ đá tại Vaiśālī

Vào thời Đức Phật còn tại thế, Vaiśālī (Vệ Xá Ly, Tỳ Xá Ly) là một thành phố lớn, thịnh vượng của vương quốc Licchavi, cái nôi của nền văn hóa triết học Phật giáo. Đức Phật từng đến đây nhiều lần, giảng những bài pháp cuối cùng trước khi nhập Niết Bàn (483 Trước công nguyên). Vaiśālī còn là nơi tổ chức cuộc Đại hội kết tập Kinh điển lần thứ 2, được bảo trợ bởi vua Kālāśoka, sau hơn 100 năm ngày Đức Thế Tôn nhập diệt. Cuộc kết tập bàn về Mười điều phi pháp (Nam Truyền) và Năm việc của Đại Thiên (Bắc Truyền)20. Đây cũng là nơi thành lập Ni đoàn sau khi di mẫu Mahā Pajāpati Gotamī và các hàng nữ dòng quý tộc được Đức Phật cho phép xuất gia, gia nhập vào hàng ngũ Giáo hội Tăng Già nhưng với điều kiện phải giữ Bát kỉnh pháp21.

Asoka cho dựng lập trụ đá và bảo tháp tại đây, chúng vẫn còn tình trạng rất tốt. Trên đầu trụ là tượng một con sư tử, mặt hướng về phía Bắc, tức nơi Đức Phật nhập Niết Bàn, đây cũng là trụ đá duy nhất đứng nguyên và hoàn chỉnh nhất. Tuy nhiên, trên trụ đá này lại không có dấu tích gì về sắc lệnh do vua ban.

Đầu trụ tượng sư tử
và trụ đá vua Asoka
tại Lauria Nandangarh
(wikipedia.org)

Trụ đá tại Sāmkāśya

Đây là Thánh tích Phật giáo, một thành phố nổi tiếng từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế. Vào năm hạ thứ bảy, Đức Phật đã lên cung trời Trāyastrimśa (Đao Lợi) để thuyết Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) cho Thiên chúng và thân mẫu là hoàng hậu Māyādevī nghe trong suốt mùa mưa (Nam Truyền). Cũng tại cõi trời này, Đức Phật đã giảng Kinh Địa Tạng trong ba tháng cho hoàng hậu cùng chư Thiên và bà đã chứng được sơ Thánh quả (Theo truyền thống Đại Thừa Phật giáo)22. Sau khi giảng Pháp xong, Đức Phật trở về cõi thế gian, vua trời Đế Thích (Śakra) bèn cung cấp ba cái thang để cung kính tiễn đưa Đức Thế Tôn. Cái thang trái bằng vàng dành cho chư Thiên, cái thang phải bằng bạc dành cho Mahā Brahmā, cái thang giữa bằng châu báu dành cho Đức Phật.

Asoka đã cho dựng trụ đá, xây bảo tháp và ngôi đền tại Sāmkāśya để tưởng niệm vị trí đặc biệt này. Bảo tháp được dựng lên tại nơi bàn chân phải Đức Phật chạm đất lần đầu từ chuyến trở về thế gian. Năm 1842, nhà khảo cổ người Anh, Alexander Cunningham khám phá ra vùng này. Khi khai quật, trụ đá của Asoka không còn được nguyên vẹn vì mất thân trụ, chỉ có phần đầu trụ đá là một con voi đã bị hư, bể mất vòi, không được mài láng, phần đế được đánh bóng một phần23.

Đầu trụ đá 4 sư tử của Asoka, bằng sa thạch đánh bóng Chunar, cao 2, 15 m, thời kỳ Maurya, thế kỷ III TCN, (Bảo tàng Khảo cổ học, Sarnath, Ấn Độ) (wikipedia.org)

3. KẾT LUẬN

Các trụ đá Asoka và những sắc lệnh khắc trên trụ đá là một trong những tác phẩm điêu khắc được biết đến sớm nhất, mở đầu cho nền nghệ thuật Phật giáo. Đó là những công trình kỳ vĩ của một nền văn minh đỉnh cao thời cổ đại. Chứng cứ quan trọng để xác định quá trình hình thành, phát triển của Phật giáo, về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử và một đại đế Asoka có thật. Những công trình nghệ thuật đầu tiên của Phật giáo đã phản ánh hình ảnh về Đức Thế Tôn, về tinh yếu giáo lý Phật pháp. Đó là những công trình có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao, tinh tế và hàm chứa ý nghĩa, nội dung sâu sắc. Nghệ thuật Phật giáo thời kỳ Asoka của triều đại Maurya là tiền đề quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển các phong cách nghệ thuật sau đó tại Ấn Độ, cũng như phổ biến nền mỹ thuật Phật giáo ra khắp các châu Á.

 

Chú thích:

3. TT. TS. Thích Trung San (2019), Tài liệu môn Nghệ thuật Phật giáo Bắc Truyền và Nam Truyền, Học Viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh.
4. Hiện nay là lãnh thổ của: Ấn Độ, Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Iran, 6. Sherman E. Lee (2007), Lịch sử mỹ thuật Viễn Đông, Trần Văn Huân (biên dịch), Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội, tr.98.
7. Còn được gọi là bộ Ngữ Tông.
8. Sasaki Kyogo – Takasaki Jikidou – Inokuchi Taijun – Tsukamoto Keisho (2017), Khái luận Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Đạt Hòa (Hán dịch), Thích Hạnh Bình – Phương Anh (Việt dịch), Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh, tr.64-67.
9. Roy C. Craven (2005), Mỹ thuật Ấn Độ, Nguyễn Tuấn – Huỳnh Ngọc Trảng (dịch), Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội, tr.47.
10. Lê Tự Hỷ (2018), Đại đế AŚOKA từ huyền thoại đến sự thật, Nxb. Đà Nẵng, tr.55-56.
11. Lê Tự Hỷ (2018), Đại đế AŚOKA từ huyền thoại đến sự thật, Nxb. Đà Nẵng, tr.31-33.
12. Lê Tự Hỷ (2018), Sđd, tr.48-49.
13. Lê Tự Hỷ (2018), Đại đế AŚOKA từ huyền thoại đến sự thật, Nxb. Đà Nẵng, tr 97-98.
14. HT. Thích Thanh Kiểm (2014), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.246-247.
15. Pháp sư Thánh Nghiêm * Pháp sư Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.38.
16. Lê Tự Hỷ (2018), Đại đế ASOKA từ huyền thoại đến sự thật, Nxb. Đà Nẵng, tr.64-65.
17. Roy C. Craven (2005), Mỹ thuật Ấn Độ, Nguyễn Tuấn – Huỳnh Ngọc Trảng (dịch), Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội, tr.47-48.
18. Michael Kampen O’Riley (2005), Những nền mỹ thuật ngoài phương Tây, Phan Quang Định (biên dịch), Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội, tr.72.
19. Sherman E. Lee (2007), Lịch sử mỹ thuật Viễn Đông, Trần Văn Huân (biên dịch), Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội, tr . 94.
20. Sasaki Kyogo – Takasaki Jikidou – Inokuchi Taijun – Tsukamoto Keisho (2017), Khái luận Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Đạt Hòa (Hán dịch), Thích Hạnh Bình – Phương Anh (Việt dịch), Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh, tr.53-58.
21. Nārada Mahāthera (2015), Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.122-126.
22. Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn (sưu tập & giới thiệu), Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện như thế, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, Hồ Chí Minh, tr.432.
23. Lê Tự Hỷ (2018), Đại đế ASOKA từ huyền thoại đến sự thật, Nxb. Đà Nẵng, tr.70-72.

 

Tài liệu tham khảo:

Roy C. Craven (2005), Mỹ thuật Ấn Độ, Nguyễn Tuấn – Huỳnh Ngọc Trảng (dịch), Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội.
Sherman E. Lee (2007), Lịch sử mỹ thuật Viễn đông, Trần Văn Huân (dịch), Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội.
Lê Tự Hỷ (2018), Đại đế Asoka từ huyền thoại đến sự thật, Nxb. Đà Nẵng.
Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2008), Nghệ thuật Phật giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2008), Toàn tập giải thích hình tượng hoa sen Phật giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
TT.TS. Thích Trung San (2019), Tài liệu môn Nghệ thuật Phật giáo Bắc Truyền và Nam Truyền, Học Viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh.
HT.Thích Thanh Kiểm (2014), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
Sasaki Kyogo – Takasaki Jikidou – Inokuchi Taijun – Tsukamoto Keisho (2017), Khái luận Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Đạt Hòa (Hán dịch), Thích Hạnh Bình – Phương Anh (Việt dịch), Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh.
Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn (sưu tập & giới thiệu), Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện như thế, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, Hồ Chí Minh.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *