Bài báo bị rút lại [Gốm Sài Gòn – Một thời vang bóng (Dương Thụy)]

“Phó Tổng Biên tập Thường trực Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo quyết định rút lại bài báo này do tác giả có hành vi đạo văn và mạo danh. Người cộng tác bài viết (Dương Thụy) không phản hồi về cáo buộc đạo văn, đồng thời kê khai không trung thực học vị và nơi công tác của bản thân trong các bài viết cộng tác với Tòa soạn.

Ban Biên tập gửi lời xin lỗi đến Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu bị hành vi đạo văn của người cộng tác (Dương Thụy) ảnh hưởng. Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích và tuân thủ pháp luật.”

Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo xin thông báo để quý độc giả liễu tri.”

 

Khung cảnh lò gốm Cây Mai được ghi nhận qua bưu ảnh của người Pháp. Nguồn: vietnamngaynay.net.vn

Hơn ba trăm năm với bao biến cố thăng trầm, dấu tích của Sài Gòn xưa đã dần nhạt phai dưới lớp bụi thời gian. “Vật đổi sao dời”, lần theo sử sách và một vài dấu tích, chúng ta cùng tìm lại một “Sài Gòn xưa” lâu nay chưa được nhiều người biết đến. Đó là một làng nghề nổi tiếng đã từng góp phần cho sự phát triển của vùng đất này: Xóm Lò Gốm. Gốm Sài Gòn ra đời nửa đầu thế kỷ XIX, tồn tại đến khoảng giữa thế kỷ XX thì di dời khỏi địa bàn, do quá trình đô thị hóa tác động và nguồn vật liệu khó khăn.

VỊ TRÍ CÁC KHU LÒ GỐM SÀI GÒN XƯA:

Tư liệu xưa nhất có nhắc đến lò gốm ở xứ Sài Gòn (nay là vùng Chợ Lớn) là sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức. Sách này cho biết “sông Mã Trường” (kênh Ruột Ngựa): “Nguyên xưa từ cửa sông Cát ra phía Bắc đến lò gốm thì có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được. Mùa thu năm Nhâm Thìn (1772) Đốc chiến Đàm Âm Hầu… có đào con kinh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt tên ấy…”.

Trên bản đồ tỉnh Gia Định của Trần Văn Học vẽ ngày mùng bốn tháng Chạp năm Gia Long thứ 14 (1815) có thể hiện sông rạch, đường bộ, thành lũy… đặc biệt là sự phân bố dân cư với hai khu vực quanh thành Gia Định (nay là vùng Sài Gòn) và khu vực xứ Sài Gòn (nay là vùng Chợ Lớn). Ở khu vực xứ Sài Gòn có ghi chú hai chữ Lò Gốm nay là vùng Phú Lâm thuộc phường 6, phường 9, phường 10 (quận 6).

Năm 1882, M. Derbès có giới thiệu một bài nghiên cứu về công nghệ làm gốm ở Nam Kỳ, với một bảng thống kê về số lượng lò, tên địa phương và những nơi sản xuất gốm. Theo bảng thống kê này, những nơi có số lượng lò gốm nhiều như Sa Đéc có 5 lò, Biên Hòa có 5 lò nằm ở làng Bình Dương và An Xuân. Nhưng nổi bật hơn cả là ở vùng Chợ Lớn có 30 lò với 3 khu vực sản xuất: Hòa Lục và Phú Định, Cây Mai và Lò Gốm, Vin Hoi và Lieng Thanh (Can Hoi). Có thể nhận ra làng Hòa Lục (phường 16, quận 8) và Phú Định (phường 10, quận 6), Cây Mai thuộc làng Long Quới (phường 16, quận 11) và Lò Gốm thuộc làng Phú Lâm (phường 6, phường 9, phường 10 ở quận 6) với những ngôi đình xưa: Đình Hòa Lục, đình Phú Định, đình Long Quới, đình Phú Lâm.

Còn Vin Hoi và Lieng Thanh (Can Hoi) thì Vin Hoi nhiều khả năng là Vĩnh Hội. Trong các thôn, phường của trấn Phiên An mà Trịnh Hoài Đức đã giới thiệu ở Gia Định thành thông chí thời Gia Long không thấy có tên này. Nhưng trong Địa bạ tỉnh Gia Định được lập vào thời Minh Mạng đã có ghi thôn Vĩnh Hội thuộc tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định: “Vĩnh Hội thôn. Đông giáp địa phận thôn Long Vĩnh, lấy lòng rạch làm giới. Tây giáp địa phận thôn Thuận Đức, có lập cột gỗ làm giới. Nam giáp thôn Phong Phú (Tân Phong Hạ), có cột gỗ làm giới. Bắc giáp hai thôn Tân Hợi, Tân Lộc, lấy lòng sông làm giới”. Hiện nay, ở đây còn đình Vĩnh Hội (số 46 đường Đinh Hòa, phường 13, quận 8), nguyên là đình của thôn Tân Hương (ở đầu đường Châu Văn Liêm, quận 5) dời sang vào năm 1889. Đình Vĩnh Hội còn giữ sắc thần của vua Tự Đức phong năm 1853 “Chuẩn cho thôn Tân Hương huyện Tân Long, thờ phụng như cũ”.

Thôn Tân Hương là ngôi làng có khá sớm. Theo Gia Định thành thông chí: Tân Hương thôn thuộc Tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Địa bạ tỉnh Gia Định cũng có đề cập: “Tân Hương thôn. Đông giáp địa phận thôn Gia Định có rạch và cột gỗ làm giới. Tây giáp địa phận thôn An Thới, có cột gỗ làm giới. Nam giáp địa phận thôn Đình Long (Tân Phong Trung) lấy lòng sông làm giới. Bắc giáp địa phận hai thôn Tân Long, Tân Hương, có đường thiên lý làm giới”. Điều cần lưu ý là chính ở khu vực này, trong ba căn nhà số 1 – 2 – 3 Quai Testard, cơ sở của Liên Thành Hương Quán nơi mà vào năm 1910, Nguyễn Tất Thành đã cư ngụ trước khi ra đi tìm đường cứu nước (nay là số 5 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5). Nhiều khả năng thuật ngữ Lieng Thanh mà Derbès đề cập xuất phát từ chữ Liên Thành Hương Quán và như vậy, thuật ngữ Vin Hoi và Lieng Thanh (Can Hoi) là Vĩnh Hội và Liên Thành.

Nếu lấy chợ Sài Gòn cũ (nay là Bưu điện Trung tâm Chợ Lớn) trên hữu ngạn sông Sài Gòn xưa (nay đã bị lấp thành đường Hải Thượng Lãn Ông) làm trung tâm thì chợ Sài Gòn và thôn Vĩnh Hội nằm ở hữu ngạn sông Sài Gòn, còn đối diện bờ bên kia là Liên Thành (tả ngạn sông Sài Gòn). Và nếu kể luôn lò gốm Đào Xương ở Chợ Quán, nằm chếch về phía đông một ít, thì Vĩnh Hội và Liên Thành là khu vực sản xuất gốm gần chợ Sài Gòn nhất. Xa hơn về phía tây là hai khu vực sản xuất gốm Hòa Lục và Phú Định, Cây Mai và Lò Gốm. Đó chính là ba khu vực sản xuất gốm ở Sài Gòn xưa. Ngày nay đến làng Hòa Lục (phường 16, quận 8) còn có thể thấy nhiều ao nuôi cá nằm kề nhau, rất có thể đó là vết tích của những hầm khai thác đất làm gốm ngày xưa.

Khuôn đúc vật dụng gia đình.

SẢN PHẨM GỐM SÀI GÒN

Sản phẩm gốm Sài Gòn được lưu giữ đến nay khá nhiều: tượng Giám Trai, đôn, chậu ở chùa Giác Viên (quận 11), tượng Bồ Đề Đạt Ma, tượng Tiêu Diện Đại Sĩ ở chùa Phụng Sơn (quận 11), tượng Tiêu Diện Đại Sĩ ở chùa Vạn Đức và chùa Bảo An (quận Bình Thạnh), bộ tượng Ngũ Hành, bộ tượng Thập Bát La Hán ở chùa Trường Thọ (quận Gò Vấp), tượng Ông Ác, lư hương ở đình Phú Định (quận 6), quần thể tiểu tượng, bộ tượng 12 mụ bà, lư hương, thuyền, chậu ở điện Ngọc hoàng (quận 1)…

Một số tỉnh khác cũng có gốm Sài Gòn như: bộ tượng Di Đà tam tôn, bộ tượng Thập điện Diêm Vương ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng, Tây Ninh), quần thể tiểu tượng lư và lân gốm ở miếu Thiên Hậu (Vĩnh Long), lư gốm ở chùa Phù Dung (Hà Tiên, Kiên Giang), quần thể tiểu tượng trên nóc và mái đình Tân Lân (Biên Hòa, Đồng Nai), lư gốm ở miếu Kim Hoa trong miếu Quan Đế (TP. Phan Thiết, Bình Thuận), quần thể tiểu tượng gốm ở Quảng Triệu Hội Quán (TP. Hội An, Quảng Nam), lân gốm ở lăng Tự Đức (Huế), lân gốm ở miếu Tam Thánh Đế (Hưng Yên), chậu đôn và đôn voi gốm ở chùa Bà Đá, ở Văn Miếu (Hà Nội)…. Có thể nói sản phẩm gốm Sài Gòn, không những sử dụng ở vùng Sài Gòn – Gia Định mà còn được ưa chuộng khắp cả nước.

Gốm Sài Gòn có minh văn thường ghi nơi sản xuất là Đề Ngạn hoặc Đề Ngạn Khư và Mai Sơn hoặc Chợ Lớn Mai Sơn. Đề Ngạn là cách ghi âm địa danh Sài Gòn của người Hoa, theo âm Hán Việt thì đọc là Đề Ngạn, nhưng người Hoa Quảng Đông cư ngụ ở vùng Chợ Lớn thì đọc là Thầy Ngòn. Cũng như vậy, trên quần thể tiểu tượng gốm ở miếu Tam Sơn có ghi “Tả Quan, Đào Xương Diêu”, Tả Quan là cách ghi âm địa danh Chợ Quán của người Hoa, theo âm Hán Việt thì đọc là Tả Quan, nhưng người Hoa Quảng Đông cư ngụ ở Chợ Lớn thì đọc là Chỏ Quán… Như vậy, minh văn trên gốm có chữ Đề Ngạn nên hiểu là Sài Gòn, còn chữ Tả Quan được hiểu là Chợ Quán. “Tả Quan, Đào Xương Diêu” tức lò gốm Đào Xương ở Chợ Quán. Theo Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh thì chữ Khư có ba nghĩa: Gò Đất – Đất bỏ hoang – Chợ. Đề Ngạn Khư có thể hiểu là cái chợ/chỗ buôn bán sầm uất Đề Ngạn hay là chợ Sài Gòn.

Trên sản phẩm gốm Sài Gòn còn ghi những hàng chữ trong đó có chữ Điếm (tiệm) và chữ Diêu (lò). Chẳng hạn, trên tượng Giám Trai của chùa Giác Viên (quận 11) ở góc dưới bên phải có hàng chữ nổi gồm bảy chữ: “Đề Ngạn, Nam Hưng Xương Điếm Tố”. Góc dưới bên trái cũng có 7 chữ viết thành ba hàng như góc bên phải: “Canh Thìn Trọng Đông Kiết Đán Lập” tức lập vào ngày tốt tháng 11 năm Canh Thìn (1880). Ở Miếu Thiên Hậu (Quảng Triệu Hội quán, quận 1) trên quần thể tiểu tượng gốm ở phần sân miếu có những bảng gốm chữ nổi “Lương Mỹ Ngọc Điếm Tạo”, “Quang Tự Thập Tam Niên” (1887) và “Thạch Loan Mỹ Ngọc Tạo”, “Quang Tự Đinh Hợi Tuế” (1887)… Và chữ Diêu sớm nhất là ở quần thể tiểu tượng gốm đình Minh Hương Gia Thạnh: “Đồng Hòa Diêu Tạo” (1901). Riêng miếu Thiên Hậu (Quảng Triệu Hội quán – quận 1) trên quần thể tiểu tượng gốm có chữ Điếm lúc mới thành lập miếu “Loan Mỹ Ngọc Điếm Tạo” (1887) và đồ gốm có chữ Diêu lúc trùng tu miếu: “Bửu Nguyên Diêu Tạo” (1921)…

Có thể nhận thấy ở vùng Sài Gòn, từ đầu thế kỷ XX trở đi, tên các lò gốm như “Đồng Hòa Diêu”, “Bửu Nguyên Diêu”… mới bắt đầu được xuất hiện trên các sản phẩm gốm dùng để xây dựng, trùng tu, trang trí hay thờ cúng ở đình, chùa, miếu, Hội quán…. Trước đó, trên các sản phẩm này chỉ có tên của tiệm bán đồ gốm hay tiệm “bách hóa” đặt gốm dâng cúng, như: “Nam Hưng Xương Điếm Tố” (tiệm Nam Hưng Xương tạo), hay “Lương Mỹ Ngọc Điếm Tạo” (tiệm Lương Mỹ Ngọc tạo),…

Việc tên lò gốm xuất hiện muộn và hiếm gặp trên sản phẩm gốm Sài Gòn dùng để trang trí, thờ cúng có thể do các nguyên nhân sau. Thứ nhất, những lò gốm để lại tên trên sản phẩm… có thể xuất hiện muộn hoặc bắt đầu sản xuất gốm trang trí, thờ cúng từ cuối thế kỷ XIX, khi nhu cầu xây mới và trùng tu các chùa miếu trở nên phổ biến hơn, do mức sống của một bộ phận dân cư trở nên khá giả hơn. Thứ hai, từ đầu thế kỷ XX, gốm trang trí và thờ cúng mới thật sự phổ biến. Ngoài ra, việc ghi tên lò gốm lên sản phẩm như một sự đánh dấu “bản quyền” của vùng gốm Sài Gòn mới bắt đầu và trở thành thông lệ.

KỸ THUẬT SẢN XUẤT GỐM SÀI GÒN

Sản phẩm của khu lò gốm Hưng Lợi

Gồm những đồ gia dụng bình dân, thiết yếu cho cuộc sống. Có thể phân thành các nhóm dựa vào loại hình và chức năng: Đồ chứa đựng (gồm lu, hũ chậu nhỏ không men, các kiểu khạp, hũ, hộp chậu, vịm có men nâu hoặc men vàng); Dụng cụ đun nấu ăn uống (siêu, ơ (nồi có tay cầm), các loại bát đĩa men xanh trắng, tô con gà, bình rượu, thố có nắp men nhiều màu, muỗng, ly, ấm trà men trắng); Đồ dùng sinh hoạt khác (đèn gốm, bát nhang, chậu bông lớn men nhiều màu, men xanh đồng, ống nhổ, bình bông men xanh táo, chậu bông nhỏ, đôn hình tròn).

Các công cụ làm gốm

– Bàn dập: Bằng đất nung, hình nấm tròn, chắc nặng. Màu sắc và chất liệu giống lu đất nung. Bàn dập bằng gỗ, hình dáng giống chày đập vỏ cây: dùng để vỗ sửa bên ngoài lu đất nung sau khi được phơi se khô.

– Các loại khuôn: Đều là khuôn hai mảnh, làm từ loại đất chắc, mịn, màu trắng ngà, dày từ 1 – 2cm. Đó là khuôn của các sản phẩm siêu, nắp siêu, nắp nồi, thìa, chậu vạt, chậu bông lớn, hũ, đĩa, tô, vòi ấm…

– Các loại con kê: Con kê hình vành khăn (đường kính nhỏ 4 – 5cm, đường kính lớn 7,5 – 15cm), con kê hình ống trụ (là kiểu phổ biến nhất, chất liệu cứng chắc như sành, thân có hai, ba lỗ tròn hoặc bán nguyệt, kích thước cao 8 – 19cm, đường kính 11 – 23cm), con kê “đinh đất” (dùng đất làm bao nung, rất xốp, vê thành từng viên nhỏ, kê giữa những hiện vật có men. Khi lấy sản phẩm ra khỏi lò, người ta dễ dàng cạo bỏ viên đất này mà không để lại dấu vết trên bề mặt sản phẩm).

– Bao nung: Được sử dụng cho các loại gốm men xanh trắng hoặc trắng ngà hay men nhiều màu. Có hai kiểu: Bao nung đáy phẳng: cao 2,5 – 14cm, đường kính 14 – 33cm. Có thể sử dụng một bao nung cho một hiện vật hoặc một bao nung cho một chồng hiện vật cùng loại (tô, bát, đĩa); Bao nung đáy lõm (mặt cắt chữ M ngược): cao 3 – 10cm, đường kính 14 – 26cm, dùng để nung 1 hiện vật trong một bao nung (đĩa sâu lòng hoặc tô con gà).

– Chậu hứng củi, tro: Giống như tô hay chậu nhỏ nhưng được cắt vát hai hoặc một cạnh, đường kính 15 – 25cm, thường đặt trên các chồng sản phẩm (không bao nung).

Cấu trúc lò gốm

Phế tích khu lò Hưng Lợi chỉ còn ba nền lò cùng hướng chồng lên nhau, một số đoạn vách lò, một tường hậu (có cửa thoát khói) và các đoạn tường bao. Đây là loại lò ống (còn gọi là lò Tàu), thông suốt từ bầu lửa đến ống khói, dài 40 – 50m trở lên, lòng lò rộng từ khoảng 1m (bầu lửa) đến 2,7 – 3m (ở ống khói).

– Bầu lửa: Có hình dáng giống một lò cóc nhỏ, bầu lửa dài 1,5m; rộng 1,8m; cao 1,5m. Cửa lò hình vòm cuốn cao 1,0m, rộng 0,8m, vách dầy 0,4m, bên ngoài còn một khoảng nền rộng để cào than tro. Khi đốt lửa ở bầu đã đủ độ, cửa lò được bịt lại bằng gạch mộc nhưng vẫn để hàng gạch xếp đứng tạo thành lỗ thông gió ở sát nền. Ở các khu lò gốm, lò thường ở hướng vuông góc với sông hoặc rạch để thông gió.

– Thân lò: Các lò gốm theo hướng Bắc – Nam. Nền lò rộng 1,8 – 2m, dày 0,4 – 0,6m và cao dần từ Bắc đến Nam, độ dốc 15 độ (Lò Lu), 10 độ (Lò Hưng Lợi và Lò Trên).

– Ống khói: Nằm ngay trên tường hậu của lò ống. Cuối thân lò xây một bức tường từ độ sâu hơn nền lò 0,5m và cao hơn nóc lò khoảng 0,3m. Tường xây hai lớp, lớp trong là gạch vồ, lớp ngoài là gạch thẻ. Giữa bức tường có một cửa khá lớn: 1,6 x 1,7m. Cửa này được phá ra khi đã nung xong, lấy sản phẩm ra và đưa sản phẩm vào lò cho đợt nung sau.

Kỹ thuật sản xuất

Nguyên liệu: lò Hưng Lợi được lập tại khu vực có nguồn nguyên liệu để làm gốm. Khảo sát vùng Hòa Lục, Phú Định có thể nhận ra dấu tích của việc khai thác nguyên liệu làm gốm nay là những ao nhỏ liền kề nhau kéo dài đến giáp huyện Bình Chánh. Trước đây, làng Phú Định (đối diện làng Hòa Lục bên kia kênh Ruột Ngựa) còn nhiều gia đình sản xuất loại bếp gốm lấy đất từ ven kênh Ruột Ngựa nhưng ngày nay phải lấy đất từ khu vực quận 8. Thành phần nguyên liệu cơ bản của các mẫu đất đều đồng nhất SiO2 từ 62% đến 73,7%, TiO2 từ 0,95% đến 1,46%, Al2O3 từ 18,49% đến 23,23%, Fe2O3 từ 1,41% đến 1,81%. Như vậy, sản phẩm của khu lò Hưng Lợi làm từ nguyên liệu sét tại chỗ, tùy từng loại sản phẩm mà xử lý nguyên liệu ở mức độ khác nhau.

Phương pháp tạo dáng gồm nhiều cách

– Nặn tay bằng dải cuộn: Các loại lu, hũ, chậu, khạp, nắp, các kiểu con kê hình ống và bao nung. Các sản phẩm nhỏ thường nối hai phần nửa trên và nửa dưới, các sản phẩm lớn nối ba phần trên, giữa và đáy. Sau đó dùng bàn đập, hòn kê gắn nối và vỗ cho mỏng đều.

– Nặn khối: Các bộ phận nhỏ như núm, quai cầm, vòi và cán siêu, nồi.

– In khuôn: Hộp, siêu, nồi tay cầm, chậu bông có hoa văn, phần miệng của hũ men nâu, men vàng. Người thợ cắt từng lát đất đặt bên trong khuôn, dùng tay ấn miết vào khuôn.

– Gắn chắp: Giữa từng phần của sản phẩm như quai cầm, vòi, cán… Bàn xoay dùng để sửa sản phẩm sau khi đã tạo dáng bằng các phương pháp trên.

Trang trí sản phẩm

Hoa văn được tạo bằng in khuôn, sau đó chạm khắc lại cho sắc sảo. Nếu sản phẩm có men người ta dùng kỹ thuật “xối men” (dùng gáo múc men xối lên sản phẩm) hoặc nhúng men (nhúng sản phẩm vào chậu men hoặc đổ men vào trong lòng sản phẩm, tráng một lớp mỏng rồi đổ ra rất nhanh). Thông thường miệng và đáy sản phẩm không có men để chống dính khi chồng lò. Một số sản phẩm có hoa văn bằng men xanh trắng hay men màu được vẽ trên lớp men trắng.

Chồng lò

Đó là phương pháp chồng kê hiện vật trong bao nung và lò sao cho tận dụng khoảng không trong lòng lò để mỗi loại sản phẩm phù hợp với nhiệt độ ở từng vị trí. Các chồng sản phẩm tạo thành “rãnh lửa” để hút gió, thông lửa.

Nung gốm

Sau khi hoàn tất việc chồng lò, bắt đầu quá trình nung gốm. Trước khi đốt lửa ở bầu lửa, các cửa lò đều được bịt kín trừ lỗ thông khói ở cửa hậu (hay ống khói) và các mắt lò. Lửa được đốt ở bầu lò trước, sau đó lần lượt thêm lửa ở các mắt lò theo thứ tự từ bầu lò lên đến ống khói. Khi đã đủ nhiệt độ, bầu lửa và các mắt lò được bịt lại. Thời gian chụm củi ở bầu lửa, mắt lò tùy thuộc vào từng sản phẩm, thời gian ủ lò cũng vậy. Thông thường, ủ lò từ 1 – 2 ngày cho những sản phẩm có men. Sản phẩm lấy ra sau khi lò nguội.

XÓM LÒ GỐM SÀI GÒN XƯA

Đối với nghề làm gốm, vị trí thuận lợi là yếu tố quan trọng hàng đầu: làng gốm phải là nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào, phù hợp, có đường giao thông (đường thủy) thuận tiện cho việc chuyên chở sản phẩm gốm. Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa ở vào một vị trí như vậy. Chất đất ở đây thích hợp cho việc sản xuất đồ gốm gia dụng và gạch ngói. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, làng nghề này lại nằm giữa vùng Sài Gòn, nơi tập trung nhiều phố chợ nhất miền Gia Định khi ấy: “Phố xá trù mật buôn bán suốt ngày đêm, là nơi đô hội thương thuyền của các nước, cho nên trăm món hàng hóa phải tụ hội nơi đây”. Dấu tích của các lò gốm ven kênh rạch, mức độ lưu thông vận chuyển và hệ thống chợ búa (bến) mua bán sản phẩm đã làm nên các địa danh kênh – rạch – bến lò gốm, xóm Đất, xóm Lò Siêu, khu lò Lu, cầu Lò Chén. Thị trường của xóm Lò Gốm ở Sài Gòn xưa không phải chỉ là khu vực Gia Định – Đồng Nai, mà còn là cả miền Tây Nam Bộ rộng lớn đang trong quá trình khẩn hoang và nhiều nơi khác trong cả nước.

Khu Lò Gốm xưa ở Sài Gòn có đến hàng chục cơ sở hiện chỉ còn một lò duy nhất của ông Năm Tiếp (quận 8) chuyên sản xuất bếp bằng đất nung. Nguồn: thitruong.nld.com.vn

Từ đặc điểm kỹ thuật và loại hình sản phẩm, có thể cho rằng nguồn gốc của gốm Sài Gòn là từ sự kết hợp của nghề làm gốm của người Việt khi vào khai phá nơi đây, với truyền thống sản xuất gốm Trung Quốc mà lưu dân người Hoa mang theo khi vào sinh sống ở vùng đất này. Vùng Sài Gòn từ năm 1698 đã có người Việt và người Hoa cùng sinh sống bằng các nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Từ sau 1778 có thêm những người Hoa từ xã Thanh Hà (Cù Lao Phố – Đồng Nai) tụ họp về đây, xóm Lò Gốm được bổ sung thêm những người thợ của khu lò ven rạch Lò Gốm, bến Miểng Sành trên Cù Lao Phố.

Các phường thợ ở xóm Lò Gốm thường là người Hoa ở cùng một bang, chuyên sản xuất một vài loại sản phẩm. Thợ chính như tạo dáng, đốt lò thường là người Hoa (chủ lò). Thợ phụ làm các công đoạn khác có thể có cả người Việt. Mỗi lò (thường là một gia đình hay một dòng họ) có quy trình kỹ thuật và bí quyết riêng, chỉ truyền cho con cháu trong nhà (không truyền cho con gái mà cho con dâu). Nhiều lò gốm ở vùng Biên Hòa – Lái Thiêu ngày nay vẫn còn truyền thống này, kể cả việc giữ nguyên cấu trúc lò gốm kiểu lò ống hay lò bao (lò có từng ngăn) và nhiều phương pháp kỹ thuật.

Khoảng những năm 40 của thế kỷ XX, những lò gốm, lò gạch ngói trong nội thành Sài Gòn ngừng hoạt động. Bên cạnh những bất ổn về chính trị thì quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của Sài Gòn – Bến Nghé từ cuối thế kỷ 19 đã làm xóm Lò Gốm và nhiều xóm nghề khác dần bị đẩy ra vùng ven hoặc sang các tỉnh lân cận. Đô thị hóa đã làm mất đi cảnh quan tự nhiên, vùng nguyên liệu bị thu hẹp, kênh rạch lấp đi tạo thành đường xá, phố chợ… Vị trí ưu đãi của một làng gốm không còn nữa. Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa phải nhường vai trò của mình cho vùng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu.

 

Chú thích:

* Th.S Nguyễn Thùy Dương – Khoa Công tác xã hội (ĐH Mở TP..HCM).

1. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha văn hóa phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, tr.42.
2. M. Derbès (1882), Etude sur les industries de terres cuites en cochinchine, Excusions et reconnaissances, Saigon, p.383-450.
3. Nguyễn Đình Đầu (1987), Địa chí Văn hóa TP..HCM (Tập 1), Nxb TP..HCM, tr 393.
4. Nguyễn Đình Đầu, Sđd, tr. 394.
5. Nguyễn Đình Đầu, Sđd, tr.219.
6. Nguyễn Thị Hậu – Phí Ngọc Tuyến – Trần Sung (1999), Khai quật lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8, TP..HCM) – Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1998, tr.398-402.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Hậu – Phí Ngọc Tuyến – Trần Sung (1999), Khai quật lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8, TP..HCM) – Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1998, tr.398-402.
2. Đặng Văn Thắng (1998), Gốm Sài Gòn – Góp phần Tìm hiểu Lịch sử – Văn hóa 300 năm Sài Gòn – TP..HCM, Nxb Trẻ.
3. Đặng Văn Thắng (2005), Bước đầu nghiên cứu về gốm Sài Gòn – Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam (tập II), Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 492-510.
4. Huỳnh Ngọc Trảng – Nguyễn Đại Phúc (1994), Gốm Cây Mai Sài Gòn xưa, Nxb Trẻ.
5. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha văn hóa phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn.
6. Litana – Nguyễn Cẩn Thúy chủ biên (1999), Bia chữ Hán trong hội quán người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội.
7. Monographie de la Province de Bienhoa 1901, Sai Gon
8. Nguyễn Đình Đầu (1987), Địa chí Văn hóa TP..HCM (Tập 1), Nxb TP..HCM.
9. Nguyễn Thị Hậu (2000), Khảo sát xóm làm bếp lò gốm làng Phú Định (quận 6, TP..HCM), Thông báo khoa học số 2 – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP..HCM, tr.129-133
10. M. Derbès (1882), Etude sur les industries de terres cuites en cochinchine, Excusions et reconnaissances, Saigon.

3 thoughts on “Bài báo bị rút lại [Gốm Sài Gòn – Một thời vang bóng (Dương Thụy)]

  1. sitsMinty says:

    Orthotopical tumor formation assays with sorted ERО±36 cells from MDA MB 436 and MCF 7 cell lines 1 10 5 or less revealed an elevated tumor initiating ability cheapest cialis online The spectrum of mutations at lacI showed 60 G C T A transversions compared with 21 G C T A in controls

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *