Đức Phật – Người Thầy vĩ đại về nhân cách (Đại đức Thích Minh Ân)

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, Đức Phật không chỉ để lại một gia sản khổng lồ cho nhân loại về hệ tư tưởng, đức tin, giá trị đạo đức, phương pháp tu tập để đạt được sự giác ngộ và giải thoát mà còn là tấm gương mẫu mực về nhân cách của một người Thầy vĩ đại.

Hàng ngàn năm qua với bao biến cố lịch sử và thăng trầm Phật giáo, tuy nhiên những giá trị về niềm tin, triết lý, đạo đức, nhân cách, con đường giải thoát và sự cống hiến của Đức Phật cho nhân loại vẫn không hề suy chuyển mà ngày càng được thừa nhận, lan toả khắp thế giới.

Trên thế giới, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về nhân cách Đức Phật, người Thầy vĩ đại của nhân loại. Mỗi công trình nghiên cứu khai thác các khía cạnh khác nhau về nhân cách, phẩm chất đạo đức, phương pháp tu tập thành đạo, các lời dạy về cuộc sống, các giá trị đóng góp của Đức Phật về hệ tư tưởng, triết lý và niềm tin, các chuẩn mực hành vi đạo đức của con người (xem Burtt & Edwi, 1955; Ludowyk, 1958; K. Sri Dhammananda, 1997; Thich Nhat Hạnh, 1998; Dalai Lama & Bhikkhu Bodhi, 2005; Bronkhorst & Johannes, 2009; Allan R. Bomhard, 2012).

Tại Việt Nam, đến nay đã có nhiều bài viết về nhân cách, đạo đức của Đức Phật dưới nhiều góc độ: tấm lòng yêu thương bao dung độ lượng, lòng từ bi, sự kiên trì và nhẫn nhục, đức hy sinh, khả năng lắng nghe và chia sẻ, làm gương cho người khác noi theo, tu tập để đắc đạo và chỉ ra con đường giải thoát cũng như hướng dẫn cho các môn đệ và chúng sinh (xem Thích Viên Giác, 2009; Chúc Phú, 2012; Thích Chơn Thiện, 2015; Thích Huệ Khai, 2017; Thích Đạt Ma Phổ Giác, 2017; Thích Thông Huệ, 2020).

Hoà thượng Thích Chơn Thiện (2015) trong một bài viết về giáo dục nhân cách của Đức Phật trong kinh tạng Pàli, đã mô tả nhân tính, tình thương yêu muôn loài của Đức Phật được thể hiện trong những lời dạy các môn đệ.

Tác giả Liên Trí (2016) trong bài viết “Đức Phật – một bậc Thầy lớn của nhân loại” đã tập trung phân tích về cách nhìn nhận vấn đề của Đức Phật theo quan điểm biện chứng khoa học, cách thức quan sát nội tâm nuôi dưỡng hạt giống thiện lành, mỗi người phải chịu trách nhiệm với bản thân, quan niệm về thiện ác, cần trân trọng những mối quan hệ trong cuộc sống và nhìn nhận cuộc sống luôn luôn thay đổi.

Hoà thượng Thích Thông Huệ (2020) đã mô tả tấm gương sáng về đạo đức nhân cách vĩ đại của Đức Phật như hoa sen trong bùn vẫn nở hoa tinh khiết. Ðức Phật ở trong trần lao nhưng không vướng mắc bụi bẩn đời thường. Ngài đã làm chủ Thân Khẩu Ý, tẩy sạch lậu hoặc phiền não, không còn vô minh tăm tối. Hàng ngày, Ngài vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng tâm không khởi niệm phân biệt khen chê ưa ghét. Nhà Phật gọi tâm ấy chính là Ðạo. Toàn thân Ðức Phật là Ðạo, nên trong cái bình thường lại chứa đựng sự phi thường, những hành động thường tục luôn ẩn tàng sự thoát tục. Chính vì thế, chúng ta luôn xưng Ngài là Ðấng Thế Tôn, là bậc tôn quý của thế gian.

Dù đã có nhiều bài viết về Đức Phật, nhưng tất cả vẫn chưa hệ thống đầy đủ các đặc điểm tính cách nổi bật nhất của một người Thầy vĩ đại hội tụ trong Ngài. Do vậy, làm rõ các đặc tính nổi bật về tính cách Đức Phật là mục đích của bài viết này.

THẾ NÀO LÀ NHÂN CÁCH CỦA MỘT NGƯỜI THẦY?

Nhân cách được định nghĩa là tập hợp các đặc tính của những kiểu mẫu hành vi, nhận thức và cảm xúc được hình thành từ các yếu tố sinh học và môi trường. Nhân cách là hệ thống những giá trị của một cá nhân thể hiện những phẩm chất bên trong của cá nhân, mối quan hệ qua lại giữa cá nhân  này với các cá nhân khác, với tập thể, xã hội, thế giới xung quanh và mối quan hệ của cá nhân với công việc của họ. Nhân cách của con người là mức độ phù hợp giữa thang giá trị và thước đo giá trị của một cá nhân với thang giá trị và thước đo giá trị của cộng đồng, xã hội. Độ phù hợp càng cao, nhân cách càng lớn.

Người thầy là người đi dạy người khác, do đó nhân cách người thầy đòi hỏi sự chuẩn mực cao hơn người bình thường. Nhân cách người thầy rất quan trọng trong định hướng cuộc đời của một người về công việc, nghề nghiệp, tính cách và hành vi. Thầy không chỉ là người hiểu biết, có kiến thức sâu rộng, mà còn phải có nhân cách, đạo đức chuẩn mực để học trò noi theo. Ngạn ngữ Trung Quốc nói: “Một gánh sách hay không bằng một người thầy giỏi”. Vì tầm quan trọng của người thầy như vậy nên người xưa đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên”.

Khổng Tử (551 – 479 Trước công nguyên) là người thầy, nhà giáo dục vĩ đại với nhân cách lớn. Những giá trị đạo đức, tư tưởng của Khổng Tử đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Khổng Tử rất chú trọng đến nhân cách con người, nhất là nhân cách người thầy. Giáo dục theo ông là tập trung vào dạy nhân cách con người, “lấy nhân cách dạy nhân cách” (lấy nhân cách người thầy dạy nhân cách cho học trò). Một người thầy giỏi có nhân cách là:

Thứ nhất, là người có tư cách đạo đức, “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”, thầy có vai trò của thầy, học trò có vai trò của người học, nhưng cả hai phải tu thân để có nhân cách đạo đức. Ngoài việc truyền đạt tri thức cho trò, thầy phải có phẩm chất, ngụ ý tri thức và đạo đức, làm gương cho trò mới dạy được trò.

Thứ hai, thầy giỏi là người biết truyền đạt kiến thức cho trò và chú trọng nguyên tắc “tiên học lễ, hậu học văn”.

Thứ ba, thầy giỏi có nhân cách là người biết làm gương và đối xử bình đẳng với học trò.

Socrates – một triết gia Hy Lạp cổ đại (470 – 399 Trước công nguyên), sống cùng thời với Đức Phật và Khổng Tử cũng có quan điểm coi trọng nhân cách người thầy và cho rằng giáo dục cần tập trung vào nhân cách con người. Theo ông, “cuộc sống vô minh thì không đáng để sống” và mọi người cần đến nhân cách của người thầy như một “tấm gương tâm lý” có khả năng giúp họ nhận ra bản ngã, bao gồm toàn bộ ưu khuyết điểm và tiềm năng thực tế của họ.

QUAN ĐIỂM VỀ NHÂN CÁCH CON NGƯỜI CỦA ĐỨC PHẬT

Nghiên cứu về nhân cách con người là vấn đề trọng tâm trong cuộc đời Đức Phật. Ngài lấy bản thân mình để thực hành và chứng minh cho những luận điểm của mình về nhân cách con người. Nhờ tìm ra các đặc điểm nhân cách, nhân tính con người mà Đức Phật đã tìm ra nguyên nhân của mọi sự đau khổ cùng thuốc chữa cho căn bệnh trầm kha là vòng sinh tử luân hồi đau khổ và con đường giải thoát.

Đức Phật đã trình bày con người qua nhiều hình thức khác nhau: sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, năm thủ uẩn và lý thuyết Duyên khởi. Chỉ riêng giáo lý Duyên khởi và Năm thủ uẩn đã nói rõ sự thật của con người, đồng thời, chỉ rõ con đường giải phóng các vấn đề cá nhân và các khủng hoảng xã hội. Nhân cách, nhân tính con người theo quan điểm của Đức Phật là:“Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu thấy rằng: “Thân này là của tôi: Tôi là thân này: thân này là tự ngã của tôi”. Thân này của kẻ ấy bị biến hoại, đổi khác. Khi thân này bị biến hoại đổi khác, kẻ ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”. “Cũng thế, đối với họ, tưởng, hành và thức” (Thích Minh Châu, 2016)
“Này các Tỳ-kheo, và như thế nào là không chấp thủ và không ưu não? Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị đa văn Thánh đệ tử thấy rằng: “Thân này không phải là của tôi, tôi không phải là thân này: thân này không phải là tự ngã của tôi”. Thân này của vị ấy biến hoại và đổi khác. Nhưng dù cho thân này biến hoại, đổi khác, vị Thánh đệ tử ấy không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”. “Cũng thế đối với thọ, tưởng, hành và thức” (Thích Minh Châu, 2003).

Như vậy, đối với Đức Phật, con người chỉ là Năm thủ uẩn trôi chảy, trôi chảy mãi. Mục đích giáo dục của Ngài là chỉ cho con người thấy rõ khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự chấm dứt khổ đau và con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau từ thân Năm thủ uẩn ấy. Một lý thuyết nhân tính và giáo dục như thế xứng đáng được nghiên cứu để chuyển hóa thành một hệ thống triết lý giáo dục toàn bích hướng con người đến an lạc, hạnh phúc, góp phần giải quyết mọi khủng hoảng của loài người hiện nay.

ĐỨC PHẬT, NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI VỀ NHÂN CÁCH

Nhân cách Đức Phật được tập trung ở các đặc tính, phẩm chất đạo đức, quan điểm về nhân sinh và mục tiêu cao cả của Ngài, trong quá trình tìm con đường giải thoát và truyền dạy cho chúng sinh sau khi Ngài giác ngộ.

Theo học giả người Đức Max Miller: Ðức Phật là hiện thân của tất cả các đức hạnh mà Ngài thuyết giảng. Trong thành quả của suốt 45 năm dài hoằng pháp, Ngài đã chuyển tất cả những lời nói của Ngài thành hành động; không nơi nào Ngài buông thả cái yếu đuối của con người hay dục vọng thấp hèn. Luân lý, đạo đức căn bản của Đức Phật là toàn hảo nhất mà thế giới chưa bao giờ biết đến.Còn theo thi nhân Hồi giáo Abdul Atahiya: Nếu bạn muốn thấy người cao quí nhất của loài người, bạn hãy nhìn vị Hoàng đế trong y phục một người ăn xin; chính là Ngài đó, siêu phàm thánh tính của Ngài thật vĩ đại giữa con người.

Đức Phật là hiện thân của tất cả đức hạnh lý tưởng. Ở Ngài, ta thấy sự hiện thân của luân lý cao nhất (giới), tập trung sâu xa nhất (thiền định) và trí tuệ thâm sâu (huệ) – những đức tính không ai vượt qua được và không sánh được trong lịch sử loài người. Những đức tính cao cả ghi trong các kinh, những bài thuyết giảng của Đức Phật. Đạo đức chuẩn mực của Đức Phật có thể tóm tắt trong những phẩm hạnh như sau:

Tâm từ bi

Nói đến Đức Phật là nói đến tâm từ bi. Từ là cho vui, Bi là cứu khổ diệt khổ, Từ Bi là đem lại niềm vui khi diệt khổ cho tất cả mọi loài chúng sanh. Từ bi không có nghĩa “xót thương” người khác một cách thụ động và tiêu cực, mà là một sức mạnh tích cực đưa mọi người vào hành động từ nhỏ đến lớn, nhằm loại trừ mọi khổ đau và cội rễ khổ đau. Lòng từ bi không chỉ là thương cảm và cứu độ chúng sinh, mà còn từ bi với chính bản thân, tự cứu độ mình khỏi sự đau khổ. Đây chính là phẩm hạnh cao quý về nhân cách của Ngài.

Lòng vị tha

Lòng vị tha dựa trên tình thương yêu muôn loài là đức tính quý báu của Đức Phật mà chúng ta cần học tập. Vị tha là tha thứ lỗi lầm của ai đó mà trong lòng không còn chút vướng bận nào. Để có lòng vị tha thực sự, con người phải tu tập và đạt được mức độ trí tuệ nhất định, một cảnh giới nào đó như Đức Phật.

Câu chuyện sau sẽ cho chúng ta thấy lòng vị tha của Đức Phật, một người Thầy vĩ đại như thế nào. Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây giảng pháp cho các đệ tử của mình, bỗng nhiên có người đàn ông đến và nhổ nước bọt vào Ngài. Ngài lau nước bọt và hỏi người đàn ông: “Điều gì tiếp theo? Bạn muốn nói gì?”. Người đàn ông hơi bối rối vì bản thân anh ta chưa bao giờ nghĩ rằng khi nhổ nước bọt vào mặt ai đó, thì họ lại hỏi: “Điều gì tiếp theo?”. Các đệ tử Đức Phật bắt đầu tức giận và phản ứng lại người đàn ông kia. Một trong những môn đệ đầu tiên của Ngài là A – Nan – Đà nói: “Như thế là quá đủ, chúng ta không thể dung thứ cho người đàn ông này. Anh ta phải bị trừng phạt, nếu không thì mọi người sẽ làm những việc khủng khiếp hơn nữa!”.

Đức Phật đáp lại: “Mọi người bình tĩnh, người đàn ông đó không xúc phạm tôi, các bạn mới là người xúc phạm tôi. Anh ấy chỉ là một người xa lạ, anh ấy đã nghe từ nhiều người về tôi, rằng tôi là một người vô thần, một người nguy hiểm đang dẫn mọi người ra khỏi đường đi của họ, một người cách mạng. Có thể, anh ấy đã hình thành ý tưởng, một ý niệm về tôi dựa trên những lời nói đó. Anh ấy không nhổ nước bọt vào tôi, anh ấy chỉ nhổ ra suy nghĩ của mình. Anh ấy đã nhổ nước bọt vào ý tưởng của anh ấy về tôi, bởi vì anh ấy không thật sự biết rõ về tôi, vậy làm thế nào để anh ấy có thể nhổ nước bọt vào tôi?”.

“Nếu bạn suy nghĩ sâu sắc về nó”, Đức Phật nói tiếp. “Anh ấy đã nhổ nước bọt lên tâm trí của chính mình. Tôi không phải là một phần tâm trí của anh ấy, và tôi có thể thấy rằng, người đàn ông này phải có cái gì khác để nói vì hành động nhổ nước bọt là cách để nói điều gì đó”. Anh ta không thể giải thích cho chính mình, chuyện gì đã xảy ra. Anh ta run rẩy, đổ mồ hôi và suy ngẫm rất nhiều. 

Anh ta chưa bao giờ gặp một người như thế, Đức Phật đã phá vỡ toàn bộ tâm trí, toàn bộ khuôn mẫu, toàn bộ định kiến sai lầm của anh ta về Ngài. Ngày hôm sau anh ta đã đến gặp Đức Phật để xin tha thứ. Người đàn ông nhìn Đức Phật và nói, “Xin lỗi Ngài, vì những gì tôi đã làm hôm qua.”. Đức Phật trả lời, “Hãy tha thứ! Nhưng tôi không phải là người đàn ông mà bạn đã xúc phạm ngày hôm qua. Sông Hằng chảy liên tục, nó không bao giờ trở lại như nó trước đây. Mỗi người là một dòng sông. Người đàn ông bạn nhổ nước bọt hôm qua không còn ở đây nữa. Tôi trông giống anh ấy, nhưng chúng tôi khác nhau, nhiều chuyện đã xảy ra trong một ngày! Dòng sông không bao giờ dừng lại. Vì vậy, tôi không thể tha thứ cho bạn bởi vì tôi không có ác cảm với bạn.

Tại đây và ngay bây giờ, bạn cũng là một người mới. Tôi có thể thấy bạn không phải là người đàn ông đã đến đây hôm qua, vì người đàn ông đó chứa đầy sự tức giận và thù hận, trong khi bạn đang cúi đầu dưới chân tôi, chạm vào bàn chân của tôi” (Hoa Sen Phật, 2017).

Câu chuyện trên cho thấy lòng vị tha của Đức Phật có được là nhờ Ngài đã vượt qua tâm sân si, nắm bắt quy luật nhân quả, quy luật vô thường, vô ngã và đạt được sự giác ngộ. Chính tâm vị tha đó, không những giúp Đức Phật không bị vướng mắc vào sự khổ đau, khai ngộ cho mọi người, mà còn là tấm gương giúp các đệ tử học tập và noi theo.

Đức khiêm tốn

Theo Khổng Tử, khiêm tốn là nền tảng vững chắc của tất cả các nhân đức. Còn nhà hiền triết Socrates thì cho rằng sự khôn ngoan đúng nghĩa là biết rằng bạn chẳng biết gì cả, đó là đức tính khiêm tốn. Nhà bác học vĩ đại Albert Einstein thừa nhận rằng, bạn càng biết nhiều thì càng nên tỏ ra khiêm tốn.

Khiêm tốn giúp các bậc tu hành có điều kiện học hỏi, suy ngẫm. Vì lời nói là tạo nghiệp nên khiêm tốn sẽ giúp con người suy nghĩ chín chắn trước khi phát ngôn, tránh khẩu nghiệp về sau. Vì lẽ đó, Đức Phật rất khiêm tốn trong mọi cử chỉ, suy nghĩ, lời nói, hành động cũng như căn dặn các đệ tử cần khiêm tốn. Lời Phật dạy giúp ta hiểu rằng chỉ khi nào con người biết khiêm tốn thì mới đạt đến thành công và nhận được phúc báu. Làm người phải biết lấy khiêm tốn làm thước đo để hành xử. Đó mới chính là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân. Phật dạy, nền tảng của lương thiện là khiêm tốn, khởi nguồn của tà ác chính là ngạo mạn. Do vậy, đức tính khiêm tốn chính là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân mà Đức Phật luôn luôn nắm vững và truyền dạy người khác.

Trong nhiều trường hợp, người có đức tính khiêm tốn là người biết im lặng, không tranh cãi hơn thua. Đức Phật dạy chúng ta nên im lặng vì điều đó sẽ phát sanh trí tuệ và có im lặng thì sự sâu lắng càng cao. Có những trường hợp bắt buộc phải nói, nhưng nói đủ, nói đúng và hợp hoàn cảnh. Chúng ta phải biết khi nào im lặng, khi nào nên nói. Im lặng là một sức mạnh. Sức mạnh của người tu là im lặng. Im lặng cũng đồng nghĩa với nhẫn nại, nhịn nhục. Sức mạnh của trẻ em là tiếng khóc. Sức mạnh của phụ nữ là nước mắt. Còn sức mạnh của người tu hành là im lặng, nhẫn nhục. 

Nếu không có lòng bao dung, sẽ chẳng thể có được sự khiêm tốn. Bao dung để dung nạp mọi thứ, để thứ tha và để tâm nhẹ lòng an. Làm người phải khiêm tốn, lấy khiêm nhường làm thước đo hành xử. Đó mới chính là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân.

Công bằng, bình đẳng

Chứng kiến bao cảnh bất công tồn tại cố hữu trong xã hội Ấn Độ, do chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội và các cuộc chiến tranh liên miên giữa các quốc gia, Thái tử Tất-đạt-đa kiên quyết tìm cho mình hướng đi giải thoát thực sự. Sau khi thành đạo, Đức Phật phá bỏ ranh giới phân biệt đẳng cấp xã hội và làm cuộc đại cách mạng về tư tưởng để xóa tan sự bất công cố hữu ấy. Ngài dùng tình thương để đối xử tử tế với tầng lớp nô lệ vốn bị ba đẳng cấp trên miệt thị. Đức Phật luôn kiên trì lập trường của mình khi xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Ngài thu nạp những người có tâm nguyện tu tập giải thoát từ tất cả các tầng lớp xã hội, không từ chối bất cứ đẳng cấp nào, dù là thương nhân, ngoại đạo, nô lệ hay quý tộc, Bà-la-môn, quốc vương. Trong Tăng đoàn do Đức Phật thiết lập, Ngài hoàn toàn không dựa theo chức nghiệp, thành phần xuất thân hoặc địa vị xã hội của họ để đặt ra bất kỳ đặc quyền hay sự hạn chế nào. Ngài xóa bỏ tất cả những gì có liên quan đến lễ nghi hoặc pháp lệnh chuyên chế phân biệt đẳng cấp xã hội. Chính nhờ tinh thần bình đẳng mà Đức Phật được đa số quần chúng cung kính, đặc biệt là giai cấp hạ đẳng, như: phụ nữ, người nghèo khổ, nô lệ bị áp bức, chà đạp. Họ xem Đức Phật như vị cứu thế vĩ đại của nhân loại, giải phóng mọi bất công và đem lại tự do cho con người (Thích Hoằng Trí, 2020).

Ở mọi nơi mọi lúc, Đức Phật đều lấy nhân cách cao thượng của một bậc Thầy giác ngộ làm sự nghiệp giáo hóa. Nhân cách cao thượng ấy được thể hiện ở việc tôn trọng tính thiện lương của con người mà bác bỏ tư tưởng ưu liệt về nhân chủng (Saddhatissa, Hammalawa, 1987). Khi đánh giá phẩm hạnh một con người, cần phải nhìn nhận về trí tuệ và đạo đức của họ chứ không thể xét họ thuộc vào thành phần chủng tộc nào do xã hội quy định. Phàm là người thì ai cũng có thể tự xây dựng cho mình một đời sống chân chính để trở thành người có trí tuệ và đạo đức. Chính tư tưởng tiến bộ vượt thời gian của Đức Phật về tính bình đẳng của con người đã tạo nên một sự vĩ đại của một người Thầy mà chúng ta tôn kính và học hỏi.

Kiên trì, nhẫn nại, vượt khó và đức hy sinh

Theo lời dạy Đức Phật, chúng ta biết đời là khổ, do đó kiên trì, nhẫn nại và chấp nhận những khó khăn như một việc đương nhiên của đời sống. Chấp nhận những khó khăn đời sống không có nghĩa là đầu hàng, tê liệt trước những sự việc xảy ra, tránh né trách nhiệm với mình, với người. Chấp nhận khó khăn là cố gắng vượt qua nó, không phải trốn tránh đợi nó qua đi. Vượt qua những khó khăn, lòng kiêu mạn được giải trừ, nghiệp được thanh tịnh, sức mạnh nội tâm tăng trưởng, thành tựu tâm xả ly. Nhẫn là một hạnh được thực hành qua nhiều kiếp sống để tiến tới sự giác ngộ, trạng thái an vui của Niết-bàn. Nó cũng là trạng thái an định, vững chãi trên con đường tiến tới Niết-bàn. Nhẫn là một trong sáu Ba-la-mật, nhưng cũng hàm chứa trong các Ba-la-mật kia. Không có Nhẫn thì không thể thực hành trọn vẹn hạnh Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Do đó nhẫn là bảo bối vô giá mà Đức Phật đã sử dụng thành công trong hành thiền của mình.

Đức Phật là người dám chấp nhận và đương đầu với mọi khó khăn và thử thách để giải quyết mọi việc. Khi đi du hành, Đức Phật và các đệ tử gặp phải những người thù ghét và chửi rủa. Các đệ tử nói với Đức Phật nên rời đi chỗ khác, Đức Phật đã nói với các đệ tử là: Nơi nào gặp chuyện khó khăn, chính nơi ấy ta phải giàn xếp ổn thỏa. Và chỉ khi giàn xếp xong ta mới có quyền đi nơi khác (Phạm Kim Khánh, 1998).

Đức Phật dạy mỗi người chịu trách nhiệm với bản thân Đức Phật luôn nhắc nhở mỗi cá nhân hãy làm chủ bản thân, quyết định vận mệnh bản thân chứ đừng giao phó trông chờ vào bất cứ ai. Mỗi người là ngọn đèn soi rọi đường đi của mình. Đức Phật chỉ là người vạch ra con đường, còn bước đi trên con đường đó hay không là chuyện mỗi người.

Đức Phật dạy: “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác”. Đức Phật khuyên chúng ta tiếp nhận những lời Ngài dạy một cách sáng suốt, có chọn lọc và bằng kinh nghiệm tự thân, thấy điều gì đúng thì hãy chấp nhận. Không chấp nhận điều gì chỉ vì lời ấy của người xưa truyền lại, hay số đông người nghe theo, mà chỉ chấp nhận điều gì bản thân thấy đúng và đem lại lợi ích cho mình, cho người sau khi xem xét kỹ lưỡng. Những lời Phật dạy cần được thể nghiệm qua cuộc sống thực tiễn, như người thợ vàng dùng nhiều cách để thẩm định độ tinh khiết của vàng. Ngài thường dạy trong các bài kinh rằng, giá trị của những lời Ngài dạy là “đến để mà thấy, chứ không phải đến để tin” (Trung bộ kinh số 38: kinh đoạn tận ái).

Niềm tin mù quáng không có chỗ trong giáo lý Đức Phật. Chúng ta cần thấy trách nhiệm của mình đối với từng động thái hành vi của bản thân, để không quy kết, đổ tội cho các yếu tố bên ngoài hoặc tin vào hên xui may rủi với những việc xảy ra trong cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn khi áp dụng lời dạy này của Đức Phật.

KẾT LUẬN

Từ những vấn đề trình bày ở trên chúng ta có thể rút ra kết luận Đức Phật là một người Thầy vĩ đại của nhân loại về sự chuẩn mực trong nhân cách.

Đạo đức chuẩn mực của Đức Phật có thể được tóm tắt trong những phẩm hạnh như sau:

Tâm từ bi. Lòng từ bi không chỉ là thương cảm và cứu độ chúng sinh, mà còn từ bi với chính bản thân mình, tự cứu độ mình khỏi sự đau khổ. Đây chính là một phẩm hạnh cao quý về nhân cách của Đức Phật

Lòng vị tha của Đức Phật có được là nhờ Đức Phật đã vượt qua được tâm sân si, nắm bắt được quy luật Nhân quả, quy luật vô thường, vô ngã và đạt được sự giác ngộ. Chính tâm vị tha đó, không những giúp Đức Phật không bị vướng mắc vào sự khổ đau, khai ngộ cho mọi người mà còn là một tấm gương giúp các đệ tử học tập và noi theo Ngài.

Đức Khiêm tốn. Làm người phải lấy khiêm tốn làm thước đo để hành xử. Đó mới là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân. Phật dạy, nền tảng của lương thiện là khiêm tốn, khởi nguồn của tà ác chính là ngạo mạn. Do vậy, đức tính khiêm tốn là đỉnh cao của sự tu dưỡng bản thân mà Đức Phật luôn luôn nắm vững và truyền dạy cho người khác.

Công bằng, Bình đẳng. Nhờ tìm ra được điểm chung của con người là bị nghiệp lực nhân quả chi phối chứ không phải tầng lớp xuất thân, Đức Phật phá bỏ ranh giới phân biệt đẳng cấp xã hội và làm cuộc đại cách mạng về tư tưởng để xóa tan sự bất công cố hữu ấy. Ngài dùng tình thương để đối xử tử tế với tất cả giai cấp và tầng lớp xã hội.

Kiên trì, nhẫn nại, vượt khó và đức hy sinh. Đức Phật là tấm gương về sự chấp nhận những khó khăn của đời sống không đầu hàng, tê liệt trước những sự việc xảy ra, không tránh né trách nhiệm đối với mình, với người. Vượt qua những khó khăn, lòng kiêu mạn được giải trừ, nghiệp được thanh tịnh, sức mạnh nội tâm tăng trưởng, thành tựu tâm xả ly.

Đức Phật dạy mỗi người chịu trách nhiệm với bản thân. Đức Phật luôn nhắc nhở mỗi cá nhân hãy làm chủ bản thân mình, quyết định vận mệnh của bản thân chứ đừng giao phó trông chờ vào bất cứ ai. Mỗi người là ngọn đèn soi rọi con đường đi của mình.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Allan R. Bomhard (2012), The Original Teachings Of the Buddha, Charleston, SC USA.
2. Bronkhorst, Johannes (2009), Buddhist Teaching in India. Boston, MA: Wisdom Publications.
3. Burtt, Edwi n A. (1955), The Teaching of the Compassionate Buddha; The New American Library, 1955).
4. Dalai Lama, Bhikkhu Bodhi (2005), In the Buddha’s Words: An Anthology of Discourses from the Pali Canon (The Teachings of the Buddha) Kindle Edition.
5. Chúc Phú (2012), Mười chuẩn mực đạo đức cơ bản của Phật giáo, Nguyệt san báo Giác Ngộ, số ngày 15/12/2012, tải từ: https://giacngo.vn/nguyetsan/phathocungdung/2012/12/15/3FC019/.
6. Corr, Philip J.; Matthews, Gerald (2009). The Cambridge handbook of personality psychology. Cambridge: Cambridge University Press.
7. Đinh Phan Cẩm Vân (2014), Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử và vấn đề dạy học ngữ văn theo hướng phát triển năng lực, Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, Số 56 (2014): 68-74.
8. Hoa Sen Phật (2017), Bài Học Về Lòng Vị Tha Của Đức Phật, tải từ https://hoasenphat.com/kien-thuc-tong-hop/goc-suy-ngam/bai-hoc-ve-long-vi-tha-cua-duc-phat.html, ngày 9/11/2020.
9. Ludowyk, E.F.C (1958), The Footprint of the Buddha, George Allen & Unwin, London.
10. Nguyễn Hữu Đức (2020), Lòng Từ bi, https://phatgiao.org.vn/long-tu-bi-d43794.html.
11. Phạm Kim Khánh (1998), Đức Phật và Phật Pháp, (bản dịch) từ Narada, (1980), The Buddha and His Teachings, tải từ: https://www.budsas.org/uni/u-dp&pp/dp&pp12.htm.
12. Saddhatissa, Hammalawa (1987), Buddhist Ethics: The Path to Enlightenment. Boston, MA: Wisdom Publications.
13. Thanh Tâm (2019), Lời Phật dạy sâu sắc về khiêm tốn, tải từ: https://phatgiao.org.vn/loi-phat-day-sau-sac-ve-su-khiem-ton-d36239.html, 13/8/2019.
14. Thích Chơn Thiện (2015),  Khái quát về Giáo dục nhân cách trong kinh tạng Pàli, Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 88 (Tháng 9/2015), tải từ: http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx?KenhID=69&ChuDeID=0&TinTucID=4152.
15. Thích Đạt Ma Phổ Giác (2017), Đức Phật – bậc thầy vĩ đại của nhân loại, tải từ: https://phatgiao.org.vn/duc-phat–bac-thay-vi-dai-cua-nhan-loai-d26753.html, ngày 16/11/2020.
16. Thích Hoằng Trí (2020). Tư tưởng bình đẳng của Đức Phật, Báo Giác Ngộ, Tải từ: http://phatgiaobinhdinh.vn/tu-tuong-binh-dang-cua-duc-phat, ngày 9/9/2020.
17. Thích Huệ Khai (2017), Đức Phật: Nhà giáo dục vĩ đại, tải từ: https://phatgiao.org.vn/duc-phat-nha-giao-duc-vi-dai-d28614.html, 16/11/2020.
18. Thích Viên Giác (2009), Sự vĩ đại của Đức Phật, tải từ: http://www.daophatngaynay.com/vn/duc-phat/nhan-cach/3157-su-vi-dai-cua-duc-phat.html, 13/11/2020.
19. Thích Tâm Quang (1997), Vì sao tin Phật, (bản dịch) từ Nguyên tác: K. Sri Dhammananda (1987), What Buddhists believe, Malaysia, 1987 Nguồn http://www.buddhanet.net.
20. Thích TâmQuang (2002), Những Viên Ngọc Trí TuệPhật Giáo (Bản dịch). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2002, tr 209.
21. Thích Tâm Quang (2009), Phật giáo dưới con mắt của các nhà trí thức, dịch từ K.Sri Dhammananada (1992), Buddhism in the eyes of intellectuals), The Corporate Body of the Buddha Educational Foundation, Taipei, Taiwan.
22. Thích Minh Châu (1992), Trung A hàm, tập III, kinh Oanh vũ (bản dịch), VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.747. Thích Minh Châu (2003), Kinh Trung Bộ, Tập I, Kinh số 2, (Bản dịch từ tiếng Pàli),  NXB Tôn giáo, Hà Nội; tr.19.
23. Thích Minh Châu (2016), Trung Bộ Kinh, kinh Kosambi, NXB Tôn giáo, 2016.
24. Thích Thông Huệ (2020), Những đặc điểm của Đức Phật, tải từ: https://phatgiao.org.vn/nhung-dac-diem-cua-duc-phat-d39445.html, 15/06/2020.
25. Thích Nhất Hạnh (1998), The Heart of the Buddha’s Teaching, This edition published in 1999 by Rider, London.
26. Thị Giới (2012), Thực hành Nhẫn trong đời sống, tải từ: http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/nc-xh/10697-Thuc-hanh-Nhan-trong-doi-song.html, ngày 14/4/2012.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *