Ngày 16/9 vừa qua, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TP.HCM đã tổ chức Lễ giỗ lần thứ 188 của Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành tại Lăng Lê Văn Duyệt (lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh). Lễ giỗ được tổ chức thường niên trong ba ngày từ ngày 29/7, 1 và 2/8 âm lịch, nhằm ghi nhớ công đức Tả quân Lê Văn Duyệt, người đã có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam. Nhân dịp này, đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu được trả về tên cũ Lê Văn Duyệt sau gần 45 năm. Việc đặt lại tên đường đã được đưa ra thảo luận trong nhiều Hội thảo khoa học.
TRẢ LẠI TÊN ĐƯỜNG LÊ VĂN DUYỆT: “CHÂU VỀ HỢP PHỐ”
Trước năm 1975, đường Lê Văn Duyệt từ đầu cầu Bông đến ngã ba Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) dài khoảng 947m, lộ giới 30m. Thời Pháp, khoảng năm 1874 được gọi là đường l’Inspection, nhưng dân cư khu vực này quen gọi là đường Hàng Thị. Không rõ thời gian nào trong thời Bảo Đại, đường l’Inspection đổi tên thành Lê Văn Duyệt, nhưng trong bản đồ năm 1952 đã thấy có tên đường Lê Văn Duyệt (tỉnh Gia Định). Đến tháng 8/1975, khi tỉnh Gia Định sáp nhập vào Sài Gòn (đổi tên TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7/1976), ba tuyến đường Lê Văn Duyệt (thuộc địa bàn quận Bình Hòa cũ), đường Đinh Tiên Hoàng và đường Cường Để (thuộc quận 1) hợp nhất thành một tuyến đường duy nhất mang tên đường Đinh Tiên Hoàng.
Sở dĩ con đường được đặt tên Lê Văn Duyệt vì khi ông mất, dân Gia Định thành đã xây lăng thờ phụng, một công trình tuy không bề thế nhưng đẹp về kiến trúc và tâm linh uy nghiêm. Có một thời cổng tam quan của Lăng Ông đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn, được in trên giấy bạc 100 đồng. Hồi đó và hầu như tới bây giờ cũng vậy, ông già bà cả đều gọi là Lăng Ông Bà Chiểu hoặc gọi tắt là Lăng Ông. Không ai dám gọi là Lăng Ông Lê Văn Duyệt vì… sợ “Ngài” quở chết.
Khôi phục tên đường Lê Văn Duyệt hiện nay chính là gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố. Do Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt nằm trên địa bàn làng Bình Hòa xưa – từ thời nhà Nguyễn, cho đến quận Bình Thạnh ngày nay, cộng với công trình Cầu Bông cũng gắn liền với lịch sử lúc sinh thời của Đức Tả quân, nên chính quyền của tỉnh Gia Định cũ đã cho đặt tên Đại lộ Lê Văn Duyệt cho tuyến đường nối từ Cầu Bông đến Lăng Ông. Việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử cho cả thế hệ sau.
Ngoài ra, riêng Đô thành Sài Gòn (trước năm 1975) còn một con đường khác mang tên Lê Văn Duyệt. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ghép bốn con đường Verdun, Nguyễn Văn Thinh, Thái Lập Thành, Chanson thành đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), chạy từ quận 1 đến quận Tân Bình (theo Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Đình Tư).
TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT: NGƯỜI MỞ MANG ĐẤT NAM BỘ
Nói về Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), Ngài sinh ra trong gia đình nông dân ở Cù Lao Hổ, nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang. Tổ tiên ông có gốc tích ở Quảng Ngãi, sau vào Nam sinh sống. Vua Gia Long xem Lê Văn Duyệt là Đệ nhất khai quốc công thần và phong chức Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân. Ông được giao làm Tổng trấn Gia Định thành (cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và An Giang) lần thứ nhất từ 1813 đến 1816; lần thứ hai từ 1820 đến khi qua đời.
Lê Văn Duyệt đã có công phò tá Nguyễn Phúc Ánh được phong làm Cai cơ. Ông đã lập nhiều chiến công lớn, góp phần đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vua. Năm 1801, vua Gia Long phong ông làm Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân, Tước Quận công. Năm 1802, ông cùng Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đem quân đi bình định miền Bắc, được lãnh chức Kinh Lược xứ Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ nước Chân Lạp (Campuchia). Lần thứ hai, vào năm 1820, ông lại được cử làm Tổng trấn Gia Định. Ông cai quản thành Gia Định và cả miền Nam đến khi mất (1832), thọ 69 tuổi.
Sách Đại Nam nhất thống chí là bộ địa lý học – lịch sử được biên soạn dưới triều Nguyễn vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ở mục “nhân vật” tỉnh Quảng Ngãi, các tác giả chọn Lê Văn Duyệt là một trong những người cần ghi lại công tích và biểu dương sự nghiệp với nhận định như sau: “… Duyệt là người thâm trầm, dữ tợn, chiến đấu giỏi. Võ công của Duyệt đứng hàng đầu, sau được phong tước Quận công…. Sau đó, làm Tổng trấn Gia Định thành, dẹp loạn người Cao Miên là Tăng Kế, sau trông nom đào kênh Vĩnh Tế, công việc xong xuôi được ban thưởng hậu”.
John White – người Mỹ đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn đã tỏ ý rất kính phục Tả quân ngay sau lần hội diện đầu tiên. Ông có ghi lại như sau: “Dáng điệu và phong độ của ông này (Lê Văn Duyệt) có vẻ uy nghi lẫm liệt. Ông là một đại thần đầy kinh nghiệm nhưng vẫn giữ được đức độ cương trực của con nhà tướng. Tính tò mò muốn hiểu biết và cách thức ông lựa vấn đề đem ra luận bàn cho thấy ông là người có đầu óc phóng khoáng, luôn muốn trau dồi kiến thức. Những lời bàn chính đáng của ông trong nhiều vấn đề chứng minh ông có một khả năng tự nhiên rất mạnh và tầm kiến thức rất rộng. Chiến sự, chính trị, tôn giáo và những phong tục tập quán các nước Âu Tây là những vấn đề mà ông tranh luận đến một cách chăm chú…”.
John White còn viết thêm: “Sau khi gặp gỡ bậc vĩ nhân đó, ai cũng phải cảm thấy tiếc rằng lịch sử đã không xui khiến để ngôi báu lọt vào tay ông, vì ông mới là người biết dùng quyền lực để bồi đắp sự vinh quang và hạnh phúc cho dân tộc, hơn hẳn ông vua độc tài thuở ấy…”.
Trong bản tường trình của John Crawfurd – thương nhân người Anh dẫn đầu phái bộ ngoại giao của Toàn quyền Ấn Độ khi ghé thăm Gia Định năm 1822 – ông đã mô tả phong độ Tả quân Lê Văn Duyệt: “Ai cũng biết Tả quân xuất thân làm hoạn quan, nhưng nếu không được người khác cho biết thì chúng tôi đã không thể tự tìm hiểu được điều đó. Đã đành ông hoàn toàn không có râu, nhưng râu ria người Nam Kỳ là điều rất hiếm mặc dầu họ rất ưa để mọc ít nhiều. Giọng nói của ông thì cũng nhỏ nhẹ nhưng không tới độ khiến ta nghi ngờ. Là người đã đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến và cuộc cách mệnh vừa qua ở Nam Kỳ, ông là một nhân vật hoạt bát và thông minh. Ông cũng là một người nhỏ nhắn, mảnh khảnh nhưng trông vẫn khỏe, chẳng hề đau ốm gì trừ bệnh đau răng đã khiến cho ông bị mất gần hết hàm răng. Những vị quan lại khác thì bận những thứ quần áo lụa thêu thùa đủ kiểu, nhưng Tả quân thì trái lại, ông hoàn toàn không để ý tới cách ăn bận và chỉ mặc một bộ áo dài thâm và vấn quanh đầu một chiếc khăn nhiễu cũng màu đen”.
Trong đối nội, tư tưởng chủ đạo của Lê Văn Duyệt là tư tưởng vì dân. Ai cũng biết, thuở đó Sài Gòn và Nam Bộ là vùng đất mới rất lộn xộn, lại thêm chiến tranh loạn lạc kéo dài, nên người dân chưa tụ và chưa thể an cư. Chưa an cư thì làm sao lạc nghiệp? Vậy thì việc đầu tiên phải làm đối với vị Tổng trấn là phải an dân. Ông vừa là người thiết kế, vừa là người trực tiếp thi công chính sách an dân. Hơn cả “một vị quan cai trị tốt”, ông là người đã tìm ra động lực của sự phát triển, khơi dậy khát vọng lập nghiệp ở vùng đất mới trong lòng dân chúng.
Ông chủ trương trừng trị rất nặng bọn tham quan, ô lại và chăm lo tới đời sống dân chúng, binh sĩ. Theo lệnh của triều đình nhà Nguyễn, Lê Văn Duyệt buộc phải đem quân đàn áp một vài cuộc nổi dậy ở miền tây Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa,… song ông chủ trương dụ hàng là chính chứ không thẳng tay đàn áp. Số người đầu hàng phần nhiều được chính ông thu nạp, sử dụng. Lê Văn Duyệt còn thành lập hai cơ quan từ thiện là “Anh hài” để rèn luyện võ nghệ cho trẻ thích việc kiếm cung và “Giáo dưỡng” để cho những trẻ khác và quả phụ học văn chương, nghề nghiệp.
Tả quân Lê Văn Duyệt lúc bấy giờ rất uy quyền, ai ai cũng kính phục, gọi là Thượng Công. Đương thời, các nước lân cận đều sợ oai phong của ông nên ông còn có biệt danh là Cọp Gấm Đồng Nai – một trong ‘ngũ hổ tướng’ Gia Định (bốn người còn lại là Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu). Năm 1825, trong lúc Minh Mạng và Triều đình Huế chủ trương cấm đạo Thiên chúa và lệnh cho các quan phải khám xét các tàu bè của ngoại quốc ra vào cửa biển, Tả quân Lê Văn Duyệt lại áp dụng chính sách mềm dẻo, cởi mở hơn đối với Giáo sĩ và giáo dân Thiên chúa giáo, chủ trương tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo để ổn định chính trị và xã hội.
Việc cai trị của ông đã góp công lớn giúp ổn định và phát triển khu vực Nam Bộ, tạo tiền đề cho vùng này từ một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thành một khu vực bình yên và giàu có, kinh tế phát đạt. Tả quân Lê Văn Duyệt chính là người lãnh đạo tiên phong đưa Sài Gòn mở cửa, khi đưa ra chủ trương mở cửa kinh tế, khuyến khích nhân dân Gia Định thành làm ăn, buôn bán. Và khi “nội thương” phát triển, tất dẫn tới nhu cầu phát triển “ngoại thương”. Có thể nói, sự phát triển ngoại thương thời Lê Văn Duyệt gắn liền với chính sách đối ngoại cởi mở mà ông thực thi, đặc biệt trong điều kiện chính quyền nhà Nguyễn bắt đầu chủ trương “bế quan tỏa cảng” và “cấm đạo”.
“Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị tổng trấn của họ…. Tôi bất ngờ thấy rằng, nơi đây không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý và an ninh ở đây tốt hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng”, John Crawfurd nhận xét về Gia Định thành khi lần đầu đến thăm.
Tả quân Lê Văn Duyệt đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vùng đất phương Nam. Ông vừa làm tốt công tác bảo hộ Cao Miên, ngăn chặn hữu hiệu ý đồ xâm lược của Xiêm La. Trong thời gian ở Gia Định, ông đã đề xuất với triều đình đào kênh Vĩnh Tế nhằm thoát nước, tiêu úng thay chua rửa phèn cho đồng ruộng. Kênh Vĩnh Tế, bắt nguồn từ bờ hữu ngạn sông Hậu (nay thuộc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), nối liền với rạch Giang Thành (thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), nằm dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia, cách 2km về phía nước ta, dài khoảng 80km, rộng 25m, sâu độ 5m. Con kênh có ý nghĩa quan trọng lâu dài về nhiều mặt; vì vậy khi chuẩn bị đào, nhà vua đã xuống chiếu dụ dân Vĩnh Thanh như sau: “Đào con kênh này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”.
Công trình kênh Vĩnh Tế có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt và hiệu quả mang lại rất lớn cho cho đất nước đến mãi ngày hôm nay. Trên hết, con kênh có ý nghĩa quốc phòng, đây là đường phòng bị, hậu cần, bảo hộ biên giới và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lại là phên dậu đất Gia Định. Dưới cái nhìn của vị võ quan từng kinh qua trận mạc ở chiến trường này và trong tầm nhìn chiến lược Tổng trấn Gia Định, Lê Văn Duyệt hơn ai hết hiểu được tầm quan trọng của con đường thủy này về mặt quốc phòng.
Kênh Vĩnh Tế còn mang ý nghĩa thương mại vì đây là đường xuôi ngược cho những ghe thương hồ từ vùng biển trấn Hà Tiên sầm uất ngày nào vào sâu trong nội địa đồng bằng để xuôi dòng sông Hậu hoặc qua sông Tiền về Sài Gòn, Gia Định hoặc qua các tỉnh hạ lưu trước khi ra biển lớn. “Trẫm sắp đào kênh Châu Đốc để thông tới Hà Tiên, lợi của nước người cũng là lợi cho nông thương. Về bảo với chúa ngươi nên hiểu ý ấy.” Con kênh cũng mang ý nghĩa giao thông vì lượng tàu bè tấp nập qua lại bất kể ngày đêm và trước đây là “độc đạo” nối liền hai trấn Hà Tiên, Vĩnh Thanh. Nói như Trịnh Hoài Đức, dân chúng được “hưởng sự tiện lợi vô cùng”.
Tóm lại, có thể nói, trong gần 200 năm qua, các sử gia đã có nhiều đánh giá khác nhau về cuộc đời Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhưng với nhân dân Sài Gòn – Gia Định và cả miền Nam, Lê Văn Duyệt vẫn là một người có nhiều công đức đối với dân, với nước. Nhân dân coi ông như một vị thần, hình tượng Đức Tả quân đã trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của nhân dân miền Nam. Từ năm 1848 đến nay, nhân dân đã nhiều lần đóng góp công sức tiền của để xây dựng, tu sửa, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lê Văn Duyệt, toạ lạc uy nghi trên một khuôn viên rộng 18.500m2 ở số 126 đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Nhân dân đã tôn vinh gọi mộ và đền thờ của Lê Văn Duyệt là Lăng Ông với tất cả lòng thành kính. Lăng Ông trở thành địa chỉ tín ngưỡng, điểm đến tâm linh của người dân và sống mãi trong tâm thức nhân dân vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa.
Lịch sử Việt Nam không hiếm những tướng tài, những người cầm quân giỏi qua các triều đại. Lê Văn Duyệt đã từng là một tướng tài trong sự nghiệp phò tá Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế. Không chỉ như thế, ông còn là người có công lớn trong việc kinh bang tế thế, phát triển giao thương, mở cửa vùng đất Nam Bộ ngày nay. Cuối cùng, sau nhiều “nước biến” phức tạp của những ván cờ thời cuộc, lịch sử đã trả lại công bằng cho một con người tưởng chừng xứng đáng được tôn vinh nhiều hơn những gì đang có như Tả quân Lê Văn Duyệt. Một con người có nhân, đức, trí, dũng. Một con người có tư tưởng vì dân. Một nhà cai trị có chủ trương mở cửa, cách tân.
* Th.S Đào Ngọc Lam Phương – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM).
Tài liệu tham khảo:
1. Thạch Phương – Lê Trung Hòa (2001), Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, tr.415.
2. Thạch Phương – Lê Trung Hòa (2001), Sđd, tr.404.
3. Thạch Phương – Lê Trung Hòa (2001), Sđd, tr.172.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam nhất thống chí (tập 2), Nxb Thuận Hóa, tr.444-445.
5. Tạp chí Xưa và Nay (2013), Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ, Nxb Hồng Đức, tr.231.
6. Tạp chí Xưa và Nay (2013) Sđd, tr.233.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện (tập 2), Nxb Thuận Hóa, tr.393.
8. John Crawfurd, Journal of an embassy from the Governor – general of India to the courts of Siam and Cochin China. Henry Colburn, 1828, London.
9. Hoàng Lại Giang (2016), Lê Văn Duyệt từ nấm mồ oan khuất đến lăng Ông, Nxb Hồng Đức, tr.65
10. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục (tập 1), Viện sử học, Nxb Giáo dục, 2007, tr.997.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục (tập 1), Viện sử học, Nxb Giáo dục, 2007, tr.952.
12. Trịnh Hoài Đức (2019), Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.427.
Good job, Andrew, you must be fine, no matter how good or bad your grades are, you can be lose weight for wrestling fast frank cialis for sale Constitute the 1 gram, or 2 grams vial, of cefepime for injection with the one of the following diluents Sterile Water for Injection 0