Phật pháp là bất định pháp, Đức Phật thuyết giảng phù hợp với căn cơ, trình độ nhận thức của người nghe. Khi còn trụ thế, những bất đồng trong Tăng đoàn liên quan đến tu tập, sinh hoạt bao giờ cũng được Ngài giải quyết triệt để. Tiếng nói của Đức Phật là âm hùng vang sư tử, có giá trị tuyệt đối với Tăng đoàn và tứ chúng đều tuân theo. Sau khi Đức Phật diệt độ, không ai có thể thay thế được vai trò của Ngài, mầm mống của sự bất đồng, phân hóa dần dần lớn lên, trở nên gay gắt và đưa tới sự phân chia bộ phái.
SỰ HÌNH THÀNH ĐẠI CHÚNG BỘ
Về mặt lịch sử, dù Phật giáo truyền bá rộng khắp lãnh thổ Ấn Độ nhưng không chế định một giáo hội trung tâm, các vị Thánh tăng lại lần lượt qua đời, hoàn cảnh xã hội có những thay đổi nhất định, từ những cách biệt đó đã đưa đến những quan điểm bất đồng, thậm chí đối lập trong nhận thức về lời Phật dạy.
Từ bối cảnh trên, sau khi Đức Phật diệt độ hơn trăm năm, một số bất đồng về mười điều phi pháp đã dẫn đến kỳ kết tập kinh điển tại thành Vesali [1]. Số đông Tỳ kheo không tán thành việc cho rằng mười điều được nêu ra trong nghị hội là phi pháp nên tổ chức một hội nghị kết tập riêng và thành lập Đại chúng bộ (Mahàsamghika). Số các trưởng lão còn lại (700 vị A la hán) vẫn tiếp tục công tác kết tập kinh điển, sau đó hình thành Thượng tọa bộ (Theravada). Tuy vậy, đối chiếu với tư liệu Phật giáo bắc truyền như Dị Bộ Tông Luận, sự phân hóa trong thời kỳ này không liên quan đến mười điều phi pháp mà do thuyết của Đại Thiên (Mahadeva), còn gọi là ngũ sự Đại thiên. Theo đó, một bậc A la hán dù đã đoạn tận các lậu hoặc, chứng tam minh nhưng vẫn bị ràng buộc trong những việc như nhục thân có thể bị ác ma cám dỗ nảy sinh hiện tượng mộng tinh; do dự về những điều hợp lý hay không hợp lý; không toàn tri mọi điều trong đời sống thế tục; phải nhờ Phật hay bậc sư trưởng chỉ dẫn mới biết đã chứng ngộ.
Đại chúng bộ truyền bá về Trung và Nam bán đảo Ấn Độ, còn Thượng tọa bộ lúc bấy giờ di chuyển đến phía bắc Ấn Độ, đặt trung tâm tại vương quốc Kasmir. Trên cơ sở sự phân hóa về tổ chức giáo đoàn, ngoài những điểm tương đồng trong các vấn đề giáo lý cơ bản, hai bộ phái trên đã dần dần hình thành một số điểm dị biệt trong nhận thức về vạn pháp, đạo lộ, quả vị chứng ngộ… Thượng Tọa Bộ có khuynh hướng coi trọng truyền thống và nỗ lực nhằm bảo lưu mọi giá trị của truyền thống. Đại Chúng Bộ có khuynh hướng cấp tiến, đề cao trí tuệ, có phần chú trọng lý tưởng hơn là những quy định vốn có trong truyền thống. Tư tưởng Phật giáo trong thời kỳ phân hóa các bộ phái mà bắt đầu từ cuộc phân hóa Thượng tọa – Đại chúng bộ, là phong phú đến phức tạp về học thuyết.
Đại Chúng Bộ nhất trí với nội dung kinh điển được tụng lại trong hội nghị kiết tập do Trưởng lão Đại Ca-diếp chủ trì nhưng có tính thêm một số bài pháp đã bị loại khỏi tam tạng. Họ chia kinh điển thành năm phần cụ thể: Kinh (Sūtra), Luật (Vinaya), Luận A-tỳ-đàm (Abhidharma), Tạp tạng và Đà-la-ni (Dhārani) [2], có vẻ là họ đã có một bộ Đại tạng kinh hoàn chỉnh. Luật Tạng Đại Chúng Bộ giống như Luật Tạng được trùng tuyên trong hội nghị kết tập lần thứ nhất (Ngài Pháp Hiển đã dịch Tạng Luật này vào năm 416). Nhiều học giả cho rằng bất đồng giữa trường phái Nguyên thủy và Đại chúng bộ chỉ nằm ở mười điều phi pháp.
GIÁO NGHĨA CƠ BẢN CỦA ĐẠI CHÚNG BỘ
Từ phương diện là một bộ phái Phật giáo, Đại Chúng Bộ luôn coi trọng giáo lý của Đức Phật trong quá trình hoằng truyền, nhưng luôn phải thích nghi với yêu cầu cơ bản đó là tự do tư tưởng và phù hợp với nếp sinh hoạt thực tế của xã hội. Điển tịch của Đại Chúng Bộ lưu lại, hiện chỉ còn tác phẩm Đại Sự Kinh và tản mạn trong các tác phẩm khác có trích dẫn lại, như Dị Bộ Tông Luận, Kathavattu (Luận sự trong bộ A Tỳ Đàm tạng Pali), Đại Tỳ Bà Sa Luận…
Hiện Tượng Luận
(hay Vạn hữu luận)
Hiện tượng luận là sự quan sát những hoạt động của vạn hữu. Đại Chúng Bộ chủ trương “hiện tại hữu thể, quá khứ, vị lai vô thể” và chỉ thừa nhận hiện tại là thực hữu, còn quá khứ thì đã qua rồi, vị lai thì chưa xuất hiện. Nhân đó cho rằng quá khứ và vị lai là do được suy định từ pháp hiện tại mà có. Từ phương diện triết học, giáo lý của Đại Chúng Bộ là phê phán thực tại luận, phủ định hiện tượng, nên đề xướng ra pháp không luận. Quá khứ, vị lai là pháp khách quan, nhưng không thể ly khai nhận thức chủ quan để tồn tại. Vì thế mà nói “quá khứ, vị lai là vô thể, chỉ hiện tại mới hữu thể”. Đấy là nền tảng của tư tưởng “duyên khởi quan”. Tư tưởng này cho rằng việc tồn tại của tam thế là không có thực tánh độc lập, vì là pháp hiện tại vĩnh viễn sẽ trở thành quá khứ, nhưng cũng là tiến đến tương lai, tuy chỉ tạm trú trong quan niệm ở sát na hiện tại. Do đó, nên gọi là “sắc pháp tạm trú”. Có thể thấy, chủ trương của “quá vị vô thể, hiện tại hữu thể” của Đại Chúng Bộ gần với thuyết Ngã pháp câu không luận [3].
Bản thể luận
Bản thể luận của Đại Chúng Bộ là “Vô vi pháp luận”. Họ nêu ra 9 loại vô vi pháp: trạch diệt, phi trạch diệt, hư không, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, duyên khởi chi tính, thánh đạo chi tính. Kiến giải về 3 vô vi pháp ban đầu (trạch diệt, phi trạch diệt, hư không) của Đại Chúng Bộ tương đồng với Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (một bộ phái phân tách từ Thượng Tọa bộ). Trạch diệt nghĩa là nhờ vào sự tuyển trạch mà được diệt độ, lìa được mọi triền phược, chứng lý Không tức là Niết bàn. Nương vào sự đoạn được một hoặc, tức là được một trạch diệt vô vi, đoạn hoặc trạch diệt hai bên cân đối nhau, nên có tên trừu tượng là trạch diệt vô vi. Phi trạch diệt vô vi thì bản lai nhất như thanh tịnh, không cần sức lựa chọn của trí tuệ mới hiển ngộ. Hư không vô vi là khoảng không gian vô tận, không có sự chướng ngại cả mọi pháp và cũng không bị mọi pháp làm chướng ngại, có tính chất chướng ngại. Vì có vô ngại tính, nên sắc pháp được tự do, tự tại sinh diệt ở trong đó [4]. Với các pháp vô phi còn lại, Đại Chúng Bộ chủ trương đoạn được một phần hoặc, chứng được một phần diệt, nương vào phần diệt đó sinh lên xứ cao hơn. Duyên khởi chi tính vì có lý pháp nhất định không thay đổi để điều hòa sự sinh khởi cho nhân quả, tương tục không ngừng nên là pháp vô vi. Thánh đạo chi tính là Tứ diệu đế đều được xem là vô vi pháp vì giúp lìa khổ.
Tâm tính bản tịnh luận
Tâm tính, tức là nói đến bản chất, bản tính của tâm. Tâm ở đây không phải là tâm phân biệt, hay nhục đoàn tâm đời sống thường ngày, đối với bản tính của Tâm, Đại Chúng Bộ chủ trương “tâm tịnh thuyết” hay là “Tâm tính bản lai thanh tịnh”: “tâm, tính vốn tịnh, do bị khách trần tùy phiền não khiến cho nhiễm ô, làm tâm trở nên bất tịnh” [5]. Chủ thể của hữu tình chúng sanh là tâm, bản tính của tâm bản lai (xưa nay) là tịnh, nhưng do bị phiền não có tính khách quan làm cho nhiễm ô, nhân đấy tâm trở thành bất tịnh nên gọi là phàm phu. Khi tâm lìa mọi mê vọng tạp nhiễm nhờ nương sự tu đạo, tâm sẽ trở nên thanh tịnh, hiển hiện được bản tính của nó.
Đại Chúng Bộ còn có thuyết “tâm tự duyên” được nhắc đến trong Dị Chấp Tông Luận: “các hàng Dự lưu, tâm và tâm sở pháp của họ có thể liễu triệt được tự tánh”. Dự lưu là thánh quả đầu tiên mà bậc hữu học có thể đắc. Pháp mà tâm, tâm sở của hàng, Dự lưu duyên đến được có khả năng liễu triệt bản tính của tự tâm. Bậc thánh Dự lưu là người về lại với tâm bản tịnh của mình, vì vậy tâm có khả năng tự duyên vào bản tính của chính nó. Đại Chúng Bộ còn có thuyết “tùy miên” và “chủng tử”. Bộ này lấy tùy miên và “triền” mà chia phân ra; cho rằng tùy miên là chủng tử của tùy phiền não, trong khi “triền” là sự hiện hành của phiền não. Chủng tử được coi là nhân tố tiềm phục, còn hiện hành là sự thực được phát sinh. Có thể nói, tư tưởng về chủng tử của Đại Chúng Bộ đã vun đắp cho Duy thức học của Phật giáo Đại thừa về sau.
Phật thân quan và Đạo lộ
Đại Chúng Bộ cho rằng, Đức Thế Tôn vì nương vào nhân hành của nhiều kiếp nên có quả báo thực thân, đối với không gian thì Biến mãn nhất thiết xứ, đối với thời gian thì Thọ mệnh vô tận. Uy lực của Đức Phật cũng vô biên tế, giáo hóa khắp mọi loài hữu tình, tùy nghi mà giáo hóa, tùy thời mà nhập diệt, rất tự tại. Sự diệt độ của Ngài cũng là hóa thân, là tùy cơ ứng hiện. Quan niệm về Phật thân của Đại Chúng Bộ có màu sắc lý tưởng hóa, siêu việt hóa Đức Phật. Phật thân là vô lậu thân, không còn là hữu lậu pháp.
Đối với đạo lộ, Đại Chúng Bộ là bộ phái nghiêng hẳn về tu huệ với thuyết huệ vi gia hạnh. Ngoài giới luật phải nghiêm trì (bộ Maha Tăng kỳ Luật), khi hành giả tu tập định theo chủ trương “Tứ thánh đế nhất thời hiện quán”, nghĩa là đi thẳng vào không vô ngã tánh của Tứ đế cộng tướng, ấy là do quán sát thấy tất cả các pháp vô thường nên là khổ, khổ cho nên không có ngã và ngã sở. Diệt đế là chứng nhập không tịnh vô sinh.
Đối với mỗi quả vị của Thượng Tọa Bộ tương ứng như Sơ quả (Dự lưu), Nhị quả (Nhất lai), Tam quả (Bất lai), Tứ quả (A la hán), Đại Chúng Bộ phân tích thêm, đặt ra mỗi quả vị một bậc nữa, thành ra có tám bậc cho tứ quả: Sơ quả hướng, Sơ quả. Nhị quả hướng, Nhị quả. Tam quả hướng, Tam quả, Tứ quả hướng, Tứ quả gọi chung là “Tứ song bát bối”.
Ngoài tứ song bát bối, họ cho rằng còn có quả vị Bồ tát và quả vị Phật. Bồ tát thuộc hạng người “siêu nhân gian tính”, “tất cả các vị Bồ tát đều nhập vào thai mẹ, nhưng không thọ thai chất làm tự thể, vì tất cả Bồ tát khi vào thai mẹ không khởi dục tưởng không khởi nhuế tưởng, không khởi hại tưởng; vì muốn chiêu ích chúng sinh mà Bồ tát nhập thai, các Ngài tự nguyện đi vào đường hiểm, nên các Ngài tùy ý mà đến mà đi” [6]. Rõ ràng, tư tưởng về Bồ Tát này đã nhuộm màu sắc lý tưởng hóa.
Có thể nói, sự ra đời của Đại Chúng Bộ góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm tư tưởng của Phật Giáo thời bấy giờ. Là một tông phái khởi nguồn, Đại Chúng Bộ hàm chứa trong giáo nghĩa những chất xúc tác giúp phát triển các phái lớn, trong đó có Phật giáo Mahayana. Chung cuộc, dù là tông phái nào, những giáo nghĩa của họ vẫn y cứ trên tuyên thuyết của Đức Phật, giúp hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh.
Chú thích:
[1] Mười điều phi pháp, hay mười điều không có trong giới luật do một số Tỳ kheo ở Vesali nêu lên, gồm:
1. Diêm tịnh: thức ăn ướp muối để cách đêm vẫn được dùng.
2. Chỉ tịnh: có thể ăn quá giờ ngọ một chút, trong khoảng thời gian mặt trời xế bóng chừng hai lóng tay.
3. Tụ lạc gian tịnh: được ăn thêm lần nữa nếu đến làng khác mà chưa quá ngọ.
4. Trụ xứ tịnh: ở đâu thì bố tát tại đó.
5. Tùng ý tịnh: những quyết định đã thông qua, dù đa phần hay thiểu số, đều có hiệu lực.
6. Cửu trụ tịnh: làm theo thói quen tiền lệ vẫn không trái với giới luật.
7. Sinh hòa hợp tịnh: sau giờ ngọ, có thể uống nước pha với sữa.
8. Bất ích lũ ni sư đàn tịnh: tọa cụ nếu không có viền chung quanh thì có thể dùng khổ lớn hơn quy định.
9. Thủy tịnh: có thể dùng rượu pha với nước để uống trong trường hợp chữa bệnh.
10. Kim tiền tịnh: trong trường hợp cần thiết, Tỳ kheo có thể giữ tiền bạc.
[2] Theo Đại Đường Tây vực ký.
[3] Thích Thanh Kiểm (1963), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Vạn Hạnh, tr.118.
[4] Thích Thanh Kiểm (1963), Sđd, tr.112.
[5] Pháp sư Thánh Nghiêm – Thích Tâm Trí (dịch) (2008), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông, thuvienhoasen.org.
[6] Pháp sư Thánh Nghiêm – Thích Tâm Trí (dịch) (2008), Tlđd.
I like this web site very much, Its a rattling nice position to read and incur info.Blog money